Tổng quan về đào tạo và hành nghề kiến trúc trên thế giới và tại Việt Nam

Tổng quan về đào tạo và hành nghề kiến trúc trên thế giới và tại Việt Nam

​MTXD – Tóm tắt: Việc đào tạo và hành nghề kiến trúc tại Việt Nam từ lâu đã có nhiều sự khác biệt so với các nước phát triển trên thế giới. Thêm vào đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi lớn trong việc thiết kế kiến trúc và xây dựng công trình mà chúng ta chưa thể bắt kịp. Bài viết nhằm cung cấp một góc nhìn tổng hợp về bối cảnh 4.0 mới hiện nay, hệ thống đào tạo, các yêu cầu, tiêu chí cho việc đào tạo, hành nghề kiến trúc tại các nước phát triển trên thế giới và thực trạng các vấn đề này tại Việt Nam.

MTXD – Tóm tắt: Việc đào tạo và hành nghề kiến trúc tại Việt Nam từ lâu đã có nhiều sự khác biệt so với các nước phát triển trên thế giới. Thêm vào đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi lớn trong việc thiết kế kiến trúc và xây dựng công trình mà chúng ta chưa thể bắt kịp. Bài viết nhằm cung cấp một góc nhìn tổng hợp về bối cảnh 4.0 mới hiện nay, hệ thống đào tạo, các yêu cầu, tiêu chí cho việc đào tạo, hành nghề kiến trúc tại các nước phát triển trên thế giới và thực trạng các vấn đề này tại Việt Nam. Dựa vào đó, các cơ sở đào tạo trong nước có thể nghiên cứu thay đổi chương trình và mô hình đào tạo của đơn vị mình nhằm nâng cao chất lượng và thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Từ khóa: Kiến trúc; kiến trúc sư; đào tạo; hành nghề

 

1. Giới thiệu

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế một cách toàn diện với rất nhiều lợi ích, thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Trong lĩnh vực kiến trúc hiện nay, hành nghề kiến trúc sư (KTS) tại Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ dẫn tới những áp lực bắt buộc phải thay đổi của việc đào tạo kiến trúc.

Sự khác biệt về hệ thống đào tạo, hành nghề KTS của Việt Nam so với các nước phát triển trên thế giới, những yêu cầu trong Hiến chương về đào tạo kiến trúc của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Liên hiệp KTS Quốc tế (UIA) cũng như các tiêu chí để công nhận là KTS hành nghề tại các nước phát triển và tại các nước thuộc khối ASEAN đang là các thách thức đặt ra đối với các cơ sở đào tạo kiến trúc tại Việt Nam.

Bài viết xác định các bối cảnh mới của kiến trúc thế giới hiện nay, nhấn mạnh vào những thay đổi do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến đào tạo và hành nghề kiến trúc. Cùng với đó, bài viết tổng hợp và làm rõ các hệ thống đào tạo, các chương trình đào tạo, các yêu cầu và tiêu chí cho việc đào tạo cũng như hành nghề kiến trúc tại các nước phát triển trên thế giới. Cuối cùng là tổng hợp và phân tích thực trạng mô hình và chương trình đào tạo KTS tại Việt Nam hiện nay trong mối tương quan với các nước phát triển trên thế giới.

Từ các kết quả nghiên cứu này, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam có thể nghiên cứu thay đổi chương trình và mô hình đào tạo cho đơn vị mình hướng tới chuẩn đầu ra quốc tế, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kiến trúc hiện nay.

Bài viết sử dụng phương pháp chủ yếu là thống kế tổng hợp với nguồn tài liệu, số liệu từ các hội KTS tại các nước phát triển, UIA và từ các trường đào tạo kiến trúc thuộc Top 50 trên thế giới và các cơ sở đào tạo kiến trúc tại Việt Nam. 

2. Bối cảnh chung về đào tạo KTS

2.1. Bối cảnh chung 

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những yêu cầu phát triển mới, những phát minh mới về khoa học công nghệ và sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Những khái niệm như phát triển bền vững, phát triển xanh, thế giới số, nền kinh tế số, tương tác số,… đã trở nên quen thuộc trong xã hội của các nước phát triển và của cả các nước đang phát triển. Điều này đã tác động mạnh đến việc đào tạo kiến trúc trên thế giới.

Công trình xanh, thiết kế bền vững là những yêu cầu bắt buộc trong kiến trúc và trở thành kiến thức nền tảng không thể thiếu trong các chương trình đào tạo kiến trúc. Mô hình hóa thông tin xây dựng công trình BIM cũng đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong thiết kế và được giảng dạy rộng rãi. Các ứng dụng về mô phỏng thiết kế 3D, thực tế ảo VR (Virtual reality), thực tế ảo tăng cường AR (Augmented reality), thực tế hỗn hợp tăng cường MR (Mixed reality), bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) làm phim hay truyền thông đa phương tiện cũng được giới thiệu cho sinh viên sử dụng. 

Sự thay đổi về kinh tế – xã hội, văn hóa, tập quán, thói quen, nhu cầu hay thông số kỹ thuật con người hiện tại và tương lai tác động tới không gian kiến trúc trong thế giới số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã dần được đề cập đến trong các chương trình đào tạo kiến trúc.

Các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn hành nghề ngày càng cao hơn để đảm bảo yêu cầu chất lượng ngày càng cao của kiến trúc cũng tác động mạnh tới quá trình đào tạo KTS, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng và cập nhật kiến thức liên tục.

2.2. Hiến chương đào tạo Kiến trúc của UNESCO-UIA 

Để đáp ứng sự thay đổi đó, với nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của KTS đối với môi trường – xã hội, UNESCO và UIA đã công bố Hiến chương về đào tạo Kiến trúc lần đầu vào năm 1996 và rà soát lại vào các 2005, 2011, gần đây nhất là năm 2017. Hiến chương đã xác định rõ 11 nội dung cơ bản mà đào tạo kiến trúc phải bao hàm được, 06 mục tiêu cơ bản về đào tạo kiến trúc, trong đó chỉ ra ba nhóm lĩnh vực mà người học sau khi tốt nghiệp cần phải nắm bắt được, bao gồm: Thiết kế; Kiến thức về văn hóa và nghệ thuật, khoa học xã hội, môi trường, kỹ thuật, sáng tác, hành nghề; Kỹ năng. [1]

