TH Milk ‘không chung đường’ với Vinamilk

“Không cần lấy thị trường của người khác, tôi tự tạo lớp khách hàng mới, dư địa để tăng thị phần còn nhiều lắm, không phải giành của ai”, bà Hương bộc bạch.

Cách đây vài tuần, một tờ báo khi trích phát biểu của bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH Group đã cho rằng, thông tin TH True Milk đạt 3.700 tỷ đồng vào năm 2015 và có ý định cạnh tranh ngang ngửa với Vinamilk (có doanh thu hơn 1 tỷ USD năm 2011) là “gây sốc”.

Thế nhưng, sẽ còn “sốc” hơn, khi bà Hương cải chính, con số 3.700 không phải là mục tiêu TH True Milk đặt ra trong năm 2015, mà là con số dự kiến đạt được trong năm 2013. Đến năm 2017, tức chỉ sau 7 năm hoạt động, doanh số mà công ty này dự kiến đạt được là 23.000 tỷ đồng, vượt cả doanh thu của Vinamilk đạt được trong năm 2011. Và còn sốc hơn nữa, khi nghe bà Hương tuyên bố: tôi không có đối thủ.

Khi TH True Milk ra đời, Vinamilk đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với hơn 40% thị phần sữa nước và doanh thu hơn 1 tỷ USD vào năm 2011. Vì vậy, tuyên bố của bà Thái Hương về việc “không có đối thủ” khiến nhiều người cho là ngạo mạn.

Tuy nhiên, nếu tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất và trang trại bò sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn tại vùng tây Phủ Quỳ, Nghĩa Đàn, Nghệ An, có thể thấy những gì mà Thái Hương nói, không phải là không có cơ sở. Với hơn 22.000 con bò, được quản lý hoàn toàn bằng máy móc, TH True Milk đã hình thành được một trang trại bò sữa hiện đại nhất Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 350 triệu USD (trong tổng vốn đầu tư dự án là 1,2 tỷ USD).

“Khi bắt tay vào làm thương hiệu cho TH True Milk, có người nói với tôi rằng: chị có hai đối thủ lớn nhất trên thị trường. Nhưng tôi khẳng định: tôi không có đối thủ. Tôi cảm ơn Vinamilk và các hãng sữa khác đã tạo cho người dân Việt Nam thói quen uống sữa. Tôi muốn làm bạn với họ, song tôi không đi chung con đường với họ, tôi chọn con đường hoàn toàn khác cho mình. Bởi khi bắt tay vào nghiên cứu ngành sữa, tôi thấy, 92% nguồn nguyên liệu sữa tại Việt Nam được nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài (năm 2008), sữa nước trên thị trường chủ yếu là sữa hoàn nguyên, tức doanh nghiệp nhập sữa bột về, pha chế thành sữa nước chứ không phải sữa tươi. Tôi chọn cho mình một con đường hoàn toàn riêng biệt: sản xuất sữa tươi sạch. Tôi có thể tự hào khẳng định mình là người đặt viên gạch đầu tiên về sản xuất sữa tươi sạch trên thị trường. Tôi không cần lấy thị trường của người khác, tôi tự tạo ra một lớp khách hàng mới. Hiện chỉ có 20-25% người dân Việt Nam uống sữa, dư địa để tăng thị phần còn nhiều lắm, không phải tranh giành của ai”, bà Hương bộc bạch.

Câu chuyện một đại gia ngân hàng chuyển sang đầu tư nuôi bò, kinh doanh sữa từng khiến không ít người hoài nghi, nhất là khi đại gia đó thẳng thắn tuyên bố “sữa sạch”, một khái niệm hoàn toàn chưa được “chuẩn hóa” trên thị trường. Lý do gì mà một người mới chân ướt, chân ráo vào ngành sữa lại dám tuyên bố như vậy?

