Tôi làm quy trình phần mềm – Hoàng Việt Anh | FPT Way

8. Tôi làm quy trình phần mềm – Hoàng Việt Anh

Tôi làm quy trình phần mềm

Hoàng Việt Anh (G2)

Được chứng kiến sự hình thành, ra đời và phát triển của FSoft là một niềm vui và hạnh phúc. Trong đó, tôi luôn cảm thấy may mắn vì đã đi những bước đầu tiên với bộ phận phần mềm trong quá trình xây dựng, chuẩn hoá và triển khai quy trình sản xuất phần mềm. Tôi muốn ghi lại một số sự kiện chính như một sự chia sẻ với những người đã, đang và sẽ còn gắn bó với sự phát triển của quy trình phần mềm FPT.

Khởi sự

Mọi chuyện bắt đầu với tôi từ chuyến đi công tác với LG-EDS vào tháng 8/1998. FPT và LG-EDS hợp tác để tham dự thầu xây dựng hệ thống thanh toán liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ này, LG-EDS đã mời FPT sang hợp tác trong thời gian 1 tháng. Đoàn FPT gồm có anh Bùi Quang Ngọc, anh Nguyễn Lâm Phương và tôi. Sau một tuần đầu làm việc căng thẳng với những cuộc họp thương thảo đầy mưu lược, anh Ngọc đã hoàn thành xuất sắc phần công việc và lên đường về nước, còn lại anh Phương và tôi chiến đấu cùng nhóm dự án của LG. Phần công nghệ cũng không quá khó với chúng tôi, nhưng tới khi quản trị dự án của LG hỏi “Phương pháp luận về phát triển phần mềm của tụi mày là gì?” (nguyên văn Development Methodology), thì chúng tôi ngớ người ra. Tôi chẳng hiểu cái đó là gì, nhưng nhìn anh Phương ngẩn ngơ thì cũng đoán cái đó chắc phải siêu việt lắm. Bỏ công mấy ngày lùng sục trên internet, cuối cùng anh Phương cùng mò ra được một kho tài liệu rất quý, đó là Development Handbook của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ – NASA. Đọc vội đọc vàng, chúng tôi cũng trang bị được một số câu trả lời cho đội LG. Tuy vậy hồi đó chúng ta hoàn toàn chưa có hệ thống quản lý chất lượng của FPT, nói gì đến hệ thống tài liệu quy trình phần mềm, vì thế tôi cũng đoán là đội LG cũng không tin tưởng lắm vào phần trả lời của FPT.

Dự án đấu thầu cùng LG sau đó thất bại. Từ đó tới nay chúng tôi không gặp lại những người bạn trong đội dự án LG nữa, nhưng kỷ niệm về chuyến đi Hàn Quốc lần đó luôn đầy ấn tượng trong tôi. Đó là lần đầu tiên tôi đi công tác nước ngoài trong cuộc đời. Bộ tài liệu NASA ấy không ngờ lại là một sự bắt đầu cho một phần công việc mới đối với tôi trong 2 năm sau đó.

Đi Hàn Quốc về, rảnh rỗi không có việc gì làm. Một hôm anh Nam gọi nhóm Ngân hàng vào phòng họp. Nhóm ngân hàng hồi đó là một nhóm rất mạnh của FSS, gồm các tên tuổi như Khắc Thành, Lâm Phương, Tú Huyền, Hồng Sơn… Anh Nam bảo công ty đang có dự tính triển khai ISO cho một số bộ phận, trong đó có cả phần mềm. Nhiệm vụ bây giờ là phải hệ thống lại cách chúng ta đã làm dự án để xem xét và chỉnh đổi cho phù hợp với ISO. Nhóm Ngân hàng được lựa chọn vì có nhiều dự án nhất ở phần mềm tính tới thời điểm đó, và có nhiều cán bộ lão thành như đã kể trên. Anh Thành bảo viết cái này phải cần nơi yên tĩnh để thiền thì mới hiệu quả, chứ nếu ngồi ở Láng Hạ (hồi đó chưa có FSOFT, chỉ có FSS đặt ở tầng 3 Láng Hạ bây giờ) thì sẽ chẳng viết được gì. Bàn luận mãi cuối cùng quyết định mượn một cái phòng của công ty FAST của anh Phan Quốc Khánh (lúc bấy giờ đang neo ở tầng 1 toà nhà C1 trường ĐHBK Hà nội) để thiền. Thế là sáng hôm sau tôi với Dũng béo (Nguyễn Đắc Việt Dũng) thuê một xe taxi tải chở đồ sang FAST bắt đầu công cuộc viết kinh thư – cách chúng tôi gọi nhiệm vụ này khi đó.

