Lạng Sơn: Khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống

CôngThương – Đa dạng, đậm đà bản sắc riêng

Xứ Lạng- vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống- là tỉnh miền núi biên giới với 7 dân tộc (Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông), có cửa khẩu quốc tế – nơi giao lưu kinh tế và văn hóa với nước láng giềng Trung Quốc. Đây là những nền tảng cơ bản tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của tỉnh.

Dấu ấn văn hóa Lạng Sơn bao đời nay không hề phai nhạt trong mỗi di tích như: Di tích lịch sử Chi Lăng nổi tiếng, khu du kích khởi nghĩa Bắc Sơn, di tích chiến thắng Đường số 4 anh hùng… hay mỗi danh thắng: Động Nhị Thanh, Tam Thanh, Tô Thị Vọng Phu, quần thể danh thắng Mẫu Sơn… Ngày nay, trong bối cảnh kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là kinh tế du lịch, nền văn hóa các dân tộc xứ Lạng đã thực sự trở thành một tài nguyên, tiềm năng lớn để Lạng Sơn phát triển du lịch một cách mạnh mẽ.

Nét hấp dẫn của du lịch văn hóa Lạng Sơn đầu tiên là những lễ hội mùa xuân. Trên “phông màu” văn hóa dân tộc, các lễ hội ở Lạng Sơn mang những nét đẹp nổi bật, tiêu biểu cho các lễ hội của cư dân vùng núi phía Bắc. Tỉnh Lạng Sơn có đến 90% các lễ hội được tổ chức hàng năm. Đặc trưng lễ hội Lồng Tồng- lễ hội cầu mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, “nhân khang, vật thịnh”… Những lễ hội ở mỗi địa phương khác nhau đều mang phong vị và sắc thái đặc trưng riêng.

Song song với đó, văn hóa ẩm thực cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa các dân tộc xứ Lạng. Đặc biệt là món thịt lợn quay lá mác mật. Khi ăn thịt lợn quay với các gia vị, măng ớt, quả mác mật đặc trưng, kèm lá sau non và “chiêu” thêm một ngụm rượu ấm nóng do bà con dân tộc tự chưng cất, càng hấp dẫn và ngon miệng, đậm đà khó quên.

Không dừng lại ở đó, khi đến với mỗi làng quê của đồng bào các dân tộc xứ Lạng, du khách dễ dàng cảm nhận được tấm lòng chân tình, mến khách của những người dân nơi đây. Một bát nước chè, một chén rượu tự nấu, một lát bánh khảo, một bát cháo ngô… được chủ nhà đem ra mời khách, tuy đơn sơ nhưng thể hiện biết bao tình cảm chân thành và mộc mạc. Nếu muốn, du khách có thể cùng sản xuất, lao động với người dân, cùng chế biến và thưởng thức các món ăn dân dã…

Ông Hoàng Văn Páo-Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lạng Sơn:

“Đề án Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015 đã xây dựng, khi hoàn thành sẽ giúp các giá trị văn hóa của Lạng Sơn được bảo tồn và phát huy tốt hơn trong tương lai”.

Bảo tồn và phát huy vốn quý

Ông Hoàng Văn Páo- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Lạng Sơn – cho biết, thời gian qua, ngành VH-TT&DL Lạng Sơn rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân ở các bản, làng vùng cao; phục hồi và phát triển vốn di sản văn hóa các dân tộc, coi văn hóa là một nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Cụ thể, về văn hóa vật thể, hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có 586 di tích gồm 4 loại hình (248 di tích lịch sử cách mạng; 44 di tích khảo cổ; 250 di tích kiến trúc nghệ thuật; 44 danh lam thắng cảnh). Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích thường xuyên được thực hiện bằng việc huy động nhiều nguồn vốn như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách của tỉnh và xã hội hóa. Chỉ tính từ năm 2003 đến nay, đã có 53 di tích được tôn tạo với 130 lượt trùng tu và một số dự án xây dựng mới.

Đồng thời, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh cũng được tích cực triển khai. 15 năm qua, tỉnh đã triển khai các dự án nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng văn hóa truyền thống; xuất bản sách; tổ chức ghi âm, ghi hình, phát hành đĩa CD, VCD, phát sóng truyền hình, truyền thanh; tổ chức các hoạt động truyền dạy hát dân ca; duy trì tổ chức các lễ hội xuân hàng năm; phát triển du lịch tại cộng đồng… Trong đó, tiêu biểu là công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xắng Cọ của dân tộc Sán Chỉ (xã Nhượng Bạn, Lộc Bình), khôi phục lễ hội Nà Cưởm (xã Tân Lang – Văn Lãng). Định kỳ hai năm một lần, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Lạng Sơn được tổ chức luân chuyển tại các huyện, thành phố để tạo điểm nhấn. Lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa của các xã, thị trấn được kết hợp nhuần nhuyễn với Đại hội TDTT ở cơ sở…

Tất cả những nỗ lực đó đã khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phát triển kinh tế – xã hội, phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách đến với xứ Lạng.

Lên xứ Lạng ngày nay, du khách không chỉ được chứng kiến sự đổi thay toàn diện của mảnh đất “sơn thủy hữu tình” đậm đặc những huyền thoại về tình đất, tình người, mà còn được đắm mình trong không khí sinh hoạt văn hóa cổ truyền của đồng bào các dân tộc. Mặc dù chưa hết gian khó, song những kết quả trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Lạng Sơn thời gian qua là rất đáng trân trọng, hứa hẹn phát huy tối đa những tiềm năng văn hóa phong phú, độc đáo trên vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Xổ số miền Bắc