HIỂU VỀ KHÁC BIỆT VĂN HÓA CỦA CÁC NƯỚC ĐỂ HỘI NHẬP – VietD

QUẢN LÝ KHÁC BIỆT VĂN HÓA KHI LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Tôi xin chia sẻ với các bạn sự khác biệt văn hóa khi làm việc với người nước ngoài mà tôi có dịp trải nghiệm ở V

iệt Nam và tại nước Anh nơi tôi đang sống.

A. KHÓ KHĂN KHI HỘI NHẬP MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI:

Lúc ở Việt Nam, tôi làm cho rất nhiều công ty trong hơn 10 năm. Ngoài các sếp là người Việt Nam, tôi làm việc với các sếp trực tiếp là người nước ngoài ví dụ như Nhật Bản và Đài Loan, hai đất nước có cách làm việc rất nghiêm khắc theo kiểu phân cấp bậc rõ ràng (hierarchy) và coi trọng hình thức trong giao tiếp. Tuy nhiên, khi họ đến Việt Nam một thời gian, các nghi lễ và cách thức làm việc có sự thay đổi theo hướng phù hợp hơn với nhân viên người Việt. Ví dụ như người Đài Loan và Nhật Bản đều cúi đầu chào thấp khi gặp nhau. Người Nhật Bản yêu cầu cao trong công việc, họ đối xử với nhân viên khá mềm mỏng và tế nhị, nhưng người Đài Loan rất nghiêm khắc với cấp dưới và sẵn sàng rầy la nhân viên nếu làm việc không đúng yêu cầu. Điều này có gia giảm để phù hợp với cách làm việc của người Việt, nhưng không mất đi, bởi vì đó là bản sắc dân tộc của họ.

Tôi và các nhân viên Việt Nam cũng phải tìm cách ứng xử để phù hợp với những người nước ngoài đang làm việc tại công ty mình và trò chuyện với nhân viên mới để giúp họ hiểu cách làm việc trong môi trường văn hóa khác biệt. Ngoài người Nhật Bản và Đài Loan, tôi còn làm việc với người Pháp, tiếp xúc với nhiều người Âu, Mỹ, Á.

Khi sang Anh Quốc, điều trở ngại nhất của tôi ngoài ngôn ngữ là văn hóa. Mặc dù ở Việt Nam chuyên ngành học đại học của tôi là ngôn ngữ và văn chương Anh (Học về văn hóa, lịch sử, chính trị, tôn giáo… của Anh và Mỹ bằng Tiếng Anh), tôi cũng đọc các tác phẩm văn học Anh và tiếp xúc với Tiếng Anh từ sớm (11 tuổi), nhưng khi sang Anh tôi vẫn mất một thời gian để hội nhập . Ví dụ khi đồng nghiệp của tôi kể một câu chuyện, mọi người cười ồ lên trong khi tôi không thấy có gì mắc cười. Mặc dù tôi hiểu hết câu chuyện, nhưng không hiểu được ý nghĩa đằng sau đó do chưa sống lâu trong nền văn hóa bản địa.

Ngoài người Anh bản xứ, tôi tiếp xúc hàng ngày với những người đến từ khắp nơi trên thế giới, mọi màu da. Môi trường làm việc của tôi trong lĩnh vực giáo dục, điều này giúp tôi có dịp học hỏi và hiểu sâu hơn về văn hóa, giáo dục và con người ở Anh. Nước Anh ngày nay tuy vẫn bảo thủ, nhưng là một đất nước đa chủng tộc, đa tôn giáo chứ không giống ngày xưa chỉ có người bản xứ sinh sống do làn sóng nhập cư vào Anh. Ngày nay Luân Đôn được tờ Independent của Anh xem là “The world’s melting pot” (Melting pot: Sự hỗn hợp nhiều chủng tộc và văn hóa khác nhau). Tại Manchester nơi tôi sống, khi đi ngoài đường bạn có thể thấy cách ăn mặc của rất nhiều dân tộc trên thế giới từ Sari – trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, Khăn choàng “Hijab” và áo choàng dài màu đen “Abaya” của phụ nữ Hồi Giáo, cho đến mũ sợ chúa (Kippah, kippot) của người đạo Do Thái.

Người Anh vẫn giữ truyền thống văn hóa của mình, tuy nhiên họ tôn trọng các nền văn hóa khác, họ khuyến khích các dân tộc vẫn giữ được bản sắc của mình khi đến Anh sinh sống qua các đạo luật chống phân biệt, kỳ thị chủng tộc, các lễ hội của các nền văn hóa khác được tổ chức khắp nơi nhất là ở Luân Đôn và các thành phố lớn.

B. VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐỂ THÀNH CÔNG KHI LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI NƯỚC

NGOÀI.

1) TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC HỌC NGOẠI NGỮ:

Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khi gia nhập một nền văn hóa mới, hoặc khi có dịp tiếp xúc với một nền văn hóa du nhập từ bên ngoài. Không có ngôn ngữ kết nối, chúng ta như người câm và điếc.

Chiếc chìa khóa vàng tôi có chính là Tiếng Anh. Theo tôi, Tiếng Anh là ngoại ngữ chính mà chúng ta nên học, vì đó là chiếc cầu nối bạn với thế giới, là chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa dẫn đến cơ hội và thành công. Vì vậy, bạn không thể bỏ qua mà không học Tiếng Anh. Dĩ nhiên bạn có thể học tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha,… như ngoại ngữ thứ hai, tuy nhiên tôi vẫn khuyên học Tiếng Anh do nó phổ biến nhất. Khi tiếp xúc ban đầu với một người nước ngoài, chỉ cần bạn nói: “Xin chào” bằng ngôn ngữ của họ để tỏ lòng thành, thì họ đã có cảm tình với bạn nhiều hơn bội phần rồi.

Ngoài tiếng Anh, tôi đã từng học tiếng Nga, tiếng Hoa, tiếng Campuchia, tiếng Pháp (Đi học bài bản ở trường và có giáo viên kèm riêng). Tuy nhiên đến thời điểm này, tôi vẫn sử dụng tiếng Anh như ngoại ngữ chính do thành thạo nhất. Nhờ Tiếng Anh, chỉ sau 2 tháng tôi đã tìm được công việc phù hợp ở Anh Quốc và làm đến nay hơn 2 năm. (Công việc của tôi đòi hỏi sử dụng tốt cả 4 kỹ năng Tiếng Anh nghe, nói, đọc, viết).

Khi học một ngoại ngữ, chúng ta đặt trọng tâm ở việc nghe nói hay đọc viết là do tính chất công việc của từng người. Nhưng nếu bạn phải sử dụng ngoại ngữ thường xuyên để giao tiếp, thì hai kỹ năng nghe nói (Luôn phải học chung với nhau) quan trọng hơn đọc viết. Ngoài việc luyện nghe và lặp lại thường xuyên, bạn cần chú trọng đến việc luyện âm (Theo giọng Anh chuẩn – Received Pronunciation, hoặc giọng Mỹ chuẩn – General American) và học ngữ pháp căn bản. Không học ngữ pháp giống như việc bạn xây nhà mà không có móng. Nếu bạn phát âm không chuẩn hoặc không nói đúng theo cách nói của họ (Từ vựng và ngữ pháp), người Anh sẽ không hiểu bạn nói gì.

Việc đọc đúng và nhớ tên người nước ngoài rất quan trọng trong giao tiếp. Điều này gây bối rối ban đầu cho tôi khi làm việc tại Anh vì phải nhớ nhiều gương mặt và tên cùng một lúc. Nếu có thể, bạn nhớ tên của họ trước buổi gặp mặt đầu tiên với người nước ngoài (Tra Google translation là ra cách đọc). Nếu không biết tên, thì khi gặp mặt bạn hỏi và lặp lại tên của họ vài lần để chắc chắn là bạn nói đúng.

2) TÌM HIỂU KỸ VĂN HÓA NƯỚC NGOÀI:

2.1. Giao Tiếp:

Giao tiếp bao gồm lời nói (Ngôn ngữ) và hành động (Phi ngôn ngữ). Cả hai hình thức giao tiếp này đều quan trọng như nhau. Mỗi nền văn hóa đều có cách giao tiếp khác nhau hoặc đôi khi trái ngược nhau mà chúng ta cần tìm hiểu để tránh hiểu lầm, từ đó có thể dẫn đến việc mất đi cảm tình của đồng nghiệp hoặc mất đối tác, khách hàng.

Cách Làm Việc Của Người Anh Và Người Châu Âu:

Người Anh bản xứ rất nhanh gọn, chuyên nghiệp và chính xác trong công việc và giờ giấc, yêu cầu công việc rất cao. Người Việt Nam ngại nói thẳng, nhưng người Anh sẽ nói ngay những gì họ gút mắc, không hài lòng trong công việc để có thể giải quyết triệt để ngay lúc đó. Người Anh đặt luật pháp lên cao hơn tình cảm. Xã hội Anh coi trọng bằng cấp và chú trọng vào chuyên môn sâu của từng ngành. Cũng như các dân tộc khác, người Anh có lòng tự hào dân tộc rất cao.

