Hướng dẫn đánh giá và xếp loại chất lượng hằng năm đối với CBCCVC, LĐHĐ làm việc trong các cơ quan nhà nước, ĐVSN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội – Công chức, viên chức – S

Ngày 12/11/2020, Sở Nội vụ Hà Nội ban hành Hướng dẫn số 3270/HD-SNV về việc đánh giá và xếp loại chất lượng hằng năm đối với CBCCVC, LĐHĐ làm việc trong các cơ quan nhà nước, ĐVSN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội.

Căn cứ Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018 của Bộ
Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá,
xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân
trong hệ thống chính trị (sau đây gọi tắt là
Quy định 132);

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 112/2011/NĐ-CP
ngày 05/12/2011 về công chức xã, phường, thị trấn
(sau đây gọi tắt là Nghị định 112); số
34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định
về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt
động không chuyên trách ở cấp xã, ở
thôn, tổ dân phố (sau đây gọi tắt là Nghị
định 34); số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh
giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức,
viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định 90);

Căn cứ Quy định số 03-QĐi/TU ngày 12/10/2018 của Thành
ủy Hà Nội về phân cấp quản lý cán bộ
và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (sau đây
gọi tắt là Quy định 03);

Căn cứ các Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy: số
2898-QĐ/TU ngày 08/11/2017 về việc ban hành Quy định
đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý
diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (sau đây
gọi tắt là Quyết định 2898); số 3814-QĐ/TU ngày
16/5/2018 về việc ban hành Quy định khung tiêu chí
đánh giá hằng tháng đối với cán bộ,
công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống
chính trị thành phố Hà Nội (sau đây gọi
tắt là Quyết định 3814);

Để công tác đánh giá, xếp loại chất lượng
cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
hằng năm đảm bảo theo đúng quy định, tiến độ, có chất
lượng và hiệu quả, Sở Nội vụ hướng dẫn một số nội dung cần lưu
ý khi đánh giá, xếp loại hằng năm như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Kết quả đánh giá, xếp loại hằng năm đối với
cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
là căn cứ để xếp loại thi đua, bình xét khen
thưởng hằng năm; là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch,
đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính
sách đối với cán bộ, công chức, viên chức,
lao động hợp đồng theo quy định và theo yêu cầu nhiệm vụ
của cơ quan, đơn vị.

b) Đánh giá, xếp loại hằng năm đối với công chức,
viên chức, lao động hợp đồng nhằm phát huy vai
trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công
tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ
cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách
làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức
trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi
công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao
động hợp đồng, tạo môi trường sáng tạo, đổi mới,
phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của
từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

2. Yêu cầu

a) Việc đánh giá, xếp loại hằng năm đối với cán
bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng phải thực hiện
theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chính
xác, khách quan, công bằng, đúng thực chất
và đúng trình tự quy định. Phải thực hiện
đánh giá đa chiều, liên tục và lượng
hóa được kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ,
công chức, viên chức, lao động hợp đồng gắn với kết quả
công tác của từng bộ phận, cơ quan, đơn vị (trên cơ
sở phân tích về tổng khối lượng và tính
chất, mức độ của công việc).

b) Lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ và kết quả
thực hiện các tiêu chuẩn khung năng lực vị trí
việc làm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức, lao động hợp đồng làm thước đo chủ yếu trong đánh
giá, xếp loại.

II. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Căn cứ Điều 2 Quy định đánh giá cán bộ
lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy
quản lý ban hành kèm theo Quyết định số
2898-QĐ/TU ngày 08/11/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy
(sau đây gọi tắt dưới dạng Điều 2 Quyết định 2898);
Điều 3 Quy định khung tiêu chí đánh giá
hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên
chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành
phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định
3814-QĐ/TU ngày 16/5/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy
(sau đây gọi tắt dưới dạng Điều 3 Quyết định 3814),
trong Hướng dẫn này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Cán bộ”, “công chức”,
“viên chức”: theo quy định của Luật Cán bộ,
công chức; Luật Viên chức và Luật sửa dổi, bổ sung
một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật
Viên chức.

2. “Lao động hợp đồng”: là người được ký
hợp đồng lao động theo chỉ tiêu “LĐHĐ theo Nghị định số
68/2000/NĐ-CP” hoặc “LĐHĐ theo định mức” tại Quyết
định của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu kế hoạch
kinh tế – xã hội và dự toán thu chi ngân
sách hằng năm của thành phố Hà Nội.

3. “Cán bộ lãnh đạo, quản lý”:
là cán bộ; công chức giữ chức vụ lãnh đạo,
quản lý; viên chức quản lý.

4. “Tập thể lãnh đạo, quản lý”:
là tập thể được quy định là cơ quan lãnh đạo,
quản lý ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ
lãnh đạo tập thể.

5. “Người đứng đầu”: là người được bầu, bổ
nhiệm, phê chuẩn hoặc chỉ định giữ chức vụ cấp trưởng trong
các tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và
các đoàn thể chính trị – xã hội,
các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

6. “Cấp có thẩm quyền”: là tập thể
lãnh đạo hoặc người đứng đầu được giao quyền quyết định về
công tác tổ chức, cán bộ theo quy định.

7. “Cơ quan làm công tác tổ chức,
cán bộ”: là cơ quan tham mưu, giúp việc,
giúp cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về
công tác tổ chức, cán bộ trong các cơ quan
nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

8. “Các chủ thể tham gia đánh
giá” gồm: các tập thể, cá nhân
có liên quan ở cấp dưới trực tiếp, cùng cấp, cấp
trên trực tiếp.

