Hậu Covid 19: Biến “nguy” thành “cơ” phát triển du lịch thông minh

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid – 19 bùng phát và đã tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp nước ta đã tích cực chung tay, nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch Covid – 19 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch – dịch vụ. Điều này đặt ra thách thức lớn buộc các doanh nghiệp du lịch phải có những giải pháp để thích nghi và hồi phục trở lại.

1. Covid 19: Cú sốc lớn đầu năm 2020 đối với ngành du lịch Việt Nam

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà lần đầu tiên trong lịch sử thế giới chứng kiến cảnh ngành du lịch gần như tê liệt. Đặc biệt, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm sâu chưa từng có.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, riêng quý I năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ có gần 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch nội địa đạt 13 triệu lượt, trong đó có 6,8 triệu lượt khách lưu trú, tổng thu từ khách du lịch đạt 143.600 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hai thị trường khách trọng điểm là Trung Quốc và Hàn Quốc giảm tới trên 90%. Cụ thể, khách Trung Quốc đạt 33.200 lượt, giảm 91,5%; khách Hàn Quốc đạt 28.700 lượt, giảm 91,4%.

So với cùng kỳ năm 2019, khách quốc tế đến từ các châu lục đều giảm mạnh, trong đó khách đến từ châu Á giảm 77,2%, châu Âu giảm 27,5%, châu Mỹ giảm 67,9%, châu Úc giảm 49,9% và châu Phi giảm 37,8%. Những con số liên tục giảm là do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho hay, lượng khách mua tour giảm mạnh, tình trạng hủy tour lớn chưa từng có. Theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, 71% số doanh nghiệp cho biết doanh thu của công ty trong quý 1 năm nay giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019; có 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý 2 sẽ giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, Tổng cục du lịch cũng ước tính đại dịch COVID-19 khiến ngành du lịch thiệt hại tới 7 tỷ USD.

2. Trong “nguy” có “cơ”

Phát triển hình thức du lịch online

Thế giới đã thay đổi rất nhiều thông qua cuộc cách mạng 4.0 và toàn cầu trở nên kết nối, chúng ta không thể nhìn thế giới theo cách cũ mà phải nhìn theo cách mới hoàn toàn đó là thế giới số và thế giới vật lý sẽ kết nối với nhau. Du lịch thông minh sẽ là cầu nối để thực hiện điều đó.

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, “du lịch online” có thể xem như hình thức giải trí hiệu quả nhất vào thời điểm này. Bạn có thể tham khảo những website nổi tiếng được các “tín đồ” du lịch gợi ý nhiều nhất, như: Amazing Việt Nam, Lonely Planet, chương trình “Dọc đường ẩm thực” trên ứng dụng POPS hay chuyên mục du lịch của CNN…

Du lịch online đang trở thành xu hướng được nhiều quốc gia hướng tới khi mà mọi hoạt động xúc tiến du lịch đều phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điển hình là đầu tháng 4 vừa qua việc tổ chức lễ hội hoa anh đào tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đã phải dừng lại, thay vào đó là hoạt động du lịch online nhằm giúp du khách tham quan, trải nghiệm thông qua thiết bị thông minh. The Guardian, một ấn phẩm báo chí nổi tiếng của Anh đã giới thiệu hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình) trong danh sách 10 tour du lịch thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới, mang đến sự thích thú không nhỏ cho độc giả… Điều đó cho thấy, du lịch thế giới đã có những thay đổi để thích ứng với tình hình dịch Covid-19.

Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ để thu hút người dân và du khách tìm hiểu các điểm đến bằng hình thức trực tuyến, điển hình là Văn Miếu – Quốc Tử Giám với hình thức “Tham quan 360 độ” trên website, cho phép du khách có thể tìm hiểu về di tích dù đang ở bất cứ đâu hay như du lịch online thông qua website Battrangtour.net của làng gốm sứ Bát Tràng và đặc biệt là Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity”. Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore). Gần đây, các website du lịch nổi tiếng, như: Amazing Việt Nam, Lonely Planet, TripAdvisor… đã tăng cường đăng tải nhiều hình ảnh, thông tin du lịch hấp dẫn để phục vụ nhu cầu khám phá của du khách.

Cơ hội cho Việt Nam

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch): Du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích, dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng.

Thuật ngữ “du lịch thông minh” mới xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng một vài năm trở lại đây, được nhắc đến nhiều khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính thức diễn ra ở nước ta.

Đảng, Nhà nước và Chính phủ nước ta cũng rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm định hướng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông vào phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch. Thể chế chính sách đi trước là điều quan trọng để khai thông, mở đường và tạo điều kiện nền tảng, hành lang pháp lý cho phát triển du lịch thông minh.

Đặc biệt, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW, khẳng định “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước”. Trong đó, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tất yếu phải có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Nghị quyết 08 cũng nêu 3 khía cạnh ứng dụng khoa học công nghệ với các hoạt động du lịch gồm: Xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý nhà nước.

Luật du lịch năm 2017 cũng khẳng định “Nhà nước có chính sách trong việc khuyến khích hỗ trợ các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch” (Khoản 4, Điều 5). Để tạo bước đột phá trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP và Nghị quyết số 124/2017/NQ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với 46 nước…

Thực tế, xu hướng sử dụng dịch vụ trên Internet để quyết định cho các chuyến đi và nội dung hoạt động du lịch ngày càng tăng. Theo khảo sát của công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có 88% du khách Việt Nam tra cứu thông tin qua mạng, trong đó 35% thường xuyên sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin du lịch.

Du lịch online đang là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là thời điểm các đơn vị cần chủ động đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý công việc, đồng thời giúp người dân và du khách có thêm kênh thông tin du lịch hữu ích. Phát triển du lịch online sẽ giúp các đơn vị khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh một cách hiệu quả, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, để phát triển tốt du lịch online, các doanh nghiệp du lịch, đơn vị quản lý điểm đến cần xác định rõ mục tiêu, kế hoạch hành động cũng như giải pháp thực hiện. Thực tế, trong quá trình triển khai các hoạt động du lịch, nhiều đơn vị chưa tận dụng được hết tiềm năng của công nghệ. Không ít website về du lịch chủ yếu mang tính lưu trữ số liệu, thiếu thông tin, hình ảnh mới mẻ, hấp dẫn nên lượng người truy cập không cao.

Việt Nam đang làm xuất sắc vai trò chống dịch tạo cơ hội lớn là phục hồi kinh tế nhanh và cấu trúc nhanh để hội nhập quốc tế, phát triển đột phá hậu COVID-19. Vì vậy, ngoài việc kích cầu du lịch để phục hồi kinh tế, thì việc nâng cao năng lực canh tranh, đón đầu xu thế kinh doanh mới bằng các giải pháp công nghệ, tư duy kinh doanh mới, tạo các chuỗi cung ứng mới, hình thành các chuỗi giá trị đang rất cấp thiết cho doanh nghiệp ngành du lịch.

Để thúc đẩy du lịch khởi động trở lại, cần nhanh chóng đổi mới, thích ứng và tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tìm hiểu nhu cầu của du khách, tìm hiểu các thị trường du lịch và sản phẩm mới qua mạng internet để dần khôi phục ngành du lịch theo hướng hiệu quả và an toàn. Việc đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi điểm đến an toàn, đây là các giải pháp để sớm phục hồi và trở thành động lực để ngành du lịch vượt qua thời gian khủng hoảng hiện nay.

Xổ số miền Bắc