Khi làm việc với người Anh và Mỹ, chúng ta cần cẩn thận ăn nói (Không nói đùa các vấn đề nhạy cảm ví dụ tôn giáo, chủng tộc, giới tính…) và cư xử lịch thiệp; không đụng chạm cơ thể (Giữ không gian giao tiếp), nếu không sẽ bị xem là mất lịch sự, thậm chí bị báo cáo lên cấp trên hoặc kiện tụng tội quấy rối tình dục. Những điều này người Việt Nam chưa xem là quan trọng nên chúng sẽ gây rắc rối cho chúng ta khi sang nước ngoài làm việc. Người Mỹ là các “chuyên gia kiện tụng”, xu hướng đó ở Anh đang tăng dần.

Cách Đối Xử Với Trẻ Em Ở Anh và Châu Âu:

Bạn đừng nói chuyện riêng nếu không quen biết với bé và không có người lớn (Ba mẹ) của bé ở kế bên. Không đụng vào người ví dụ xoa đầu, nựng má, nắm tay … Ngay cả khi bé té ngã, bạn cũng không được đỡ dậy mà để bé tự đứng dậy, gọi người nhà của bé đến hỗ trợ. Bạn không chụp hình khi chưa có sự đồng ý của ba mẹ bé. Một lần người bạn của tôi khi sang Anh chơi đã giơ máy định chụp một em nhỏ vì bé dễ thương quá, tôi phải ngăn bạn ấy lại ngay vì chưa xin phép Ba Mẹ bé (Mặc dù không ai thấy hành động đó của chúng tôi). Điều này rất khác so với ở Việt Nam phải không các bạn?

Không mời trẻ em ăn bất cứ thứ gì. Bạn cần đưa cho ba mẹ bé kiểm tra và tự họ sẽ đưa cho bé ăn. Ở phương Tây, nhiều trẻ em bị dị ứng đồ ăn ví dụ như dị ứng với các loại hạt, hoặc gluten (Gluten là một họ các protein tìm thấy trong ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch), các dị ứng này có thể dẫn đến chết người. Chúng ta cũng không tặng quà là đồ ăn (Bánh, kẹo, sô cô la …) cho người lớn mà trong thành phần đồ ăn có hai loại trên trừ khi biết rõ và nói rõ cho họ biết là đồ ăn có các thành phần gây dị ứng.

Không Gian Giao Tiếp:

Người Anh không đụng chạm hoặc đứng quá gần khi nói chuyện. Có một câu chuyện cho thấy sự khác biệt về không gian giao tiếp giữa người Anh và người Tây Ban Nha: Khi cả hai đứng nói chuyện tại một hội nghị, người Tây Ban Nha cứ tiến dần về phía người Anh cho đến khi khoảng cách giữa họ chỉ còn vài chục xăng ti mét. Người Anh bước lùi ra sau để giữ khoảng cách. Người Tây Ban Nha lại tiến tới, người Anh lại tiếp tục lùi cho đến cuối phòng. Như vậy mỗi bên đều vô tình áp văn hóa giao tiếp của mình vào cuộc trò chuyện với đối phương mà không nhận ra.

Thời Gian:

Người Châu Âu coi trọng sự chính xác về thời gian khi hẹn gặp đối tác và khi làm việc, họ không trễ giờ dù chỉ 1 phút vì điều đó là không tôn trọng người khác. Nhưng ở các nước Trung Đông, người ta có thể đến trễ cả nửa tiếng (Bạn không phải người Trung Đông thì vẫn nên đến đúng giờ). Người Việt Nam mình chuyên xài giờ dây thun cả trong công việc, hẹn hò. Điều này làm mất điểm của chúng ta với người nước ngoài.

2.2. Tôn Giáo:

Mỗi dân tộc có một hoặc nhiều tôn giáo mà chúng ta cần tôn trọng. Muốn làm việc thành công với người nước ngoài, ta cần tìm hiểu đặc trưng về tôn giáo của họ.

Phần lớn người dân Anh theo đạo Thiên Chúa, ngoài ra còn những tôn giáo khác như đạo Phật, đạo Hindu, đạo Do Thái, đạo Hồi cũng được tự do tín ngưỡng.