2.2.1. Nội dung cơ bản

i) Đào tạo KTS có khả năng đề xuất các giải pháp mới cho hiện tại và tương lai nhằm giải quyết những thách thức nghiêm trọng và phức tạp liên quan đến sự suy thoái chức năng và xã hội tại nơi con người sinh sống trong kỷ nguyên mới. Những thách thức này bao gồm quá trình đô thị hóa toàn cầu và hậu quả là sự cạn kiệt môi trường, tình trạng thiếu nhà ở, dịch vụ đô thị và cơ sở hạ tầng xã hội và sự thiếu vắng KTS tham gia trong các dự án xây dựng.

ii) Kiến trúc, chất lượng công trình và mối liên quan với môi trường xung quanh, tôn trọng môi trường tự nhiên và nhân tạo cũng như di sản văn hóa cá nhân và tập thể là những vấn đề được công chúng quan tâm.

iii) Vì lợi ích chung, các KTS cần hiểu rõ các đặc điểm, bản chất của khu vực thiết kế để có thể đưa ra các giải pháp thiết thực đáp ứng nhu cầu, mong đợi và cải thiện chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, nhóm người và toàn thể cộng đồng khu vực đó.

iv) Các phương pháp giáo dục và đào tạo KTS cần phải rất đa dạng, chương trình đào tạo cần phải linh hoạt để có thể phát triển sự phong phú về văn hóa, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu luôn thay đổi của chủ đầu tư, người sử dụng cũng  như của ngành xây dựng và nghề kiến trúc, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về pháp luật và tài chính từ những thay đổi đó.

v) Tùy thuộc vào mức độ quan trọng của phong tục và tập quán văn hóa cũng như nhu cầu riêng trong từng chương trình đào tạo của từng khu vực, một khung chung về phương pháp đào tạo và năng lực cần được thiết lập. Điều này sẽ giúp các quốc gia, các cơ sở đào tạo và các tổ chức nghề nghiệp đánh giá và cải thiện việc đào tạo KTS tương lai.

vi) Sự di chuyển lao động quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có sự công nhận hoặc xác nhận lẫn nhau về bằng cấp, văn bằng, chứng chỉ và các bằng chứng khác về trình độ để hành nghề trong lĩnh vực kiến trúc. Việc công nhận lẫn nhau này phải dựa trên các tiêu chí khách quan, đảm bảo được sự công bằng và tiếp nối.

vii) Tầm nhìn về thế giới tương lai, được nuôi dưỡng trong các cơ sở đào tạo kiến trúc, nên bao gồm các mục tiêu sau:

– Chất lượng cuộc sống tốt cho tất cả cư dân tại nơi con người sinh sống;

– Giải pháp (về mặt công nghệ) nhằm tôn trọng nhu cầu xã hội, văn hóa và thẩm mỹ của con người và nhận thức được việc sử dụng hợp lý các vật liệu trong kiến trúc cũng như chi phí ban đầu, bảo trì và tương lai của chúng;

– Sự phát triển cân bằng sinh thái, bền vững của môi trường tự nhiên và nhân tạo bao gồm cả việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên sẵn có;

– Tạo nên một giá trị kiến trúc được coi trọng như tài sản và trách nhiệm của mọi người.

viii) Các vấn đề liên quan đến kiến trúc và môi trường cần được giới thiệu như một phần của giáo dục phổ thông ở các trường tiểu học và trung học, bởi vì nhận thức sớm về môi trường xây dựng là rất quan trọng đối với KTS, chủ đầu tư và người sử dụng công trình trong tương lai.

ix) Các hệ thống phát triển nghề nghiệp liên tục cần được thiết lập cho các KTS vì giáo dục kiến trúc không bao giờ được coi là một quá trình “đóng” mà là một quá trình học tập suốt đời.

x) Giáo dục về di sản kiến trúc là việc làm cần thiết để: Hiểu được sự bền vững, bối cảnh xã hội và cảm nhận về nơi chốn trong thiết kế mỗi công trình; Thay đổi tư duy của nghề kiến trúc sao cho các cách thức sáng tạo của kiến trúc là một phần của quá trình phát triển văn hóa một cách hài hòa và liên tục.

xi) Sự đa dạng về văn hóa, cần thiết cho con người như đa dạng sinh học cần thiết cho tự nhiên, là di sản chung của toàn nhân loại, cần được công nhận và thấu hiểu vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. 

2.2.2. Mục tiêu cơ bản

i) Đào tạo kiến trúc phải phát triển năng lực của sinh viên để có thể hình thành ý tưởng, thiết kế, hiểu và nhận thức được hoạt động của công trình xây dựng trong bối cảnh thực tiễn kiến trúc là sự cân bằng giữa cảm xúc, lý trí và trực giác với những vấn đề kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của xã hội và cá nhân.

ii) Kiến trúc là một ngành học mà kiến thức được đúc kết từ nhân văn, khoa học xã hội và vật lý, công nghệ, khoa học môi trường, nghệ thuật sáng tạo và khai phóng.

iii) Việc đào tạo chính quy để hành nghề trong lĩnh vực kiến trúc phải được bảo đảm ở trình độ đại học/ cao đẳng với kiến trúc là ngành học chính và được cung cấp tại các trường đại học, cao đẳng và học viện. Việc đào tạo này phải duy trì sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành.

iv) Đào tạo kiến trúc cần bao gồm các mục tiêu cơ bản sau:

– Có khả năng sáng tạo kiến trúc đáp ứng các cả yêu cầu về thẩm mỹ và kỹ thuật.

– Có kiến thức đầy đủ về lịch sử và lý thuyết về kiến trúc cũng như nghệ thuật, công nghệ và khoa học nhân văn có liên quan. 

– Có kiến thức về mỹ thuật như là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thiết kế kiến trúc.

– Có kiến thức đầy đủ về thiết kế đô thị, quy hoạch và các kỹ năng liên quan đến quá trình lập quy hoạch.

– Có sự hiểu biết về mối quan hệ giữa con người và công trình, giữa các công trình và môi trường của chúng, cũng như sự cần thiết phải liên kết các tòa nhà và không gian giữa chúng với nhu cầu và quy mô của con người.

– Có hiểu biết về nghề kiến trúc và vai trò của KTS trong xã hội, đặc biệt trong việc thiết lập các chỉ dẫn mang tính xã hội.

– Có hiểu biết về các phương pháp điều tra và thiết lập chỉ dẫn cho dự án thiết kế.

– Có hiểu biết về thiết kế kết cấu, xây dựng và các vấn đề kỹ thuật liên quan đến thiết kế công trình.

