Những lợi ích công nghệ thực tế ảo đối với ngành Du lịch

Những lợi ích công nghệ thực tế ảo đối với ngành Du lịch

(Tạp chí Du lịch) – Bản chất của kinh doanh du lịch là bán trải nghiệm chứ không phải bán sản phẩm. Chính vì thế, du lịch là một trong những ngành tiên phong ứng dụng công nghệ thực tế ảo (virtual reality – VR). Nhiều doanh nghiệp du lịch đã triển khai công nghệ VR trên các trang web hoặc ứng dụng của mình, mang đến cho người dùng cơ hội “thử trước khi mua” và từ đó đạt hiệu quả tích cực.

Ứng dụng VR trong du lịch

Thực tế ảo là thuật ngữ miêu tả một môi trường được tạo ra bởi con người nhờ vào các phần mềm chuyên dụng mà ở đó người dùng có thể tương tác với không gian một cách chân thật. Không gian ảo có thể hoàn toàn được giả lập hoặc thực tế. 2 tính năng cơ bản của công nghệ VR là ảnh và video được sản xuất bằng thiết bị và phần mềm chuyên dụng. Nội dung VR du lịch cũng tương tự như nội dung thông thường: một cảnh được chụp hoặc quay phim ở nhiều góc độ cùng một lúc bằng máy chụp ảnh có độ phân giải cao hoặc máy quay đa hướng. Sau đó với sự hỗ trợ của phần mềm chuyên dụng, dữ liệu ảnh hoặc đoạn phim được hoàn thiện theo chủ đích đặt người xem vào trung tâm để giúp họ dễ dàng hình dung ra bản thân tại vị trí đó. Nội dung VR có thể được xem trên mọi thiết bị máy tính, điện thoại thông minh nhưng hiệu quả cao nhất là qua kính VR chuyên dùng bởi những tác động lên cả thính giác, xúc giác và cảm giác.

Những năm gần đây, doanh nghiệp du lịch và các nhà phát triển phần mềm đã phát hiện ra những khả năng vô tận mà thực tế ảo có thể tạo ra. VR kết hợp cùng công nghệ không gian 3D và 360 VR Tour đã cho phép khách hàng nhập vai, tương tác, làm gia tăng trải nghiệm sống động về không gian, địa điểm bất kỳ. Đến nay qua VR, du khách có thể đi thuyền quanh Bahamas, tham quan các địa điểm khảo cổ ở Ai Cập hoặc thậm chí leo lên đỉnh Everest mà không cần ra khỏi nhà. Nếu là người thích đại dương, tour khám phá Great Barrier Reef bằng VR sẽ đưa bạn đến với những dòng chảy trong xanh của Thái Bình Dương, chiêm ngưỡng sự đa dạng sinh học dưới đáy biển hay nghe những âm thanh rì rào phát ra từ rạn san hô. Nếu là người thích cảm giác mạnh, tour du lịch nhảy dù ảo từ tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai là một gợi ý. Nếu là người đam mê nghệ thuật, bạn đừng bỏ lỡ chuyến tham quan bảo tàng Louvre với các bộ sưu tập trực tuyến từ hơn 18.000 tác phẩm nghệ thuật…

Sự ưu việt của công nghệ VR cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh thu hút du khách. Ngành Du lịch Wales đã tạo các video tour du lịch thực tế ảo lặn với cá heo hay bay cùng chim bói cá để lôi cuốn khách du lịch đến với các điểm tham quan động vật hoang dã nổi tiếng của đất nước này. National Geographic Explore VR đưa người dùng đến những điểm đến xa xôi như Machu Picchu, đi dạo với đàn voi ở châu Phi hay trải nghiệm cuộc sống hoang dã của Nam Cực.

Công ty First Airlines tại Tokyo (Nhật Bản) đã thành lập hãng hàng không thực tế ảo đầu tiên trên thế giới nhằm cung cấp cho hành khách trải nghiệm thực tế khi bay đến một điểm đến. Hành khách được đưa vào mô hình mô phỏng của cabin máy bay, được hướng dẫn các quy định an toàn hàng không và phục vụ đồ ăn ngon. Khi “hạ cánh”, họ được trải nghiệm chuyến tham quan ảo bằng kính chuyên dụng VR: máy bay hạ cánh xuống đường băng và ảnh qua ô cửa sổ máy bay hiện ra. Biển báo sân bay chào đón hành khách và hướng họ đến một chiếc taxi đã đặt trước. Du khách đi qua các con phố, nghe thấy những người ngẫu nhiên nói chuyện, tạo dáng chụp ảnh, đi mua sắm, tìm hiểu cách chế biến một món ăn địa phương… giống như đang diễn ra trên thực tế.