Người Ấn Độ ở Anh vẫn theo đạo Hindu, họ không ăn thịt bò do xem con bò là giống loài linh thiêng. Người Hồi Giáo không ăn thịt lợn, nhưng lý do không ăn thịt lợn là do họ xem lợn là con vật bẩn thỉu. Như vậy chúng ta không thể tặng tranh dân gian Đông Hồ có hình lợn cho người Đạo Hồi nếu không muốn mất tình cảm đối với đồng nghiệp hoặc mất đối tác kinh doanh, mặc dù tranh Đông Hồ là một vật tiêu biểu cho văn hóa của người Việt Nam. Cũng như chúng ta không tặng dao nĩa cho người Nhật dù nó đẹp cỡ nào đi nữa, vì dao là biểu tượng mang ý nghĩa tự sát đối với người Nhật.

Chúng ta không nên nghĩ Hồi Giáo là khủng bố, mặc dù nghĩ đến Đạo Hồi sẽ có nhiều bạn nghĩ ngay đến bọn IS. Tôi đã tìm hiểu và làm việc với người đạo Hồi và cho rằng quan điểm đó hoàn toàn sai lầm. Nếu bạn đi máy bay, thấy người Đạo Hồi đọc kinh cầu nguyện hay hành lễ (Quì lạy) trên máy bay, bạn hãy cố gắng bình thường đừng biểu hiện thái độ gì. Các tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Do Thái Giáo,… đều có cách hành lễ riêng và chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt đó.

Ngày Lễ Truyền Thống Và Các Ngày Lễ Liên Quan Đến Tôn Giáo.

Đối với người Anh và Châu Âu, lễ Giáng Sinh là dịp lễ lớn. Cũng giống như Tết của người Việt Nam, Giáng Sinh có một ý nghĩa truyền thống vô cùng quan trọng. Người ta tổ chức Hội chợ Giáng sinh (Christmas market) khắp mọi nơi, các trung tâm mua sắm đông nghẹt người. Mọi người quây quần trang trí cây thông Noel, cùng nhau nấu các món ăn truyền thống, ăn uống giải trí, tặng quà cho nhau, ai ở xa cũng muốn về đoàn tụ với gia đình.Tôi đã đón 3 lễ Giáng Sinh ở Anh, tôi rất yêu thích, nhưng tôi không cảm nhận được sự thiêng liêng như đối với Tết của người Việt Nam.

Cách đây mấy hôm tôi đọc bài viết của một người nước ngoài (Tên là Jesse Peterson) với tựa đề là KỆ TẾT trên VnExpress. Bài viết khá là thành kiến (bias), khen Tết thì ít mà chê bai thì nhiều. Cái chữ “Kệ” đó của anh ta sẽ gây đau lòng cho những người con đất Việt vì hoàn cảnh không thể về quê ăn Tết. Để hiểu được văn hóa của một đất nước, ngoài việc phân biệt cái tốt/ xấu theo lăng kính cá nhân mỗi người, chúng ta đặt trái tim mình vào đó thì sẽ hiểu cái “hồn” của mỗi dân tộc. Việc chỉ trích hay vẽ ra một bức tranh toàn những điều xấu xí (Mà dân tộc nào cũng có) sẽ không làm bạn yêu dân tộc đó được, thì lúc đó bạn sẽ “kệ”, mà chính cái “kệ” đó làm giảm khả năng thành công trong giao tiếp.

Ngoài lễ Giáng Sinh, người Anh còn có các ngày lễ truyền thống khác như Lễ Phục Sinh (Easter), Lễ hội Lửa Bonfire Night.

Nếu bạn làm việc với người Hồi Giáo, bạn sẽ có dịp tìm hiểu các dịp lễ quan trọng của họ ví dụ như Tháng Ramadan, và lễ Eid.

2.3. Lịch sử hình thành của dân tộc:

Tìm hiểu lịch sử hình thành một dân tộc góp phần quan trọng cho thành công của bạn khi làm việc với người nước ngoài. Biết được lịch sử một dân tộc, ngoài việc hiểu thêm về văn hóa, ta còn biết được bạn và “thù” của họ qua từng giai đoạn là ai, để tiếp chuyện cho phù hợp, đó cũng là sự tế nhị trong giao tiếp.

Nước Anh: Tên gọi chính thức của nước Anh là: Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (The United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland). Trong tên gọi đó là 4 dân tộc bao gồm: Người Scotland, người xứ Wales, người Bắc Ailen và người Anh.

