Giao lưu, hội nhập văn hóa với các nước trên thế giới và sự phát triển văn hóa dân tộc

(Cinet)- Hội nhập là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Trong lĩnh vực văn hóa, Việt Nam đã chủ động tích cực hội nhập cộng đồng quốc tế; tuy nhiên, chúng ta phải có những nguyên tắc nhất định để bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc cũng như tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới.

Giao lưu – tiếp biến trong diễn trình văn hoá Việt Nam

Trong và sau nghìn năm Bắc thuộc/chống Bắc thuộc, sự giao lưu – tiếp biến (và ít nhiều có sự hội nhập) giữa văn hoá nước ta với văn hoá Trung Hoa, văn hoá nước ta đã có sự phát triển về nhiều phương diện. Những thành tựu của sự giao lưu – tiếp biến văn hoá đó đã góp phần vào cuộc “vượt thoát” của dân tộc giành lại nền độc lập dân tộc (năm 938). Sau này, chúng là cơ sở giúp chúng ta chủ động tiếp thu, tiếp biến văn hoá Trung Hoa để trở thành một nước văn hiến như Nguyễn Trãi khẳng định.

Giao lưu, hội nhập văn hóa các nước trên thế giới và sự phát triển văn hóa dân tộc.

(Ảnh minh họa)

Trong và sau nghìn năm Bắc thuộc/chống Bắc thuộc, sự giao lưu – tiếp biến (và ít nhiều có sự hội nhập) giữa văn hoá nước ta với văn hoá Trung Hoa, văn hoá nước ta đã có sự phát triển về nhiều phương diện. Những thành tựu của sự giao lưu – tiếp biến văn hoá đó đã góp phần vào cuộc “vượt thoát” của dân tộc giành lại nền độc lập dân tộc (năm 938). Sau này, chúng là cơ sở giúp chúng ta chủ động tiếp thu, tiếp biến văn hoá Trung Hoa để trở thành một nước văn hiến như Nguyễn Trãi khẳng định.

Trong thời cận đại trong và sau thời kỳ Pháp thuộc văn hoá Việt Nam đã tiếp xúc, tiếp nhận văn hoá phương Tây và Pháp. Có thể nói rằng chỉ trong vòng 60 năm (từ 1884 – 1945) thậm chí chỉ trong vòng 30, 40 năm (những thập niên đầu thế kỷ XX) văn hoá Việt Nam có sự chuyển biến to lớn:

Văn hoá vật chất: nền sản xuất công nghiệp, máy móc, giao thông hiện đại xuất hiện các thành phố lớn ra đời…

Văn hoá xã hội: tư tưởng dân chủ, tự do được tiếp nhận, nhà nước pháp quyền tư sản dần chiếm ưu thế so với nhà nước phong kiến quân chủ…

Văn hoá tinh thần: tư tưởng mới, văn chương, nghệ thuật, báo chí được du nhập, lối sống mới được hình thành… hưởng thụ văn hoá nghệ thuật phương Tây và Pháp trở nên quen thuộc…

Văn hoá Việt Nam có một sự bứt phá vượt ra khỏi cái vòng hạn hẹp của văn hoá Á Đông gia nhập vào nền văn hoá chung của nhân loại.

Trong giai đoạn này chúng ta còn tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin (sản phẩm của văn hoá phương Tây) để hoà với truyền thống dân tộc, tạo nên sức mạnh giành độc lập dân tộc và tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi.

Ảnh minh họa.

Qua hai cuộc giao lưu – tiếp biến văn hoá lớn (thời Bắc thuộc và Tây thuộc) văn hoá Việt Nam đã có sự chuyển biến hết sức mạnh mẽ và đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc (biến công cụ đồng hoá của kẻ thù thành công cụ vô ý thức của lịch sử) tạo nên bản sắc, bản lĩnh của con người Việt Nam, nhân cách Việt Nam. Đây chính là ảnh hưởng của giao lưu tiếp biến giữa văn hoá nước ta với văn hoá các nước trong khu vực và trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại.

