Phân tích phim The Platform (2019) – Hố Sâu Đói Khát

The Platform – Nền Tảng

Ngục tù được xây dựng theo chiều thẳng đứng với nhiều tầng, thông với nhau bằng một “cái giếng” – khoảng trống vuông vức mà qua đó tù nhân ở các tầng có thể giao tiếp và nhìn thấy nhau.

Nền tảng. Hình ảnh ngục tù thẳng đứng có thể xem là phép ẩn dụ cho xã hội loài người. Ở đó, những thành phần ở các tầng lớp khác nhau cùng nhau xây dựng và duy trì sự hoạt động của xã hội. Mỗi người một tính cách, một bản chất, họ tập trung vào việc hoàn thành những nhiệm vụ “hiển nhiên” để có thể duy trì sự hoạt động của ngục tù. Dễ thấy hình ảnh của xã hội loài người ở đây.

Có luật thành văn như cấm hút thuốc, cấm tích trữ đồ ăn, ăn đúng giờ giấc,…, đấy là pháp luật. Và có những luật bất thành văn, như việc “bên trên” sẽ không bao giờ nghe “bên dưới”, hoặc việc người “bên trên” có thể tùy ý trong cách đối xử với người “bên dưới”, hoặc, rõ ràng nhất, ở đáy thì gần như là chết.

Vậy thì xã hội, được thể hiện qua hình ảnh của ngục tù thẳng đứng, có phải là một xã hội suy đồi? Nhìn chung, ngục tù thẳng đứng hoạt động theo đúng thực tiễn xã hội loài người: mạnh được yếu thua, và không ai được chọn nơi mình sinh ra. Sau một giấc ngủ, lên voi xuống chó thế nào, ở căn phòng ra sao, không có ai biết được. Và có thể xem, mỗi một tháng là một kiếp người. Hết kiếp này đầu thai kiếp khác, sướng khổ, mạnh yếu chẳng thể biết. Nhưng chắc chắn một điều, cứ sau một tháng, con người bạn sẽ hoàn toàn khác.

Bởi ở mỗi tầng khác nhau, bạn bị đối xử một cách khác nhau, điều kiện khác nhau, và cái cách mà bạn sinh tồn cũng khác nhau. Mỗi lần chuyển tầng, bạn trở thành một con người khác, một lần đầu thai.

Chuyến hành trình của Goreng là chuyến hành trình mang tên cuộc đời. Lúc mới vào, anh chẳng biết gì về ngục tù thẳng đứng. Anh có trái tim nhân hậu, ứng xử nhân hậu, và luôn thắc mắc về mọi thứ. Đấy là hình ảnh điển hình của một đứa trẻ. Một đứa trẻ như trang giấy trắng, nó trở thành con người như thế nào phụ thuộc nhiều vào cách giáo dục và xã hội xung quanh. Có thể xem Goreng là một người được giáo dục tốt, lúc mới vào, anh chọn sách, thằng điên nào lại chọn sách ở một nơi như thế này?

Goreng

Nhưng, nhờ sự nhân hậu, Goreng thoát khỏi cảnh bị xẻo thịt đến chết, và bắt đầu cuộc hành trình gửi gắm “thông điệp”. Trong suốt hành trình đi xuống, Goreng đã gặp nhiều người, chứng kiến nhiều cảnh khác nhau, được một sư thầy khai sáng, từ cảnh xé sách ăn chống đói, anh lại trở về với sách, với Don Quixote. Giáo dục rất quan trọng.

Tại sao không có ai nghĩ được như Goreng, tại sao Baharat, tưởng ngây thơ sùng đạo nhưng rốt cuộc lại trở thành vị cận vệ tuyệt vời, tại sao tất cả mọi người trong ngục tù thẳng đứng chỉ nghĩ đến việc sinh tồn, không ai thử lên đến tầng trên cùng? Sức mạnh của sự giáo dục.

