SINH THƯỜNG hay SINH MỔ? – Vitamin cho bà bầu – Siêu thị Vitamin

Các mẹ bầu có thể sẽ băn khoăn với hai lựa chọn này khi đứng trước việc quyết định phương pháp để đứa con được chào đời. Sinh thường và sinh mổ – cả hai đều có những điểm lợi đáng được cân nhắc, mặt khác cũng có những bất lợi mà mẹ bầu cần biết để đưa ra quyết định tốt nhất cho mình và em bé.

Theo thống kê, trung bình cả nước có khoảng 70% mẹ sinh thường bởi rất nhiều yêu tố có lợi cho mẹ và bé. Tuy nhiên nếu có bệnh lý không thể sinh thường thì các bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai. Nhiều mẹ thắc mắc, mổ lấy thai có an toàn hay không, có gì hơn phương pháp sinh thường truyền thống?

sinh-de-khac-sinh-thuong

Sau đây sẽ là phân tích những ưu – nhược điểm khi chọn mỗi phương phá để các mẹ tham khảo.

VÌ SAO NÊN CHỌN SANH THƯỜNG?

Sinh thường là phương pháp sinh tự nhiên theo chức năng và bản năng của cơ thể người mẹ. Hầu hết các chuyên gia y tế đều khuyên bà mẹ nên cố gắng sinh thường nếu cơ thể cho phép, bởi sinh thường có nhiều cái lợi cho mẹ và bé.

Với người mẹ

Điều mẹ nào cũng nhận thấy được là khi sinh thường thì mẹ sẽ không sợ ảnh hưởng của các loại thuốc gây tê, thuốc kháng sinh. Các loại thuốc này hẳn sẽ làm nhiều mẹ lo lắng về rủi ro ảnh hưởng đến thai nhi, cũng như ảnh hưởng đến sự tiết sữa sau sinh.

Khi sinh thường, mẹ sẽ được tiếp xúc với con, áp da (skin to skin) với con ngay khi con chào đời, nhờ vậy nguồn sữa sẽ đến rất sớm và cảm giác cũng rất tuyệt vời khi được ôm ngay con vào lòng.

Quá trình sinh nở tự nhiên cũng sẽ giúp mẹ nhanh chóng hồi phục sau khi sinh, giảm xuất huyết, nhiễm trùng, tử cung co hồi nhanh. Đa số các mẹ đều ăn uống bình thường và ngồi dậy được ngay chỉ vài giờ sau khi sinh.

Ngoài ra, cảm giác chờ đợi ngày khai hoa nở nhụy không biết sẽ đến khi nào cũng sẽ là một niềm vui và kỷ niệm khó quên đối với mỗi người mẹ.

Với bé

Trong quá trình đau đẻ, endorphins (một loại thuốc giảm đau tự nhiên) được tiết ra từ chính cơ thể người mẹ sẽ tác động tích cực tới khả năng thích nghi của bé với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ: giúp tống những dịch ra khỏi phổi, tăng cường hormone, hỗ trợ các chức năng phổi của em bé. Nhờ vậy, trẻ sinh bằng phương pháp đẻ thường cũng ít có nguy cơ bị ngạt thở hơn so với trẻ đẻ mổ.

Sau khi ra đời, bé sẽ được trao ngay cho mẹ và người thân, được uống sữa non của mẹ tiết ra ngay sau khi sinh. Việc sinh con tự nhiên cũng giảm thiểu sự can thiệp của các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

KHI NÀO NÊN SINH MỔ?

Ngày nay, vì nhiều lý do mà các bà mẹ buộc phải sinh mổ, thường là do bác sĩ chỉ định vì một số bệnh lý của người mẹ trong thai kỳ có thể gây rủi ro cho mẹ và bé nếu sinh thường.

Phương pháp sinh mổ là cứu cánh khi có nhiều rủi ro gây nguy hiểm cho việc sinh thường như thai ngược, thai nhi có bệnh nguy hiểm như suy tim, bệnh thận, nhau tiền đạo, thai nhi quá to mà sức khỏe mẹ yếu…Nếu thai nhi có bất thường nào trong quá trình lấy thai thì các bác sĩ cũng sẽ lấy thai nhanh để can  thiệp dễ dàng hơn. Một số mẹ “tập đầu” sinh mổ thì đa số trường hợp tập sau vẫn phải “sinh mổ”, dù về lý thuyết 60%-80% mẹ có thể sinh thường được nếu trước đó sinh mổ, tùy thuộc vào từng cá nhân và tiền sử sản khoa.

KHI-NAO-NEN-SINH-THUONG

Cũng có nhiều lý do khác khiến ngày càng nhiều mẹ chủ động chọn phương pháp sinh mổ như: thời gian sinh diễn ra nhanh, người nhà không phải hồi hộp chờ đợi lâu (vì sinh thường có khi 2-3 ngày sau cơn gò đầu tiên mẹ mới sinh được do phải chờ tử cung giãn nở tự nhiên), mẹ không trải qua cơn đau đẻ (mà đa số mẹ nào cũng sợ chuyện này), không ảnh hưởng đến tầng sinh môn thậm chí là còn vì lí do…tâm linh như có thể chọn ngày giờ tốt xấu để con chào đời.

Tuy nhiên, sinh mổ cũng có nhiều điểm hại cho mẹ và bé mà các mẹ nên cân nhắc khi chọn phương pháp này:

Trong quá trình sinh mổ, thuốc tê là không thể tránh khỏi. Ngoài ra sau khi mổ mẹ còn phải tiếp tục uống kháng sinh để tránh nhiễm trùng. Các thuốc này có thể không ít thì nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, gây ra nhiều tác dụng phụ như tụt huyết áp, ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.

Sau khi mổ, hết thuốc tê, cơn đau của vết thương sau mổ sẽ trở nên rất nhức nhối và dai dẳng nhiều ngày. Mẹ cũng  sẽ mất  máu nhiều hơn, tử cung và bụng sẽ có sẹo, nhiều rủi ro nguy hiểm khác như viêm bàng quang, nhiễm trùng, vỡ tử cung. Tất cả những điều này sẽ làm mẹ lâu hồi phục hơn các mẹ sinh thường, ăn uống vận động cũng khó khăn hơn, sữa chậm tiết ra hơn.

Một điểm hại nữa là sau khi sinh mổ phải ngừa thai 2 năm và khoảng cách tốt nhất là 5 năm. Nếu mang thai lần tiếp theo mà thực hiện phá thai sẽ dẫn đến thủng tử cung.

Ngoài ra, chi phí sinh mổ cao gấp hai, ba lần chi phí sinh thường và chỉ có những bệnh viện tuyến trên, các trung tâm y tế lớn mới có đủ phương tiện để thực hiện phẫu thuật lấy thai, trong khi sinh thường có thể diễn ra rất dễ dàng, thậm chí ở một số nước còn có dịch vụ sinh ngay tại nhà với sự hỗ trợ của bác sĩ và nữ hộ sinh.

Đối với bé được sinh bằng phương pháp đẻ mổ, do bé không được đi qua đường sinh sản tự nhiên, thiếu sức ép nên rất dễ phát sinh hội chứng trụy hô hấp, xuất huyết nội, viêm phổi. Bé có thể chịu một số ảnh hưởng của các loại thuốc trong quá trình sinh mổ.

Xổ số miền Bắc