III. ĐỐI TƯỢNG ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI

1. Cán bộ (cán bộ cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã).

2. Công chức (công chức cấp thành phố, cấp huyện,
cấp xã).

          3. Viên chức.

          4. Lao động
hợp đồng (đối tượng nêu tại Khoản 2 Mục II Hướng dẫn này).

* Việc đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh
đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản
lý thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy.

IV. NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI

1. Bảo đảm khách quan, công bằng, chính
xác; không nể nang, trù dập, thiên vị,
hình thức; bảo đảm đúng thẩm quyền quản lý,
đánh giá cán bộ, công chức, viên
chức, lao động hợp đồng.

2. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ
vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả
thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm
cụ thể; đối với cán bộ, công chức, viên chức
lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm
vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.

3. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06
tháng thì không thực hiện việc đánh
giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian
công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.

Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
nghỉ không tham gia công tác theo quy định của
pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng
thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp
loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết
quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất
lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.

4. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ,
công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định tại
Hướng dẫn này được sử dụng làm cơ sở để liên
thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.

V. CĂN CỨ VÀ TIÊU CHÍ ĐÁNH
GIÁ, XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC,
VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG HỢP ĐỒNG

1. Căn cứ đánh giá đối với cán bộ, công
chức, viên chức, lao động hợp đồng (được quy định tại Điều 4
Quyết định 3814) gồm:

a) Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; Quy tắc
ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, lao động
hợp đồng trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội;

b) Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;

c) Cơ chế hoạt động, quy chế làm việc của tập thể; các
quy định về việc chấp hành điều lệ, nghị quyết, quy định của
Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc tu dưỡng, rèn
luyện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa
giao tiếp, tác phong, lề lối làm việc cá nhân;

d) Bản mô tả công việc và khung năng lực vị
trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt;

đ) Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức,
viên chức, lao động hợp dồng theo kế hoạch, chương trình
cong tác trong tháng và nhiệm vụ đột xuất được giao;

e) Kết quả theo dõi, đánh giá của lãnh
đạo và kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng,
phản ánh của các tổ chức, cá nhân đối với
cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
trong thực thi nhiệm vụ.

2. Căn cứ đánh giá đối với cán bộ lãnh
đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý,
căn cứ đánh giá được quy định tại Điều 3 Quyết định 2898:

a) Căn cứ Điều lệ Đảng và hướng dẫn thi hành Điều lệ
Đảng; nhiệm vụ của Đảng viên và các quy định cụ
thể của Đảng về những điều Đảng viên không được làm;

b) Nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo
quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật
Viên chức; các quy định về những điều cán bộ,
công chức, viên chức không được làm;

c) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao gắn với vị
trí việc làm của cán bộ lãnh đạo, quản lý;

d) Các quy định của Trung ương, Thành ủy về tiêu
chuẩn chức danh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý;

đ) Tiêu chí đánh giá và xếp loại
cán bộ;

e) Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII).

3. Tiêu chí đánh giá (được quy định tại
Điều 3 Nghị định 90) gồm:

a) Chính trị tư tưởng;

b) Đạo đức, lối sống;

c) Tác phong, lề lối làm việc;

d) Ý thức tổ chức kỷ luật;

đ) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

VI. NỘI DUNG
ĐÁNH GIÁ

1. Đối với cán bộ được quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật
Cán bộ, công chức (Mục 1 của Mẫu số 01 Nghị định 90 –
kèm theo Hướng dẫn này).

2. Đối với công chức được quy định tại Khoản 1 và 2 Điều
56 Luật Cán bộ, công chức (Mục 2 của Mẫu số 02 Nghị định
90 – kèm theo Hướng dẫn này).

3. Đối với viên chức được quy định tại Khoản 1 và 2 Điều
41 Luật Viên chức (Mục 3 của Mẫu số 03 Nghị định 90 – kèm
theo Hướng dẫn này).

4. Lao động hợp đồng vận dụng nội dung đánh giá của
viên chức, sử dụng Phiếu đánh giá và xếp
loại theo Mẫu số 04 kèm theo Hướng dẫn này.

VII.
XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG

Các nội dung đánh giá (nêu tại Mục VI)
được định hướng, cụ thể hóa kèm theo mức độ phải đạt
được của từng mức xếp loại, thành các tiêu
chí xếp loại chất lượng (mức độ, cấp độ cần đạt được theo
các nội dung, tiêu chí đánh giá).

Nghị định 90 quy định tiêu chí xếp loại chất lượng cụ
thể cho từng đối tượng đánh giá như sau: đối với
cán bộ là các Điều: 4, 5, 6, 7; đối với
công chức là các Điều: 8, 9, 10, 11; đối với
viên chức là các Điều: 12, 13, 14, 15.

Điều 4 Quyết định 2898 và Điều 8 Quyết định 3814 vừa tiếp tục
định hướng, định lượng, cụ thể hóa kèm theo cấp độ ảnh
hưởng, tầm quan trọng theo từng tiêu chí đánh
giá, vừa khái quát điểm chung phải đạt được của
từng mức xếp loại chất lượng đối với đối tượng đánh giá,
gọi là khung tiêu chuẩn các mức xếp loại chất lượng.

Do đó, khi đánh giá, xếp loại chất lượng,
các chủ thể tham gia đánh giá, cấp có thẩm
quyền quyết định đánh giá, xếp loại phải căn cứ
vào các tiêu chí xếp loại chất lượng quy
định cho từng đối tượng đánh giá tại Nghị định 90
và khung tiêu chuẩn các mức xếp loại chất lượng
mà đề xuất hoặc quyết định cho phù hợp.