Pháp luật, đạo đức, sinh tồn, con người, giai cấp, tính cách, đức tin, tâm linh,…tất cả là nền tảng tạo nên xã hội văn minh của loài người. Có tranh đấu, có yêu thương, có xấu có đẹp, có thiện có ác, có quy tắc, có cả sự bất ổn định,…

Ngôi Ba Nữ Thần

Xuyên suốt bộ phim, nếu không tính những nhân vật quần chúng ở tầng số 0, chỉ có đúng 3 nhân vật nữ xuất hiện và gây tác động đến Goreng. Đó là Mahiru – người mẹ đơn thân trong ngục tù, Imaguiri – cựu tuyển trạch của ngục tù và là bạn cùng phòng của Goreng, cuối cùng là đứa bé ở tầng 333. Ba nhân vật này chính là hình ảnh tiêu biểu tượng trưng cho biểu tượng Ngôi Ba Nữ Thần, đại diện cho 3 giai đoạn của một người con gái: Thiếu nữ đồng trinh, người mẹ và bà lão.

Trong thần thoại Hy Lạp, Ngôi Ba Nữ Thần bao gồm Persephone, Demeter và Hecate.

Persephone, Demeter và Hecate.

Persephone thường được nhắc đến với tư cách nữ thần của sự khởi đầu, mỗi lần nữ thần xuất hiện, mùa màn tươi tốt, thế giới như được tái sinh. Hình tượng Persephone trong Platform được thể hiện qua đứa trẻ ở tầng 333. Một đứa bé ngây thơ, trong sáng, dù ở dưới đáy tận cùng của ngục tù nhưng chưa hề bị vấy bẩn, tha hóa bởi những kẻ ở trên. Đứa bé trở thành “thông điệp” của Goreng, một biểu tượng cho hy vọng, sự đoàn kết, và tương lai tươi sáng hơn cho thế giới đầy rẫy tội lỗi trong ngục.

Demeter đại diện cho người mẹ, ở đây chính là Miharu. Lý do Miharu luôn ngồi lên mâm ăn để di chuyển xuống các tầng dưới là bởi cô muốn đảm bảo còn đủ thức ăn cho để dành cho đứa bé. Miharu lặng lẽ nuôi nấng và bảo vệ đứa trẻ, tìm mọi cách để bảo vệ nó trong vòng tay của mình. Biểu tượng người mẹ trong ký hiệu Ngôi Ba Nữ Thần là trăng tròn, và Miharu là nhân vật nữ duy nhất có đôi mắt tròn. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đúng chứ?

Miharu

Cuối cùng là Imaguiri, người từng làm tuyển trạch viên cho Platform. Imaguiri chiến đấu với ung thư trong nhiều năm liền cho đến khi biết chắc mình không thể vượt qua thì quyết định tình nguyện đi vào Platform. Ở những thời khắc cuối cùng của cuộc đời, Imaguiri cố gắng để thay đổi cơ chế hoạt động của Platform, xây dựng một Platform tốt đẹp hơn.

Hecate mang hình tượng một bà lão thông thái, đã bị lão hóa bởi thời gian nhưng có một tầm nhìn rộng mở. Những dự định của Imaguiri tuy không chính xác tuyệt đối, nhưng đã giúp cho Goreng nghĩ thông và mở đường cho một cuộc “cách mạng”.

Imaguiri

Hình tượng Ngôi Ba Nữ Thần đại diện cho vòng tuần hoàn cuộc sống, hình tượng này xuất hiện trong tất cả những người phụ nữ trên thế giới này. Trong phim, vòng tuần hoàn diễn ra đúng thứ tự khi Imaguiri tự sát trước rồi đến lượt Miharu bị giết, cuối cùng là sự xuất hiện của đứa bé. Hai cái chết diễn ra rất tự nhiên, Imaguiri – người già – đã không còn lẽ sống nên quyết định ra đi, và Miharu – người mẹ- mất mạng khi cố gắng thực hiện mục tiêu bảo vệ đứa con của mình.

Tài nguyên – Cộng Sản

Đưa vấn đề này vào đây có vẻ hơi nhạy cảm một chút, nhất là trong thời điểm này, tuy nhiên không nói đến thì đó là một thiếu xót.

Tài nguyên có hạn, nên nếu xuất hiện thêm một người siêu giàu thì sẽ xuất hiện thêm nhiều người nghèo tài nguyên, thậm chí nghèo đói. Trong ngục tù, những người ở tầng trên đại diện cho giai cấp thượng lưu giàu có, họ có thể tiêu xài thoải mái, ăn uống thoải mái và không cần để tâm đến bên dưới bởi tất cả tài nguyên đều tập trung vào họ trước tiên.

