Kinh tế Brazil “qua mặt” Anh

(HNM) – Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) ở London (Anh) vừa công bố báo cáo xếp hạng 10 nước đứng đầu kinh tế thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Pháp, Brazil, Anh, Italia, Nga, Ấn Độ. Theo bảng xếp hạng này, đáng chú ý là Brazil – nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin – đã vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
 

Những năm gần đây, kinh tế Brazil không ngừng lớn mạnh.

Nhận định của CEBR về kinh tế Brazil trùng khớp với dự báo của nhiều tổ chức dự báo khác như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Giám đốc CEBR Douglas McWilliams đánh giá: “Tôi cho rằng đây là một phần của sự thay đổi kinh tế lớn hơn, nơi chúng ta không chỉ thấy sự chuyển dịch từ tây sang đông, mà còn thấy các nước đã sản xuất ra những hàng hóa thiết yếu, như thực phẩm và năng lượng cũng như những thứ như vậy, đang phát triển rất tốt và họ đang dần dần leo cao trong bảng xếp hạng kinh tế”.

Năm 2010, kinh tế Brazil đạt mức tăng trưởng 7,5%. Chính phủ Brazil đã giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2011 xuống còn 3,5% do mức tăng trưởng ở quý III giảm do ảnh hưởng khủng hoảng nợ từ khu vực đồng euro. Dù vậy, tỷ lệ tăng trưởng của Brazil vẫn cao hơn mức tăng trưởng 0,9% mà Anh dự kiến đạt được trong năm 2011. Brazil có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là sản phẩm công nghiệp, quặng sắt, cà phê, cam và hàng nông sản khác, còn các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Mỹ và Argentina. Hiện nay Brazil đứng đầu thế giới trong 4 lĩnh vực năng lượng chiến lược, gồm hạt nhân, thủy điện (Brazil có 5/25 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới), nhiên liệu sinh học (dẫn đầu thế giới về sản xuất ethanol từ mía đường) và dầu mỏ.

Brazil là quốc gia có dân số khoảng 200 triệu, gấp hơn 3 lần dân số của Anh. Trong 10 năm qua, Brazil đã trải qua những chuyển đổi sâu rộng. Khi thế giới quan tâm tới sự lớn mạnh của Trung Quốc và Ấn Độ, Brazil lại lặng lẽ phát triển kinh tế, âm thầm trỗi dậy. Trên thực tế, từ những năm 1970 của thế kỷ trước, Brazil đã từng tạo nên kỳ tích về sự phát triển kinh tế, nhưng sau đó đã vấp phải một loạt cú sốc, rơi xuống bên lề của nền kinh tế thế giới. Bước vào thế kỷ XXI, kinh tế Brazil tiếp tục tăng trưởng, thực lực không ngừng lớn mạnh, nước này đang trải qua lần “trỗi dậy thứ hai”. Báo cáo nghiên cứu của Công ty Goldman Sachs (Mỹ) công bố năm 2003 cho thấy, GDP của Brazil trong năm 2025 sẽ vượt qua Italia, năm 2031 sẽ vượt qua Pháp, năm 2036 sẽ vượt qua Anh và Đức. Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva còn mạnh dạn dự đoán, trong 10-15 năm tới, Brazil sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba hoặc thứ tư thế giới.

Bên cạnh đó, Brazil có điều kiện để trỗi dậy thành một cường quốc. Đất đai rộng lớn, nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào và vị trí chiến lược trọng yếu của Brazil đã trở thành điều kiện khách quan của một cường quốc mang tầm cỡ quốc tế. Ở cấp độ khu vực Mỹ Latin và Caribe, Brazil cũng đã phát huy vai trò lãnh đạo trong các vụ việc của khu vực. Mấy năm qua, Brazil đã dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, trong các sự việc khu vực, cũng đều có tiếng nói, phát huy vai trò xúc tiến ổn định và hợp tác trong khu vực Mỹ Latin, bước đầu đã xây dựng được địa vị lãnh đạo tại Mỹ Latin.

Tuy con đường để Brazil trỗi dậy trở thành cường quốc thế giới còn khá dài, nhiều thách thức khi hiện nay tội phạm bạo lực diễn ra thường xuyên, nạn quan liêu tham nhũng nghiêm trọng, sự phân hóa giàu nghèo… nhưng việc Brazil vượt qua Anh về GDP vẫn là một thành tích đáng ghi nhận. Giám đốc điều hành CEBR Douglas McWilliams cho rằng: “Brazil từ lâu vẫn bất khả chiến bại trước Châu Âu trên các sân bóng đá, nhưng việc họ vượt Châu Âu về kinh tế hoàn toàn là một hiện tượng mới mẻ”.

Xổ số miền Bắc