Du lịch Việt Nam – điểm sáng phục hồi kinh tế

Biên phòng – Khép lại năm 2022, tổng thu từ khách du lịch tại Việt Nam ước đạt 425 nghìn tỷ đồng, với 2,1 triệu lượt khách quốc tế, 91,8 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, sau hai năm bị ngưng trệ do đại dịch Covid-19.


Chỉ tính riêng tổng số khách nội địa năm 2022, đã vượt khoảng 26,8 triệu lượt so với mục tiêu cả năm được đề ra. Trong ảnh: Thác Hang Én, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồ Tùng Phương

Du lịch nội địa phát triển

Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng. Nhìn vào mục tiêu, có thể thấy, du lịch nội địa vẫn là trọng tâm thị trường trong năm nay. Thực tế, theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ tính riêng tổng số khách nội địa đã vượt 26,8 triệu lượt so với mục tiêu cả năm được đề ra. Điều này cho thấy “sức bật” đáng kinh ngạc của ngành du lịch sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu.

Vì thế, việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch trong nước là một chiến lược quan trọng để góp phần khôi phục nhanh và lấy lại đà tăng trưởng. Chia sẻ với báo chí, truyền thông, Chủ tịch Hội lữ hành Quảng Bình – ông Trần Xuân Cương cho rằng, cần xác định những sản phẩm du lịch mang tính chiến lược và cốt lõi giai đoạn này để bứt phá. Các doanh nghiệp nên đầu tư khai thác du lịch nghỉ dưỡng cho gia đình hoặc nhóm nhỏ, trong đó, tập trung du lịch gắn liền với những điểm nghỉ dưỡng, phù hợp cho việc triển khai các tour khép kín; đồng thời, nên tổ chức những tour du lịch mạo hiểm, du lịch cắm trại, du lịch cộng đồng.

Cụ thể, để tái khởi động du lịch, vào đầu năm 2022, các doanh nghiệp cho thấy du lịch tự túc là một trong những xu hướng mới. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhiều công ty đã đồng loạt triển khai loại hình du lịch mới theo kiểu Caravan – du lịch tự lái xe trải nghiệm những cung đường đẹp của những vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung. Đặc biệt, có nhiều “tour lạ, tuyến độc” với điểm đến là các vùng lân cận Hà Nội đi kèm các hoạt động mạo hiểm như nhảy dù ở đồi Bù (Hòa Bình), chèo thuyền Kayak trên sông Hồng… Cùng với đó, để nắm bắt cơ hội kích cầu thị trường, các doanh nghiệp du lịch cũng triển khai đa dạng hoạt động khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng mua sắm tour tuyến và du lịch trong các kỳ nghỉ lễ. Lấy ví dụ: Công ty Du lịch Vietravel tung ra khoảng 40 sản phẩm, trong đó có những tour đi Phú Quốc, với giá từ 2 – 7 triệu đồng cho gói dịch vụ gồm vé máy bay và phòng khách sạn tiêu chuẩn dịch vụ từ 3 – 5 sao. Hay tour Đà Lạt và Nha Trang, giá gói dịch vụ: xe/vé máy bay và phòng khách sạn từ 2 – 6 triệu đồng tùy tiêu chuẩn dịch vụ từ 3 – 5 sao.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có nhiều tour du lịch gắn liền với các di tích lịch sử đã được tổ chức. Đơn cử như tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long kéo dài khoảng 90 phút với nhiều hoạt động như giải đố, thực hiện lễ thượng triều của vua và các điệu múa cổ; tham quan các hiện vật khảo cổ; dâng hương tưởng niệm 12 vị tiên đế tại điện Kính thiên.

Chỉ trong vẻn vẹn 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch đã “cán đích” với 60,8 triệu lượt khách (mục tiêu cả năm là 65 triệu lượt), doanh thu cho từng tỉnh, thành phố đạt những tín hiệu đáng mừng, như Hà Nội (8,61 triệu lượt khách, thu về 25,2 nghìn tỷ đồng), Lào Cai (1,7 triệu lượt khách, thu về 6 nghìn tỷ đồng), Hà Giang (1,1 triệu lượt khách, thu về 2,2 nghìn tỷ đồng), Tây Ninh (3,3 triệu lượt khách, thu về 880 tỷ đồng)…

Điều này cho thấy, thị trường du lịch trong nước đã hoàn toàn phục hồi và thậm chí còn phát triển mạnh hơn so với ngày trước. Đặc biệt, hiện nay, nhiều người vẫn còn e ngại khi đi du lịch nước ngoài, vì thủ tục rườm rà do dư âm của đại dịch và biến động trên thế giới, hơn nữa, giá vé máy bay tương đối cao. Chị Nguyễn Thị Hoàng Hạnh (hiện đang sinh sống tại Hà Nội) cho biết: “Tôi có hai chuyến đi công tác ở Pháp vào tháng 4 và tháng 7/2022; tại tháng 4, giá vé là 1.300 USD, đến tháng 7 đã tăng lên 2.300 USD”. Vì vậy, năm nay, gia đình chị chọn tour du lịch nội địa, vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa an toàn, vì Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 rất tốt.