Căn cứ Nghị định 90, Quyết định 2898, Quyết định 3814, các
tiêu chí xếp loại chất lượng và khung tiêu
chuẩn các mức xếp loại chất lượng như sau:

1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Nghị định 90 quy định
đối với cán bộ là Điều 4, đối với công chức
là Điều 8 và đối với viên chức là Điều 12
(lao động hợp đồng vận dụng như viên chức). Đồng thời, việc xếp
loại chất lượng năm phải gắn với kết quả đánh giá, xếp
loại hằng tháng và đảm bảo khung tiêu chuẩn sau:

– Là cán bộ, công chức, viên chức, lao động
hợp đồng thực sự tiêu biểu về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối
sống, luôn đi đầu về đổi mới sáng tạo, có sản phẩm
cụ thể lượng hóa được, có nhiều thành tích
nổi bật trong công tác được các cán
bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng khác
học tập, noi theo;

– Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được
giao đều đánh giá đạt cấp độ “Xuất sắc”;
các tiêu chí còn lại được đánh
giá đạt cấp độ “Tốt” trở lên;

– Không có tháng nào trong năm xếp loại
“Hoàn thành nhiệm vụ” theo Quyết định 3814;

Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng
cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
được xếp loại chất lượng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ” không vượt quá 20% số
cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
tương ứng được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm
vụ” theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai
trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng trong cơ quan, đơn vị thuộc
thẩm quyền quản lý (số lượng cán bộ lãnh đạo,
quản lý được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ” không vượt quá 20% số được xếp loại
“Hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo chức danh
tương đương ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực).

2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức
hoàn thành tốt nhiệm vụ được Nghị định 90 quy định đối
với cán bộ là Điều 5, đối với công chức là
Điều 9, đối với viên chức là Điều 13 (lao động hợp đồng
vận dụng như viên chức). Đồng thời, việc xếp loại chất lượng năm
phải gắn với kết quả đánh giá, xếp loại hằng
tháng và đảm bảo khung tiêu chuẩn sau:

– Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được
giao đều đánh giá đạt cấp độ “Tốt” trở
lên; những tiêu chí còn lại được đánh
giá đạt cấp độ “Trung bình” trở lên;

– Không có tháng nào trong năm xếp loại
“Không hoàn thành nhiệm vụ” theo Quyết
định 3814.

3. Hoàn thành nhiệm vụ

Các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức
hoàn thành nhiệm vụ đối với được Nghị định 90 quy định
đối với cán bộ là Điều 6, đối với công chức
là Điều 10, đối với viên chức là Điều 14 (lao động
hợp đồng vận dụng như viên chức). Đồng thời, việc xếp loại chất
lượng năm phải gắn với kết quả đánh giá, xếp loại hằng
tháng và khung tiêu chuẩn có các
tiêu chí cơ bản được đánh giá đạt cấp độ
“Trung bình” trở lên.

4. Không hoàn thành nhiệm vụ

Các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức
không hoàn thành nhiệm vụ đối với được Nghị định
90 quy định đối với cán bộ là Điều 7, đối với công
chức là Điều 11, đối với viên chức là Điều 15 (lao
động hợp đồng vận dụng như viên chức). Đồng thời, việc xếp loại
chất lượng năm phải gắn với kết quả đánh giá, xếp loại
hằng tháng và khung tiêu chuẩn cụ thể như sau:

Là cán bộ, công chức, viên chức, lao động
hợp đồng không đạt mức “Hoàn thành nhiệm
vụ” hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:

– Cấp có thẩm quyền kết luận đánh giá có
biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”;

– Chỉ hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ được
giao trong năm;

– Có hành vi vi phạm trong quá trình thực
thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

VIII. TRÁCH NHIỆM, THẨM QUYỀN ĐÁNH GIÁ,
XẾP LOẠI

1. Trách nhiệm đánh giá, xếp loại

– Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý
và người đứng đầu các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn
vị chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức
thực hiện việc đánh giá, xếp loại cán bộ,
công chức, viên chức, lao động hợp đồng hằng năm ở đơn vị mình;

– Từng tập thể, cá nhân có trách
nhiệm thực hiện tự đánh giá, xếp loại;

– Khi có yêu cầu, các chủ thể tham gia
đánh giá có trách nhiệm phối hợp
đánh giá và đề xuất xếp loại đánh
giá đối với đối tượng có liên quan;

– Cấp có thẩm quyền quyết định đánh giá
và xếp loại hằng năm phải chịu trách nhiệm về nội dung
đánh giá, xếp loại.

2. Thẩm quyền đánh giá, xếp loại


2.1. Đối với cá nhân thuộc diện Ban Thường vụ
Thành ủy quản lý

a) Thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quyết định 2898.

b) Đối với cấp phó các sở, ban, ngành, đơn vị
sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố

Ban Thường vụ Thành ủy phân công, ủy quyền đồng
chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND
Thành phố chủ trì cùng Ban Cán sự Đảng
UBND Thành phố đánh giá, xếp loại.

Căn cứ kết quả họp đánh giá và xếp loại,
các cơ quan, đơn vị gửi văn bản kèm hồ sơ (qua Sở Nội vụ
thẩm định) trình đồng chí Phó Bí thư
Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cùng Ban
Cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét, quyết định.


