Gìn giữ văn hóa dân gian Việt Bắc ở Tây Nguyên

Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, hàng nghìn du khách xa gần đổ về xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) tham gia Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc lần thứ 7. Không phụ sự kỳ vọng của người dân và du khách, lễ hội năm nay diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, như: Hát then, sính cọ, hát lượn hà lều; các trò chơi dân gian: Tung còn, bịt mắt bắt vịt, nhảy bao bố, đẩy gậy, kéo co… thi ẩm thực với món heo quay, chuẩn bị mâm cúng ngày Tết… Đặc biệt, tại lễ hội có phần trình diễn trang phục truyền thống của 17 dân tộc anh em: Tày, Nùng, Mường, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chỉ, Thái, Thổ… đang cùng sinh sống trên địa bàn xã Cư Êwi. Mỗi dân tộc đều có một màu sắc trang phục riêng, độc đáo nên phần trình diễn trang phục thu hút sự dõi theo của rất đông người tham gia.

leftcenterrightdel

  Những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tại Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc năm 2023.

Diện trên người bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, các cô gái toát lên vẻ trẻ trung, duyên dáng, tự tin. Mỗi bộ trang phục có những nét đặc trưng riêng, thể hiện sự năng động, cần cù, chăm chỉ, đúc kết từ bàn tay khéo léo thêu thùa, dệt vải của người phụ nữ. Ẩn sâu trong mỗi bộ trang phục đó là sự sáng tạo và lòng tự hào dân tộc của người dân Việt Nam, là biểu tượng, khát vọng tìm đến cái đẹp, thẩm mỹ, mang lại bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Trong chiếc áo dài màu chàm đặc sắc của người Tày, chị Lành Thị Hồng ở thôn 2, xã Cư Êwi, cho biết: “Mỗi khi đến các ngày lễ, Tết hoặc gia đình, thôn bản có việc quan trọng, tôi đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Với tôi, gìn giữ bộ trang phục truyền thống là cách thể hiện lòng tự tôn, tình yêu dân tộc”. Bên cạnh gìn giữ trang phục truyền thống, chị Hồng và gia đình còn bảo tồn được nhiều nét văn hóa của người Tày như nghệ thuật đàn tính, hát then, hay các món ăn đặc trưng: Cơm lam, xôi ngũ sắc, bánh khảo, bánh giầy nhân vừng đen… luôn xuất hiện trong gia đình chị vào dịp lễ, Tết, ngày hội.

Nổi bật trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Thái kèm chiếc khăn Piêu rực rỡ và duyên dáng, chị Lò Thị May ở xã Cư Êwi, tâm sự: “Gia đình chuyển vào sinh sống ở Tây Nguyên đã lâu nên tôi luôn coi đây là quê hương thứ hai. Trên quê hương mới, tôi và cộng đồng người Thái ở Cư Êwi nói riêng và trên cao nguyên Đắk Lắk nói chung luôn ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc mình”. Không chỉ gìn giữ tiếng nói, trang phục, kể cả nếp sống, các món ăn truyền thống vẫn được chị May và bà con đồng bào dân tộc Thái bảo tồn, phát huy. Hiện hữu rõ nét nhất là mỗi khi gia đình, thôn xóm có việc hay địa phương tổ chức lễ hội, chị May đều sắp xếp công việc tham gia, bởi đây là dịp để chị gặp gỡ giao lưu với bà con người Thái và cộng đồng các dân tộc anh em.

Tham gia lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc năm nay còn có Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê. Trong vòng vây yêu quý của bà con, H’Hen Niê chia sẻ những cảm nhận về sự mến khách của người dân Cư Êwi và thông qua lễ hội giúp chị hiểu thêm nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em trên địa bàn Tây Nguyên. Hoa hậu H’Hen Niê cũng mong muốn lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc sẽ được duy trì và ngày càng đổi mới nhằm bảo tồn và đưa các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc đến với đông đảo bà con gần xa.

Ông Nguyễn Quốc Viện, Chủ tịch UBND xã Cư Êwi cho biết: “Địa phương hiện có đông đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống, đoàn kết, tạo nên bản sắc rất riêng biệt. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Điều này được thể hiện phần nào thông qua việc tổ chức và duy trì lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc đến nay đã là lần thứ 7. Lễ hội này mang ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn, lưu truyền và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em đang sinh sống trên vùng đất Cư Êwi”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Xổ số miền Bắc