Kết quả đáng mừng này có được là nhờ chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch kể từ ngày 15/3/2022, hàng loạt các sự kiện phát động lại thị trường của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng sự hưởng ứng tích cực từ các công ty du lịch – lữ hành, các doanh nghiệp địa phương; cùng sự triển khai mạnh mẽ của các chương trình liên kết, hợp tác, kích cầu du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách sau đại dịch.

Du lịch quốc tế dần khởi sắc

Hiện tại, dù có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch quốc tế, đồng thời, có một lượng không nhỏ du khách nước ngoài mong muốn được đến Việt Nam, tuy nhiên, du lịch quốc tế vẫn gặp nhiều cản trở, khó khăn, khiến cho lượng khách vẫn chưa “hồi phục” hoàn toàn như trước đại dịch. Ví dụ như giá vé máy bay từ nước ngoài đến Việt Nam tăng cao, do các đường bay bị hạn chế hoặc do giá xăng dầu tăng cao.


Hàng loạt các sự kiện phát động lại thị trường nhằm hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam. Trong ảnh: Bãi biển Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Tuấn

Chia sẻ với báo chí, truyền thông, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội, bà Đặng Hương Giang cho biết, tính đến tháng 9/2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 766 nghìn lượt khách, tập trung chủ yếu vào một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước khu vực Đông Nam Á, còn khách ở các nước châu Âu, Mỹ, Australia… còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu khả quan cho thấy ngành công nghiệp không khói Việt Nam sẽ tiến triển mạnh trong vài năm tới. Hiện nay, một số địa điểm du lịch tiếp tục đón hàng trăm nghìn lượt khách trong 3 tháng cuối năm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Sa Pa… Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang vào tháng 10/2022, tỉnh đón tiếp lượng khách đến Phú Quốc 4,4 triệu lượt, tăng 170% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế là 155 nghìn lượt.

Chị Nguyễn Thị Mai Dung, hiện đang làm điều hành tour cho Công ty Tâm Travel (một công ty chuyên du lịch quốc tế) cho biết: “Mặc dù cuối năm mới là mùa du lịch của khách nước ngoài, nhưng các đối tác đã cho người vào khảo sát từ mùa hè. Chúng tôi phải tìm nhà hàng, khách sạn… đạt tiêu chuẩn cho họ. Số lượng khách vẫn chưa nhiều, nhưng sau 8 tháng mở cửa hoàn toàn du lịch, thì đây là những tín hiệu tốt cho tương lai sắp tới”.

Hiện, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có rất nhiều chính sách hỗ trợ khách du lịch nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện để các công ty, doanh nghiệp quảng bá du lịch, tạo ra các sản phẩm, tour du lịch độc đáo, hấp dẫn khách quốc tế. Như Hội chợ Du lịch quốc tế được tổ chức vào tháng 9/2022 tại thành phố Hồ Chí Minh, thu hút rất nhiều khách hàng đến từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ và các cơ quan quản lý, chuyên gia về du lịch – lữ hành… Ngoài ra, rất nhiều công ty du lịch, doanh nghiệp về du lịch – lữ hành Việt Nam đã tham gia ITB ASIA 2022 tại Singapore, quảng bá những thước phim, hình ảnh về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao.

Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đang tái khởi động mạnh mẽ sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Việt Nam tự hào là nước liên tục nằm trong nhóm các điểm đến du lịch có mức tăng trưởng cao trên thế giới. Có thể thấy, bức tranh du lịch Việt Nam trong năm 2022 đã khởi sắc trở lại, tạo đà cho sự phục hồi của thị trường du lịch quốc tế năm 2023.

Trong báo cáo được phát hành tháng 8/2022, Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dự kiến, lĩnh vực du lịch của Việt Nam sẽ đạt doanh thu 11,1 tỷ USD vào năm 2024, vượt mức doanh thu 10,8 tỷ USD năm 2019. Con số này dự kiến tăng khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam.

Hương Ngọc

Xổ số miền Bắc