Thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững đất nước | Tạp chí Tuyên giáo

Trong mấy chục năm qua, quá trình công nghiệp hoá đã làm gia tăng lượng khí thải nhà kính vào bầu khí quyển. Hệ quả là khí hậu bị biến đổi, nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên, nước biển dâng, kéo theo các sự kiện thời tiết cực đoan.

 Từ thực trạng trên có hai vấn đề cần đặt ra: giảm tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của nhiều nhà quản lý, khoa học và ở góc độ là một sinh viên chuyên ngành quản lý môi trường, tôi xin tổng hợp các đề xuất giải pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH như sau:

1. Hạn chế sử dụng nhiêu liệu hóa thạch và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) là nguồn gây hiệu ứng nhà kính rất lớn. Con người đã và đang tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế thân thiện môi trường như năng lượng gió, mặt trời, thủy triều, địa nhiệt…

2. Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (điện, xăng dầu, than củi,…) cùng các tài nguyên (nước ngọt, rừng, tài nguyên sinh học, khoáng sản…) trong sản xuất và sinh hoạt. Cả nước hiện nay có khoảng hơn 10 triệu hộ dùng điện, chỉ cần mỗi hộ thay một bóng đèn sợi đốt hoặc neon bằng đèn compact thì trung bình mỗi hộ tiết kiệm được 9W, toàn quốc sẽ tiết kiệm được 90MW điện vào giờ cao điểm.

3. Ngăn chặn nạn phá rừng, tích cực trồng và chăm sóc rừng là một yếu tố không thể thiếu cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Được biết, nạn phá rừng vốn là nguyên nhân gây ra 20% khí thải CO2 mỗi năm.

4. Chuyển đổi sang các mô hình sản xuất và sinh hoạt thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, sinh thái mới. Sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có khả năng chịu mặn cao, các giống ngắn ngày tránh lũ, xây dựng các mô hình nhà tránh lũ, tham gia bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp trước các thảm họa về biến đổi khí hậu…

5. Cải tạo nâng cấp hạ tầng. Những cải tiến như tăng cường hệ thống bảo ôn, xây dựng các loại nhà thân thiện môi trường… sẽ tiết kiệm được nhiều nhiên liệu và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, đường xá cũng cần được đầu tư thỏa đáng để giảm nhiên liệu tiêu thụ cho xe cộ, giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường.

6. Kế hoạch hóa gia đình: mỗi cặp vợ chồng nên thực hiện kế hoạch hóa để cắt giảm nhu cầu tiêu thụ (thực phẩm, quần áo,…) góp phần giảm phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm môi trường.

7. Làm việc gần nhà và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Làm việc gần nhà để không dùng ô tô, xe máy mà đi bộ hay đi xe đạp vừa có lợi cho sức khỏe lại vừa có lợi cho môi trường. Ngoài ra việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cũng góp phần đáng kể việc giảm thải các khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển.

8. Đầu tư công nghệ sạch và áp dụng sản xuất sạch hơn. Các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất phải triển khai và áp dụng mô hình công nghệ sản xuất sạch hơn vào trong cả vòng đời của quy trình sản xuất từ lúc lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến khi tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.

9. Nghiên cứu và áp dụng các thành tựu, sản phẩm khoa học thích ứng với biến đổi khí hậu vào thực tế.

10. Phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu ( nguyên nhân, tác động và giải pháp ứng phó khẩn cấp…) cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Bộ TN&MT xác định 3 nhóm giải pháp cần ưu tiên hàng đầu để ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Đó là: Nâng cao năng lực dự báo, giám sát khí hậu; giảm thiểu thiệt hại thiên tai và cắt giảm phát thải khí nhà kính.

 

Trong những năm gần đây và trong thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục chú trọng xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu với việc xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu, ưu tiên nghiên cứu cơ bản để phục vụ dự báo, cảnh báo và phân vùng rủi ro thiên tai; phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; ứng dụng công nghệ chuẩn hóa và hiện đại; Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hệ thống quan trắc tai biến địa chất và phòng chống thiên tai; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống giám sát bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám;

Để giám sát khí hậu, Bộ TN&MT sẽ cập nhật, cụ thể hóa Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng và cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai của cả nước và chi tiết đến từng vùng, miền, địa phương; Tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái (EbA), dựa vào cộng đồng (CbA) và dựa vào tự nhiên (NbS).

Nhằm hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là những vùng dễ tổn thưởng, Bộ TN&MT triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn thông qua các nhiệm vụ như đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu theo vùng, miền; cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng đến cấp xã; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm giảm sụt lún, nhiễm mặn ở các vùng ven biển, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái, Bộ TN&MT tiếp tục thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần; Áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải; khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; chuẩn bị cho việc triển khai các công cụ định giá các-bon, xây dựng cơ sở pháp lý và hình thành thị trường các-bon, thuế, phí các-bon; Hướng dẫn triển khai, giám sát thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam; xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ thực hiện NDC của Việt Nam đến năm 2030; cập nhật định kỳ 5 năm theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xây dựng danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; thiết lập hệ thống quốc gia về giám sát, báo cáo, thẩm định (MRV) cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính; Thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia và các kế hoạch có liên quan. – Điều phối tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Các cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương tuần tra, bảo vệ rừng

Các cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương tuần tra, bảo vệ rừng

Bộ TN&MT xác định đến năm 2025, phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể qua trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu, điểm hình như nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm góp phần chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu. Hướng tới giảm 7,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) theo lộ trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Nhật Minh

Xổ số miền Bắc