Giá trị văn hóa, nhìn từ cổng làng

Từ ngày cổng của 3 xóm trại làng tôi được dựng lại, mỗi lần về quê, tôi đều dừng lại trước cổng-tọa lạc giữa hai cây đa đang vươn lên đầy sức sống và ngắm nghía hết từng chi tiết của cổng-rồi nhìn bao quát ra cánh đồng phía xa, quay về ngắm khu dân cư trong làng và làng bên… Tôi thấy vui, vì đây là cổng duy nhất của làng được phục dựng lại. Làng tôi cũng là làng duy nhất trong vùng dựng lại được cổng, mang dáng nét hệt như chiếc cổng xưa kia.

Làng tôi ở ven con ngòi là một nhánh của sông Đáy, nên dân cư ở trọn một phía. Các xóm được bố trí dọc con đường chạy theo ngòi, các cụ bảo đấy là cấu trúc kiểu xương cá, nên mỗi lối vào xóm là một cổng, khác nhau về kích thước, kiểu cách, họa tiết trang trí và cả những chữ to trên trán cổng, những câu đối ở các cột hai bên. Trong khi ở các làng dân cư co cụm thành một khối, chỉ có một cổng vào làng ở phía trước (cổng tiền, hay cổng chính) và một cổng ở phía sau làng (cổng hậu, chỉ có người làng biết).

Nhưng rồi, vì nhiều lý do, từ gần cuối thập niên 1960 trở đi, hơn 10 chiếc cổng xóm lần lượt bị phá khiến những người từng gắn bó với chúng, nhất là những người già cảm thấy hẫng hụt một thời gian khá dài; còn lớp trẻ lớn lên thì xa dần ý niệm về cổng làng, cổng xóm. Với tôi và các bạn cùng trang lứa, hồi lên 5-6 tuổi đã chơi ở cổng xóm, đến tuổi 15-16 thì cổng không còn, cũng thấy rất tiếc. Bởi từ đó, mỗi khi đi từ ngoài đường lớn vào xóm, tôi cảm thấy trống trải. Trước đây, từ ngoài đường liên xã, bước qua cổng có cảm giác như bước vào một thế giới khác, rất đỗi thân thương, bởi mỗi cổng với các chi tiết kiến trúc, điêu khắc và những chữ Hán, báo hiệu đây là làng nào, xóm (hoặc cụm xóm) nào. Nói một cách khác, cổng làng là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết một làng và phân biệt với các làng bên cạnh. Cổng làng như là một điểm nhấn trong bố cục hài hòa với tổng thể các yếu tố của không gian làng, gồm: Lũy tre, đường làng, các công trình thờ cúng (đình, chùa, đền, miếu), bến nước, cây đa, đồng ruộng, cầu, quán ở phía ngoài. Cổng làng phản ánh một phần lịch sử làng, sự trù mật về dân cư, sự trù phú về kinh tế và bề dày văn hóa của làng.

Bề ngoài, cổng làng là yếu tố vật chất nhưng lại chứa đựng và phản ánh những ý nghĩa, giá trị xã hội và văn hóa tinh thần lớn lao. Cổng làng gắn liền với quá trình ra đời và phát triển của làng, chứng kiến bao thăng trầm của mỗi cộng đồng cư dân Việt, gắn với tâm tư tình cảm, bao kỷ niệm vui buồn của các thế hệ người dân, phản ánh và mang giá trị kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử, cả quan niệm về triết lý sống…

Ngắm cổng làng với các khối kiến trúc, mô típ trang trí, các chữ Hán (đại tự) trên trán, các câu đối trên cột của cổng, một người từ nơi khác đến có thể nhận biết hay đoán định được một phần làng đó qua các khía cạnh về lịch sử, dân số, kinh tế, truyền thống, sự thành đạt, thậm chí tính cách người làng. Bên trong cổng là cuộc sống và “thế giới riêng” của mỗi cụm dân cư, với các ngõ, các công trình thờ cúng, các mối quan hệ họ hàng, xóm giềng, lứa tuổi, bằng hữu, các phong tục, tập quán, các lễ tiết được duy trì theo nhịp điệu của mùa vụ sản xuất nông nghiệp. Cũng có thể không tránh khỏi lúc mâu thuẫn, bất hòa, nhưng xuyên suốt vẫn là sự hòa hợp, hòa đồng, nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau, trở thành truyền thống tốt đẹp. Chính bởi thế, cổng làng gắn với đời mỗi người dân quê từ tấm bé đến khi từ giã cõi đời.

