Tuổi trẻ Thanh Sơn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Là huyện miền núi có gần 60% dân số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Những năm qua, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tuổi trẻ huyện Thanh Sơn đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mường nói riêng. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33- NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Toàn huyện hiện có trên 8.000 đoàn viên sinh hoạt tại 40 đầu mối cơ sở đoàn, trong đó có khá nhiều đoàn viên thanh niên đi làm ăn xa. Trước thực tế đó, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền trên các trang fanpage, facebook của Đoàn; vận động thành lập các nhóm trên mạng xã hội để tuyên truyền, trao đổi, chia sẻ đến đoàn viên thanh niên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường, từ đó nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên, nhất là những địa bàn tập trung đông thanh niên là người Mường trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Vào những ngày lễ tết quan trọng của người Mường, Đoàn các cấp tuyên truyền, động viên đoàn viên thanh niên đi làm ăn xa về chung vui cùng gia đình, thôn xóm. Mỗi phong tục, nghi lễ cũng là dịp để ĐVTN tụ họp, cùng nhau quây quần bên mâm cơm truyền thống, hát những làn điệu dân ca Mường, cùng trò chuyện bằng tiếng Mường trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hàng năm, trong các chương trình văn nghệ, thể thao quần chúng do huyện tổ chức luôn khuyến khích ĐVTN dân tộc Mường đưa các loại hình trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian như: hát giao duyên, hát ví, hát rang, cồng chiêng, đâm đuống… để biểu diễn, giao lưu với nhau.


Ảnh: Đoàn viên thanh niên Chi đoàn khối CQ Đảng- Đoàn thể trải nghiệm thực tế để tìm hiểu về phong tục tập quán của đồng bào Mường tại xã Khả Cửu

Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 90 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường được thành lập theo Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 huyện Thanh Sơn, trong các Câu lạc bộ đều có sự tham gia của tổ chức Đoàn thanh niên. Anh Đinh Quang Sáng- Bí thư Đoàn xã Hương Cần, là thành viên Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường của xã chia sẻ: Bản thân là người Mường và là người người đứng đầu tổ chức Đoàn của địa phương, tôi luôn ý thức việc phải giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đồng thời hiểu được trách nhiệm của bản thân trong việc kêu gọi, vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia chương trình văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc, học những làn điệu dân ca, bài hát bằng tiếng Mường, tham gia các trò chơi dân gian, qua đó thêm yêu và tự hào về nét đẹp văn hoá Mường.

Bằng những hành động cụ thể, tuổi trẻ Thanh Sơn đã và đang nỗ lực với việc lưu giữ, bảo tồn bản sắc dân tộc Mường. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Huyện đoàn Thanh Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền cho ĐVTN về truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào; chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa- Thông tin huyện và các nghệ nhân ở các địa phương truyền dạy các làn điệu đặc sắc như: hát ví, hát rang và các điệu múa trống đu, múa bông, múa sênh tiền của người Mường cho thế hệ trẻ; trong các buổi sinh hoạt đoàn, đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong giới trẻ. Đồng thời, ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, tệ nạn ma túy, cờ bạc… góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn./.

Phùng Huyền Trang

(Huyện đoàn Thanh Sơn)

Xổ số miền Bắc