– Có kiến thức đầy đủ về công nghệ, vật lý kiến trúc và chức năng của các công trình để có thể tạo ra môi trường trong nhà tiện nghi và bảo vệ con người trước điều kiện khí hậu.

– Có các kỹ năng thiết kế cần thiết để đáp ứng yêu cầu của người sử dụng trong sự ràng buộc bởi các yếu tố về chi phí và quy định xây dựng.

– Có kiến thức đầy đủ về các ngành, tổ chức, quy định và thủ tục liên quan đến việc chuyển từ bản vẽ thiết kế thành các công trình xây dựng và tích hợp các quy hoạch vào quy hoạch chung.

– Nhận thức về trách nhiệm đối với các giá trị con người, xã hội, văn hoá, đô thị, kiến trúc và môi trường cũng như di sản kiến trúc.

– Kiến thức đầy đủ về các giải pháp, cách thức để đạt được thiết kế đáp ứng yêu cầu về sinh thái và bảo tồn cũng như phục hồi môi trường.

– Phát triển năng lực sáng tạo trong kỹ thuật xây dựng dựa trên sự hiểu biết toàn diện về các nguyên tắc và phương pháp xây dựng liên quan đến kiến trúc.

– Kiến thức đầy đủ về tài chính dự án, quản lý dự án, kiểm soát chi phí và phương pháp phát triển dự án.

– Đào tạo trên cơ sở của nghiên cứu là một phần không thể thiếu khi học kiến trúc, cho cả sinh viên và giáo viên.

v) Đào tạo kiến trúc bao gồm các kiến thức sau:

* Thiết kế:

– Khả năng thu hút trí tưởng tượng, suy nghĩ sáng tạo, đổi mới và khả năng lãnh đạo.

– Khả năng thu thập thông tin, xác định vấn đề, áp dụng các phân tích và phán đoán, xây dựng các chiến lược hành động.

– Khả năng tư duy không gian ba chiều trong quá trình thiết kế.

– Khả năng dung hòa các yếu tố khác nhau, tích hợp kiến thức và kỹ năng vận dụng để tạo ra một giải pháp thiết kế.

* Kiến thức:

Văn hóa và Nghệ thuật:

– Khả năng vận dụng các kiến thức về lịch sử và văn hóa trong kiến trúc địa phương và thế giới.

– Khả năng vận dụng các kiến thức về mỹ thuật như là một yếu tổ ảnh hưởng đến chất lượng thiết kế kiến trúc.

– Hiểu biết về các vấn đề di sản trong môi trường xây dựng.

– Nhận thức về mối liên hệ giữa kiến trúc và các ngành sáng tạo khác.

Khoa học Xã hội:

– Khả năng vận dụng các kiến thức về xã hội và làm việc với chủ đầu tư và người sử dụng đại diện cho nhu cầu của xã hội.

– Khả năng phát triển một chỉ dẫn dự án thông qua xác định nhu cầu của chủ đầu tư và người sử dụng, đồng thời nghiên cứu và xác định các yêu cầu theo ngữ cảnh và chức năng cho các loại môi trường xây dựng khác nhau.

– Hiểu biết về bối cảnh xã hội trong đó môi trường xây dựng được thiết lập, các yêu cầu về công thái học và không gian cũng như các vấn đề về công bằng và khả năng tiếp cận.

– Nhận thức về các quy tắc, quy định và tiêu chuẩn liên quan đối với quy hoạch, thiết kế, xây dựng, sức khỏe, an toàn và sử dụng môi trường xây dựng.

– Nhận thức về triết học, chính trị và đạo đức liên quan đến kiến trúc. 

Môi trường:

– Khả năng vận dụng kiến thức về các hệ thống tự nhiên và môi trường nhân tạo.

– Hiểu biết về các vấn đề bảo tồn và quản lý chất thải.

– Hiểu biết về vòng đời của vật liệu, các vấn đề về bền vững và sinh thái, tác động môi trường, thiết kế giảm thiểu sử dụng năng lượng cũng như các hệ thống thụ động và quản lý chúng.

– Nhận thức về lịch sử và thực hành kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị cũng như quy hoạch lãnh thổ, quốc gia và mối quan hệ của chúng với nhân khẩu học, tài nguyên địa phương và toàn cầu.

– Nhận thức về quản lý hệ thống tự nhiên có tính đến rủi ro thiên tai.

Kỹ thuật:

– Kiến thức kỹ thuật về kết cấu, vật liệu và xây dựng.

– Khả năng vận dụng năng lực đổi mới sáng tạo kỹ thuật trong việc sử dụng các kỹ thuật xây dựng và hiểu biết về sự phát triển của chúng.

– Hiểu biết về quy trình thiết kế kỹ thuật và sự tích hợp của kết cấu, công nghệ xây dựng và các hệ thống kỹ thuật công trình khác thành một tổng thể chức năng hiệu quả.

– Hiểu biết về các hệ thống kỹ thuật công trình cũng như hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, bảo trì và an toàn.

– Nhận thức về vai trò của tài liệu kỹ thuật và thông số kỹ thuật trong việc thực hiện thiết kế và của các quá trình xây dựng, chi phí, lập kế hoạch và kiểm soát.

Sáng tác (thiết kế):

– Kiến thức về lý thuyết và phương pháp thiết kế.

– Hiểu biết về các thủ tục và quy trình thiết kế.

– Kiến thức về kinh nghiệm, tiền lệ thiết kế và phê bình kiến trúc.

Hành nghề:

– Khả năng hiểu biết về các loại hình dịch vụ kiến trúc khác nhau.

– Hiểu biết về các hoạt động cơ bản của ngành xây dựng và phát triển, chẳng hạn như tài chính, đầu tư bất động sản và quản lý cơ sở vật chất.

– Hiểu biết về vai trò tiềm năng của KTS trong các lĩnh vực hoạt động truyền thống cũng như hoạt động mới và trong bối cảnh quốc tế.

– Hiểu biết về các nguyên tắc kinh doanh và ứng dụng chúng vào việc phát triển môi trường xây dựng, quản lý dự án và hoạt động của một nhà tư vấn chuyên nghiệp.

– Hiểu biết về đạo đức nghề nghiệp và các quy tắc ứng xử khi áp dụng vào thực hành kiến trúc và trách nhiệm pháp lý của KTS liên quan đến đăng ký, hành nghề và hợp đồng xây dựng.

* Kỹ năng:

– Khả năng cộng tác làm việc với các KTS khác và thành viên của các nhóm liên ngành.