Người Anh (English people) thôn tính ba dân tộc còn lại bao gồm người Scotland, người xứ Wales và người Bắc Ailen (Người Ailen giữ được phía nam, là đất nước Ailen hiện nay) để hình thành nên nước Anh ngày nay.

Người Scotland không thích bạn gọi họ là “English people”. Khi người Anh (English people) đến xứ Wales, vào một quán rượu và cất giọng Anh của mình lên, thì toàn bộ người trong quán sẽ chuyển sang nói tiếng xứ Wales giống như một hình thức phản đối ngầm. Như vậy, khi bạn nói chuyện với người đến từ Anh, bạn nên xem họ là British people – là từ dùng chung để nói về những người đến từ Anh Quốc – cho đến khi bạn biết họ thuộc dân tộc nào trong 4 dân tộc ở trên.

Người Ấn Độ: Nhiều người Ấn Độ ở Anh vẫn giữ phong tục tập quán của người Ấn Độ mặc dù được sinh ra và lớn lên ở Anh qua cách ăn mặc và tín ngưỡng. Theo kinh nghiệm làm việc của tôi với người Ấn Độ thì cách quản lý của họ khá chi tiết, nếu không quen sẽ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, tôi biết có nhiều sếp Ấn Độ rất tốt.

Người Pháp: Khi ở Việt Nam tôi làm việc chung với một anh người Pháp. Một hôm trời mưa, mọi người đang làm việc thì đột nhiên anh chàng cất giọng (Bằng Tiếng Việt): “Trời mưa làm tình yêu rất là thích”. Cả phòng im lặng như tờ, tôi vì quá đột ngột nên cũng bị “đứng hình”. Tưởng mọi người không hiểu, anh ấy lặp lại. Một đồng nghiệp của tôi nggay sau đó giải thích cho anh Pháp hiểu là nói chuyện về chủ đề tình dục nơi công cộng không phù hợp với văn hóa Việt Nam, cũng như trong công ty. Anh ấy hiểu và xin lỗi. Chuyện chỉ tới đó, sau này chúng tôi không bao giờ nhắc lại hoặc lấy ra đùa cợt.

Khi công ty có người nước ngoài làm việc, chúng ta nên theo sát và giải thích những khác biệt về văn hóa, giúp họ hòa nhập tốt hơn từ đó cũng tạo được sự gần gũi giữa hai bên.

Khi bạn giao tiếp với một người nước ngoài mà không biết họ đến từ nước nào, thì bạn đừng vội vã đưa tay ra bắt vì mình không biết cách chào hỏi của người ta ra sao. Bạn có thể mỉm cười với họ và gật đầu chào, người ta sẽ chào bạn bằng phong tục của người ta, có thể là chìa tay ra để bắt tay bạn, hoặc cúi chào bạn, lúc đó bạn có thể bắt chước để chào lại. Khi đến một nơi xa lạ, chúng ta cần quan sách cách mọi người giao tiếp với nhau trước khi bắt đầu giao tiếp với người khác. Chỉ cần yên lặng một lúc là bạn có thể ‘đọc vị’ được cách mọi người giao tiếp, từ đó ứng xử cho phù hợp.

2.4. Giáo Dục:

Ở Anh: Thầy Cô là người hướng dẫn cho học trò chứ không áp đặt, trái ngược với ở Châu Á, Thầy Cô có xu hướng áp đặt nhiều hơn. Trong một chương trình trao đổi giáo dục của Trung Quốc và Anh trên truyền hình mà tôi có dịp xem, hai trường trung học ở Anh và Trung Quốc trao đổi giáo viên cho nhau để xem cách dạy của nước này có kết quả như thế nào với học trò của nước kia. Các giáo viên người Trung Quốc không quen với cách học tập và giao tiếp của học sinh trung học ở Anh đến nỗi có người đã rơi nước mắt. Điều này hoàn toàn là do khác biệt về văn hóa chứ không phải do lỗi của bên nào hết.

3) ĐI DU LỊCH:

Đi du lịch là một cách rất tốt để tìm hiểu văn hóa của các dân tộc trên thế giới, để biết đời sống hàng ngày của họ ra sao, để so sánh nước mình với nước bạn.