Bà Thái Hương lý giải: “Đã xác định sản xuất sữa tươi, không có cách gì khác là phải nuôi bò. Tôi đã đặt ra câu hỏi: nước nào nuôi bò tốt nhất thế giới hiện nay? Câu trả lời là Israel. Đây là đất nước bán sa mạc, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt hơn Việt Nam rất nhiều song Israel lại là nước xuất khẩu nhiều nông sản, thực phẩm và sữa sang châu Âu, Mỹ là những nước đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng sản phẩn. Bí quyết của quốc gia này chính là công nghệ. Từ những phân tích đó, tôi cho điểm, xét về đất đai, khí hậu, chúng ta được 100 điểm thì Israel chỉ đạt 50 điểm. Thế nhưng, về công nghệ, Việt Nam chỉ được 30 điểm nhưng Israel đạt tới 100 điểm. Israel chỉ 150 điểm mà họ đã rất thành công trong chăn nuôi bò sữa, tôi mua công nghệ của Israel, được những 230 điểm, vậy chắc chắn sẽ thành công”.

bo-1353665764_500x0.jpg

TH Milk muốn làm ‘bạn không chung đường’ với Vinamilk. Ảnh minh họa.

Nghĩ là làm, bà chủ TH True Milk ngay lập tức ký hợp đồng tư vấn chăn nuôi bò sữa với một công ty của Israel với số tiền lên tới 50 triệu USD, số tiền không hề nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam khi đó. Khâu tư vấn đã xong, nhưng khâu tìm đất mới thực sự gian nan. Lăn lóc nửa năm ở Hòa Bình nhưng vẫn chưa được cấp đất, bà Thái Hương như cá gặp nước khi lãnh đạo Nghệ An mời gọi đầu tư về quê hương, cụ thể là vùng đất Nghĩa Đàn với điều kiện cực kỳ lý tưởng cho chăn nuôi bò sữa. Rất nhanh chóng, chỉ 18 tháng sau, dòng sữa đầu tiên của TH True Milk ra đời, nhanh đến mức nhà tư vấn Israel cũng phải ngạc nhiên. Bởi trong số 52 quốc gia có mô hình tương tự như TH True Milk, nước nhanh nhất thì cũng phải mất 5 năm dự án mới có thể đi vào hoạt động.

Sở dĩ nhanh như vậy bởi TH True Milk đầu tư rất bài bản và quyết liệt. Khâu chăm sóc, quản lý bò của trang trại TH được trực tiếp quản lý bởi hai công ty đa quốc gia: công ty Afikim của Israel về quản trị đàn bò và công ty Totally Vets của Newzealand quản trị về mặt thú y. Không chỉ thuê nhà tư vấn Israel, công ty này còn thuê luôn cả nông dân Israel để chăm sóc bò sữa. 9 tháng sau khi nhập khẩu bò sữa về, bà Thái Hương không lập kế hoạch trồng một cây cỏ nào mà hoàn toàn dùng cỏ nhập khẩu để bò làm quen với khí hậu. Sau khi đàn bò quen với khí hậu trong nước, TH True milk mới dùng nguồn thức ăn trong nước, được trồng từ các giống cỏ, cao lương, ngô lai nhập khẩu từ nước ngoài,được trồng theo quy trình công nghệ, đảm bảo chất lượng tốt như sản phẩm nhập khẩu.

Lý giải về khái niệm sữa sạch, bà Hương nói: “Đúng là hiện nay, Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn sữa sạch nên tôi mong nếu có thể, các cơ quan chức năng nên có quy định là nhà sản xuất phải có trách nhiệm ghi rõ các thông tin về sản phẩm trên bao bì để người tiêu dùng chọn lựa. Riêng TH True Milk, chúng tôi cam kết theo đúng các quy trình sản xuất mà chúng tôi đã truyền thông tới khách hàng”.

Để cho ra được sản phẩm sữa tươi TH True Milk hôm nay, ít ai biết, bà Thái Hương đã bị đối tác ngoại “ép” sân khi thương thảo hợp đồng mua bò sữa.

TH True Milk thương thảo hợp đồng mua bò sữa với New Zealand vào đúng lúc công ty này đang bước vào xây dựng ồ ạt trang trại, nhà máy để đón đàn bò, chuẩn bị sản xuất. Biết được tình hình này, đối tác bán bò sữa đã đưa ra một hợp đồng với các điều kiện hoàn toàn bất lợi cho TH True Milk. Đọc xong các điều khoản, bà Thái Hương đã quẳng hợp đồng sang một bên và yêu cầu nhà tư vấn tìm ngay đối tác khác ở Úc, Canada, Urugoay… vì đối tác New Zealand “thiếu văn minh”.