– Khả năng vận dụng và truyền đạt ý tưởng thông qua hợp tác, nói, tính toán, viết, vẽ, mô hình hóa và đánh giá.

– Khả năng làm mô hình, công cụ điện tử, đồ họa và thủ công để khám phá, phát triển, xác định và truyền đạt một đề xuất thiết kế.

– Hiểu biết về các hệ thống đánh giá, sử dụng các phương tiện thủ công và/hoặc điện tử để đánh giá hiệu suất của các môi trường xây dựng.

vi) Các chỉ số định lượng cần thiết:

– Việc tiếp thu các kiến thức và kỹ năng nêu trong 4 và 5 trên đây đòi hỏi một khoảng thời gian học tập không ít hơn 5 năm trong một Chương trình học được công nhận tại trường đại học hoặc một tổ chức tương đương.

– Sinh viên tốt nghiệp ngành kiến trúc sẽ được yêu cầu hoàn thành ít nhất hai năm kinh nghiệm thực tập trong một môi trường hành nghề phù hợp để được phép đăng ký hành nghề, trong đó có thể ưu tiên 1 năm dựa vào kết quả học tập.

2.3. Tiêu chí công nhận KTS ASEAN

Quá trình toàn cầu hóa đã tác động mạnh tới hoạt động kiến trúc ở Việt Nam và các nước thuộc khối ASEAN. Ngày 19/11/2007, các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc giữa các nước ASEAN tại Singapore. Để thực hiện Thỏa thuận  này, ngày 14/6/2011, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 554/QĐ-BXD về việc ban hành Quy chế đánh giá KTS ASEAN. Đây được coi như là một tiêu chuẩn hay chuẩn đầu ra để các cơ sở đào tạo KTS thực hiện chuẩn hóa lại chương trình và kế hoạch đào tạo của mình tại Việt Nam.

Một KTS đáp ứng được các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm thực tế và các điều kiện dưới đây thì được quyền đăng ký ghi danh như một KTS ASEAN [2]:

i) Hoàn thành một Chương trình đào tạo về kiến trúc được công nhận: Phải có bằng chứng nhận tốt nghiệp một chương trình đào tạo đại học được công nhận chính thức hoặc tương đương theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Thời gian đào tạo các KTS phải không ngắn hơn 5 năm đào tạo liên tục theo một chương trình chính quy tại một trường đại học được cơ quan thẩm quyền là Bộ Giáo dục và đào tạo công nhận hoặc một chương trình quy đổi được công nhận là tương đương.

ii) Tư cách để hành nghề độc lập: Các ứng viên xin đăng ký phải có giấy phép/chứng chỉ hành nghề kiến trúc do Cơ quan thẩm quyền quản lý nghề nghiệp của nước sở tại cấp.

iii) Có kinh nghiệm hành nghề kiến trúc liên tục từ 10 năm trở lên kể từ ngày tốt nghiệp, trong đó ít nhất phải có 5 năm đã được cấp chứng chỉ/giấy phép hành nghề.

iv) Phải có ít nhất 2 năm đảm nhận các công việc kiến trúc quan trọng. Thời hạn 2 năm này được thực hiện trong khoảng thời gian sau khi được cấp chứng chỉ/giấy phép hành nghề.

v) Duy trì việc Phát triển nghề nghiệp liên tục.

vi) Tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và đạo đức xã hội.

3. Tổng quan về đào tạo KTX trên thế giới

3.1. Tình hình chung

Kiến trúc là một ngành học đòi hỏi người học phải có nhiều tố chất đặc biệt, nhất  là sự tưởng tượng và khả năng sáng tạo phong phú, kèm theo nhiều kỹ năng mềm khác. Do vậy, việc đào tạo KTS ở nước ngoài thường tập trung vào một số trường lâu đời và có truyền thống. Các giảng viên chính của trường thường là những KTS nổi tiếng và có nhiều đóng góp cho ngành kiến trúc. 

Theo Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS năm 2022, trong Top 50 các trường đào tạo Kiến trúc tốt nhất thế giới, Mỹ dẫn đầu với 12 trường, tiếp theo là Vương quốc Anh với 6 trường, đứng thứ ba là Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) với 5 trường và thứ tư là Úc với 4 trường. Các đại diện châu Mỹ khác gồm: Canada 2 trường, Brazil 1 trường và Chilê 1 trường. Các đại diện châu Âu khác trong Top 50 có 2 trường gồm: Đức, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Thụy Điển; có 1 trường gồm: Bỉ và Phần Lan. Các đại diện châu Á khác gồm: Nhật Bản 2 trường, Singapore 2 trường và Hàn Quốc 1 trường. Theo số liệu của 50 trường này, hàng năm, mỗi trường thường tuyển khoảng 20-40 sinh viên.

Trong Top 10 năm 2022 thì Viện Công nghệ Massachusetts MIT (Mỹ) vẫn ở vị trí đầu tiên trong năm thứ ba liên tiếp, đồng thời đứng đầu bảng xếp hạng của Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS chung. Trường Công nghệ Delft (Hà Lan) đứng vị trí thứ hai trong khi trường UCL (Vương quốc Anh) đứng thứ ba. Trường ETH Zurich (Thụy Sĩ), Harvard (Mỹ) và Đại học Quốc gia Singapore NUS (Singapore) đứng ở vị trí thứ tư, năm và sáu. Trường Kiến trúc Manchester (Vương quốc Anh), Đại học California, Berkeley UCB (Mỹ), Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ bảy, tám và chín. Trường Politecnico di Milano (Italia) đứng ở vị trí thứ 10.

3.2. Mô hình và chương trình đào tạo kiến trúc tại các nước phát triển

3.2.1. Triết lý đào tạo

Các trường khảo sát đều có mô hình đào tạo tiên tiến, chủ động kết hợp giữa chuyên môn và thực hành theo kiểu xưởng thiết kế, gắn kết chặt chẽ với thực tế xã hội và thực tiễn nghề nghiệp. Mỗi trường đều có một triết lý hay tuyên ngôn đào tạo riêng, dựa trên những điểm mạnh và lợi thế của trường. Ví dụ trường MIT đã đưa ra tuyên bố như sau: “Kiến trúc tại MIT thực sự là một chương trình độc đáo duy nhất trong số các chương trình đào tạo kiến trúc với sự cam kết tạo ra một nền văn hoá trải nghiệm để phát triển kiến thức và thay đổi thế giới” (nguyên văn tiếng Anh: The Department of Architecture at MIT is truly unique among architecture programs in its commitment to creating a culture of experimentation to expand the discipline and change the world). Hay trường Kiến trúc Bartlett thuộc ULC đưa ra tuyên bố như sau: “Trường Kiến trúc Bartlett nổi tiếng trên thế giới về các nghiên cứu sáng tạo đạt giải thưởng và việc đào tạo được đánh giá là chính xác về học thuật, nội dung hữu ích, theo đường hướng thiết kế và mang tính liên ngành” (nguyên văn tiếng Anh: The Bartlett School of Architecture is internationally renowned for award-winning innovative research and teaching that is academically rigorous, critically informed, design-led and interdisciplinary). 