2.2. Đối với cá nhân không thuộc diện Ban
Thường vụ Thành ủy quản lý

Thực hiện theo quy định tại Nghị định 90 và Quy định 03, cụ
thể như sau:

a) Đối với cán bộ

– Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy đánh giá, xếp loại
đối với các chức danh: trưởng ban, phó trưởng ban HĐND
quận, huyện, thị xã; bí thư, phó bí thư
đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã;

– Đối với các cán bộ cấp xã còn lại (cấp
trưởng các tổ chức chính trị – xã hội cấp
xã): thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ
của quận, huyện, thị ủy.

b) Đối với công chức

– Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đánh
giá, xếp loại đối với các chức danh: cấp trưởng cơ quan
hành chính thuộc các sở, ban, ngành;

– Tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành
đánh giá, xếp loại đối với các chức danh: cấp
phó cơ quan hành chính trực thuộc các sở,
ban, ngành; cấp trưởng, cấp phó phòng, ban
và tương đương của sở, ban, ngành;

– Người đứng đầu các sở, ban, ngành và tương
đương trực thuộc Thành phố đánh giá, xếp loại đối
với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản
lý của sở, ban, ngành;

– Tập thể lãnh đạo các chi cục và tương đương
đánh giá, xếp loại đối với các chức danh: cấp
trưởng, cấp phó phòng, ban và tương đương của chi cục;

– Người đứng đầu các chi cục và tương đương đánh
giá, xếp loại đối với công chức không giữ chức vụ
lãnh đạo, quản lý của chi cục;

– Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy đánh giá, xếp loại
các chức danh: trưởng phòng, phó trưởng
phòng, ban và tương đương trực thuộc UBND quận, huyện,
thị xã;

– Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đánh giá,
xếp loại đối với công chức không giữ chức vụ lãnh
đạo, quản lý thuộc UBND quận, huyện, thị xã;

– Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đánh giá,
xếp loại đối với công chức cấp xã.

b) Đối với viên chức

– Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đánh
giá, xếp loại đối với các chức danh: cấp trưởng đơn vị
sự nghiệp thuộc các sở, ban, ngành; cấp trưởng đơn vị sự
nghiệp trực thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố;

– Tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành
đánh giá, xếp loại đối với cấp phó đơn vị sự
nghiệp thuộc các sở, ban, ngành;

– Tập thể lãnh đạo đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành
phố đánh giá, xếp loại đối với các chức danh: cấp
phó đơn vị sự nghiệp thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc UBND
Thành phố; cấp trưởng, cấp phó phòng, ban
và tương đương của đơn vị;

– Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy đánh giá, xếp loại
các chức danh: cấp trưởng và cấp phó đơn vị sự
nghiệp thuộc UBND quận, huyện, thị xã;

– Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố
đánh giá, xếp loại đối với viên chức không
giữ chức vụ quản lý của đơn vị;

– Tập thể lãnh đạo đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban,
ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố, UBND quận,
huyện, thị xã đánh giá, xếp loại đối với
các chức danh: cấp trưởng, cấp phó phòng, ban
và tương đương của đơn vị (nếu có);

– Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành, đơn vị
sự nghiệp trực UBND Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã
đánh giá, xếp loại đối với viên chức không
giữ chức vụ quản lý của đơn vị;

– Tập thể lãnh đạo các chi cục và tương đương
đánh giá, xếp loại đối với cấp trưởng và cấp
phó đơn vị sự nghiệp thuộc chi cục;

– Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thuộc chi cục đánh
giá, xếp loại đối với viên chức của đơn vị.

d) Đối với lao động hợp đồng

Lao động hợp đồng thuộc chỉ tiêu của cơ quan, đơn vị nào
thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó đánh
giá, xếp loại.

* Cấp có thẩm quyền tại Điểm 2.2 này có thể
phân công, ủy quyền thẩm quyền đánh giá,
xếp loại đảm bảo nguyên tắc cấp nào, người nào
trực tiếp lãnh đạo, giao việc thì đồng thời thực hiện
nhận xét, đánh giá, xếp loại và phải
chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

IX. PHƯƠNG PHÁP, QUY TRÌNH, TRÌNH TỰ, THỦ
TỤC ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI

1. Phương pháp, quy trình đánh
giá, xếp loại

Việc đánh giá, xếp loại hằng năm đối với cán bộ,
công chức, viên chức, lao động hợp đồng được thực hiện
theo 3 bước như sau:

– Bước 1: Tự đánh giá, xếp loại

Căn cứ tiêu chí đánh giá, xếp loại,
cá nhân tự phân tích chất lượng, mức độ thực
hiện và tự xếp loại đánh giá vào 1 trong 4
mức theo quy định.

– Bước 2: Tham gia đánh giá và đề xuất xếp
loại chất lượng

Các chủ thể tham gia đánh giá thực hiện
phân tích chất lượng, đề xuất đánh giá, xếp
loại đối với cá nhân có liên quan khi được
yêu cầu theo trách nhiệm, thẩm quyền.

– Bước 3: Quyết định đánh giá và xếp loại
chất lượng

+ Cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu,
giúp cấp có thẩm quyền thẩm định kết quả tự đánh
giá, kết quả tham gia đánh giá, các kết
quả đánh giá hợp pháp khác và tổng
hợp, đề xuất mức xếp loại chất lượng.

+ Trên cơ sở đề xuất của cơ quan làm công
tác tổ chức, cán bộ, cấp có thẩm quyền xem
xét, quyết định việc đánh giá và xếp loại
chất lượng hằng năm đối với từng cá nhân thuộc thẩm quyền
quản lý.

2. Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại

a) Đối với cán bộ

Thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định 90 như sau:

a1. Cán bộ tự đánh giá, xếp loại chất lượng

Cán bộ làm báo cáo tự đánh
giá, nhận mức xếp loại kết quả công tác theo chức
trách, nhiệm vụ được giao theo mẫu số 01 kèm theo Hướng
dẫn này.

a2. Nhận xét, đánh giá cán bộ

Tổ chức cuộc họp tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức nơi
cán bộ công tác để nhận xét, đánh
giá đối với cán bộ. Cán bộ trình
bày báo cáo tự đánh giá kết quả
công tác tại cuộc họp, các thành viên
tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các
ý kiến phải được ghi vào biên bản và
thông qua tại cuộc họp.

Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ quyết định việc
lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của
các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo,
quản lý trực tiếp của cán bộ được đánh giá.

a3. Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp
ủy đảng cùng cấp nơi cán bộ công tác.

a4. Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất
lượng cán bộ

Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan
quản lý cán bộ tổng hợp ý kiến nhận xét,
đánh giá theo quy định tại Tiết a2, a3 Điểm a này
và tài liệu liên quan (nếu có), đề xuất nội
dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với
cán bộ.

Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét,
quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng đối với
cán bộ.

a5. Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại
chất lượng cán bộ

Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thông
báo bằng văn bản cho cán bộ và thông
báo công khai về kết quả đánh giá, xếp loại
chất lượng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công
tác; quyết định hình thức công khai trong cơ quan,
tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác, trong
đó ưu tiên áp dụng hình thức công
khai trên môi trường điện tử.

b) Đối với công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ
chức, đơn vị:

Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 90 như sau:

b1. Công chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng

Công chức làm báo cáo tự đánh
giá, nhận mức xếp loại kết quả công tác theo chức
trách, nhiệm vụ được giao theo mẫu số 02 kèm theo Hướng
dẫn này.

b2. Nhận xét, đánh giá công chức

Tổ chức cuộc họp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức
công tác để nhận xét, đánh giá đối
với công chức.

Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể công
chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có đơn vị cấu thành
thì thành phần bao gồm tập thể lãnh đạo cơ quan,
tổ chức, đơn vị, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn,
đoàn thanh niên cùng cấp và người đứng đầu
các đơn vị cấu thành; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị
có quy mô lớn thì người đứng đầu các đơn vị
cấu thành có thể tham gia ý kiến bằng văn bản.

Công chức trình bày báo cáo tự
đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp,
các thành viên tham dự cuộc họp đóng
góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi
vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

b3. Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp
ủy đảng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác.

b4. Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất
lượng công chức

Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan
có thẩm quyền đánh giá tổng hợp ý kiến
nhận xét, đánh giá quy định tại Tiết b2, b3 Điểm
b này và tài liệu liên quan (nếu
có), đề xuất nội dung đánh giá và mức xếp
loại chất lượng đối với công chức.

Cấp có thẩm quyền quyết định đánh giá, xếp loại
chất lượng đối với công chức.

b5. Cấp có thẩm quyền đánh giá công chức
thông báo bằng văn bản cho công chức và
thông báo công khai về kết quả đánh
giá, xếp loại chất lượng; quyết định hình thức
công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức
công tác, trong đó ưu tiên áp dụng
hình thức công khai trên môi trường điện tử.

c)

Đối với cấp phó của người đứng đầu và công
chức thuộc quyền quản lý của người đứng đầu

Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 90:

c1. Công chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng

Công chức làm báo cáo tự đánh
giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo
mẫu số 02 kèm theo Hướng dẫn này.

c2. Nhận xét, đánh giá công chức

Tổ chức cuộc họp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức
công tác để nhận xét, đánh giá đối
với công chức.

Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể công
chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc toàn thể công chức
của đơn vị cấu thành nơi công chức công tác
trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có đơn vị cấu thành.

Trường hợp công chức là cấp phó của người đứng
đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có đơn vị cấu thành
thì thành phần bao gồm tập thể lãnh đạo cơ quan,
tổ chức, đơn vị, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn,
đoàn thanh niên cùng cấp và người đứng đầu
các đơn vị cấu thành; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị
có quy mô lớn thì người đứng đầu các đơn vị
cấu thành có thể tham gia ý kiến bằng văn bản.

Công chức trình bày báo cáo tự
đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp,
các thành viên tham dự cuộc họp đóng
góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi
vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

c3. Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp
ủy đảng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công
tác đối với cấp phó của người đứng đầu.

c4. Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất
lượng công chức

Đối với công chức là cấp phó của người đứng đầu,
người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ ý kiến nhận
xét, đánh giá quy định tại điểm b, điểm c khoản
này và tài liệu liên quan (nếu có)
để quyết định nội dung đánh giá và mức xếp loại
chất lượng đối với công chức.

Đối với công chức thuộc quyền quản lý của người đứng
đầu, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ ý kiến tại
cuộc họp nhận xét, đánh giá quy định tại Tiết c2
Điểm c này quyết định nội dung đánh giá và
mức xếp loại chất lượng đối với công chức.

c5. Cấp có thẩm quyền đánh giá thông
báo bằng văn bản cho công chức và thông
báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi
công chức công tác về kết quả đánh
giá, xếp loại chất lượng; quyết định hình thức
công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức
công tác, trong đó ưu tiên áp dụng
hình thức công khai trên môi trường điện tử.

d) Đối với công chức cấp xã

Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 90 và
Điều 28 Nghị định 112 như sau:

– Đối với các công chức Văn phòng – thống
kê, Địa chính – xây dựng – đô thị và
môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính –
nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với
xã), Tài chính – kế toán, Tư pháp –
hộ tịch, Văn hóa – xã hội:

d1. Công chức làm báo cáo tự đánh
giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo
Mẫu số 02 và trình bày báo cáo tự
đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ
được giao tại cuộc họp đánh giá công chức hằng năm
để mọi người tham dự đóng góp ý kiến;

d2. Chủ tịch UBND cấp xã nhận xét về kết quả tự
đánh giá của công chức, đánh giá ưu,
nhược điểm của công chức trong công tác;

d3. Tập thể công chức của UBND cấp xã họp tham gia
góp ý kiến. Ý kiến góp ý được lập
thành biên bản và thông qua tại cuộc họp;

d4. Chủ tịch UBND cấp xã kết luận và quyết định xếp
loại công chức.