Ngay lập tức, 3 ngày sau, Chủ tịch Hội đồng quản trị của đối tác New Zealand đã phải bay sang Việt Nam và mọi điều khoản của hợp đồng được thỏa thuận lại, đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của TH True Milk. Trong đó có một số điều khoản như: Nếu đàn bò đã lên tàu, nhưng tàu không về kịp chuyến, đối tác phải bồi hoàn; nếu bò đưa về trong thời gian thỏa thuận ban đầu không cho sữa hoặc cho sữa ít, TH True Milk có quyền bán bò và đòi lại tiền mua con bò đó. Có lẽ, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã “lật ngược thế cờ” như vậy trong khi đàm phán với đối tác ngoại.

Phi vụ thứ hai mà bà Thái Hương giành chiến thắng trước đối tác ngoại là thương vụ mua lại nhà máy đường Tate & Lyle (Anh).

Khi Tate & Lyle (có trụ sở tại Nghĩa Đàn, Nghệ An) quyết định bán nhà máy đường, tỉnh Nghệ An đã đề nghị doanh nghiệp này bán lại cho một doanh nghiệp trong tỉnh, vì trước đó, Nghệ An đã góp vốn cổ phần bằng đất đai cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, do vào thời điểm ký hơp đồng góp vốn, Nghệ An thiếu kinh nghiệm đàm phán với đối tác ngoại nên không đưa ra điều kiện ràng buộc gì. Vì vậy, Tate &Lyle đã “phớt lờ” đề nghị của Nghệ An và chào đấu giá công khai với 20 nhà thầu quốc tế. Thế nhưng, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, TH True Milk đã nhanh tay đăng ký quy hoạch toàn bộ vùng nguyên liệu của Nghĩa Đàn, trong đó có vùng mía. Điều này có nghĩa, bất kỳ đối tác nào mua Tate & Lyle cũng phải “qua tay” TH True Milk mới có vùng nguyên liệu sản xuất. Nước cờ cao tay này đã khiến TH chiến thắng 20 nhà thầu quốc tế, chính thức sở hữu Tate & Lyle. Thương vụ này đã được bình bầu là thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài “khủng” nhất trên thị trường trong năm 2011.

Dù đã nắm trong tay nhà máy đường hiện đại bậc nhất nước, song bà Thái Hương cho biết, TH hoàn toàn không có ý định “lấn sân” sang ngành đường mà mua nhà máy này với mục đích phục vụ sản xuất sữa của TH True Milk.

Chưa biết TH có đạt được thành công như mục tiêu đề ra hay không, song rõ ràng, sản phẩm sữa TH True Milk đã được người tiêu dùng đón nhận và nhanh chóng chiếm lĩnh vị thế số 1 trên thị trường sữa tươi, thể hiện ở doanh thu của công ty này hiện đã tới hơn 2.000 tỷ đồng. Nếu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2017, sau 5 năm nữa, TH True Milk sẽ làm nên một kỳ tích mà người Việt Nam có thể nhắc đến đầy tự hào.

Riêng với bà chủ TH Group, sau khi đã hoàn thành tương đối vai trò của mình với thương hiệu TH True Milk, bà Thái Hương đang chuẩn bị “tấn công” sang thị trường hương liệu, dược liệu. Theo đó, một chuỗi dự án chăm sóc sức khỏe đang được TH Group hình thành với nhiều dự án như trồng rừng kết hợp phát triển nguồn dược liệu sạch, chất lược cao, chiết xuất và bào chế dược liệu bằng công nghệ của Đức để cung cấp cho lĩnh vực thực phẩm chức năng (60%), tân dược (30%) và Spa (10%). Trung tâm y tế Quốc tế Phủ Quỳ cũng sẽ được xây dựng với bệnh viện đa khoa 5 sao, trung tâm điều dưỡng, khu Spa nghỉ dưỡng cao cấp, trường đại học và trung tâm nghiên cứu ung thư…

Hiện chuỗi cửa hàng bán lẻ chuyên biệt (TH True Mart) đã có 100 cửa hàng, dự kiến đạt 1.000 cửa hàng vào năm 2015-2016. Từ 30/8, TH True Mart bắt đầu bán rau sạch, mở màn cho một loạt thực phẩm sạch. Thời gian tới, sẽ có một bộ sản phẩm mới của TH True Milk chính thức được bổ sung, bao gồm: sữa tăng trưởng cho trẻ em, sữa cho người bị tim mạch, tiểu đường, sữa colagen tươi làm đẹp cho phụ nữ, pho mai, pho mát, kem, váng sữa…

(Theo Đầu tư)

Xổ số miền Bắc