3.2.2. Mô hình đào tạo và hành nghề

Tại Vương Quốc Anh, để được công nhận là KTS và được hành nghề, quy trình và thời gian đào tạo như sau: Đào tạo 3 năm cho bằng cấp cử nhân kiến trúc. Sau một năm kinh nghiệm thực tế, sinh viên học tiếp 2 năm đào tạo cho bằng cấp thạc sĩ kiến trúc. Tiếp theo là 2 năm kinh nghiệm thực tế, thi tuyển tại các trường được Học viện Kiến trúc Hoàng gia Anh (RIBA) công nhận. Sau đó đăng ký với Hội đồng Đăng ký KTS  (ARB) để được công nhận là KTS. Tổng cộng thời gian ngắn nhất để được công nhận KTS là 8 năm.

Tại Mỹ, để được công nhận là KTS và được hành nghề, có 3 cách thức sau:

i) Hoàn thành khóa đào tạo “chuyên nghiệp” 5 năm cử nhân kiến trúc (Bachelor of Architecture);

ii) Hoàn thành khóa đào tạo “phi chuyên nghiệp” 4 năm cử nhân khoa học kiến trúc (Bachelor of Science in Architecture hay Bachelor of Science in Architecture studies hay tương đương) và tiếp theo là hoàn thành khóa đào tạo 2 năm thạc sĩ kiến trúc (Master of Architecture);

iii) Hoàn thành khóa đào tạo cử nhân bất kỳ (phi kiến trúc) và tiếp theo là hoàn thành khóa đào tạo 3-4 năm thạc sỹ kiến trúc (Master of Architecture). Các chương trình cử nhân và thạc sĩ kiến trúc đều được theo dõi và chứng nhận bởi Hiệp hội Quốc gia các Hội đồng Kiến trúc – NAAB. Thông thường, tốt nghiệp tại một cơ sở giáo dục được NAAB công nhận là một yêu cầu cho việc cấp phép hành nghề KTS. 

Tại Hong Kong (Trung Quốc), để được công nhận là KTS và được hành nghề, quy trình và thời gian đào tạo như sau: Đào tạo 4 năm cho bằng cấp cử nhân kiến trúc và 2 năm cho bằng cấp thạc sĩ kiến trúc. Tiếp theo là tối thiểu 2 năm làm việc tại một văn phòng kiến trúc. Sau đó là vượt qua kỳ sát hạch nghề nghiệp do Viện Kiến trúc Hong Kong (HKIA) và Hội đồng đăng ký KTS Hong Kong (ARB) tổ chức.

3.2.3. Chương trình đào tạo KTS tại Vương quốc Anh 

Trong 3 năm đầu tiên (bằng cử nhân kiến trúc), chương trình đào tạo cung cấp một loạt các kỹ năng và kiến thức làm cơ sở cho học tập, nghiên cứu và cho các lĩnh vực liên quan khác trong sáng tạo và thực hành. Sinh viên khám phá thiết kế theo mô hình xưởng thiết kế được tổ chức theo các modul về lịch sử/ lý thuyết, công nghệ/ môi trường và thực hành nghề nghiệp. Việc tổ chức này cho phép sinh viên học hỏi và phát triển kỹ năng thông qua một loạt các chủ đề với mức độ ngày càng cao tương ứng với các giai đoạn của đào tạo. Các chủ đề bao gồm: 

i) Lịch sử và lý thuyết kiến trúc: Chương trình cung cấp các kiến thức lý thuyết nền tảng về kiến trúc thông qua khám phá các công trình và không gian tiêu biểu cũng như qua các bài viết, nguyên lý và nhà lý luận tiêu biểu. Lý thuyết kiến trúc và văn hoá, do cả KTS và nhà lý luận, được giới thiệu và khám phá. Chương trình cũng cung cấp một nền tảng để phát triển các kỹ năng, bao gồm phương pháp nghiên cứu, viết tiểu luận và tư duy phản biện.

ii) Thiết kế kiến trúc: Chương trình cung cấp một loạt các đồ án thiết kế nhằm phát triển sự hiểu biết về thiết kế và nhu cầu của người sử dụng về không gian chức năng và các tiện ích. Bên cạnh đó là các kiến thức về phân tích hiện trạng ở cả môi trường đô thị và nông thôn, phát triển các kỹ năng về tạo hình kiến trúc và sự tác động đến môi trường xung quanh. Thiết kế công trình công cộng với việc giới thiệu việc lựa chọn và các công nghệ phù hợp theo hướng bền vững cũng là một đặc điểm của chương trình này.

iii) Thiết kế kiến trúc và truyền thông: Chương trình cung cấp các kiến thức về thiết kế kiến trúc và trình bày, báo cáo thông qua các đồ án thiết kế với quy mô và tính phức tạp tăng dần. Môi trường đô thị và quá trình tư duy phản biện liên quan đến môi trường xây dựng và thiết kế được khám phá. Cấu trúc, tài liệu và tầm quan trọng của truyền thông, giao tiếp trong kiến trúc, sử dụng các hình ảnh truyền thông thích hợp, trình bày các nghiên cứu và phân tích bằng lời nói, mô hình hay bản vẽ là các đặc điểm cơ bản của chương trình này.

iv) Công nghệ và môi trường: Chương trình cung cấp các kiến thức về công nghệ xây dựng, bao gồm cấu trúc, xây dựng công trình và vật liệu trong mối tương quan với quá trình xây dựng, sự phát triển bền vững và hiệu quả sử dụng. Bên cạnh đó là hiệu quả môi trường của công trình thông qua chiến lược thiết kế thụ động (như chiếu sáng và thông gió tự nhiên) và sự tác động của nó tới hình dáng và cấu trúc công trình.

