Tư tưởng triết học phương Đông trong xây dựng vườn cảnh – Tạp chí Kiến Trúc

Vào thế kỷ 17, vườn cảnh kiểu Pháp theo phong cách trang trọng, đăng đối vẫn là kiểu vườn chính được duy trì, phổ biến rộng rãi ở Châu Âu. Tuy nhiên, sự xuất hiện vườn phong cảnh kiểu Anh đầu thế kỷ 18 đã dần thay thế cho phong cách vườn này.

Vườn phong cảnh Anh với cách nhìn lý tưởng hoá thiên nhiên, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi triết lý vườn truyền thống Trung Quốc thông qua những nhà du hành trở về từ phương Đông [1]. Sự xuất hiện, lan toả của khoa học sinh thái môi trường, giúp hình thành một vòng lặp quan tâm mới, sâu sắc hơn đối với nghệ thuật làm vườn của Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu từ nửa sau của thế kỷ 20 ở Châu Âu [3].

Có thể khẳng định những tư tưởng triết học ẩn sâu trong việc xây dựng vườn cảnh là một trong những yếu tố chính duy trì sức hấp dẫn và ảnh hưởng của phong cách vườn phương Đông đối với phương Tây. Nổi bật trong những tư tưởng triết học đó là Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Tư tưởng Nho giáo nhấn mạnh sự hoàn hảo của không gian do con người tạo ra, ở một khía cạnh nào đó, khá tương đồng với tư duy của người châu Âu, muốn kiểm soát và làm chủ thiên nhiên. Ngược lại, Đạo giáo lại chấp nhận một cách vô điều kiện tính ưu việt của tự nhiên, hơn tất cả những gì mà con người tạo ra. Mặc dù vậy, tư tưởng Đạo giáo và Nho giáo không loại trừ nhau, mà một số tư tưởng của cả hai đã hỗ trợ lẫn nhau, hoà nhập cùng với Phật giáo, tạo thành cơ sở cho việc hình thành các tư tưởng truyền thống của phương Đông trong xây dựng vườn cảnh.

Nguyên tắc chính của việc xây dựng một khu vườn cảnh phương Đông là tạo ra sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo. Sự can thiệp của con người không phải để “thay thế”, mà là để “bổ sung” cho các yếu tố của cảnh quan tự nhiên. Cách tiếp cận này được thể hiện trong tư tưởng của Đạo gia: “Thông qua tính phức tạp, trở về gốc gác nguyên thủy”, ví dụ: Thông qua điêu khắc và nặn tượng, trở lại với vật liệu ban đầu là đá và đất sét. Do đó, tất cả những ngọn đồi và hồ chứa nước do bàn tay con người tạo ra trong vườn cảnh phải giống như sự tồn tại của chúng trong tự nhiên [2]. Bên cạnh đó, học thuyết “trung dung” của Nho giáo nhấn mạnh tính trung hòa, không thái quá, đã yêu cầu đảm bảo sự cân bằng giữa yếu tố tự nhiên và nhân tạo trong các khu vườn. Khi thiết lập được sự cân bằng này, mới có thể đạt được mục đích cuối cùng là sự hài hòa trong xây dựng vườn cảnh.

Tư tưởng Nho giáo không chỉ phổ biến ở Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng tới các nước khác trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, nơi nền tảng của chế độ nhà nước ban đầu dựa trên các nguyên tắc của Nho giáo. Trong đó, so sánh phẩm hạnh của con người với thiên nhiên là điều rất đặc trưng của Nho giáo nói chung. Các tác phẩm kinh điển của các nhà thơ và nghệ sĩ, thường so sánh trình độ học vấn và đạo đức của con người với núi, sông, với các loài thực vật đặc trưng như tùng, cúc, trúc, mai, hoa sen… và các vật thể tự nhiên khác. Vì vậy, không khó để bắt gặp những hình tượng được nhân cách hoá trong thơ ca, hội hoạ này trong các khu vườn truyền thống phương Đông.

Một trong những tư tưởng triết học phương Đông dựa trên lý thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập, được thể hiện trong biểu tượng thái cực đồ về sự hài hòa “âm – dương”. Nguồn gốc của thái cực đồ còn nhiều điểm chưa sáng tỏ, tuy vậy nó rất phổ biến trong Đạo giáo. Lão Tử – người sáng lập Đạo giáo, dạy rằng mọi hiện tượng và vật thể đối lập nhau về ý nghĩa và đặc điểm đều có mối liên hệ với nhau [5]. Trong nghệ thuật làm vườn, nguyên tắc này được thể hiện qua đặc điểm các yếu tố thành phần tạo nên khu vườn: cứng và mềm, sáng và tối, đặc và rỗng, đóng và mở, động và tĩnh, trang trọng và đơn giản. Những biểu hiện này tương đồng với lý thuyết về sự tương phản của nghệ thuật phương Tây thông qua sự tiếp nhận thuyết nhị nguyên trong khái niệm “âm – dương”. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ tại sao bất kỳ khu vườn phương Đông nào thường bao gồm hai thành phần chính là đất (còn là đá hay núi) và nước. Nước có tất cả các đặc tính vốn có trong khái niệm “âm”: Không hình dạng, không ổn định, thay đổi, ẩm ướt, nằm ngang. Ngược lại với nước, thì đất (đá, núi) là một thành phần cứng, khô ráo, ổn định, thẳng đứng, tức là có đầy đủ các đặc tính của “dương”. Bản chất của sự kết hợp này là nước ở trạng thái tự nhiên (lỏng) không thể tồn tại nếu không có hình dạng mà đất cung cấp cho nó. Ngược lại, một vùng đất không có nước là một sa mạc khô cằn không có sự sống. Và chỉ nhờ sự kết hợp của hai mặt đối lập “âm” và “dương” này, tất cả sự sống mới tồn tại, là cơ sở cho sự bền vững, sức sống lâu dài của các khu vườn phương Đông.