Khoảng 6-7 tuổi, trẻ bắt đầu rời cổng làng để ra tiếp xúc với “thế giới ngoài làng”, mở mang thêm cảm nhận, mở rộng dần nhận thức. Lớn lên, mỗi ngày rời cổng làng theo cha mẹ ra đồng làm việc, trưa đến-chiều về lại qua cổng làng để về ngôi nhà thân thương của mình. Khi có gia đình riêng, nhịp điệu đó diễn ra thường ngày. Đấy là những người cả đời sống ở làng. Còn với những người đi học, đi làm ăn xa, người làm quan, làm nha lại (chế độ ta là cán bộ, công nhân viên chức) ở các địa phương khác thì cổng làng là nơi tiễn họ ra đi và đón họ trở về sau một quãng đời “phiêu dạt”. Đặc biệt, với những người lính, cổng làng là hình ảnh cuối cùng mà họ tạm biệt làng để bước vào đời quân ngũ. Đến khi may mắn trở về từ cuộc chiến thì cũng chính cổng làng là điểm đầu tiên đón họ về với quê hương, với gia đình, họ hàng, chòm xóm, để sau đó về với cuộc sống đời thường. Và, với tuyệt đại đa số người làng, cổng làng là điểm cuối cùng rời cõi tạm, về với thế giới bên kia.

 Với vị trí ở đầu làng, với đặc điểm của cư dân nông thôn, cổng làng vô hình trung đảm nhận chức năng và có giá trị phản ánh dư luận xã hội. Mỗi chiều về, các tin vui, tin buồn về làng, về những người làng đi làm ăn ở các nơi trở về được “phát” ra từ cổng làng. Thông tin ấy có tác dụng chia sẻ chuyện buồn, phê phán những người có việc làm chưa đúng mực, với các mức độ khác nhau, trở thành luồng “thông tin cổng làng”, song “chính thống” và tạo dư luận mạnh mẽ hơn nhiều so với “thông tin vỉa hè” ở đô thị. Ở đô thị, một tin thất thiệt được đưa ra, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng nhưng không thể truy tìm được thủ phạm, vì “chín người mười làng”. Còn với “thông tin cổng làng”, ai đó “phát” ra tin gì đều phải “cân trước, nhắc sau” để không ảnh hưởng tới người liên quan đến tin, đến cộng đồng nói chung. Như vậy, phát ngôn từ cổng làng mang đậm chất văn hóa.

Từ khi hòa bình lập lại, phần lớn cổng làng bị phá, số làng giữ được cổng làng không nhiều, song theo thời gian, năm tháng, cổng làng xuống cấp, nhiều bộ phận, chi tiết bị vỡ, gãy, các chữ Hán (chữ to trên cổng hoặc chữ nhỏ ở câu đối hai bên) bị sứt mẻ hoặc mờ, trong khi không có tài liệu lưu nên khi khôi phục lại cổng phải thay thế bằng chữ Việt.

Từ năm 1990 trở đi, nhiều làng, nhất là các làng nghề đã phá bỏ cổng làng để tạo thuận lợi hơn cho việc vận chuyển hàng hóa và sản xuất, kinh doanh. Ở nhiều làng, khuôn viên của cổng làng (hoặc cổng xóm) trước đây đã không còn, hoặc bị thu hẹp nên không đủ diện tích để dựng lại cổng; hoặc chỉ đủ diện tích để dựng lại cổng một cách rất giản đơn. Nhiều làng trước đây có nhiều cổng xóm, đến nay phải xây ghép cổng cho 2-3 xóm trong một khu, tại một vị trí khác. Các làng còn đủ không gian-diện tích đất dựng lại cổng, song cổng được xây như cổng chào, với đủ dạng hình thù, cấu trúc: Hoặc làm trụ bê tông và khung sắt, hoặc xây bằng gạch, to nhỏ khác nhau. Hầu hết cổng chào đều viết, kẻ tên làng (thôn), ghi chú thêm tên cũ hoặc thêm danh hiệu “làng văn hóa” bằng chữ Việt. Vào các dịp lễ, tết, có sự kiện chính trị, cổng chào được treo băng rôn, khẩu hiệu. Cổng chào này vô hình trung chỉ có hai chức năng là thông báo tên thôn, làng và phục vụ tuyên truyền. Một số làng cố gắng xây hoặc phục dựng cổng làng theo cấu trúc, kiến trúc, song kỹ thuật xây, đắp và tính thẩm mỹ thì thua xa cổng làng truyền thống. Đi qua những cổng như thế, theo các bậc cao niên, không cảm thấy thân thương, có hồn quê như trước. Cũng khá nhiều làng, các bậc cao niên am hiểu đã nghiên cứu kỹ cấu trúc cổng làng, tham khảo nhiều mẫu khác nhau để xây được cổng khang trang, hiện đại, thuận tiện cho đi lại, vận chuyển, cả xe cứu hỏa, cứu thương khi có sự cố, mà vẫn giữ được những nét cổ kính, hồn quê.
Cổng làng-một giá trị văn hóa làng Việt cần được gìn giữ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ BÙI XUÂN ĐÍNH

Xổ số miền Bắc