Chương trình được chia thành 3 giai đoạn. Sinh viên cần phải vượt qua 4 modul mỗi năm, và kết quả tích lũy với 10, 30 và 60 phần trăm cho các giai đoạn từ 1 đến 3. Nội dung đào tạo tổng quát của từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1 (10%) tập trung vào việc hỗ trợ sinh viên chuyển tiếp lên đại học thuận lợi, cung cấp các kiến thức về vẽ kiến trúc, làm mô hình và bắt đầu quá trình tạo hình kiến trúc, liên kết và giao tiếp trong kiến trúc;

Giai đoạn 2 (30%) hoạt động như một phòng thí nghiệm để thử nghiệm ý tưởng sáng tạo, phản biện và quá trình sáng tạo, đồng thời tăng cường mức độ tự tin và sự độc lập của sinh viên thông qua việc phát triển các kỹ năng kiến trúc và sự hiểu biết về công nghệ ngày càng phức tạp hơn;

Giai đoạn 3 (60%)  sinh viên được coi là những nhà tư tưởng và nhà thiết kế, có thể đề xuất các giải pháp và thiết kế chi tiết, sinh viên hoạt động độc lập, dựa trên các kiến thức đã học và các sở trường cá nhân. Trong năm cuối này, sinh viên sẽ nghiên cứu các con đường sự nghiệp mà họ đã được tìm hiểu trong suốt quá trình học tập.

Trong 2 năm học tiếp theo (bằng thạc sỹ Kiến trúc), chương trình đào tạo bao gồm các khối kiến thức về thiết kế, công nghệ, thực hành nghề, cũng như lịch sử và lý thuyết kiến trúc. Hơn 75% chương trình học dựa trên mô hình xưởng thiết kế với sự nhấn mạnh vào tự nghiên cứu và tự lập kế hoạch hiệu quả. Chương trình được chia thành 5 xưởng chuyên đề, bao gồm một loạt các phương pháp tiếp cận, nghiên cứu với thiết kế kiến trúc.

Mỗi xưởng được 2 giáo viên hướng dẫn và có một “chuyên gia tư vấn” bên ngoài trong những giai đoạn quan trọng của khóa học. Trọng tâm của chương trình là điều tra và phát triển các mối quan hệ giữa thực hành lý luận, thiết kế và nghiên cứu trong việc đưa ra các giải pháp kiến trúc. Các chuyên đề bao gồm: Cộng đồng và Chính trị; Văn hoá và Công nghệ; Thực hành ứng dụng mới; Xây dựng kiến tạo; Thông minh/ tiên tiến và sự cần thiết. [3]

3.2.4. Chương trình đào tạo KTS tại Mỹ

Thông thường, năm đầu tiên sinh viên học kiến trúc kết hợp với những môn học giáo dục đại cương bắt buộc của nhà trường. Số lượng và nội dung của các môn học đại cương khác nhau giữa các trường nhưng thường bao gồm Toán, Khoa học, Lịch sử và một Ngoại ngữ. 

Chương trình đào tạo phi chuyên nghiệp trong kiến trúc cũng kết hợp các môn học chuyên ngành với các môn học giáo dục đại cương theo yêu cầu của mỗi trường. Hai năm đầu, chương trình tập trung vào các môn học giáo dục đại cương. Phần các môn học về kiến trúc học trong hai năm đầu này thường là giới thiệu hay nhập môn kiến trúc. Sinh viên thuộc chương trình phi chuyên nghiệp không phải cam kết học tiếp chương trình Kiến trúc cho tới cuối năm thứ hai. Các môn học chuyên sâu về kiến trúc thường bắt đầu vào năm thứ ba.

Có thể có nhiều khác biệt trong nội dung của các môn học kiến trúc, ngay cả trong số các trường được NAAB công nhận, nhưng sự tương đồng cơ bản là hầu hết các chương trình (cả chuyên nghiệp lẫn phi chuyên nghiệp) dành rất nhiều thời gian và nghiên cứu về thiết kế. Sinh viên thực hành các đồ án trong xưởng thiết kế, sau đó tham gia thảo luận bàn tròn giữa các đồng nghiệp và giáo viên hướng dẫn.

Ngoài ra, chương trình còn cung cấp các môn học về khoa học về hành vi, kết cấu, kỹ thuật công trình và kinh tế. Các môn học về đồ họa trong truyền thông đa phương tiện kết hợp với đồ họa máy tính và thiết kế hỗ trợ máy tính cũng được nhấn mạnh. Các môn học tùy chọn bao gồm công nghệ kiến trúc, soạn thảo hợp đồng và các môn học liên quan khác. [4]

Tổng hợp 12 chương trình đào tạo đào tạo cử nhân kiến trúc của các trường thuộc Top 50 thế giới tại Mỹ, các khối kiến thức chủ yếu như sau: 

i) Khối kiến thức Giáo dục đại cương gồm: Kỹ năng giao tiếp (tiếng Anh), Nhân văn và Nghệ thuật, Toán định lượng và thống kê, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội;

ii) Khối kiến thức về Lịch sử và Lý thuyết, Hành vi con người gồm: Lịch sử và Lý thuyết, Hành vi con người;

iii) Khối kiến thức về Xây dựng công trình gồm: Hệ thống kết cấu, Hệ thống kiểm soát môi trường, Vật liệu xây dựng và Lắp ráp, Hệ thống kỹ thuật và Vỏ bao che công trình, Tài liệu (bản vẽ) kỹ thuật, Đánh giá tài chính;

iv) Khối kiến thức về Thiết kế gồm: Thiết kế cơ bản, Lập kế hoạch và Thiết kế phù hợp với địa điểm, Thiết kế dựa trên nghiên cứu và Khảo sát, Thiết kế tích hợp;

v) Khối kiến thức về Thực hành nghề nghiệp gồm: Vai trò của người sử dụng trong kiến trúc, Quản lý dự án, Quản lý kinh doanh, Luật và Quy định, Đạo đức và Hành xử chuyên nghiệp.

Ngoài ra, trước khi tốt nghiệp, sinh viên cần có thời gian thực tập nghề khoảng 3-6 tháng. 

3.2.5. Chương trình đào tạo KTS tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc (lục địa)

Tại Trung Quốc (lục địa), chương trình đào tạo cử nhân Kiến trúc kéo dài 5 năm, cung cấp kiến thức và kỹ năng cho sinh viên để trở thành các chuyên gia về kiến trúc và các nhà lãnh đạo có năng lực chuyên môn, năng lực sáng tạo và tầm nhìn quốc tế. Chương trình bao gồm những kiến thức toàn diện về kiến trúc, đô thị, cảnh quan và thiết kế nội thất, cũng như nghiên cứu, giáo dục và quản lý trên quan điểm kiến trúc. Chương trình giảng dạy bao gồm một loạt các khóa học bắt buộc và tự chọn thuộc ba lĩnh vực chuyên ngành: Thiết kế Kiến trúc, Lịch sử và Lý thuyết kiến trúc, Công nghệ Xây dựng. 