Lão Tử tin rằng “trống rỗng”“tĩnh lặng” là hai trạng thái của “Đạo” trong tự nhiên [4]. Nếu coi hốc đá là “trống rỗng”, thì khi nước đến, khoảng trống đó có thể lấp đầy, tức là “trống rỗng” chẳng qua là trạng thái tiềm năng to lớn của không gian. Như vậy, xét về mặt không gian, “trống rỗng” được hiểu là một khoảng không, sẵn sàng được lấp đầy bởi vô số lựa chọn. Đối với con người, khái niệm về “trống rỗng” phù hợp với khả năng tư duy, giải quyết vấn đề và sáng tạo vô tận.

Phân tích tư duy không gian ở các nước phương Đông và phương Tây, có thể nhận rõ những điểm khác biệt về thế giới quan của hai bên. Ở phương Tây, sự choán chỗ không gian trung tâm bởi kiến trúc nhân tạo, hầu hết được thực hiện ở bất kỳ loại hình, quy mô không gian nào. Các công trình kiến trúc ở vị trí trung tâm trong kiến trúc cảnh quan phương Tây có thể là lâu đài, cung điện hoặc các đối tượng kiến trúc khác. Xung quanh công trình kiến trúc đó, phát triển không gian vườn cảnh chịu sự chi phối mạnh mẽ của kiến trúc trung tâm. Trong khi đó, ở phương Đông, không gian vườn cảnh thường được hình thành tại vị trí trung tâm và các đối tượng kiến trúc đóng khung nó. Chính không gian “trống rỗng” – vườn cảnh này là tâm điểm của khung cảnh (ảnh 1).

Bên cạnh khái niệm “trống rỗng”, Đạo gia đưa ra khái niệm “tĩnh lặng” như đã nói ở trên, và một số đã liên kết khái niệm này với sự thanh bình của mặt nước. Sự chiêm ngưỡng mặt nước tĩnh lặng có tác dụng hữu ích đối với con người, khuyến khích tinh thần hòa nhập với thiên nhiên, mang lại cảm giác mãn nguyện và tự do.

Khái niệm “trống rỗng” thâm nhập vào Phật giáo một cách hữu cơ, và ở Nhật Bản ảnh hưởng của nó đã được thể hiện rõ ràng trong các khu vườn tượng trưng và trừu tượng của giáo lý “thiền” [5]. Dựa trên các thực hành thiền định, trong tâm trí, con người có thể tạo ra bất kỳ hình ảnh nào trong không gian “trống rỗng”, mà không cần đến các hóa thân thực sự của chúng trong tự nhiên. Điều đó đã tạo nên những kiệt tác nghệ thuật làm vườn của Phật giáo Thiền tông như khu vườn đá của ngôi đền Reanji và ngôi đền Daitokuji ở Kyoto, Nhật Bản (ảnh 2a, 2b), khiến cả thế giới phải khâm phục.

Như vậy, trong nghệ thuật cảnh quan vườn cảnh phương Đông luôn có sự gắn bó chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Các tư tưởng triết học của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo là nền tảng lý thuyết chủ yếu. Trong đó, tìm kiếm sự hài hoà, cân bằng giữa cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo là mục đích, yêu cầu bắt buộc đối với việc xây dựng vườn cảnh phương Đông. Toàn bộ khu vườn như là một thành phần của tự nhiên, bổ sung và hoà nhập với tự nhiên trở thành một tổng thể duy nhất. Trong xu thế toàn cầu hoá và sinh thái hoá ngày nay, hành trình trở về phương Đông, nơi coi trọng sự cộng sinh giữa kiến trúc và thiên nhiên trong xây dựng vườn cảnh, thiết nghĩ sẽ trở thành hành trình tất yếu của thời đại.

TS. Chu Mạnh Hùng
PGS. TS. Nguyễn Thị Yến
Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị Trường Đại học Lâm nghiệp
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2022)

Tài liệu tham khảo
1- Boults, Elizabeth and Chip Sullivan (2010), Illustrated History of Landscape Design, John Wiley and Sons. P. 175. ISBN 0-470-28933-3.
2- Hu Dongchu (1991), The way of the virtuous, Beijing, Р. 7-30, 119.
3- Голосова Елена Владимировна (2010), Проблемы формирования и становления восточноазиатских и западноевропейских садов и парков под влиянием садоводческих традиций Китая (на примере Китая, Японии и Великобритании), Диссертация на соискание ученой степени доктора сельскохозяйственных наук, Москва, С. 260.
4- Елена Владимировна Голосова (2010), Теория национального китайского сада, Вестник ТГУ, выпуск 10 (90), С. 197-201.
5- Фэн Ю-лань (1998), Краткая история китайской философии / пер. с англ. Р.В. Котенко; науч. ред. Е.А. Торчинов. СПб.

Xổ số miền Bắc