Độc đáo ẩm thực các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên

Độc đáo ẩm thực các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên

Liên hoan Diễn xướng dân gian Văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 đã mang đến cho người dân ở đại ngàn Măng Đen những mâm cỗ truyền thống độc đáo riêng về ẩm thực của từng dân tộc ở các tỉnh khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên.

Trong khuôn khổ Liên hoan, Ban tổ chức đã tổ chức Hội thi “Trai tài- Gái đảm” với sự tham gia của 19 đoàn gồm 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng), An Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng nhiều hoạt động đa dạng của Hội thi như bắn nỏ, kéo co, vật tay thì tôi thực sự ấn tượng bởi sự tài ba của các cô gái trong phần thi nấu ăn và trình bày mâm cỗ cổ truyền. Đây là các món ăn truyền thống gắn liền với đời sống của bà con các dân tộc sinh sống tại đây và không thể thiếu trong những ngày lễ, tết trọng đại.

Đến với Hội thi, đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Nguyên đã mang đến nhiều món ăn độc đáo của vùng. Ngoài những món đã trở nên nổi tiếng và quen thuộc với du khách như gà nướng, cơm lam khi đến với Tây Nguyên thì du khách còn được ngắm, thưởng thức những món ăn độc đáo, mang nét đặc trưng riêng.

Mâm cỗ của đoàn Kon Tum. Ảnh: PN

 

Với đội chủ nhà, đoàn Kon Tum, các cô gái Ba Na, Xơ Đăng mang đến mâm cỗ truyền thống với các món ẩm thực với chủ đề “mừng lúa mới” gồm các món gỏi chuối rừng nho, súp bắp măng tằm, cà đắng nấu thịt gác bếp, gà nướng cơm lam, rượu cần thì không thể thiếu món truyền thống của đồng bào dân tộc Kon Tum là món lá mì xào thịt một nắng và thịt nướng ống. Bởi đây là món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc Ba Na, Xơ Đăng ở Kon Tum và là món không thể thiếu, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết.

Tương tự, đoàn nghệ nhân Gia Rai (tỉnh Gia Lai) bên cạnh gà nướng, cơm lam, lá mì xào, các nghệ nhân còn mang đến cho du khách nhiều món ăn khác như thịt lợn nướng, ếch đùm lá chuối và đặc biệt là một món ăn không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Gia Rai- lá mì xào cà đắng, lòng gà đã làm tăng thêm vẻ hấp dẫn cho mâm cỗ của người Gia Rai.

Mâm cỗ của đoàn Tuyên Quang. Ảnh: PN

 

Cũng rất độc đáo, đoàn nghệ nhân tỉnh Tuyên Quang giới thiệu tới hội thi mâm cỗ truyền thống của dân tộc Dao Tiền với nét đặc trưng riêng với các món gà luộc bóp lá chanh, thịt trâu nướng, thịt heo nướng xiên có lỗ, cải bắp bị nộm cá nướng, các món từ cá chạch… Tất cả các món này đều được chế biến tỉ mỉ trình bày bắt mắt. Các món ăn này gây ấn tượng với các du khách tham quan.    

Mâm cỗ của đoàn An Giang. Ảnh: PN

 

Bên cạnh quảng bá nét độc đáo trong ẩm thực của các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, Hội thi cũng mang đến cho du khách những món ăn, mâm cỗ của các dân tộc khác ngoài khu vực. Đơn cử như đoàn nghệ nhân dân tộc Khmer tỉnh An Giang, họ mang đến hội thi mâm cỗ với những món ăn truyền thống của người Khmer như bánh gừng, các món ăn làm từ quả thốt nốt hay gỏi bò Khmer. Những món ăn này thường xuyên xuất hiện trong các lễ, hội, đám hỏi, đám cưới, tiệc gia đình, và đặc biệt là xuất hiện trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của người Khmer.

Nghệ nhân Chi Sóc Hoanh, đoàn Khmer An Giang chia sẻ: Tất cả các món ăn trong mâm cỗ đều rất quen thuộc với người dân tộc Khmer. Qua các món ăn, chúng tôi muốn gửi đến thông điệp trong đợt Liên hoan ẩm thực này là có sức khỏe là chúng ta sẽ có tất cả. Mà muốn có sức khỏe thì chúng ta phải ăn uống hợp vệ sinh, hợp khẩu vị, đảm bảo chất lượng cũng như đậm đà bản sắc dân tộc con người Việt Nam.

Mâm cỗ của đoàn Hà Nam. Ảnh: PN

 

Trong khi đó, đến từ vùng đồng bằng Sông Hồng, đoàn nghệ nhân tỉnh Hà Nam mang đến hội thi mâm cỗ truyền thống với món ăn độc đáo đã tạo nên thương hiệu cho ẩm thực của Hà Nam như hến sông Châu núi Đọi, canh cá chép lặn sông đáy, dừa xiêm hấp cốm, xôi đậu biếc dừa mè, ngũ sắc đoan ngọ, thịt ba chỉ hấp hành kẹp mắm tép…

Nhạc sĩ Nguyễn Khắc Hiển- Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam cho biết: Trong mâm cỗ truyền thống ấy, ngoài những món đã quen thuộc thì đặc biệt chúng tôi muốn mang đến hội thi món cá kho Nhân Hậu và món chuối ngự Đại hoàng. Đây là món ăn vô cùng đặc biệt của Hà Nam. Với món cá kho Nhân Hậu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Còn với món tráng miệng chuối ngự Đại hoàng là món không thể thiếu đối với các nhà vua ngày xưa.

“Mỗi một món ăn đều có ý nghĩa, đặc trưng riêng, đều xuất hiện trong các bữa cơm gia đình hay mỗi khi đãi khách. Chúng tôi đến đây với mong muốn được giới thiệu với 19 đoàn bạn các món đặc sản của vùng đồng bằng Sông Hồng, đồng thời qua đây cũng là dịp để chúng tôi được giao lưu, học hỏi và biết đến nhiều món ăn đặc sắc của các tỉnh bạn”- nhạc sĩ Nguyễn Khắc Hiển chia sẻ.

 

 

Mâm cỗ của đoàn Quảng Ngãi. Ảnh: PN

 

Mâm cỗ của đoàn Đồng Nai. Ảnh: PN

 

Theo ông Nguyễn Công Trung- Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cộng đồng các dân tộc Việt Nam có rất nhiều di sản, không chỉ có di sản văn hóa phi vật thể mà có rất nhiều di sản văn hóa vật thể và ẩm thực là một trong số đó. Ẩm thực của các dân tộc nước ta rất phong phú, đa dạng, độc đáo giàu bản sắc gắn liền với đời sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân.

“Các món ăn không tổ chức thi đấu mà chỉ trình bày các mâm cỗ truyền thống, bởi chúng ta có rất nhiều ngày lễ, ngày tết và mỗi dân tộc lại có mâm cỗ truyền thống riêng biệt của mình. Thông qua trình bày mâm cỗ, chúng tôi muốn giới thiệu đến đông đảo công chúng trong nước mâm cỗ truyền thống của từng dân tộc anh em trên toàn quốc. Đặc biệt, đây là dịp để các dân tộc anh em học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên nói riêng, 54 dân tộc anh em của cả nước nói chung”- ông Nguyễn Công Trung nhấn mạnh.

Phúc Nguyên

 

Xổ số miền Bắc