Chúng tôi bắt đầu với việc hồi tưởng lại những gì mình đã làm cho các dự án Ngân hàng trước đó, viết lại thành những flow cơ bản như marketing, nghiên cứu yêu cầu khách hàng, thiết kế, lập trình, test…. Lúc đó có khoảng 4-5 dự án được đem ra “tưởng nhớ”, nhưng giờ tôi chỉ nhớ được 2 dự án trong số đó là SIBA và T4. Sau khi viết lại hồi ức về các dự án này, chúng tôi chia nhóm ra để viết kỹ về các task trong từng khâu thực hiện dự án. Lúc đó:

Anh Hồng Sơn phụ trách phần marketing.

Anh Khắc Thành phụ trách phần phân tích yêu cầu.

Anh Lâm Phương phụ trách phần thiết kế.

Đắc Dũng phụ trách phần lập trình.

Việt Anh phụ trách phần test.

Sau khoảng 1 tháng với bao nhiêu lần viết đi sửa lại và tranh luận loạn xà ngầu, cuối cùng chúng tôi cũng có được một bản thảo khá đầy đủ về các bước thực hiện dự án của nhóm Ngân hàng và các biểu mẫu được sử dụng. Tất tần tật gộp vào làm một tập tài liệu, in ra đóng bìa nilon đẹp long lanh. Chúng tôi học cách trình bày tài liệu của NASA để áp dụng vào cuốn tài liệu của mình. Anh Phương – leader của dự án, rất tự hào về bộ tài liệu này và luôn giữ gìn nó rất cẩn thận.

Cuốn tài liệu này có thể được coi là cuốn Sổ tay quá trình phần mềm đầu tiên của FPT. Sau này tôi còn tham gia viết và sửa đổi quy trình sản xuất cho phần mềm, cũng như cho các OSDC… rất nhiều lần nữa, nhưng không thể quên được những ngày thiền ở bên FAST. Bộ tài liệu được coi là bửu bối đó sau cũng không biết biến đi đâu mất, chỉ còn lại mỗi bản mềm. Hôm vừa rồi nhân chuyển chỗ G2 sang nhà mới, tôi có tìm lại được một vài bút tích thời đó, đó là case study của SIBA.

Chiến dịch ISO

Bước sang năm 1999, Phần mềm FPT có nhiều thay đổi. Đáng kể nhất đó là việc tách FSU1 ra khỏi FSS chuẩn bị lực lượng cho việc XKPM. FSU1 lúc đó nòng cốt là nhóm ngân hàng, có thêm một số tinh binh từ các nhóm khác của FSS.

Mãi cho tới tháng 6/1999, tôi vẫn là chiến binh trong các dự án của FSU1. Hết làm Winfund cùng với Đắc Dũng, sau rồi lại sang Lào triển khai SBank cho Lao-Viet Bank. Loanh quanh cũng hết nửa năm. Tôi cũng quên bẵng những process với template của phần mềm. Trong thời gian tôi đi vắng, ở nhà công ty đã bắt tay vào chiến dịch ISO với việc thành lập Trung tâm đảm bảo chất lượng FQA do anh Hùng Râu trực tiếp chỉ đạo. Các chiến dịch đào tạo ISO được tổ chức rầm rộ khắp công ty, cho tất cả các bộ phận có liên quan. “ISO hay là chết” khầu hiệu to đùng được in ra và dán khắp nơi trong toàn công ty. Tờ rơi được in ra và phát tá lả cho nhân dân. Đội cảnh sát ISO được thành lập, suốt ngày đi tuần tiễu qua các bộ phận để kiểm tra nhận thức của các thần dân, ai mà lơ mơ là bị phạt tiền ngay lập tức. Không khí hết sức khẩn trương và căng thẳng trước trận đánh lớn.

Đi công tác Lào về, anh Phương gọi tôi lại bảo, anh muốn chú tham gia trận ISO này cho FSOFT. Thú thực lúc đó tôi không khoái cái món process này lắm, tôi vẫn muốn đánh trận hơn. Trao đổi với anh Phương vài lần, cuối cùng tôi cũng đồng ý tham gia, nhưng vẫn chỉ chăm chăm quay lại làm dự án trong một ngày không xa.