Nhìn chung, Chương trình đào tạo ngành Kiến trúc của của các trường Đại học Đồng Tế, Đại học Thanh Hoa đã dần tiếp cận với phương pháp và nội dung đào tạo quốc tế với sự linh hoạt trong việc lựa chọn môn học và cung cấp nhiều môn học bổ trợ cho lĩnh vực kiến trúc. Để đạt được bằng Cử nhân Kiến trúc, sinh viên phải tham gia tất cả các môn học bắt buộc và hoàn thành tối thiểu là 210 tín chỉ. (1 tín chỉ tại Việt Nam tương đương với 1,5 tín chỉ lý thuyết và 2 tín chỉ thực hành của hệ đào tạo tại Trung Quốc, Hong Kong). Chương trình đào tạo mở, linh hoạt đã thúc đẩy trao đổi sinh viên kiến trúc giữa các trường đại học tại Trung Quốc với các trường đại học lớn trên thế giới. 

Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Kiến trúc kéo dài 2,5 năm với một số môn bắt buộc và tự chọn. Tất cả các học viên phải dành một năm cho các khóa học, nửa năm thực tập và một năm để viết luận văn. Chương trình giúp học viên có được các năng lực chuyên môn, kiến thức chuyên ngành có tính cấp tiến và cấp nhật quốc tế, phát triển năng lực để giải quyết các vấn đề nghiên cứu, thực tiễn và quản lý. [5]

Tại Hong Kong (Trung Quốc)

Tại Hong Kong, chương trình đào tạo cử nhân Kiến trúc kéo dài 4 năm, cung cấp các khối kiến thức bao hàm cả hai lĩnh vực không phân biệt ranh giới giữa khoa học và nghệ thuật. Việc đào tạo cử nhân kiến trúc không chỉ là bước đầu tiên cần phải có để có thể trở thành KTS mà còn cung cấp một nền giáo dục tổng quát giúp sinh viên tự tin vào một số lĩnh vực khác có liên quan. 

Chương trình đào tạo dựa vào việc thực hiện đồ án trong các xưởng thiết kế và các môn học được cấu trúc phù hợp nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, phát triển kiến thức chuyên ngành, rèn luyện ý thức, thái độ và khuyến khích sự sáng tạo. Đồ án trong các xưởng thiết kế được dựa trên các vấn đề thực tiễn cụ thể, khuyến khích các cách tiếp cận khác nhau khi giải quyết các thách thức về công năng, môi trường và xã hội.

Để đạt được bằng Cử nhân Kiến trúc, sinh viên phải tham gia tất cả các môn học bắt buộc và hoàn thành tổng cộng 240 tín chỉ, trong đó có 180-190 tín chỉ chuyên ngành (gồm 150-60 tín chỉ của các môn học chính, 18 tín chỉ của các môn học cơ bản và 12 tín chỉ của các môn học tự chọn), khoảng 50 tín chỉ ngoại ngữ và các môn học chung bắt buộc (1 tín chỉ tại Việt nam tương đương với 1,5 tín chỉ lý thuyết và 2 tín chỉ thực hành của hệ đào tạo tại Hong Kong). 

Với chương trình giảng dạy đa ngành, tập trung vào thiết kế và các công nghệ sản xuất hiện đại trong một sự hiểu biết về văn hoá lịch sử và lý thuyết kiến trúc, sinh viên sẽ có được kiến thức chuyên sâu, kỹ năng và cách thức để ứng phó với các vấn đề kiến trúc phức tạp, có khả năng thiết kế và thực hành kiến trúc đương đại và khả năng hội nhập quốc tế. [5]

4. Tổng quan về đào tạo KTS tại Việt Nam

4.1. Tình hình chung

Vào những năm cuối thế kỷ XX, đào tạo KTS ở Việt Nam tập trung vào 03 trường đại học chính là Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM (02 trường ở miền Bắc và 01 trường ở miền Nam) với tổng số lượng tuyển sinh khoảng 300-350 sinh viên mỗi năm. 

Sang thế kỷ XXI, tính đến năm 2022, theo số liệu tổng hợp từ các đề án tuyển sinh đại học, Việt Nam đã có khoảng 36 cơ sở đào tạo đại học ngành Kiến trúc, Nội thất và Cảnh quan với số lượng tuyển sinh khoảng 3.800-3.850 sinh viên mỗi năm, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc (15 trường) và khu vực phía Nam (16 trường), khu vực miền Trung chỉ có 05 trường. Các cơ sở đào tạo lâu năm, có uy tín và có số lượng tuyển sinh lớn hàng năm (200-400 sinh viên/năm) gồm Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, Trường Đại học Văn Lang và đều nằm ở hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM.

Theo chỉ tiêu trong Đề án tuyển sinh và dựa trên báo cáo Ba công khai của các cơ sở đào tạo, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Kiến trúc hàng năm ước chừng khoảng 70-75% số lượng sinh viên đầu vào, tương đương khoảng 2.700-2.900 sinh viên. Đây là một con số không lớn so với nhu cầu tuyển dụng hiện nay. 

Theo báo cáo tại hội thảo “Đào tạo KTS và các ngành thiết kế, xây dựng trong xu hướng toàn cầu hóa” diễn ra vào ngày 24/10/2016 do trường Đại học Kiến trúc TP.HCM tổ chức thì khoảng 10% KTS có năng lực tốt (sáng tạo ý tưởng, chủ nhiệm dự án), 30% số KTS khác không làm nghề và số còn lại triển khai kỹ thuật dự án [6]. Theo số liệu khảo sát năm 2022 của Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, về sinh viên tốt nghiệp của khoa thì chỉ khoảng 45-50% số lượng KTS ra trường làm đúng nghề (thiết kế hay quản lý kiến trúc, nội thất), còn lại là làm các công việc liên quan khác như thi công xây dựng công trình, bất động sản. Đây là một thực trạng về đào tạo và việc làm cần phải xem xét và giải quyết.   