– Đối với công chức Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã
và Trưởng Công an xã:

d5. Công chức làm báo cáo tự đánh
giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo
Mẫu số 02, tự nhận xét ưu, nhược điểm trong công
tác và trình bày báo cáo tự
đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ
được giao tại cuộc họp đánh giá công chức hằng năm
để mọi người tham dự đóng góp ý kiến;

d6. Tập thể Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, Công an
xã và công chức của UBND cấp xã họp tham
gia góp ý. Ý kiến góp ý được lập
thành biên bản và thông qua tại cuộc họp;

d7. Chủ tịch UBND cấp xã đánh giá, quyết định
xếp loại công chức và thông báo đến
công chức sau khi tham khảo ý kiến góp ý
bằng văn bản của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện
(đối với Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã), Trưởng
Công an huyện (đối với Trưởng Công an xã).

đ)

Đối với viên chức là người đứng đầu và cấp
phó của người đứng đầu

Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định 90 như sau:

đ1. Viên chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng

Viên chức làm báo cáo tự đánh
giá, mức xếp loại kết quả công tác theo chức
trách, nhiệm vụ được giao theo mẫu số 03 kèm theo Hướng
dẫn này.

đ2. Nhận xét, đánh giá viên chức

Tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi viên chức công tác
để nhận xét, đánh giá đối với viên chức.
Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể viên
chức của đơn vị.

Trường hợp đơn vị có đơn vị cấu thành thì
thành phần bao gồm tập thể lãnh đạo đơn vị, đại diện cấp
ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên
cùng cấp và người đứng đầu các đơn vị cấu
thành; đối với đơn vị có quy mô lớn thì
người đứng đầu các đơn vị cấu thành có thể tham
gia ý kiến bằng văn bản.

Viên chức trình bày báo cáo tự
đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp,
các thành viên tham dự cuộc họp đóng
góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi
vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

đ3. Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp
ủy đảng đơn vị nơi viên chức công tác.

đ4. Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất
lượng viên chức

Bộ phận tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan,
đơn vị có thẩm quyền đánh giá tổng hợp ý
kiến nhận xét, đánh giá quy định tại Tiết đ2, đ3
Điểm đ này và tài liệu liên quan (nếu
có), đề xuất nội dung đánh giá và mức xếp
loại chất lượng đối với viên chức.

Cấp có thẩm quyền quyết định đánh giá, xếp loại
chất lượng đối với viên chức.

đ5. Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất
lượng viên chức thông báo bằng văn bản cho
viên chức về kết quả đánh giá, xếp loại chất
lượng; quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ
chức, đơn vị nơi viên chức công tác, trong
đó ưu tiên áp dụng hình thức công
khai trên môi trường điện tử.

e)

Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý
và lao động hợp đồng

Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định 90 như sau:

e1. Viên chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng

Viên chức làm báo cáo tự đánh
giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo
mẫu số 03 kèm theo Hướng dẫn này.

Lao động hợp đồng làm báo cáo tự đánh
giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo
mẫu số 04 kèm theo Hướng dẫn này.

e2. Nhận xét, đánh giá viên chức, lao động
hợp đồng

Tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi viên chức, lao động hợp đồng
công tác để nhận xét, đánh giá đối
với viên chức, lao động hợp đồng.

Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể viên
chức của đơn vị hoặc toàn thể viên chức của đơn vị cấu
thành nơi viên chức công tác trong trường
hợp đơn vị có đơn vị cấu thành.

Viên chức trình bày báo cáo tự
đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp,
các thành viên tham dự cuộc họp đóng
góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi
vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

e3. Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất
lượng viên chức

Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng
căn cứ ý kiến tại cuộc họp nhận xét, đánh
giá quy định tại Tiết e2 Điểm e này quyết định nội dung
đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với
viên chức.

e4. Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất
lượng viên chức thông báo bằng văn bản cho
viên chức và thông báo công khai trong
cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức công tác về
kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức;
quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ chức,
đơn vị nơi viên chức công tác, trong đó ưu
tiên áp dụng hình thức công khai trên
môi trường điện tử.

X. HỒ SƠ TRÌNH CẤP CÓ THẦM QUYỀN ĐÁNH
GIÁ, XẾP LOẠI; THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÀ LƯU
TRỮ TÀI LIỆU ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI

1. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đánh
giá, xếp loại

– Phiếu đánh giá, xếp loại cán bộ (mẫu số 01),
công chức (mẫu số 02), viên chức (mẫu số 03), lao động hợp
đồng (mẫu số 04 kèm theo Hướng dẫn này);

– Biên bản cuộc họp đánh giá, xếp loại;

– Bản nhận xét của cấp ủy nơi cư trú và cấp
ủy nơi công tác;

– Văn bản tham gia, góp ý của các tổ chức, tập
thể, cá nhân có liên quan (nếu có).

2. Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại

– Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất
lượng cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp
đồng thông báo bằng văn bản cho cán bộ, công
chức, viên chức, lao động hợp đồng và thông
báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi
cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
công tác về kết quả đánh giá, xếp loại chất
lượng cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp
đồng; quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ
chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức, lao
động hợp đồng công tác, trong đó ưu tiên
áp dụng hình thức công khai trên môi
trường điện tử;

– Sau khi nhận được thông báo kết quả đánh
giá, xếp loại chất lượng, trường hợp cán bộ, công
chức, viên chức, lao động hợp đồng không nhất trí
với kết luận đánh giá, xếp loại chất lượng thì
có quyền kiến nghị. Việc giải quyết kiến nghị do người
có thẩm quyền đánh giá, xếp loại giải quyết.

3. Lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại
chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, lao động
hợp đồng

Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được thể hiện
bằng văn bản, lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức,
viên chức, lao động hợp đồng bao gồm:

– Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá;

– Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ,
công chức, viên chức, lao động hợp đồng;

– Nhận xét của cấp ủy nơi công tác và nơi
cư trú (nếu có);

– Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả
đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công
chức, viên chức, lao động hợp đồng của cấp có thẩm quyền;

– Hồ sơ giải quyết kiến nghị về kết quả đánh giá, xếp
loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, lao
động hợp đồng (nếu có);

– Các văn bản khác liên quan (nếu có).