Phần mềm FPT lúc đó có 4 bộ phận: FSS, FSOFT, FIS và FSI. Để chuẩn bị tài liệu quy trình phần mềm cho FPT, lúc đó cả 4 bộ phận này đều phải vào cuộc. Bên FSS lúc đó có anh Khúc Trung Kiên, chị Tú Huyền, chị Mai Hương, Phạm Minh Tuấn, Quang Anh…; bên FSoft có anh Thành Nam, anh Lâm Phương, anh Hồng Sơn, anh Khắc Thành và tôi; FIS thì có anh Đinh Quang Thái, anh Phạm Anh Đức; FSI thì có anh Lê Quốc Hữu, anh Tạ Hữu Vinh, FQA có chị Bùi Hồng Liên. Và có 2 người luôn luôn tham gia tất cả các cuộc họp của nhóm quy trình phần mềm là anh Hùng Râu và anh Bùi Quang Ngọc. Thư ký của các cuộc họp kiêm chân chạy giữa các bộ phận phần mềm là em Nguyễn Thu Hà (SEPG-FSoft bây giờ). Kỷ niệm đáng nhớ nhất về nhóm công tác này là các buổi họp về quy trình phần mềm. Chúng tôi thường họp ở tầng 2 toà nhà 89 Láng Hạ, trong phòng khách số 2, sát với phòng thư ký. Mỗi buổi họp thực sự là một trận chiến, không phải bằng chân tay mà bằng mồm. Các bộ phận đều có những kinh nghiệm riêng về sản xuất phần mềm, nên khi đưa một process ra để chuẩn hoá thì có rất nhiều ý kiến tranh luận. Nếu không chịu nhau thì lôi Tây ra để so sánh. Lúc bấy giờ có 2 bộ tài liệu được coi là chuẩn để đối chiếu: (1) NASA (bộ tài liệu mà anh Phương và tôi ôm về từ Hàn Quốc) và (2) SEPO (bộ tài liệu về quy trình của Hải quân Mỹ do anh Lê Trường Tùng gửi từ trong Nam ra). Có một thì chẳng sao, có hai là lại có vấn đề vì chẳng biết đâu là chuẩn cuối cùng để theo. Cuối mỗi buổi họp, thường thì một số người chạy về trước vì tai yếu, số còn lại nếu không mệt đờ người ra thì đều bị khản giọng, ai mà còn giữ được giọng tốt thì sẽ đưa ra các quyết định của buổi họp. Thông thường là anh Hùng Râu. Chị em bên phòng thư ký tất thảy đều ngán các buổi họp của nhóm.

Tình hình tiếp tục kéo dài, có xu hướng lâm vào thế bế tắc. Cho dù các bộ phận phần mềm đã tổ chức một số buổi toạ đàm để hiệp thương trên Tây Hồ, nhưng vẫn không có lối ra. May sao cuối cùng thì mọi việc cũng được xử lý êm đẹp. Anh Ngọc đã thành công trong việc ép tất cả các bộ phận phần mềm phải sử dụng chung một quy trình thống nhất. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao mà sau một loạt các tranh cãi găy gắt, cuối cùng thì các bộ phận phần mềm có thể đi đến một thống nhất chung như vậy. Có thể do sợ anh Ngọc, có thể do ngán phải ngồi cãi nhau với anh Râu, có thể là cả hai. Trong giai đoạn này, chúng ta có được một chuyên gia từ TCS sang trợ giúp. Đó là Ms. Sinha Bandana. Madam này là người có thâm niên trên 10 năm làm việc với TCS và cô rất có kinh nghiệm với quy trình phần mềm. Thời điểm đó TCS đã được ISO9001-1994 cho phần mềm. Chính sự tham gia review và các góp ý của Sinha cũng đã giúp được FPT rất nhiều trong việc chuẩn hoá quy trình phần mềm. Sau này khi làm Head SEPG của FSoft, tôi còn giữ liên lạc với madam trong một thời gian dài. Bây giờ không biết cô còn làm cho TCS nữa hay không.

