Độc đáo ẩm thực đồng bào Thái
Mục lục bài viết
Độc đáo ẩm thực đồng bào Thái
Ẩm thực dân tộc Thái có nhiều món ngon đậm đà hương vị núi rừng.
Là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất Thanh Hóa, người Thái đã tạo dựng nên một cộng đồng văn hóa mang nhiều nét riêng biệt và giàu bản sắc tộc người. Trong đó, ẩm thực dân tộc Thái vốn độc đáo, hấp dẫn từ nguyên liệu, cách chế biến đến hương vị.
Người Thái ăn cơm nếp, ở nhà sàn. Đó là nhận định khái quát nhất về nếp sinh hoạt đặc trưng của đồng bào. Nếu nhà sàn là nơi lưu giữ một phần linh hồn văn hóa – tinh thần người Thái; thì ẩm thực lại thể hiện một phần tính cách và quan niệm của con người về cuộc sống. Trước đây, nguồn thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày và các dịp lễ, tết của người Thái thường là thịt rừng, cá nước và các loại rau, nấm, măng… được săn bắn, hái lượm ngoài tự nhiên. Dọc các sông lớn như sông Luồng, sông Lò, sông Âm… người Thái có tục bắt cá tập thể. Người ta chắn dòng nước để bắt cá mắc cạn; hoặc dùng thuốc từ vỏ cây, lá hòa vào nước để cá say rồi bắt; quây vùng để đánh bắt bằng chài, lưới, vó, xúc. Cá sau khi bắt sẽ được dồn lại rồi đem chia theo đầu người và theo số lượng các phương tiện đánh bắt như chài, lưới, bè, mảng… theo quy định của bản. Ngoài đánh bắt cá tập thể, đồng bào còn tổ chức săn bắn thú tập thể. Thú sau khi được săn, người ta mang đến khe nước để mổ thịt, sau đó nướng một phần để cúng thần núi, thổ công. Phần thịt còn lại được chia phần theo quy định.
Với nguồn sản vật phong phú đa dạng từ rừng và qua bàn tay chế biến khéo léo, người Thái đã tạo ra nhiều món ăn dân dã nhưng mang đậm hương vị núi rừng, ví như gà đồi, ốc đá, măng chua, măng đắng, canh đắng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, lợn rừng quay, măng vịt, rượu ngô, rượu cần… Một đặc trưng nổi bật trong ẩm thực của người Thái là đồng bào thường chế biến các món ăn khô bằng cách nướng, luộc, đồ. Ngoài các món nướng, món đồ, thì đồng bào Thái còn nhiều món ăn đậm miệng rất được yêu thích như nem thịt thú rừng, canh pịa, canh cay (được nấu từ thịt sóc hoặc thịt gà với gừng và ớt), canh măng chua, cá chua… Đặc biệt, trong đó có món canh khuẩn, canh bưa hay canh uôi là món ăn phổ thông nhất. Canh được nấu lẫn cá, thịt, rau, bột gạo và các loại gia vị; trong đó, ngon nhất là canh uôi được nấu với nguyên liệu trứng kiến đen. Ngoài ra, đồng bào còn chế biến nhiều loại bánh từ gạo khá ngon miệng.
Trong bữa ăn hằng ngày của người Thái, chẻo là món không thể thiếu. Cũng ví như nước mắm trên mâm cơm người Việt, chẻo là loại đồ chấm giúp tăng thêm hương vị cho món ăn và khẩu vị khi thưởng thức các món luộc. Chẻo được chế biến từ cá nướng giã nhỏ, trộn cùng muối, ớt và tời – một loại gia vị đặc biệt được ủ đỗ lên men, giã lẫn với các loại lá cây sau đó gói lại để trên gác bếp. Mùi vị khá đặc biệt của tời giúp “lên hương” cho món chẻo. Bên cạnh đó, nói đến ẩm thực dân tộc Thái phải nói đến rượu cần. Rượu được xem là “nguyên bản” dùng men tự chế từ các loại lá, vỏ, rễ cây thuốc ủ với gạo nếp, nếp cẩm. Để có rượu ngon không chỉ cần thời gian ủ, mà tùy vào từng vùng sẽ có các bí quyết riêng trong việc chọn lá và cách ủ làm sao cho rượu có được mùi thơm, độ cay, vị thanh ngọt và đậm đà. Ngoài các món nướng, hấp, đồ người Thái còn khá nhiều món ăn đậm miệng khác như canh pịa, canh cay và nhất là canh uôi – loại canh được nấu lẫn cá, thịt, rau, gia vị và bột gạo.
Trước đây, do địa hình chia cắt, đường sá đi lại khó khăn và nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc lạc hậu, cho nên đời sống kinh tế, văn hóa cũng là tự cấp, tự túc và khép kín trong phạm vi bản, mường. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế và sự giao thoa văn hóa, tập quán sản xuất, nếp sinh hoạt của đồng bào Thái cũng có nhiều thay đổi. Các nguồn lương thực, thực phẩm cũng trở nên đa dạng, phong phú hơn và mang đến cho đồng bào nhiều sự lựa chọn. Từ đó, lối ẩm thực với nguyên liệu, các loại gia vị, cách thức chế biến… cũng ít nhiều có sự “biến tấu”. Song, về cơ bản, các món ăn truyền thống của đồng bào Thái vẫn giữ được hương vị riêng, rất tự nhiên, mộc mạc và hấp dẫn.
Khôi Nguyên