XI. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI ĐÁNH GIÁ,
XẾP LOẠI

1. Việc đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh
đạo, quản lý giữ chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy
quản lý thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy.

2. Hằng năm, các tổ chức, cơ quan, đơn vị giao chỉ tiêu,
nhiệm vụ cụ thể (hoặc xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ theo
nghị quyết, chương trình, kế hoạch) đối với từng tổ chức,
cá nhân thuộc quyền quản lý để làm căn cứ
đánh giá, xếp loại.

3. Khi xem xét đánh giá, xếp loại hằng năm,
ngoài việc phải căn cứ vào các quy định, hướng
dẫn của Trung ương và Thành phố về công tác
đánh giá hằng năm (đã nêu trong Hướng dẫn
này), thì phải gắn với kết quả tổng hợp đánh
giá, xếp loại hằng tháng (12 tháng trong năm).

4. Việc đánh giá, xếp loại viên chức ngành
giáo dục và đào tạo thực hiện sau khi kết
thúc năm học (năm công tác) thời điểm ngày
01/7 hằng năm; Đối với viên chức các trường trung cấp,
cao đẳng, đại học, thời điểm đánh giá, xếp loại do người
đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định phù hợp với đặc điểm hoạt
động của đơn vị.

5. Việc tổ chức họp đánh giá, xếp loại phải có
ít nhất 2/3 thành phần được triệu tập có mặt dự
họp. Không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể công chức,
viên chức, lao động hợp đồng khi họp đánh giá, xếp
loại. Cá nhân vắng mặt hoặc chưa được đánh
giá, xếp loại thì phải tổ chức đánh giá,
xếp loại trong thời gian sớm nhất.

6. Trường hợp cá nhân được cấp có thẩm quyền cử
đi đào tạo, bồi dưỡng thì căn cứ kết quả học tập
có xác nhận của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
và thời gian làm việc thực tế tại cơ quan, tổ chức, đơn
vị để đánh giá, xếp loại.

7. Đối với cá nhân được biệt phái thì cơ
quan, đơn vị nơi cá nhân đến biệt phái trực tiếp
đánh giá, xếp loại và gửi tài liệu
đánh giá, xếp loại về cơ quan, đơn vị cử biệt
phái để lưu hồ sơ, tổng hợp báo cáo và đề
xuất thi đua – khen thưởng.

8. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm nhiệm
nhiều chức danh công tác thì đánh
giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu ở chức
danh đảm nhận chính, đồng thời, có kết hợp với kết quả
thực hiện chức danh kiêm nhiệm.

9. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06
tháng thì không thực hiện việc đánh
giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian
công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.

10. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp
đồng nghỉ không tham gia công tác theo quy định của
pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng
thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp
loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

11. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp
đồng nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật
thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp
loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm
đó. Trường hợp tại thời điểm họp đánh giá,
cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
đang nghỉ thai sản thì có trách nhiệm làm
báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại kết
quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao,
gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác để thực hiện
việc đánh giá, xếp loại chất lượng theo quy định.

12. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức khi
chuyển công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới
có trách nhiệm đánh giá, xếp loại kết hợp
với ý kiến nhận xét của cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ nếu
thời gian công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ từ 06
tháng trở lên.

13. Trường hợp cá nhân chuyển đến là người đứng
đầu mà không liên quan đến mức xếp loại của tổ
chức, cơ quan, đơn vị mới thì không áp dụng quy
định “Mức xếp loại của người đứng đầu không được cao hơn
mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu”.

14. Đối với cá nhân vi phạm kỷ luật ở tổ chức nơi
công tác trước đó nhưng bị xử lý kỷ luật
và thi hành kỷ luật ở tổ chức mới chuyển đến thì
tính vào kết quả đánh giá, xếp loại của tổ
chức nơi xảy ra vi phạm.

15. Những nơi có dưới 05 cán bộ lãnh đạo, quản
lý; dưới 05 công chức hoặc viên chức hoặc lao động
hợp đồng được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm
vụ” thì chọn 01 cán bộ lãnh đạo, quản
lý; 01 công chức hoặc viên chức hoặc lao động hợp
đồng để xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ” nếu đủ điều kiện.

16. Trường hợp cấp có thẩm quyền là tập thể lãnh
đạo, khi họp xem xét, quyết định đánh giá, xếp
loại thì có thể bỏ phiếu kín. Căn cứ kết quả
đánh giá, xếp loại, cấp có thẩm quyền thông
báo kết quả đánh giá, xếp loại tới đối tượng
đánh giá và tập thể, cá nhân trực
tiếp quản lý, sử dụng đối tượng đánh giá.

17. Cá nhân đã được xếp loại, nhưng sau đó
phát hiện có khuyết điểm hoặc không đảm bảo điều
kiện của mức chất lượng đã xếp loại thì hủy bỏ kết quả
và xếp loại lại.

18. Đối với các hội đặc thù được giao biên chế
thì hội hoặc tổ chức trực thuộc hội nếu có điều kiện
thì có thể vận dụng các quy định nêu tại
Hướng dẫn này về đánh giá, xếp loại đối với
viên chức hoặc lao động hợp đồng để đánh giá, xếp
loại nếu phù hợp.

XII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tiến độ thực hiện

– Cấp chi cục và tương đương; cấp xã: Thực hiện
đánh giá, xếp loại đối với cá nhân thuộc
thẩm quyền quản lý hoàn thành trước ngày
10/12 hằng năm.

– Cấp sở, ban, ngành và tương đương; cấp huyện: Thực
hiện đánh giá, xếp loại đối với cá nhân,
cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản
lý hoàn thành trước ngày 15/12 hằng năm.