Chẳng mấy chốc cũng đã tới đợt đánh giá của BVQI. Cả công ty vào trận với khí thế quyết tâm cao độ. Bộ chỉ huy chiến dịch được đặt tại FQA, do anh Hùng Râu làm tư lệnh. Ngày đánh giá chính thức, chúng tôi tập trung các dự án tại FSU1 để đón BVQI. FSoft lúc đó có các dự án Winfund, LifeServ và SBANK. FSS mang sang các dự án B2 và Hỗ trợ chương trình cho tổng cục Thuế. Phần mềm lúc đó là mặt trận thứ hai sau Bảo hành. Căng thẳng và tập trung, chúng tôi đã vượt qua được buổi đánh giá rất khắt khe của BVQI do Mr. Inamda, trưởng đoàn đánh giá phần mềm đến từ Ấn độ. Về vụ đánh giá ISO năm 1999, có lẽ cũng đủ tư liệu để viết riêng một bài sử ký nữa.

Buổi đầu SEPG

Tháng Giêng 2000, sau vừa đúng một năm thành lập, FSU1 đã được chuyển về nhà mới ở HITC, và có tên mới là FSoft. Phòng quản lý chất lượng giờ đã có tên mới là SEPG (Software Engineering Process Group). Chúng tôi cũng đã có một phòng làm việc riêng (phòng Call Center của nhóm G3 bây giờ) rộng rãi và có thể chứa được rất nhiều tài liệu dự án trong đó. Nhân sự trong phòng đã có 3 người. Tôi phụ trách chung, Phan Văn Hưng phụ trách phần nghiên cứu và phát triển tool cho FSoft, Nguyễn Thu Hà phụ trách phần audit và theo dõi tài liệu dự án của FSoft.

Vào khoảng tháng 3, anh Nam có đi thăm một số công ty tin học của Ấn Độ về trong đó có TCS. Anh mang về cho chúng tôi một bản presentation của TCS về một chương trình tên là CPMS (hình như là viết tắt của Central Project Management System). Chương trình này được sử dụng để quản lý tập trung các dự án của TCS, tương tự như FSoft Insight của mình bây giờ, chỉ có điều nó là ứng dụng desktop chứ không phải là web. Lúc đó anh Nam đã có ý tưởng phát triển một tool để có thể quản lý các dự án của FSoft, nhưng chưa biết bắt đầu từ đầu. SEPG nhận trách nhiệm làm việc này.

Tôi và Hưng quay ra làm phần phần tích yêu cầu cho hệ thống này, và chúng tôi bắt đầu bằng việc đưa toàn bộ sổ tay quy trình phần mềm lên WEB để toàn dân có thể truy cập được. Dự án do SEPG phụ trách có tên là SPACY (Software Process AccuraCY) đã ra đời như thế. Lúc bấy giờ anh Hùng Râu trên FQA cũng rất ngưỡng mộ hệ thống tài liệu này của FSoft và đã hơn một lần tổ chức các cuộc họp của ISO-man ở FSOFT nhằm để đả thông tư tưởng cho mọi người của các bộ phận khác về việc cần phải có một tool như vậy cho mỗi bộ phận. Bộ tài liệu trên WEB này của FSoft còn được chương trình Sự lựa chọn cho tương lai của VTV3 đưa lên giới thiệu nữa, vì lúc bấy giờ FPT là công ty tin học đầu tiên được chứng chỉ ISO 9001 cho sản xuất phần mềm. Phần chương trình này có công đóng góp rất lớn của Trần Đức Nghĩa (hay còn gọi là Nghĩa béo). Lúc bấy giờ Nghĩa vào FSoft được khoảng 1 năm. Xuất thân từ lò Ngoại giao, tiếng Anh rất ngon, nhưng bản tính lại khoái lập trình nên Nghĩa rất chịu khó nghiên cứu. Sau Hưng rủ rê về SEPG và tham dự vào đội quân làm tools, và Nghĩa đã chứng tỏ được khả năng của mình. Ngoài Nghĩa, còn có một tester làm việc trong nhóm dự án này, là em Hiền.

Thắng lợi bước đầu chúng tôi tiếp tục làm tiếp giai đoạn 2 của dự án với việc coding cho các khâu thực hiện dự án, ví dụ như tạo, review và approve work order… Đội dự án lúc đó cũng được tăng cường thêm khá nhiều chiến sỹ trẻ. Lúc bấy giờ có 6 người làm trong dự án này là: Hưng, Nghĩa,  Hiền, Long, Sơn và Phương. Phòng SEPG lúc đó cũng có thêm 02 nhân sự mới là Quy và Lan.