4.2. Mô hình và chương trình đào tạo KTS

4.2.1. Triết lý đào tạo

Hầu hết các cơ sở đào tạo ngành Kiến trúc tại Việt Nam chưa có triết lý đào tạo riêng của ngành mình mà bám sát vào Sứ mạng – Tầm nhìn – Giá trị cốt lõi chung của cơ sở đào tạo. Điều này có thể lý giải bởi quy định cứng nhắc về nội dung của mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, trong đó chưa thể hiện rõ được triết lý đào tạo riêng của từng ngành.

4.2.2. Mô hình đào tạo và hành nghề

Tại Việt Nam, hầu hết các cơ sở đào tạo ngành Kiến trúc đang thực hiện theo mô hình một giai đoạn 5 năm, cấp trực tiếp bằng KTS, tương đương với trình độ bậc 6 (đại học) trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Việc này đã gây ra không ít khó khăn cho các KTS Việt Nam đi học tập tiếp theo hay làm việc tại nước ngoài khi bằng KTS không tương thích với hệ thống quốc tế (chỉ có bằng Cử nhân Kiến trúc và Thạc sỹ Kiến trúc, giấy phép hành nghề KTS do hiệp hội nghề nghiệp hoặc tổ chức tương đương cấp).

Riêng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã chuyển đổi mô hình đào tạo tương tự như mô hình của Mỹ và châu Âu, đào tạo theo 2 giai đoạn: Bậc cử nhân kiến trúc (4 năm) và Bậc KTS (1,5-2 năm) tương ứng với trình độ bậc 6 (đại học) và bậc 7 (thạc sỹ) trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. 

Sau khi được cấp bằng đại học ngành kiến trúc, cần có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân và đạt yêu cầu sát hạch thì sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. [7]

4.2.3. Chương trình đào tạo

Theo tổng hợp của tác giả, các Chương trình đào tạo ngành Kiến trúc hiện nay tại Việt Nam gồm các khối kiến thức chủ yếu như sau:

Bảng 1. Tổng hợp các Chương trình đào tạo ngành Kiến trúc tại Việt Nam

– Khối kiến thức giáo dục đại cương gồm các học phần về Ngoại ngữ, Toán, Vật lý, Tin học, Giáo dục tư tưởng chính trị và pháp luật (chưa bao gồm Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng – an ninh).

– Khối kiến thức cơ sở ngành gồm các học phần về Hinh họa, vẽ kỹ thuật và Đồ họa, Lịch sử và Nghệ thuật, Lý thuyết và Cơ sở thiết kế, Hệ thống kiểm soát môi trường (Vật lý kiến trúc), Xây dựng, công nghệ, kỹ thuật và kinh tế.

– Khối kiến thức ngành gồm các học phần về Thiết kế và Đồ án chuyên ngành, Kiến thức và chuyên đề nâng cao.

– Thực tập và Đồ án tốt nghiệp, tổng cộng khoảng 10-15 tín chỉ.

Như vậy, trong mối tương quan so sánh với các nước phát triển trên thế giới thì các chương trình đào tạo kiến trúc tại Việt Nam có tổng khối lượng tương đối lớn, tập trung nhiều vào khối kiến thức cơ sở ngành (kiến thức nền tảng rộng). Khối lượng kiến thức giáo dục đại cương (hiểu biết rộng) thấp. Đặc biệt, các kiến thức về văn hóa, xã hội và con người – cơ sở quan trọng để hình thành các thiết kế kiến trúc phù hợp cho chính các khu định cư của con người bị thiếu hụt nhiều. Bên cạnh đó, các kiến thức mới về các xu hướng phát triển của thời đại 4.0 cũng ít được cập nhật.

5. Kết luận

Các nghiên cứu trên đây cho thấy việc đào tạo kiến trúc ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách tương đối xa với các nước phát triển trên thế giới. Để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế, các cơ sở đào tạo kiến trúc của Việt Nam cần:

1. Hình thành triết lý đào tạo kiến trúc riêng, thể hiện rõ vai trò, vị thế, chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo và của các KTS do cơ sở mình đào tạo trong bối cảnh xã hội mới. Đây là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng hướng đi riêng cho mình.

2. Điều chỉnh mô hình đào tạo để tương thích với mô hình của các nước phát triển trên thế giới (bậc cử nhân kiến trúc và bậc thạc sỹ kiến trúc) nhằm nhanh chóng hội nhập quốc tế.

3. Điều chỉnh, bổ sung, thay đổi mục tiêu, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ngành kiến trúc phù hợp với các yêu cầu chung của Hiến chương về đào tạo Kiến trúc do UNESCO-UIA, đã công bố, hướng tới các chuẩn đầu ra quốc tế (như chuẩn NAAB của Mỹ, CACB của Canada, RIBA của Anh,…) cũng như đáp ứng triết lý đào tạo riêng của cơ sở mình.

4. Điều chỉnh, bổ sung, thay đổi nội dung chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra mới,  đặc biệt là các nội dung về văn hóa, con người, công nghệ và phương pháp, tư duy thiết kế và hành nghề thực tế.

 TS Nguyễn Cao Lãnh

Tài liệu tham khảo
1. UNESCO / UIA, UNESCO-UIA Chater for Architectural Education (Revised). 2017 Edition, 2017.
2. Bộ Xây dựng, Quyết định số 554/QĐ-BXD ngày 14/6/2011 về việc ban hành Quy chế đánh giá KTS ASEAN, 2011.
3. British Council, Sustainable development of high quality, multi-disciplinary education programs (advanced programs teaching in English) in the sectors of Architecture and Planning, Construction, Transportation and the Environment, Report 1: A Report on the UK University’s Degree Curriculums, 2015
4. Fullbright Portugal, Architecture Education in the United States,  http://www.fulbright.pt/index.php?mod=files&action= download&fileid=82, 2017.
5. Nguyễn Cao Lãnh, Cải tiến chương trình đào tạo ngành Kiến trúc tại Trường Đại học Xây dựng, Đề tài khoa học và công nghệ cấp trường trọng điểm, Mã số: 127-2016/KHXD-TĐ, 2017.
6. Nguyễn Quốc Thông, Hội Kiến trúc sư Việt Nam với công tác đào tạo Kiến trúc sư, Hội thảo Đào tạo Kiến trúc và các ngành thiết kế, xây dựng trong xu hướng toàn cầu hóa ngày 24/10/2016 tại TP HCM, 2016
7. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Luật số 40/2019/QH14: Luật Kiến trúc, Ban hành ngày 13/6/2019, 2019.
 

 

Xổ số miền Bắc