“Đi chợ” chứng chỉ

Đóng 300.000 đồng: Thi chiếu lệ. Không làm được bài: Có thầy giáo, giám thị làm hộ. Thích giỏi, cho giỏi; muốn khá, được khá. “Mua đứt” khỏi phải thi: Đóng 400.000 đồng. “Mặt hàng” phong phú: Chứng chỉ tin học ngoại ngữ, nấu ăn, hướng dẫn viên, kế toán, cơ khí…

“Thích giỏi cho giỏi, thích khá cho khá”

Vừa dừng xe trước một trong số dãy “bàn tuyển sinh” nằm ngay trong khuôn viên trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), tôi đã được một phụ nữ ngoài 30 đon đả mời chào đăng ký các lớp học và thi lấy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Khi biết tôi tuy trình độ “lẹt đẹt” nhưng vẫn muốn có chứng chỉ tin học văn phòng và tiếng Anh C để “làm đẹp” hồ sơ xin việc, chị ta phẩy tay: “Yên tâm, em cứ đăng ký, đóng tiền là chắc chắn đỗ. Thích giỏi cho giỏi, thích khá cho khá.” 

Thấy tôi có vẻ hơi nghi ngờ, chị ta đưa ngay cho xem mẫu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ có chữ ký của ông Vũ Thế Khanh – Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) và dấu của UIA, đồng thời tiếp thị luôn: “Em đóng 70.000 đồng tin học và 230.000 đồng tiếng Anh là vào thi, một tuần sau có bằng luôn. Còn nếu nộp 400.000 đồng mua đứt luôn cả hai thì khỏi phải thi”.

Tôi ngỏ ý muốn thi để tiết kiệm được một chút tiền. Sau khi đóng 300.000 đồng, người phụ nữ dắt vào một trung tâm Tin học, ngoại ngữ trong khu tập thể ĐH Sư phạm gặp một phụ nữ khác tên Quang để “làm nốt thủ tục”.  

Vừa ngồi xuống ghế, tôi đã được Quang đưa ngay cho hai đề thi, Tin học văn phòng trình độ B và Tiếng Anh trình độ C và bảo “Làm luôn đi em!”

Khi tôi thắc mắc tại sao không có tổ chức thi cử đàng hoàng mà chỉ một người thi, lại ngồi làm bài ngay trong phòng đăng ký tuyển sinh của trung tâm, Quang giải thích rằng thông thường thì có một buổi thi tập trung vào sáng thứ bảy nhưng có thể linh hoạt cho thi lúc nào cũng được để “thuận lợi cho các thí sinh”.  

Ngó qua đề thi, tôi lắc đầu ngao ngán: “Chị ơi, em chịu thôi, khó thế này làm sao làm được.” Quang cười trấn an: “Làm được bao nhiêu thì làm, còn lại cứ để đấy. Thời gian làm bài là 180 phút cho cả hai môn nhưng em xong lúc nào thì về lúc đấy”. 

Trong khi tôi ngồi làm bài, thỉnh thoảng lại có người ra vào, nói chuyện râm ran. Học sinh đến đăng ký học, mua tài liệu liên tục. Trả lời được chưa đầy một nửa đề thi tin học, tôi buông bút “cầu cứu”. 

Quang “điều” ngay một thanh niên được giới thiệu là giảng viên của trung tâm ra làm nốt bài. Trong lúc “thầy giáo” này hoàn thành nốt bài tin học giúp tôi thì chị Quang đã nhanh tay chấm luôn bài tiếng Anh của tôi và không quên “khen ngợi”: “Tiếng Anh khá thế này sao tin học kém thế?” Tôi cười trừ: “Tại em học lâu quá rồi mà. Nhưng chị linh động cho em bằng khá nhé!”. Quang gật đầu và hẹn thứ hai đến lấy. 

Gi gỉ gì gi, bằng gì cũng có 

 

Đoạn ngõ dài hơn 100m của khu tập thể trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) có gần 10 trung tâm tổ chức thi chứng chỉ

Trong vai cô em gái đi tìm “mua” bằng cho anh trai vì quá bận rộn mà không trực tiếp đến thi được, dạo qua một vòng các trung tâm khác trong khu tập thể trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), tôi luôn nhận được lời mời chào nồng nhiệt và đảm bảo chất lượng của trung tâm.  

Một số trung tâm không nhận “mua đứt trọn gói” mà vẫn yêu cầu “khách hàng” có mặt dù chỉ vài phút để “có chữ của mình trên bài thi cho an toàn”.

Đến trung tâm của một phụ nữ tên Phương Lan, tôi ngỏ ý muốn làm hẳn chứng chỉ của Bộ GD-ĐT cho “xịn”. Hai nhân viên ở bàn tuyển sinh đồng ý ngay và cho tôi xem phôi bằng chuẩn kèm theo dấu đỏ của Bộ để “làm tin”.  

Chị ta cũng nói thêm “Lấy chứng chỉ của Bộ hơi đắt nhưng mà “oai”. Nộp 350.000 đồng, không cần đến thi vẫn có bằng B tiếng Anh.” Theo lời chị thì Bộ tổ chức thi gắt gao hơn trung tâm nhưng vẫn có thể trà trộn một vài trường hợp vào. Chỉ cần đăng ký trước, chị ta sẽ đưa tên vào danh sách, đến hôm đó miễn thi nhưng vẫn được nhận bằng bình thường.

Khi biết ý định của tôi muốn được làm bằng loại giỏi, nam nhân viên của trung tâm tư vấn: “Thích làm bằng giỏi thì cứ nói trước với anh, nhưng thông thường mọi người chỉ thích bằng khá thôi để về cơ quan không bị soi mói nhiều”. 

Thấy tôi quan tâm nhiều đến các loại văn bằng chứng chỉ, hai nhân viên tranh thủ “tiếp thị” luôn: “Ở đây làm tất cả các loại chứng chỉ, Anh, Pháp, Nga, Trung…, kể cả chứng chỉ nghề như nghiệp vụ kế toán, điện lạnh, cơ khí, nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch…”. 

Biết tôi là sinh viên vừa ra trường, bạn bè có nhiều nhu cầu làm chứng chỉ, chị Lan chủ động đề xuất “hợp tác làm ăn”. Nếu tôi “dắt mối” được nhiều bạn bè đến, chị sẽ chia hoa hồng và một chút tiền “xăng xe, điện thoại”.

Tiễn tôi ra sân lấy xe, chị vỗ vai: “Trung tâm chị làm việc chục năm rồi, rất có uy tín. Bằng cấp về có vấn đề gì có thể quay lại, chị giải quyết hết.” 

Hầu hết các trung tâm này đều cấp chứng chỉ của Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng UIA.  

Ông Nguyễn Thế Mỹ, Trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: “Chỉ có Bộ GD-ĐT mới được cấp chứng chỉ; các cơ quan khác chỉ được phép cấp giấy chứng nhận. Những trung tâm ngoại ngữ, tin học trôi nổi nhưng vẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ là trái quy định và sẽ có các đoàn kiểm tra liên ngành xử lý.”

Xổ số miền Bắc