Ngục tù được chia thành 333 tầng, điều đặc biệt là các tầng được đánh số tăng dần theo chiều từ trên xuống, khác với logic đánh số trong các công trình thông thường. Phong cách đánh số này được dùng khi xếp hạng. Số càng nhỏ thì thứ bậc càng cao.

 

Trở lại với chủ đề, nếu người ở tầng trên ăn càng nhiều thì tầng dưới có càng ít. Tài nguyên ở đây được gói gọn trong một bữa ăn, thực đơn được thiết kế theo sở thích của những con người trong đó. Tài nguyên có thể đáp ứng nhu cầu và sở thích của tất cả con người trong ngục tù, nếu được phân chia phù hợp nhưng đương nhiên là người ta không làm vậy rồi.

Ở đầu phim, Trimagasi có hỏi Goreng rằng liệu anh có phải người Cộng Sản, và đám người trong ngục sẽ không nghe lời người Cộng Sản. Chi tiết này rõ ràng có ý đồ. Sự nhân hậu và chia sẻ của Goreng đã gây ấn tượng với Trimagasi, người vốn ở trong ngục khá lâu, đủ tàn nhẫn và hiểu rõ cách thức hoạt động của ngục tù. Trimagasi biết rõ Goreng, biết rằng (hoặc nghi ngờ) Goreng thích ăn ốc sên nên quyết định gọi nam chính là ốc sên.

The Platform

Ông ta có nhắc đến tiểu tiết, và có lẽ khi ăn, Trimagasi đã để ý đến món ốc trên bàn, món mà không ai động vào cũng như chưa từng xuất hiện trước đây. Trimagasi cũng đối xử văn minh hết mức với Goreng khi đưa ra đề nghị xẻo thịt anh. Và dù cho cả bộ phim, Trimagasi cứ như “con mèo Tom màu đỏ có sừng”, đến cuối vẫn còn phân cảnh ông và Goreng thoải mái cùng nhau.

Hình ảnh Goreng và Baharat cố gắng để chia khẩu phần và bảo vệ cho bằng được món Panna Cotta thể hiện mối liên kết lịch sử giữa cuộc đấu tranh của người Cộng Sản và sự nổi dậy giành tự do của người da đen. Cả hai cùng liên kết để truyền đạt thông điệp, đối đấu với những người ích kỷ chỉ biết lợi ích của riêng bản thân mình. Và, cú vung gậy vào đầu những kẻ hám ăn chính là bài học về đấu tranh, chỉ có thể chiến thắng bằng vũ lực.

Goreng và Baharat

Nói đến đây thì có lẽ các bạn cũng thấy gì đấy quen thuộc rồi đúng chứ?

Con số và thông điệp

Bắt đầu với tầng số 48. Đây là tầng mà Goreng sống trong tháng đầu tiên ở ngục tù và cũng đánh dấu thời điểm anh gặp Trimagasi. Trong số học, 48 là số tượng trưng cho sự hòa hợp và tương trợ. Thông tin mà Trimagasi đưa ra đã giúp Goreng hiểu hơn về thế giới mà anh vừa bước vào. Trimagasi cũng tính toán đến trường hợp cả hai người rơi xuống tầng đáy, đặt ra phương án sinh tồn.

Ông không giết Goreng ngay mà sẵn sàng chờ 8 ngày rồi mới quyết định xẻo thịt Goreng, cùng với đó là cam kết chữa vết thương và chia phần cho anh. Những hình ảnh của Trimagasi trong đầu đã tạo động lực ngược, khiến cho Goreng nghĩ thông hơn và đưa ra những quyết định đúng đắn, ở đây là ý nghĩa răn đe của số 48.

The Platform

Chính sự kiên quyết, và có phần tàn nhẫn trong cách cư xử của Trimagasi mà Goreng mới bắt đầu cứng rắn hơn trong cách “thuyết phục” những kẻ sinh tồn khác. Lời đề nghị chia khẩu phần khi còn ở cùng Imoguiri và những cú đánh búa bổ vào đầu đám háo ăn là ví dụ. Đến cuối phim vẫn là hình ảnh cả hai người hòa hợp với nhau, tình đầu thì khó quên.

