Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường

Thư viện nhỏ xinh nằm bên góc sân trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh là điểm đến được nhiều em học sinh trong trường yêu thích. Nhìn các em đọc sách lúc trầm tư, lúc cười rạng rỡ… cảm giác như những trang sách ấy thật thần kỳ mang đến cho các em biết bao cảm xúc.

Em Lê Vũ Minh Châu, lớp 5A trường TH&THCS Đông Thịnh chia sẻ: “Em rất thích đọc sách. Đọc sách là hoạt động phổ biến trong trường em. Chúng em được đọc sách trong 15 phút đầu giờ, giờ ra chơi, sau giờ ăn ban trú. Ngoài ra em còn được mượn sách về nhà đọc. Đọc sách rất bổ ích, nó giúp chúng em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học mệt mỏivà tiếp thêm cho chúng em kiến thức về kỹ năng sống và những bài học trên lớp.”

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 2.

Xác định hình thành thói quen đọc sách là hình thức thu nhận kiến thức chủ động, giúp các em có vốn sống tốt hơn cũng như chủ động bồi đắp những kiến thức còn thiếu, còn yếu trong học tập, những năm qua, Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh, huyện Đông Sơn rất quan tâm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.  Để làm được điều đó, nhà trường đã phát huy tối đa vai trò của thư viện trường học, tủ sách Lam Sơn trong các lớp học. Bên cạnh đó, các giáo viên và  phụ huynh học sinh cũng đã triển khai nhiều hoạt động giúp các em học sinh yêu thích việc đọc sách.

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Huệ, Phó hiệu trưởng trường TH&THCS Đông Thịnh

Bà Lê Thị Huệ, Phó hiệu trưởng trường TH&THCS Đông Thịnh cho biết: “Nhà trường rất coi trọng việc đọc sách, rèn kỹ năng đọc sách cho học sinh., Ngay từ đầu năm học nhà trường đã tổ chức  nhiều hoạt động như khuyên góp sách, tổ chức ngày hội đọc sách; xây dựng tủ sách Lam Sơn cả về đầu sách cũng như chất lượng phù hợp với học sinh từng lứa tuổi. Để phát triển văn hóa đọc trong trường học nhà trường còn phối hợp với phụ huynh và các thầy cô, rèn luyện kỹ năng đọc sách giúp các con phát triển được trí tưởng tượng, phát triển được kiến thức trong cuộc sống cũng như các bài học.”

Văn hóa đọc không chỉ là xây dựng thói quen đọc sách mà đó còn là thái độ của của người đọc đối với sách. Ý thức được điều này thư viện trường, các tủ sách Lam Sơn luôn được sắp xếp khoa học. Đặc biệt tại trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh mỗi lớp đều có đội quản lý tủ sách, phân công thường xuyên quản lý đầu sách cũng như loại sách học sinh mượn trong ngày, trong tuần, để tủ sách phát huy được hiệu quả. Nhờ đó, nhà trường không chỉ thành công khi tạo dựng thói quen đọc sách cho học sinh mà còn giúp văn hóa đọc  được lan tỏa.

Bà Lê Thị Huệ, Phó hiệu trưởng trường TH&THCS Đông Thịnh cho biết thêm: “Qua các cuộc thi kể chuyện theo sách, giới thiệu sách mới tổ chức tại các buổi sinh hoạt dưới cờ, trong các tiết sinh hoạt đầu giờ, việc đọc sách tại nhà trường được 100% các em học sinh yêu thích, giúp cho văn hóa đọc được lan tỏa trong nhà trường.”

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 4.

Thói quen đọc sách cũng được nhiều học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga duy trì. Giờ ra chơi, thư viện là điểm đến của học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Hiện thư viện trường có hơn 3 nghìn đầu sách các loại như sách tham khảo, sách giáo khoa, kỹ năng sống,… Mỗi ngày, thư viện đón từ 30-50 lượt bạn đọc đến đọc tại chỗ. Mỗi tháng, tùy theo chủ đề, chủ điểm, thư viện chọn sách hay, phù hợp để giới thiệu cho học sinh. Cách giới thiệu, trưng bày sách cũng thay đổi nhằm tạo sự mới mẻ giúp học sinh  hứng thú tìm hiểu và mượn sách để đọc.

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 5.