Viarama là doanh nghiệp xã hội thực tế ảo đầu tiên của Scotland sáng tạo các chương trình trải nghiệm cho người già và người mắc chứng bệnh Alzheimer. Bằng tai nghe HTC Vive, phần mềm Google Earth VR và máy tính, họ đã tạo các chương trình du lịch để những người đang được chăm sóc tại các trại dưỡng lão “đi đến” nơi họ đã từng tổ chức hôn lễ, nơi họ đã thực hiện nghĩa vụ quốc gia hoặc những nơi họ chưa bao giờ ghé thăm. Những “tour du lịch” như vậy đã mang lại nhiều cảm xúc cho người trải nghiệm như lời của Giám đốc điều hành Viarama Billy Agnew khẳng định, “những chương trình du lịch dành cho những đối tượng này là ảo nhưng chắc chắn những cảm xúc mà nó tạo ra là thật”.

Những lợi ích khác của VR

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF), du lịch thực tế ảo là hướng đi tất yếu để bắt kịp sự phát triển với xu thế chung trong kỷ nguyên số. Thuật ngữ Du lịch 4.0 đã bắt đầu được sử dụng nhằm hướng đến sự đột phá cho cuộc cách mạng trong ngành Du lịch toàn cầu. Trong đó, du lịch thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR) đã tạo ra sự khác biệt vượt trội. Nó cho phép du khách trải nghiệm nhập vai, tương tác trực tiếp vào không gian điểm đến, gây hứng thú và tạo ấn tượng, ham muốn đến một địa điểm nào đó.

Khi quyết định đi du lịch, du khách cần rất nhiều thông tin trước khi đặt dịch vụ, từ phòng khách sạn đến các tour du lịch. Họ sẽ đọc các bài đánh giá và mô tả, xem video và bất kỳ hình ảnh nào họ có thể tìm thấy trước khi đưa ra quyết định. Nghiên cứu được thực hiện bởi hãng Statista tại thị trường Đức cho thấy, có gần 50% người sẽ sử dụng VR như một công cụ để chọn điểm đến cho kỳ nghỉ của họ và 13% sẵn sàng trả tiền để sử dụng VR lựa chọn điểm đến. Tương tự, ngành Du lịch Australia đã thực hiện khảo sát và kết quả có gần 20% người tiêu dùng đã sử dụng VR để chọn điểm đến cho kỳ nghỉ, 25% người tiêu dùng có kế hoạch sử dụng VR trong tương lai để giúp họ quyết định điểm đến; sự quan tâm đến nội dung VR nhiều nhất liên quan đến thiên nhiên, động vật hoang dã và các dịch vụ ven biển… Bằng cách sử dụng VR, doanh nghiệp du lịch có thể cung cấp cho khách hàng một chuyến tham quan thực tế ảo về những dịch vụ của mình và hình ảnh chân thực, đa chiều của điểm đến. Điều này không chỉ mang tới một trải nghiệm mới cho du khách mà còn giúp du khách dễ dàng đi đến quyết định lựa chọn hơn. Ví dụ như tour tham quan khách sạn ảo cho phép người dùng tưởng tượng mình đang ở trong không gian khách sạn, trải nghiệm thực tế nội thất, kích thước và bố cục không gian phòng ngủ, cảnh đẹp xung quanh khách sạn, những điểm du lịch lân cận và các dịch vụ… Đối với doanh nghiệp lữ hành, các chuyến tham quan VR bằng kính chuyên dụng sẽ đưa khách hàng tới các điểm du lịch theo một cách ấn tượng nhất thay vì tờ rơi, trang quảng cáo hay màn hình máy tính khô cứng. Đặc biệt tại các hội chợ du lịch, ứng dụng VR mở ra cơ hội cung cấp cho người dùng cơ hội tiếp cận điểm đến mơ ước bằng những hình ảnh chân thực, sống động. Điều này sẽ gây ấn tượng mạnh với khách hàng tiềm năng và từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Du lịch thực tế ảo mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao trải nghiệm, truyền cảm hứng cho khách du lịch, làm thay đổi cách tiếp thị điểm đến và các dịch vụ trong ngành Du lịch phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên nó không nhằm mục đích cạnh tranh hay thay thế bất kỳ trải nghiệm thực tế nào mà chỉ là cách bổ sung thêm trải nghiệm mới dành cho khách du lịch. Và vì vậy có thể coi ứng dụng VR vào du lịch là bước đi của những nhà quản lý năng động, có kiến thức và tầm nhìn chiến lược.

Lê Hải

(Tạp chí Du lịch tháng 6/2022)

Xổ số miền Bắc