Phân biệt Hợp đồng dân sự và Hợp đồng thương mại

Lượt xem: 1503

Hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại – hai khái niệm
tưởng chừng dễ phân biệt nhưng thực tế vẫn gây không ít nhầm lẫn. Việc phân biệt
hai loại hợp đồng này có ý nghĩa rất quan trọng bởi tính phổ biến của các hoạt động
dân sự, kinh doanh thương mại trong đời sống hàng ngày. Trong bài viết hôm nay, Khánh An sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu vấn đề trên.

1. Khái niệm:

– Hợp đồng dân
sự: Hợp đồng
là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền,
nghĩa vụ dân sự (Điều 385 Bộ luật dân sự 2015).

– Hợp đồng thương
mại: Hợp đồng
thương mại là hợp đồng phát sinh trong hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại
là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ,
đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (Khoản
1 Điều 3 Luật Thương mại 2005).

Có thể thấy, hoạt động trong lĩnh vực thương mại là một
loại hành vi dân sự đặc thù. Do đó, hợp đồng thương mại là một trong các loại Hợp
đồng dân sự, hai loại hợp đồng này tồn tại mối quan hệ giữa các chung và cái riêng.

2. Phân biệt Hợp đồng dân sự và Hợp đồng thương mại:

Là loại hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại có những điểm
giống hợp đồng dân sự về bản chất (sự thoả thuận và thống nhất ý chí), đều phản
ảnh các quan hệ tài sản mang tính hàng hoá, tiền tệ, đều có chủ thể là pháp nhân,
cá nhân… Ngoài ra, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại cũng có những đặc điểm riêng
của nó để phân biệt với hợp đồng dân sự. Cụ thể:

Thứ nhất, về chủ thể:

– Hợp đồng dân sự: Chủ thể của hợp đồng dân sự có thể
là cá nhân, tổ chức. Cá nhân từ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi được
phép tham gia tất cả các hợp đồng dân sự và tự mình chịu trách nhiệm về việc thực
hiện hợp đồng đó. Cá nhân dưới 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ
chỉ trở thành chủ thể của hợp đồng dân sự trong những trường hợp nhất định. Các
bên ký kết hợp đồng dân sự không nhất thiết phải có tư cách pháp nhân.

– Hợp đồng thương mại: Chủ
thể của hợp đồng thương mại chủ yếu là thương nhân. Thương nhân bao gồm tổ chức
kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập,
thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại 2005).
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không phải thương nhân cũng có thể trở thành chủ
thể của hợp đồng thương mại trong những trường hợp cụ thể do pháp luật quy định.

Như vậy, các bên chủ thể của hợp đồng dân sự có thể là
cá nhân, tổ chức bất kì; còn đối với hợp đồng thương mại thì ít nhất một bên chủ
thể phải là thương nhân.

CÁC DẠNG HỢP ĐỒNG NÀO ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỐI TƯỢNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP? - Công Khánh LuậtTrong hợp đồng thương mại ít nhất một bên chủ thể phải là thương nhân

Thứ hai, về luật điều chỉnh:

Thông thường, các hợp đồng dân sự sẽ được điều chỉnh bởi
Bộ Luật Dân sự và các luật liên quan tới nội dung thoả thuận. Trong khi đó, các
hợp đồng thương mại sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật
Doanh nghiệp…

Tuy nhiên những hợp đồng không nhằm mục đích sinh lợi
của một bên trong giao dịch với thương nhân, trong trường hợp bên thực hiện hoạt
động không nhằm mục đích sinh lợi chọn áp dụng Luật Thương mại thì hợp đồng đó
vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật Thương Mại (Khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại
2005).

Thứ ba, về hình thức:

Hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại đều có thể được
thể hiện dưới hình thức bằng văn bản, bằng miệng, bằng hành vi vụ thể hoặc cũng
có thể được thực hiện bằng lời nói.

Tuy nhiên khác biệt ở chỗ các hợp đồng dân sự có thể
được giao kết bằng miệng nhiều hơn thông qua sự tín nhiệm, giao dịch đơn giản,
có tính phổ thông và giá trị thấp. Trong khi đó do tính chất phức tạp trong hoạt
động thương mại và những yêu cầu chặt chẽ trong nội dung của hợp đồng nên pháp
luật quy định nhiều hợp đồng thương mại phải được kí kết dưới hình thức văn bản
hoặc hình thức khác có giá trị pháp lí thương đương.

Sales Contract là gì? Cùng đi tìm câu trả lời cho Sales ContractNhiều hợp đồng thương mại phải được kí kết dưới hình thức văn bản

Thứ tư, về đối tượng hợp đồng:

Hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại đều có đối tượng
là hàng hoá hoặc dịch vụ (công việc).

