Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ
Năm 2022 đánh dấu bước chuyển mình ấn tượng của du lịch Phú Thọ. Sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tỉnh đã tích cực tái khởi động các hoạt động du lịch nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới, đưa ngành du lịch khởi sắc trở lại.
Đoàn du khách quốc tế du lịch Việt Nam theo tuyến đường thủy Vịnh Hạ Long – Phú Thọ – Hòa Bình thăm quan, trải nghiệm Hát Xoan tại đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì).
Phục hồi mạnh mẽ
Ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; tập trung thu hút, đào tạo thu hút nguồn nhân lực; chú trọng đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh… nhằm nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch. Ước tính trong năm 2022, toàn tỉnh đón gần 700 nghìn lượt khách lưu trú, trên ba triệu lượt khách tham quan và gần 7.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch ước đạt 2.650 tỉ đồng (tăng 136% với năm 2021).
Nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, cùng với các địa phương trong cả nước, ngay từ những tháng đầu năm 2022, tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm khuyến khích quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tái khởi động và mở cửa các hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón và phục vụ khách đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp về phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Trong đó tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường nội địa làm động lực để phục hồi, tổ chức khai thác thị trường khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ.
Sở VH,TT&DL đã triển khai tới Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng với thành phố Hà Nội, tạo nên nhiều tuyến liên kết du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách đến thăm quan du lịch như: “Hành trình về nguồn”, “Du lịch liên kết – Vòng cung Tây Bắc”, “Tour du lịch hàng ngày Hà Nội – Phú Thọ”; Chương trình du lịch quốc tế đường sông với loại hình “Du lịch văn hóa di sản- trải nghiệm làng nghề”… liên kết với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ qua việc đón khách du lịch từ sân bay Nội Bài đến thăm quan du lịch, lưu trú tại Phú Thọ và đi thăm quan các tỉnh Tây Bắc. Cùng với đó tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch để tổ chức hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, triển khai các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.
Các giải pháp kích cầu được triển khai thông qua các chính sách ưu đãi, giảm giá từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh… nhằm tăng cường thu hút khách du lịch đến với địa phương, qua đó đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo dựng hình ảnh, vị thế, uy tín của du lịch Phú Thọ đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tuần Du lịch Thanh Thủy – Mùa Thu năm 2022, huyện Thanh Thủy đã đón khoảng 67.000 lượt khách du lịch.
Cùng với việc tổ chức thành công các sự kiện lớn: SEA Games 31, Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022, Tuần Du lịch Thanh Thủy – Mùa thu 2022; Ngày hội Văn hoá, Thể Thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022…, tỉnh chỉ đạo các địa phương bước đầu khôi phục các hoạt động nghi thức, lễ hội truyền thống… đã tạo “cú hích” cho thúc đẩy các hoạt động kinh doanh phụ trợ tạo điều kiện giúp các cơ sở du lịch, dịch vụ lưu trú phục hồi kinh doanh. Chỉ tính riêng trong Tuần Du lịch Thanh Thủy – Mùa Thu năm 2022, huyện Thanh Thủy đã đón khoảng 67.000 lượt khách du lịch, có hơn 10.000 khách nghỉ lưu trú với tổng doanh thu ước đạt trên 45 tỉ đồng…
Các giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, kết hợp với thực hiện chính sách thích ứng linh hoạt trong tình hình mới của Chính phủ cộng hưởng cùng quyết tâm, nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực giúp du lịch Phú Thọ “phá băng” sau thời gian dài “ngủ đông”.
Đồng bào dân tộc Dao biểu diễn múa chuông phục vụ du khách tại Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Tăng tốc
Xác định năm 2023 sẽ là năm “bùng nổ” các hoạt động du lịch, để “tăng tốc” đưa du lịch Phú Thọ bứt phá trong năm tới, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2887/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2022 về việc phê duyệt chương trình khung xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch tỉnh phát triển. UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH,TT&DL phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh hoạt động thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa du lịch vùng Đất Tổ, tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch tỉnh Phú Thọ đến khách du lịch trong và ngoài nước; tích cực quảng bá, xúc tiến thu hút, mời gọi đầu tư khai thác tiềm năng du lịch thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động xúc tiến du lịch với các thị trường trọng điểm du lịch, tìm kiếm, khai thác thị trường khách du lịch; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, điểm đón khách, tour – tuyến du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động du lịch…
Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở VH, TT&DL cho biết: Để thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thời gian tới, Sở VH,TT&DL sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là giá trị hai Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ. Cùng với đó, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ, lợi thế thiên nhiên, con người và sản vật địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững…”.
Đồi chè Long Cốc (huyện Tân Sơn) là điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn. (ảnh tư liệu).
Tiếp tục chú trọng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngành du lịch tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp từng bước phục hồi các hoạt động dịch vụ du lịch như: Đầu tư, nâng cấp, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch; tăng cường công tác đào tạo nhằm nâng cao chất và lượng nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch sau đại dịch; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến kích cầu du lịch; tăng cường mời gọi, thu hút, đầu tư khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch; đẩy mạnh kết nối, phát triển tour – tuyến, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch Phú Thọ; hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đặc thù, điểm tham quan du lịch. Mở rộng và phát triển các loại hình du lịch tập trung vào nhóm đối tượng du khách trẻ, năng động như “Du lịch học đường” hướng tới đối tượng khách học sinh, sinh viên trong tỉnh và ngoài tỉnh với hoạt động trải nghiệm ngoại khóa văn hóa du lịch về nguồn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá – con người vùng Đất Tổ cho thế hệ trẻ.
Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động du lịch; đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa, gắn với vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp, người dân và du khách trong việc xây dựng hình ảnh Du lịch Phú Thọ thân thiện, mến khách, góp phần đưa du lịch Phú Thọ gần hơn tới du khách thập phương.