Mong muốn của chúng tôi lúc đó là muốn implement một công cụ có thể hỗ trợ các workflow cơ bản của quá trình quản trị dự án, theo đó các reviewer hoặc approver chỉ cần làm việc trên tools là có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình. Ý tưởng rõ ràng nhưng cách thực hiện lúc đó chưa ổn và cuối cùng dự án đã failed. Tôi nghĩ lý do chính đó là do FSOFT tại thời điểm đó chưa có một quy trình quản trị dự án ổn định như hiện nay.

Phần tài liệu ISO trên Web sau này được anh Hùng Râu phát triển tiếp lên đến mức công ty với dự án BUP, nhưng cuối cùng cũng không triển khai được với lý do là đường kết nối và tốc độ truy quá chậm. Đây chỉ là lý do về kỹ thuật thuần tuý và không khó để khắc phục, nhưng tôi nghĩ kể cả khi triển khai được dự án, thì việc hỗ trợ một chức năng để cho phép ISO-man từ các bộ phận cập nhật tài liệu quy trình của bộ phận mình và lưu trữ tập trung tại FQA mới là điều quan trọng. Nếu không có chức năng này thì chương trình có thể triển khai thành công, nhưng khó có thể duy trì cho nó sống lâu được. Dù vậy, đây cũng là cái mốc đánh dấu ý tưởng triển khai công cụ quản lý dự án tại FSoft, điều mà các bạn trong nhóm Finsight đang nỗ lực để hoàn thành trong năm nay. Cái tên SPACY sau này còn lay lắt lại với FSoft một thời gian nữa vì ViệtNH vẫn sử dụng một cái server có tên là SPACY. Đó là cái server đã dùng làm máy chủ của dự án SPACY trước đây.

Giai đoạn này cũng đánh dấu các trận đánh marketing đầu tiên của FSoft có sự tham gia của SEPG. Tôi muốn nói tới một trận đánh đầu tiên rất có ý nghĩa với FSoft và với bản thân tôi, đó là trận Harvey Nash-Proximus. Tháng 4/2000, Harvey Nash bắt đầu đánh giá FPT để tìm hiểu khả năng hợp tác. Họ cử sang đây 2 người để làm việc cùng FSoft, đó là anh Lê Tuấn và anh Marteen, những người mà giờ đây tên tuổi đã trở nên rất quen thuộc với không chỉ các thành viên FSoft. Tôi còn nhớ buổi họp đầu tiên với Marteen và Lê Tuấn để review về process của FSoft. Hôm ấy cũng là lần đầu tiên tôi trình bày về quy trình phần mềm của FSOFT cho khách hàng bằng tiếng Anh. Cũng lo và khá run, nhưng rồi cũng qua. Mấy ngày sau đó, chúng ta đã đón tiếp phái đoàn của Proximus sang thăm và đánh giá. Cũng lại chuẩn bị và hát lại nguyên văn bài đã review với Harvey Nash hôm trước. Trong phái đoàn Proximus hôm đó, có một người rất chú trọng vào các câu hỏi về quá trình test của FSoft, đó là Steve De Jarger. May quá, tôi lại là người chuẩn bị về quy trình Test cho của FSoft nên cũng không đến nỗi quá lúng túng. Anh quay tôi liên tục về quy trình Test, cách quản lý lỗi, cách làm báo cáo test… như thế nào. Để minh họa, Steve đòi cho xem tất cả các biểu mẫu của quy trình test. May quá em Hà đã chuẩn bị sẵn khá chu đáo cho tôi. Steve đã đề nghị được mang một số các biểu mẫu đó về nước. Tháng 9 năm đó khi tôi sang Proximus làm việc (đây là đợt đi viễn chinh tại Proximus dài ngày đầu tiên của FSoft), tôi có gặp lại Steve và có dịp nói chuyện nhiều hơn với anh. Anh vẫn giữ những ký ức tốt đẹp về Việt Nam và FSoft, anh còn chìa ra cho tôi xem cái template Test Plan mà anh đã xin FSoft trước đó. Đó là lần đầu tiên Steve sang Việt Nam và duy nhất cho tới bây giờ. Đó cũng là lần đầu tiên SEPG chính thức xung trận cùng các nhóm kỹ thuật, marketing của FSoft và đã đóng góp vào thành công của trận đánh rất quan trọng này.

