Doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP

(HG) – Là nhấn mạnh của ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tổ chức vào ngày 20-12. Dự tại điểm cầu Hậu Giang, có ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến UBND tỉnh Hậu Giang.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Những kết quả sau 5 năm sẽ giúp nhìn nhận rõ hơn về ngành công nghiệp văn hóa, thể hiện ý thức và trách nhiệm của từng bộ, ngành. Mục tiêu đến năm 2030, doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP. Các ngành công nghiệp văn hóa sẽ phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Sau hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập hợp ý kiến tham luận, đề xuất báo cáo Chính phủ nhằm có những bổ sung, điều chỉnh chiến lược hoặc đưa ra một số giải pháp để phát triển phù hợp trên cơ sở hiện tại. Phát triển công nghiệp văn hóa là việc làm lâu dài, căn cơ, phải thực hiện từng bước và cần có lộ trình cụ thể.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỉ USD, tương đương 3,61% GDP.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa gặp phải những khó khăn do đây là nội dung còn mới mẻ; chưa thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia… Có 5/12 ngành công nghiệp văn hóa gồm điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện. Các ngành còn lại là kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai thực hiện. Tính đến ngày 30-6-2021, tổng số nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong cả nước là 899.950 người. Ngoài ra, có 14.935 trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

lTại Hậu Giang, việc phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với quảng bá hình ảnh quê hương, con người Hậu Giang “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”. Tỉnh đã đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, nước ngoài đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật. Từng bước xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của những ngành có tiềm năng. Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống kết hợp với loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm đặc trưng, chất lượng cao…

Tin, ảnh: HỒNG NHUNG

Xổ số miền Bắc