Chúng ta hay nói người Việt Nam lái xe ẩu. Khi sang Anh tôi thấy người Anh lái xe cũng ẩu, họ cũng vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, qua đường không đúng luật, chạy leo lề. Người Ý lái xe còn ẩu hơn người Anh, vì ngoài những điều kể trên, họ còn không thèm cài dây an toàn khi tham gia giao thông. Bạn sẽ thấy rất nhiều xe hơn ở Ý móp méo do các vụ va chạm nhỏ.

Hoặc là chúng ta nghe nói người Đức rất kỷ luật, nguyên tắc. Nếu bạn sang Đức, bạn sẽ thấy đường phố sạch sẽ không một cọng rác, có nhiều xe xịn bóng loáng mà hiếm khi thấy ở Anh. Bạn cũng không thấy xe móp méo, dù ở Đức không quy định tốc độ chạy xe.

Muốn biết một đất nước đa chủng tộc đến đâu, có hai nơi cho ta thấy rõ điều đó nhất, đó là: Trường học và bệnh viện.

4) HIỂU VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM:

Chúng ta cần hiểu văn hóa của dân tộc mình, ý nghĩa các ngày lễ lớn, lịch sử hình thành dân tộc, cả những cái xấu, cái tốt, các mặt chính trị, giáo dục, ẩm thực, tôn giáo… Hãy chuẩn bị sẵn nhiều câu chuyện có liên quan đến dân tộc Việt Nam về đề tài trên để kể hoặc giải thích cho người nước ngoài nhằm giúp họ hiểu rõ hơn về đất nước con người Việt Nam.

Chúng ta cần giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, để hòa nhập chứ không hòa tan với các dân tộc khác. Mỗi người Việt Nam đều là một đại diện văn hóa của dân tộc Việt Nam.

5) CHUẨN BỊ GÌ KHI ĐÓN TIẾP NGƯỜI NƯỚC NGOÀI:

– No Second Chance To Make First Impression.

Một tập đoàn rất lớn của Nhật Bản mua lại công ty của học trò tôi (Bạn ấy đang làm giám đốc nhân sự ở đó). Tôi và bạn đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị bài thuyết trình bằng Tiếng Anh giới thiệu về công ty cho hai chuyên gia Nhật Bản được cử sang để tiếp quản công ty. Tiếp sau đó là buổi lễ chào đón thành công Chủ tịch tập đoàn từ Nhật qua, đây là lần xuất hiện rất hiếm hoi của ông ấy trước công chúng ngay cả ở Nhật Bản.

Buổi gặp gỡ thành công tốt đẹp, công ty của bạn nhận được sự khen ngợi và đánh giá cao từ Chủ tịch tập đoàn. Có được điều này là do bạn tập dợt nhiều lần trước khi các sự kiện chính thức diễn ra theo đúng như câu nói: “Practice makes perfect”. Bạn đã cố gắng không để sai sót dù nhỏ nhất. Bạn dẫn hai chuyên gia người Nhật đi tham quan các địa điểm nổi tiếng tại Sài Gòn, giới thiệu về các món ăn truyền thống, các nhà hàng Việt ở Sài Gòn. Bạn cũng kỳ công tìm hiểu và nhờ nhiều người tư vấn những món quà có ý nghĩa nhất để tặng cho các đối tác Nhật Bản, mặc dù bạn có vài năm học tiếng Nhật và cũng biết về nền văn hóa Nhật Bản.

Sau này khi cần đón tiếp người nước ngoài, các bạn chỉ cần nhớ hai câu mà tôi đã trích dẫn: “No Second Chance To Make First Impression”, và “Practice makes perfect” là bạn sẽ thành công.

Trên đây là một số kinh nghiệm của tôi khi làm việc với các đồng nghiệp và sếp nước ngoài tại Việt Nam và tại Anh. Làm việc trong một xã hội đa chủng tộc, đa tôn giáo đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt và thích nghi với điều đó bằng cách không ngừng học và hỏi, vì ngoài tính cách đặc trưng của từng dân tộc, thì từng cá nhân lại có tính cách riêng của họ mà sẽ nổi bật lên trong giao tiếp và khi làm việc, mà chỉ có thể nhờ vào kiến thức và sự trải nghiệm của bạn để biết cách ứng xử cho phù hợp.

Tôi xin chúc các bạn và gia đình nhiều sức khỏe, thành công và an khang thịnh vượng trong năm mới 2018. Tôi mong nhận được sự chia sẻ cũng như thắc mắc của các bạn sau khi đọc bài viết này.

Bài viết trên Fb của Mrs Thanh McKenzie.

Xổ số miền Bắc