NHÌN LẠI 01 NĂM THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI – Bảo Tàng Đồng Nai

          Đồng Nai – là một trong những tỉnh ở Nam bộ có bề dày lịch sử, văn hóa, mảnh đất hội tụ và sinh tồn của hơn 30 dân tộc anh em như: Kinh, Hoa, Tày, Nùng Chơro, Mạ….và các dân tộc ít người khác. Mỗi dân tộc tuy không hình thành nên những địa bàn định cư riêng biệt nhưng có sự tập trung ở một số vùng nhất định, với những bản sắc văn hóa riêng. Bên cạnh đó các dân tộc sinh sống hòa thuận, quây quần bên nhau tạo nên sự giao thoa văn hóa hết sức đa dạng. Đồng thời, với vị trí địa lý thuận lợi, là vùng kinh tế, là cửa ngõ giao lưu văn hóa, kinh tế trọng điểm phía Nam, điểm giao thoa hội tụ của nhiều nền văn hóa đã hình thành nên một diện mạo văn hóa Đồng Nai đa dạng trong thống nhất và mang tính đặc thù của vùng.   

          Xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhiều năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành nhiều văn bản có tính chất vĩ mô, lâu dài như Kế hoạch số 7232/KH-UBND ngày 25/7/2017 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc triển khai Quyết định 2493/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 – 2020; Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành quy định phân câp, ủy quyền quản lý di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…

          Tính đến ngày 31/12/2020 toàn tỉnh Đồng Nai có trên 1500 di tích đã được kiểm kê phổ thông; 61 di tích được xếp hạng các cấp (trong đó 02 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp Quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh);  11.561 di sản văn hóa thuộc 07 loại hình văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở Đồng Nai được gìn giữ, thực hành thường xuyên như lễ hội Sayangva  (dân tộc Chơro), lễ hội đâm trâu (dân tộc Châu Mạ), lễ hội cúng tả tài phán, lễ hội vía Thiên Hậu, lễ hội chùa Ông (dân tộc Hoa), cúng Then (dân tộc Tày – Nùng), tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống… Các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang phát huy được vai trò, vị trí, chức năng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vùng đất, con người Đồng Nai.

          Là đơn vị sự nghiệp, có chức năng tham mưu cho lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid -19 nhưng tập thể Bảo tàng Đồng Nai đã có nhiều hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa và đạt được nhiều thành tựu cụ thể như:

          – Công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa: Công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã được triển khai thực hiện đồng bộ với nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm bao gồm văn hóa phi vật thể và vật thể như sưu tầm thông tin tư liệu Các giá trị văn hóa đình làng ở Đồng Nai; Kỷ vật của các Mẹ Việt Nam anh hùng ở Đồng Nai; kiểm kê nghệ thuật đờn ca tài tử ở Đồng Nai; Khai quật khảo cổ tại địa điểm Long Hưng, xã Long Hưng và địa điểm Tân Lại, phường Bửu Long thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Khảo sát dấu vết cổ học địa điểm Hang Dơi (huyện Tân Phú, huyện Định Quán); Lập bản đồ GIS khảo cổ học; Vẽ bản đồ phân bố và cắm mốc địa điểm khảo cổ học (di tích Suối Linh, Đồi Phòng Không); xếp hạng cấp tỉnh 04 di tích: đình Bình Thiền, đình Hưng Phú, đình Thành Hưng, đình Phước Lư (thành phố Biên Hòa)…

          Công tác sưu tầm hiện vật ở Bảo tàng Đồng Nai chú trọng đến tính đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số thông qua các bộ sưu tập, các chủ đề sưu tầm ngày càng phong phú. Năm 2020, Bảo tàng đã sưu tầm 118 hiện vật dân tộc thiểu số, 05 hiện vật trôi nổi thuộc nhiều loại hình khác nhau như vật dụng lao động sản xuất, sinh hoạt, thờ cúng…

          – Công tác phát huy giá trị di sản văn hóa: Trong năm 2020, công tác phát huy các giá trị di sản văn hóa được lãnh đạo Bảo tàng quan tâm, đầu tư thực hiện đồng bộ bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng đến việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ số thời đại 4.0. Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện xây dựng, chỉnh lý trang thông tin điện tử (Website), Fanpage riêng của đơn vị để kịp thời quảng bá, đưa thông tin khoa học kịp thời đến quần chúng nhân dân. Bảo tàng Đồng Nai xuất bản nhiều ấn phẩm như Thông tin khoa học số 15, sách giới thiệu di tích đình Xuân Lộc – Chùa Xuân Hòa, thực hiện phim tư liệu giới thiệu di tích đình An Hòa và phát sóng 03 kỳ trên Đài Truyền hình Đồng Nai.