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thương mại còn một số loại
hợp đồng có đối tượng chưa được biết đến trong hợp đồng dân sự truyền thống, như:
Hợp đồng thành lập công ty, Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), Hợp đồng đầu tư
theo hình thức đối tác công tư (PPP)… Đối tượng của các loại hợp đồng này là một
hoạt động mang tính tổ chức để hình thành các doanh nghiệp hoặc để thực hiện hoạt
động thương mại.

Thứ năm, về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại:

– Về căn cứ phạt vi phạm: Trong hợp đồng dân sự, trách nhiệm nộp phạt
vi phạm chỉ phát sinh khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng
(Điều 418 Bộ luật dân sự 2015). Cơ sở để phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại
cũng tương tự trong hợp đồng dân sự: cần có sự thoả thuận của các bên (Điều 300
Luật thương mại 2005).

Tuy nhiên khác biệt ở
chỗ, đối với hợp đồng dân sự, một số lĩnh vực ngoại lệ có quy định về căn cứ phạt
vi phạm mà không cần có sự thoả thuận của các bên.

Ví dụ: Theo Điều 375 Bộ
luật dân sự 2015: Khi đến hạn mà bên có nghĩa vụ chậm trả tiền (ví dụ trong hợp
đồng mua bán, hợp đồng vay,…) thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng
với thời gian chậm trả. Tiền lãi phải trả chính là tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ
không trả tiền đúng hạn.

– Về mức phạt vi phạm: Theo quy định tại khoản 2 Điều 422 Bộ luật dân
sự 2015, đối với hợp đồng dân sự thì mức vi phạm do các bên tự thỏa thuận, trừ
trường hợp luật liên quan có quy định khác. Nghĩa là các bên có quyền tự do lựa
chọn mức phạt vi phạm mà không bị khống chế, chỉ trừ một số trường hợp ngoại
lệ có áp đặt mức phạt vi phạm tối đa.

Ví dụ 1: Theo khoản 3
Điều 66 Luật Đấu thầu 2013, nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp
đồng trong trường hợp vi phạm hợp đồng. Giá trị của khoản bảo đảm là từ 2% đến
10% giá trúng thầu. Tiền bảo đảm đó chính là tiền phạt khi vi phạm hợp đồng.

Ví dụ 2: Theo Điều 146
Luật Xây đựng 2014, các công trình xây dựng sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên
thì mức phạt không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Đối với hợp đồng thương
mại, mức phạt vi phạm được khống chế tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng
bị vi phạm (Điều 301 Luật thương mại 2005). Trường hợp ngoại lệ duy nhất đối với hợp đồng thương mại là mức phạt đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng
thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình không vượt quá mười lần thù
lao dịch vụ giám định (Điều 266).

– Về mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại:

Đối với hợp đồng dân sự:
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về
bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm (Điều 418 Bộ luật
dân sự 2015).

Như vậy, nếu đã quy định
phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ không
mặc nhiên phát sinh nữa. Nếu muốn bên vi phạm ngoài chịu phạt vi phạm còn phải
chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì buộc phải quy định thêm về trách nhiệm
bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.

Đối với hợp đồng thương mại: Trường hợp
các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế
tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại. (Khoản 2 Điều 307 Luật Thương mại
2005).

 

Như vậy, nếu trong hợp
đồng thương mại có quy định về phạt vi phạm thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại
của bên bị vi phạm vẫn mặc nhiên phát sinh khi có thiệt hại xảy ra mà không cần
phải quy định thêm trong hợp đồng.

Thứ sáu, về cơ quan giải quyết tranh chấp:

Các tranh chấp liên quan đến hợp đồng dân sự chỉ có thể
đưa ra Toà án. Trong khi đó các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thương mại có
thể nhờ cơ quan Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết theo sự lựa chọn của các bên.

Khánh An vừa cùng
bạn đọc Phân biệt Hợp đồng dân sự và Hợp đồng thương mại. Mong rằng bài viết đã
giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hai loại hợp đồng này.

Hiểu biết pháp luật
ngày nay không chỉ cần thiết đối với các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn
quan trọng với tất cả mọi người. Bạn đọc đừng quên theo dõi Khánh An mỗi
ngày để nâng cao kiến thức pháp lý và chủ động bảo vệ tốt nhất quyền lợi của
mình. Nếu có bất cứ vướng mắc nào, đừng ngại
liên hệ với Khánh An để được tư vấn trực tiếp.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN KHÁNH AN

Văn phòng: Số 227 Hoàng
Văn Thái, Phường Khương Trung, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội

Hotline: 02466.885.821
hoặc 096.987.7894

Email: [email protected]

Website:https://khanhanlaw.com/

Xổ số miền Bắc