2.
Nội dung thực hiện

Căn cứ Hướng dẫn này, Giám đốc các Sở, ban,
ngành, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND
Thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nội dung sau:

– Xây dựng, ban hành Quy chế đánh giá
phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị
mình theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 90.

– Chủ động xây dựng kế hoạch đánh giá, xếp loại
cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng ở
cấp mình; hướng dẫn việc nhận diện các biểu hiện suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
và cụ thể hóa nội dung đánh giá cho
phù hợp với từng đối tượng là cán bộ lãnh
đạo, quản lý, công chức, viên chức, lao động hợp
đồng công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

– Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá;
định lượng hóa mức độ đạt được (theo 04 cấp độ: xuất sắc, tốt,
trung bình, kém) của từng tiêu chí cụ thể
và tiêu chuẩn từng mức chất lượng (hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ,
hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn
thành nhiệm vụ); xác định cụ thể đối tượng, nội dung lấy
ý kiến của các chủ thể liên quan; xây dựng,
hoàn thiện các biểu mẫu, trình tự, thủ tục cho
phù hợp với từng loại hình tổ chức; đối tượng
đánh giá và đặc điểm, tình hình địa
phương, lĩnh vực, ngành.

– Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đánh
giá, xếp loại hằng năm đảm bảo chất lượng, thực chất.

3. Hồ sơ đánh giá,
xếp loại

a) Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban
Thường vụ Thành ủy quản lý:

– Hồ sơ đánh giá, xếp loại gửi Ban Tổ chức Thành
ủy theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy.

– Đối với cấp phó các sở, ban, ngành, đơn vị sự
nghiệp thuộc UBND Thành phố:

Ngoài hồ sơ gửi Ban Tổ chức Thành ủy, hồ sơ đánh
giá, xếp loại đối với cấp phó các sở, ban,
ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố gửi về Sở
Nội vụ để trình đồng chí Phó Bí thư
Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cùng Ban
Cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét đánh
giá, xếp loại (theo phân công, ủy quyền của Ban
Thường vụ Thành ủy tại Quyết định 2898).

b) Đối với cấp trưởng các cơ quan hành chính,
đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị sự
nghiệp thuộc UBND Thành phố:

Hồ sơ đánh giá, xếp loại gửi Sở Nội vụ thẩm định, tổng
hợp để trình đồng chí Phó Bí thư
Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cùng Ban
Cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét đánh
giá, xếp loại.

c) Đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ
Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy đánh giá, xếp loại:

Các cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ đề nghị đánh giá,
xếp loại về Ban Tổ chức Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy để thẩm định, tổng
hợp trình Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy.

d) Đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND
cấp huyện đánh giá, xếp loại:

Các cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ đề nghị đánh giá,
xếp loại về Phòng Nội vụ để thẩm định, tổng hợp trình
Chủ tịch UBND cấp huyện.

4. Báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại

Các Sở, ban ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND
Thành phố, UBND  quận, huyện, thị xã gửi Báo
cáo kết quả đánh giá, xếp loại hằng năm đối với
cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
(biểu tổng hợp số liệu đánh giá, xếp loại theo Mẫu số
05, Mẫu số 06, Mẫu số 07; biểu tổng hợp xử lý kỉ luật theo Mẫu
số 08 kèm theo Hướng dẫn này) về Sở Nội vụ trước
ngày 25/12 năm thực hiện đánh
giá (và email báo cáo bản chữ ký
điện tử và file excel biểu tổng hợp số liệu (Mẫu số 05, Mẫu số
06, Mẫu số 07, Mẫu số 08) tới địa chỉ
[email protected]
đối với khối các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc
UBND Thành phố; tới địa chỉ [email protected] đối
với khối quận, huyện, thị xã) để tổng hợp, báo
cáo UBND Thành phố và Bộ Nội vụ về kết quả
đánh giá, xếp loại hằng năm theo quy định.

(Kèm theo Hướng dẫn này là 08 mẫu gồm: 04 mẫu
phiếu đánh giá, xếp loại cán bộ, công
chức, viên chức, lao động hợp đồng tương ứng từ số 01 đến số
04; mẫu số 05 là Biểu tổng hợp kết quả đánh
giá, xếp loại cán bộ, công chức; mẫu số 06
là Biểu tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại
viên chức; mẫu số 07 là Biểu tổng hợp kết quả
đánh giá, xếp loại lao động hợp đồng  và
mẫu số 08 là Biểu tổng hợp kết quả xử lý kỷ luật
cán bộ, công chức, viên chức hằng năm).

5. Về việc đánh giá định kỳ đối với cấp trưởng
các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện,
Chủ tịch UBND cấp xã theo Chỉ thị 01/CT-UBND ngày
03/02/2017 của Chủ tịch UBND Thành phố

Các sở và cơ quan tương đương sở, UBND các quận,
huyện, thị xã tổ chức thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số
3077/SNV-CCHC ngày 30/11/2017 của Sở Nội vụ về việc hướng dẫn
đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của Trưởng
phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, Chủ tịch
UBND cấp xã. UBND các quận, huyện, thị xã gửi
báo cáo về kết quả thực hiện về Sở Nội vụ (Phòng
Xây dựng chính quyền) và qua email
[email protected] theo mẫu và tiến độ tại Văn bản
nêu trên.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 2902/HD-SNV ngày
25/11/2019 của Sở Nội vụ về đánh giá và
phân loại hằng năm đối với cán bộ, công chức,
viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ
quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền
quản lý của UBND thành phố Hà Nội. Trong
quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các
cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Nội vụ để phối hợp giải
quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo UBND
Thành phố xem xét, giải quyết.

Hướng
dẫn số 3270/HD-SNV và các biểu mẫu

Xổ số miền Bắc