Cần nói thêm rằng, thành tựu giao lưu – tiếp biến văn hoá đó không chỉ do yếu tố ngoại sinh tác động mà phải nói đến vai trò của yếu tố “nội sinh” của văn hoá Việt Nam và chủ thể của nó (con người Việt Nam). Văn hoá Việt Nam đã tạo ra sức mạnh nội sinh từ thời Văn Lang – Âu Lạc. Cái cơ tầng đó đã giúp cho con người Việt Nam “cởi mở tiếp thu” không từ chối từ những cái hay, cái đẹp từ bên ngoài đến để “nội sinh hoá”, “truyền thống hoá” chúng thành cái của mình. Đây chính là bài học lịch sử cho chúng ta hiện nay.

Xu thế toàn cầu hoá văn hoá hiện nay và ứng xử của chúng ta

Xu thế toàn cầu hoá là xu thế tất yếu khách quan, không thể đẩo lộn được. C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đã viết: “…Giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới (…). Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới.

Ảnh minh họa.

Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục. Nó bắt buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó.

Giai cấp tư sản bắt nông thôn phải phục tùng thành thị. Nó lập ra những đô thị đồ sộ; nó làm cho dân số thành thị tăng lên phi thường so với dân số nông thôn, và do đó, nó kéo một bộ phận lớn dân cư thoát khỏi vòng ngu muội của đời sống thôn dã. Cũng như nó đã bắt nông thôn phải phụ thuộc vào thành thị, bắt những nước dã man hay nửa dã man phải phụ thuộc vào các nước văn minh, nó đã bắt những dân tộc nông dân phải phụ thuộc vào những dân tộc tư sản, bắt phương Đông phải phụ thuộc vào phương Tây”.

Thời đại ngày nay sức mạnh của nền văn minh hậu công nghiệp trở nên to lớn gấp bội, nó không còn là “trọng pháo” mà đã là tên lửa vượt đại châu, tên lửa vũ trụ. Nó không cho phép các cộng đồng, các quốc gia dân tộc trốn chạy, hoặc quay lưng lại xu thế hội nhập văn hoá. Khẩu hiệu của thời đại “Tồn tại hay không tồn tại” đồng nghĩa với “Hội nhập hay không hội nhập”.

…chúng ta cần phải phát huy sức mạnh văn hoá của mình để khẳng định vị thế dân tộc

và đóng góp cho văn hoá nhân loại. (Ảnh minh họa)

Bài học giao lưu – tiếp biến, hội nhập văn hoá ở thế kỷ XIX chỉ ra rằng: Cộng đồng nào chủ động giao lưu – tiếp biến thì phát triển như Nhật Bản; cộng đồng nào thụ động, kiêu ngạo thì bị thôn tính (Trung Quốc, Việt Nam, Mã Lai, Inđônêxia…); cộng đồng nào trốn chạy thì số phận đen tối (thổ dân ở Úc, Niu Di Lân, Canada, Hoa Kỳ…).

Từ đó, chúng ta cần xác định thái độ ứng xử của mình là phải tích cực, chủ động hội nhập văn hoá với các nước trong khu vực và trên thế giới, không nên nhân danh bảo vệ bản sắc dân tộc mà chối từ hội nhập văn hoá. Hơn nữa, thời đại ngày nay người ta đã biến văn hoá thành sức mạnh mềm trong cuộc ganh đua trên thế giới, chúng ta cần phải phát huy sức mạnh văn hoá của mình để khẳng định vị thế dân tộc và đóng góp cho văn hoá nhân loại. Để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta phải hoạch định một chính sách văn hoá đúng đắn, phù hợp với xu thế hội nhập văn hoá của thời đại.

PGS,TS. Lê Quý Đức
 

Xổ số miền Bắc