Nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý thiết chế văn hóa ở nước ta hiện nay

(LLCT&TT) Các thiết chế văn hoá có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá của mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức hoạt động và quản lý các thiết chế văn hoá là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về văn hoá, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Việc sử dụng và quản lý các thiết chế hiện nay đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hoá hiện nay là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hoá ngày càng được kiện toàn, làm thoả mãn tốt nhất nhu cầu văn hoá của nhân dân theo định hướng của Đảng.

Ở bất kỳ một giai đoạn lịch sử hay một chế độ xã hội nào cũng cần có những thiết chế văn hoá để truyền tải các vấn đề văn hoá – xã hội một cách chính thống của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Thiết chế văn hoá bao gồm một số đơn vị như: trung tâm văn hoá – thông tin, trung tâm văn hoá – thể thao, thư viện, nhà văn hoá, nhà truyền thống, bảo tàng, cung văn hoá, cung thanh thiếu nhi, nhà hát, rạp xiếc, rạp chiếu phim, công viên, vườn hoa… Trong các yếu tố xây dựng và nâng cao đời sống văn hoá thì nâng cao hiệu quả và giá trị hệ thống thiết chế văn hoá đóng vai trò quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.

1. Vai trò của thiết chế văn hoá

Thiết chế văn hoá là tổ chức có đầy đủ các yếu tố: bộ máy nhân sự, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, kinh phí hoạt động, quy chế hoạt động. Thiết chế văn hoá hoạt động cụ thể, thường xuyên trong khuôn khổ pháp luật hoặc quy chế của ngành, đoàn thể đáp ứng nhu cầu của công chúng và góp phần phát triển đời sống văn hoá cơ sở.

Thiết chế văn hoá là địa điểm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, là công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trong đó, ưu thế nhất là tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; giáo dục quần chúng nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với những luận điệu sai trái, chống phá cách mạng, chống phá Đảng và Nhà nước. Một số các thiết chế như nhà văn hoá, câu lạc bộ… là môi trường thuận lợi để người dân có thể đóng góp ý kiến với các cấp uỷ đảng, chính quyền về những vấn đề chính trị, văn hoá, xã hội đang diễn ra.

Thiết chế văn hoá có vai trò giáo dục nhiều mặt đến đời sống nhân cách con người, cả đức, trí, thể, mỹ và năng lực thực tế; là nơi nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết pháp luật của nhân dân, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, xây dựng và duy trì nếp sống, lối sống văn minh, góp phần cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Nhờ có thiết chế văn hoá nên các nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, giải trí, luyện tập thể dục, thể thao… của các tầng lớp nhân dân được đáp ứng. Thiết chế văn hoá cũng là nơi tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, hình thành môi trường giao tiếp cộng đồng thoải mái, vui vẻ, lành mạnh.

Thiết chế văn hoá cũng là nơi lưu giữ, phổ biến các giá trị văn hoá thông qua các hoạt động phù hợp với phong tục, tập quán và lối sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Nhiều giá trị văn hoá đã được bảo tồn, gìn giữ và phát huy ngay từ những trung tâm văn hoá, nhà văn hoá của xã, thôn, huyện đến các sân khấu, nhà hát như: hát xoan, hát bội, dân ca quan họ…

Có thể nói, thiết chế văn hoá có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá của nhân dân, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân, là công cụ của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo quần chúng. Sử dụng và quản lý các thiết chế văn hoá, vì thế cũng giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hoá, giúp các thiết chế văn hoá ngày càng được kiện toàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, làm thoả mãn tốt nhất nhu cầu văn hoá của nhân dân theo định hướng của Đảng.