Số 3, như có đề cập đến ở trên, thể hiện vòng lặp cuộc đời của con người. Số 3 không xuất hiện trực tiếp mà thể hiện qua ba nhân vật nữ đã kể đến ở trên. Số 33, tầng mà Goreng ở cùng với Imoguiri có thể hiểu là sự gặp gỡ giữa hai kiếp người. Trong số học, 33 là một con số thể hiện sự liên kết mạnh mẽ về mặt tâm linh, tinh thần.

Nếu con số 48 của Trimagasi là sự hòa hợp thì số 33 với Imoguiri là mối liên kết xuất phát từ điểm chung, cả hai là người tốt bụng và nghĩ cho người khác. Nhảy lúc nào cũng dễ hơn treo cổ. Imoguiri đã để lại xác của mình cho Goreng có thể tận dụng về sau.

Cuối cùng là con số 333, tầng đáy sâu nhất của ngục tù và là tầng có hơi “bị lỗi” so với các tầng còn lại. Ở tầng 333 mà đứa bé sống, không còn sự giám sát, không có những hình phạt khi làm sai quy định, thậm còn chẳng ai biết đến sự tồn tại của nó. Nếu lấy 333 tầng, nhân với 2 người mỗi tầng thì chúng ta có con số 666, tượng trưng cho quỷ dữ. Ngục tù chẳng khác nào địa ngục nhất đầy những con quỷ sẵn sàng làm mọi thứ để được tồn tại.

The Platform Lv333

Ai cũng bị vấy bẩn, trừ duy nhất người thứ 667. Con số 333 nhằm chỉ đứa bé. 333 tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi. Vấn đề này xin nhường lại cho các bạn theo đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng đứa bé là vị cứu tinh xuất hiện nhằm cứu rỗi nhân gian đầy tội lỗi. Tất cả đi xuống để đứa trẻ đi lên. Thực tế, tôn giáo xuất hiện nhằm làm một dấu mốc đạo đức cũng như đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người.

The Platform

Theo Oshu, nếu xã hội toàn người tốt thì Chúa, Phật, Thánh Allah hay bất cứ nhân vật tôn giáo nào đều sẽ trở thành quên lãng. Con người luôn có yếu điểm, luôn có mặt xấu, vì vậy họ cần một nhân vật điển hình để tin tưởng, để soi chiếu, để có thể hoàn thiện bản thân.

Đứa bé, về mặt tôn giáo, là một nhân vật như thế. Còn khi xét trên khía cạnh giai cấp, đứa bé chính là giai cấp yếu nhất, sống dưới đáy tận cùng của xã hội. Giai cấp này thấp đến nỗi sự tồn tại của họ bị rơi vào quên lãng, sống không có định hướng, vô cùng mờ mịt. Vậy thôi.

Một số chi tiết khác

Đầu tiên là đáy. Ở dưới tầng 333, khi Goreng chuẩn bị chia tay đứa bé, đó là một khoảng không tối tăm với ánh sáng duy nhất là nguồn sáng từ phía trên miệng giếng soi xuống. Có nhiều giải thiết nói về không gian này, theo cách mình hiểu, có lẽ đó là hình ảnh của cái chết.

Người ta tương truyền khi chuẩn bị ra đi, người ta rơi vào một khoảng tối vô định, nối tiếp sau đó là thứ ánh sáng kỳ ảo đầy mê hoặc. Trong phim có một cảnh ngắn Goreng ngước lên nhìn nguồn sáng ở trên rồi sau đó rời khỏi bàn ăn, đi cùng Trimagasi, để cho đứa bé một mình lên tầng số 0 .

Thứ hai là chú chó xúc xích tên Ramses II của Imoguiri. Đến giờ mình vẫn chưa định được lý do tại sao người ta lại lấy cái tên này. Ramses II, hay Rammesses II, Ozymandias là Pharaoh thứ 3 của vương triều thứ 19 trong lịch sử Ai Cập. Ông được mệnh danh là “Ông tổ vĩ đại”của Ai Cập, một trong những vị Pharaoh thành công nhất, sống lâu nhất của đất nước Kim Tự Tháp.

Trong phim, Imoguiri đã đề xuất một “hòa ước” về vấn đề thức ăn với những người ở tầng dưới. Ramses II là người đã xây dựng hòa ước Hitties, được xem là hòa ước sớm nhất của lịch sử văn minh loài người. Có liên quan gì đấy chăng?

Xổ số miền Bắc