Tháng 9/2000, tôi nhận lệnh lên đường sang Brussels cùng với anh Bùi Thiện Cảnh để tham gia dự án Proxi-Handset, dự án onsite đầu tiên của FSoft tại Proximus. Tôi chuyển giao lại công việc SEPG cho Phan Hưng. 3 tháng tôi làm việc onsite cũng là 3 tháng rất khó khăn của FSoft ở nhà. SEPG đã có nhiều thay đổi trong thời gian đó, một loạt các thành viên đã ra đi, chỉ còn lại Hưng, Hà. Nghĩa đã chuyển sang G1 (lúc đó còn gọi là Harvey Nash OSDC) và sau đó Nghĩa đã trở thành một team leader cứng cựa của nhóm G1. Nguyễn Thu Hà giờ là một tay súng nổi danh của FSoft về “thiết diện vô tư” trong việc audit các dự án của FSOFT. Một sự tình cờ, em Lan sau này đã trở thành phu nhân của Hải Long (lúc đó đang là member của Winsoft, giờ là thành viên nhóm G2). Tôi cũng không có dịp gặp lại các thành viên SEPG hồi đó nữa, nhưng vẫn luôn mong muốn và chúc các bạn sẽ gặp nhiều thành công và may mắn trong sự nghiệp của mình.

Đầu năm 2001, anh Hùng Râu bàn giao lại công việc FQA cho chú Đào Vinh, khăn gói về FSoft, lãnh trách nhiệm Head of SEPG với nhiệm vụ giành cho được CMM4. Một thời gian sau đó Phan Hưng cũng từ giã FSoft ra đi với mong ước xây dựng cho mình một con đường riêng. SEPG cũng có thêm nhiều thành viên mới như chị Hoàng Ana, Hồ Huyền Nga, Hoàng Thu Hằng….. và nhiều bạn nữa.

Lời kết

Tôi thường nhớ lại lần nói chuyện với anh Phương về việc chuyển hướng sang công việc quản lý chất lượng cho phần mềm. Trong suốt 2 năm sau đó, tôi còn có nhiều dịp nói chuyện với anh Phương, anh Râu, anh Nam về quy trình phần mềm. Tôi không hối tiếc vì đã giành khoảng thời gian 2 năm cho công việc này bởi thực tế, tôi đã tích luỹ được rất nhiều kiến thức về quy trình sản xuất. Với vốn kiến thức đó, tôi đã tự tin rất nhiều khi giao dịch với các khách hàng và nó đã giúp tôi thành công trong việc quản trị các dự án trong nhóm sau này.

Thực tế đã cho thấy khi bàn về chuyện outsourcing cho chúng ta, phần lớn các khách hàng – đặc biệt là khách hàng Mỹ và châu Âu – rất quan tâm và chú trọng về quy trình sản xuất. Giá trị (value) mà FSoft đem lại cho khách hàng chính là sự trưởng thành và hiệu quả trong quy trình sản xuất của chúng ta. Tôi muốn chia sẻ với các team leader của FSoft một sự ví von để đánh giá tầm quan trọng của quy trình sản xuất phần mềm – Công cụ lập trình (C, Java, ASP, Websphere, dotNET…) được ví như các thứ binh khí, quy trình sản xuất phần mềm được ví như Binh pháp dùng để điều khiển trận đánh. Người chỉ biết dùng binh khí thì có thể điều khiển được một số hữu hạn quân; người biết binh pháp thì có thể điều khiển một số không giới hạn quân. Trên con đường xây dựng FSoft trở thành một công ty phần mềm vững mạnh, quy trình phần mềm đã và sẽ còn đóng vai trò rất rất quan trọng.

SEPG bây giờ đã trưởng thành và vững mạnh hơn rất nhiều so với những ngày đầu. Đội ngũ đông đảo hơn và hiệu quả hơn trong hoạt động. Chúng ta đã có CMM4, sắp tới là CMM5, Six Sigma….Còn rất nhiều thử thách ở phía trước nhưng tôi luôn tin tưởng chúng ta sẽ thành công. Dù không còn trực tiếp tham gia các hoạt động ở SEPG nữa, nhưng tôi vẫn luôn giành một cảm tình đặc biệt cho bộ phận được nhắc đến nhiều nhất ở tầng 6 toà nhà HITC này. Vì đó là nơi tôi đã bắt đầu với FSoft.

Hà nội 08-2003.

9. Bốn năm một chặng đường khó khăn – Nguyễn Văn Sang (Xem chi tiết)

Advertisement

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…

Xổ số miền Bắc