2. Một số thành tựu và hạn chế trong sử dụng và quản lý thiết chế văn hoá ở nước ta hiện nay

Hiện nay, hầu hết các địa phương trên phạm vi cả nước đều có thiết chế văn hoá. Tính đến tháng 8.2019, cả nước có 7.035 trung tâm văn hóa, thể thao xã; 72.952 thiết chế văn hóa cấp thôn(1). Các thiết chế văn hoá cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân. Trung bình một năm có 40,8 triệu lượt người tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ ở nông thôn (đạt gần 60%, trong đó có 27% người dân đồng bằng, thành phố sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể thao thường xuyên; 15% số người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa tham gia hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên)(2). Nhiều địa phương trên cả nước đã hoàn thiện các thiết chế văn hoá cơ sở, xây dựng quy chế hoạt động, quy chế quản lý thiết chế văn hoá theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

Các thiết chế văn hoá thực hiện tốt nhiệm vụ là điểm đến văn hoá, giúp người dân thoả mãn nhu cầu giải trí, gắn kết người dân, nâng cao đời sống tinh thần. Các hoạt động tại các thiết chế văn hoá cũng ngày càng phong phú, đa dạng. Từ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ chính trị đến các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, đọc sách, các cuộc thi múa hát… đều được quần chúng nhân dân hào hứng tham gia ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau. Một số địa phương (như huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) tổ chức liên hoan các nhà văn hoá nhằm phát huy chức năng của thiết chế này đến quần chúng nhân dân, khích lệ cán bộ công tác văn hoá.

Thiết chế văn hoá còn góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá, con người địa phương, đặc biệt là các thiết chế văn hoá bảo tàng. Nhiều bảo tàng lớn như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Đắk Lắk… cùng nhiều bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh đã tự vươn lên để trở thành điểm đến thường xuyên trong các tuyến du lịch của nhiều đối tượng du khách.

Tuy nhiên, việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hoá ở nước ta trong giai đoạn hiện nay cũng có những bất cập, bộc lộ một số hạn chế.

Cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong các thiết chế văn hoá, đặc biệt là thiết chế nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm nên chưa có sự đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Hiện tượng nơi thiếu nhà văn hoá, nơi thừa nhà văn hoá không sử dụng đang diễn ra tại một số địa phương. Ví dụ, tại thôn Quảng Phúc (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) mặc dù được công nhận là “Làng văn hoá” năm 2019 nhưng không người dân nào thấy tự hào vì danh xưng là “Làng văn hoá” nhưng cả thôn lại chẳng có nổi một nhà văn hoá. Mỗi lần hội họp, nhân dân lại phải “chạy hết chỗ này đến chỗ khác” để mượn địa điểm sinh hoạt(3). Trong khi đó, ở một số nơi, nhà văn hoá được xây dựng nhưng lại bỏ không hoặc rất ít khi sử dụng, gây nên sự lãng phí. Tại Hoà Bình, theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân Tỉnh, sau khi thực hiện đề án sáp nhập thôn, xóm, tổng số nhà văn hoá không sử dụng hiện còn gần 500 nhà(4).

Một số thiết chế văn hoá chưa được nhìn nhận đúng đắn về vị trí, chức năng. Nguồn kinh phí hoạt động còn thiếu do phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và tuỳ thuộc vào điều kiện, khả năng thu ngân sách của địa phương. Các hoạt động tại một số thiết chế văn hoá còn đơn điệu, chủ yếu dừng lại ở hoạt động hội họp, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Theo thống kê của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội vẫn có tới 34% nhà văn hoá chỉ tổ chức hoạt động 1 lần/tháng(5).

Công tác lãnh đạo, quản lý thiết chế văn hoá còn chậm đổi mới. Ở một số địa phương, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, vận động thường chỉ rầm rộ lúc đầu mà không duy trì được hiệu quả tuyên truyền trong toàn bộ quá trình quản lý. Bên cạnh đó, một số thiết chế văn hoá còn thiếu những cán bộ văn hoá có chuyên môn chuyên sâu và tâm huyết với nghề.

3. Nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý thiết chế văn hoá ở nước ta hiện nay

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề quản lý và sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá”(6). Chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, xây dựng nông thôn mới (trong đó có thiết chế văn hoá) được thể hiện qua nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, thông tư… như: Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII năm 1998; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khoá XI năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7, khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các Thông tư 01 (2010), Thông tư 11 (2010), Thông tư 12 (2010), Thông tư 06 (2011), Thông tư 17 (2011), Thông tư 05 (2014), Thông tư 14 (2016); Quyết định số 2563/QĐ/BVHTTDL ngày 03.8.2015 phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hoá, thể thao ở nông thôn”…

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng thiết chế văn hoá ở nước ta hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, có cơ chế, chính sách quan tâm đầu tư, xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hoá trên cơ sở có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm. Việc đầu tư xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hoá cần đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý, phục vụ tối đa chức năng của các thiết chế văn hoá và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Hai là, có chính sách thích hợp về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ tại các thiết chế văn hoá. Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại các thiết chế văn hoá được thực hiện đồng bộ và đảm bảo các yêu cầu: cán bộ vừa được đào tạo về đạo đức, vừa được đào tạo về chuyên môn, có kỹ năng, tâm huyết với nghề. Đặc biệt, những người làm về công tác văn hoá, văn nghệ thì phải có chuyên môn được đào tạo về ngành văn hoá, văn nghệ hoặc ngành gần với văn hoá để nguồn nhân lực hoạt động tại các thiết chế văn hoá có thể phát huy tốt nhất năng khiếu, sở trường của mình. Trong quá trình đào tạo cán bộ, cũng cần có chế độ đãi ngộ hợp lý với nguồn nhân lực làm việc tại các thiết chế văn hoá, đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động yên tâm công tác, cống hiến.

Ba là, đa dạng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá như: hoạt động tuyên truyền, cổ động; hoạt động giáo dục; hoạt động văn nghệ quần chúng; hoạt động của các hiệp hội, câu lạc bộ; hoạt động vui chơi, giải trí; hoạt động bảo tồn, lưu giữ các di sản, giá trị văn hoá… Các hoạt động này không chỉ phong phú, đa dạng mà còn cần có sự đổi mới cả về nội dung và cách thức thực hiện để đạt được hiệu quả tốt nhất. Song song với việc đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của thiết chế văn hoá, phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia của quần chúng nhân dân.

Bốn là, đẩy mạnh công tác xã hội hoá tại các thiết chế văn hoá, thực hiện phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Công tác xã hội hoá huy động được sự tham gia về sức người, đóng góp về sức của, khơi dậy mọi tiềm năng của mọi tầng lớp nhân dân. Công tác xã hội hoá đặc biệt hiệu quả khi áp dụng trong xây dựng các mô hình văn hoá, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng các thiết chế văn hoá và tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các thiết chế văn hoá, hướng các hoạt động tại các thiết chế văn hóa thực hiện đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các thiết chế văn hóa.

Nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hoá ở nước ta hiện nay là một trong những nội dung cần chú ý trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Việc phát huy giá trị văn hoá của các thiết chế văn hoá, nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hoá trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi sự quan tâm của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành văn hoá, thể thao, du lịch và sự phối hợp, ủng hộ của quần chúng nhân dân để các thiết chế văn hoá góp phần vào việc phát triển và xây dựng đời sống văn hoá của dân tộc./.

 ________________________________________

(1), (2) Cục Văn hoá cơ sở (2019), “Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hoá trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2010; Đề xuất định hướng và giải pháp thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020”.

(3) Tiêu điểm “Thừa thiếu cục bộ nhà văn hoá nông thôn”, VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam ngày 24.8.2020.

(4) Diệu Linh (2020), “Nhà văn hoá nông thôn: Nơi bỏ hoang, nơi muốn chẳng được”, nguồn:  https://vtv.vn/xa-hoi/nha-van-hoa-nong-thon-noi-bo-hoang-noi-muon-chang-duoc-20200824142425249.htm.

(5) Nguyễn Thanh (2019), “Hoạt động tại chác thiết chế văn hoá: Được và chưa được”, nguồn: https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/938294/hoat-dong-tai-cac-thiet-che-van-hoa-duoc-va-chua-duoc.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.257.

 

Xổ số miền Bắc