          Đối với công tác trưng bày, triển lãm, Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện 09 cuộc trưng bày tại nhà văn hóa dân tộc và triển lãm chuyên đề tại đơn vị về các chủ đề lịch sử, văn hóa như: chuyên đề “Tự hào 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ( 03/02/1930 – 03/02/2020); chuyên đề “Mãi mãi đi theo người” nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020….

          Trong năm 2020, đơn vị đã tích cực hỗ trợ các di tích, đồng bào dân tộc thiểu số như người Hoa, Chơro… trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm như: lễ Tả Tài phán, lễ hội làm chay, lễ hội Chùa Ông của người Hoa, lễ hội Sayangva của đồng bào Chơro ở thị xã Long Khánh, huyện Vĩnh Cửu… Ngoài ra, Bảo tàng Đồng Nai còn tổ chức tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cho các đối tượng cán bộ quản lý văn hóa ở cơ sở, Ban Quý tế, Ban quản lý các di tích… bằng hình thức tổ chức tập huấn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cho các di tích đã xếp hạng và cuộc thi tìm giá trị di tích trên địa bàn huyện Xuân Lộc.

          Những thành tựu đạt được trong năm 2020 của Bảo tàng Đồng Nai đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là biểu hiện tính đúng đắn của chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong năm 2020 của Bảo tàng Đồng Nai thực hiện đã có tác động tích cực, sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, thể chất cho nhân dân trong tỉnh; giúp tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh; tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới, khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

          Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai trong năm 2020 và những năm trước vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Quá trình phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, sự giao lưu, hội nhập toàn diện, đã tác động một cách sâu rộng đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc. Các di tích lịch sử, văn hóa… đối mặt với nguy cơ bị lẫn chiếm, xuống cấp, cải tạo nhưng không giữ lại yếu tố gốc; các hiện vật có giá trị cao về mặt văn hóa, lịch sử, khoa học của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng hiếm do bị bán cho các nhà sưu tập tư nhân; các di sản văn hóa phi vật thể có tốc độ mai một, thất truyền nhanh… Trong khi đó vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nhất là công sưu tầm các di sản văn hóa chưa được đầu tư tương xứng với nguồn tài nguyên hiện có; số lượng di tích được trùng tu, tôn tạo còn khiêm tốn; hiện vật, tư liệu văn hóa phi vật thể được sưu tầm hàng năm còn hạn chế, chưa theo kịp với tốc độ mai một, thất truyền. Các chính sách, chế độ đặc thù đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa chưa đáp ứng so với tình hình thực tiễn xã hội… Một bộ phận quần chúng nhân dân, cán bộ làm công tác chuyên môn, quản lý còn thờ ơ, chưa hiểu về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa…

          Trước tình hình và thực trạng đó, để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai trong thời gian tới sẽ thực hiện một số giải pháp sau:

           Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt những chủ trường, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009, Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; các Đề án, Kế hoạch của UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai… Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban Giám đốc Sở về công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

          Thứ hai, thực hiện tốt những nhiệm vụ chuyên môn đã được giao, trong đó ưu tiên, chú trọng đến một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, sưu tầm văn hóa phi vật thể và trưng bày, tuyên truyền phổ biến giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học đến quảng đại quần chúng nhân dân. ưu tiên nguồn kinh phí xứng đáng đối với nhiệm vụ sưu tầm những bộ sưu tập, hiện vật, cổ vật quý, hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học cao đang có nguy cơ mai một, thất truyền cao. Chú trọng, quan tâm đầu tư cho nhiệm vụ sưu tầm thông tin, tư liệu di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh như thành phố Long Khánh, huyện Long Thành, huyện Xuân Lộc… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, hiến tặng hiện vật; sưu tầm, gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Kịp thời đề nghị khen thưởng, biểu dương cho các nghệ nhân, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn, phổ biến di sản văn hóa dân tộc.

          Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng Đồng Nai và cơ sở, trong đó chú trọng đến việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác trưng bày, triển lãm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến các giá trị di sản văn hóa dân tộc thông qua các phương tiện truyền thông, thông tin như đài truyền hình, trang thông tin điện tử, Fanpage…. Thực hiện tốt công tác cán bộ, trong đó chú trọng đến việc cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, quản lý liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa.

          Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai trong năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ đạt được những kết quả cao, góp phần quan trọng “xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” tiến tới “phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trần Minh Trí – Bảo tàng Đồng Nai

Xổ số miền Bắc