Chị Lê Thị Ninh, thủ thư trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga

Chị Lê Thị Ninh, thủ thư trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga cho biết: “Để khích lệ hoạt động văn hóa đọc các học sinh lên thư viên không chỉ lấy sách đọc, tôi dành 5-10 phút để tương tác vơi các bạn, giúp các bạn lựa chọn đầu sách phù hợp… Tôi thấy việc tương tác giúp các em yêu thích, đam mê việc đọc sách.”

Có thể thấy người thủ thư là linh hồn của thư viện trường, người có vai trò truyền cảm hứng đọc sách cho nhiều học sinh trong trường. Nhìn các em ham mê đọc sách, có thể thấy trường Tiểu học, THCS, THPT đã xây dựng thành công văn hóa đọc cho học sinh.

Em Lê Thanh Hà, học sinh lớp 5E trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga chia sẻ: “Em thấy đầu sách ở đây rất phong phú và phù hợp với lứa tuổi. Em thấy việc đọc sách giúp em đọc tốt hơn, có nhiều kỹ năng sống và biết nhiều nền văn hóa khác nhau.”

Em Dương Thiện Anh, học sinh lớp 9A trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga cho biết thêm: “Thường em đọc sách vào giờ ra chơi, lúc chờ phụ huynh đến đón em cũng đến thư viện đọc sách. Thể loại em yêu thích là sách liên quan đến khoa học xã hội và khá hứng thú… Theo em nghĩ đó là món ăn tinh thần trong cuộc sống con người, là cách giải trí thư giãn lành mạnh. Theo em nghĩ, sách là kết tinh, chắt lọc kiến thức hàng nghìn năm, đọc sách là ta đang tiếp thu tinh hoa ấy, ta đang tiếp nhận kiến thức cha anh để lại từ đó phát triển hơn.”

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 6.

Nhận thấy văn hóa đọc là đòn bẩy để nâng cao chất lượng dạy và học, trong những năm qua Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga  luôn chú trọng lan tỏa  văn hóa đọc đến từng lớp, từng học sinh và động viên các giáo viên, các gia đình mua thêm các tủ sách ở gia đình cũng như ở lớp học để học sinh có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với sách. Cùng với đó,  hàng năm nhà trường mua thêm nhiều đầu sách phù hợp với 3 cấp học để bổ sung cho thư viện nhà trường. Đặc biệt vào dịp tổng kết năm học trao phần thưởng cho học sinh giỏi các cấp, nhà trường chọn sách là điểm nhấn, là quà tặng nhằm bồi dưỡng thêm kiến thức về mọi mặt cho các em học sinh. Cùng với việc đầu tư xây dựng thư viện chuẩn, thêm nhiều đầu sách cho thư viện, nhà trường còn xây dựng các chuỗi hoạt động trải nghiệm để lan tỏa văn hóa đọc cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhiều đọc giả yêu mến sách.

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 7.

Bà Lê Hà The, Cố vấn chuyên môn Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga

Bà Lê Hà The, Cố vấn chuyên môn Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga cho biết: “Trong chuỗi các hoạt động trải nghiệm thì việc sinh hoạt văn hóa đọc là một trong những điểm nhấn của nhà trường. Các cuộc giao lưu văn hóa đọc được các Sở Ban, Ngành cũng như nhà trường luôn chú trọng. Đặc biệt trong kỳ hội sách  nhà trường mời đông đảo bạn đọc xa gần, chuyên gia giáo dục cũng như các nhà văn, nhà thơ, các trường bạn tham gia xem hội sách là cầu nối là điểm nhấn để giao lưu, học hỏi, coi sách là người bạn gần gũi, thân thiết. Và chúng tôi hôm nay giáo dục học sinh cán bộ giáo viên nhà trường đọc sách là tìm đến những trí óc thông minh nhất, vĩ đại nhất đê tích lũy thêm tri thức, kiến thức hoàn thiện mình tốt hơn…”

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường - Ảnh 8.

Hướng tới ngày sách và văn hóa đọc (21/4), hiện nay nhiều trường học đang triển khai ngày hội đọc sách với nhiều hoạt động thú vị như: quyên góp sách cho học sinh vùng khó, viết cảm nhận về câu chuyện, về quyển sách yêu thích… Việc phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh trong nhà trường chính là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy – học, giúp cho các giáo viên, học sinh đến với sách, hình thành thói quen đọc sách và góp phần xây dựng xã hội học tập.

Nguồn: Chuyên mục Giáo dục Khuyến học 13/4/2023

Xổ số miền Bắc