Văn hóa giao thông với bình yên sông nước .CÔNG AN TRA VINH

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 158 bến thủy nội địa, 52 bến khách và hơn 5.000 phương tiện lưu hành, tình trạng vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội trên đường thủy thường xuyên xảy ra, như chở quá tải trọng, quá số khách, thiếu trang thiết bị an toàn…cùng với việc ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy.
 

                      Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra và tuyên truyền tại các bến phà. 

 

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban an toàn giao thông quốc gia, Ban an toàn giao thông tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên địa bàn toàn tỉnh. Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, thành lập các tổ giúp việc, thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 15 câu lạc bộ, mô hình “Bến, cảng văn minh, văn hóa, an toàn”, “Phòng, chống đuối nước trẻ em”.

Mô hình văn hóa giao thông đường thủy bến đò ngang ấp Mỹ Hiệp – ấp Nhuận Thành được thành lập năm 2017. Từ khi thành lập, Tổ tự quản bến đò ngang thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các chủ bến, chủ phương tiện chấp hành tốt việc trang bị, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cá nhân, thiết bị phòng cháy, chữa cháy góp phần kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, hàng tháng Công an huyện phân công cán bộ Cảnh sát giao thông tham gia họp lệ để nắm tình hình và tổ chức tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn các tàu, thuyền neo đậu đảm bảo an toàn, qua đó đã nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Anh Nguyễn Minh Thương, Tổ trưởng tổ tự quản Bến khách Mỹ Hiệp – Nhuận Thành (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) cho biết, thời gian qua, tổ tự quản hoạt động tốt, quá trình hoạt động tổ tự quản  thường xuyên kiểm tra các bến đò, chủ đò và hành khách qua lại thực hiện đúng theo các quy định như hành khách phải mặc áo phao hoặc phao cứu đắm để đảm bảo an toàn. Trong thời gian tới, tổ tự quản tiếp tục kiểm tra chủ bến và thường xuyên nhắc nhở những người xung quanh thực hiện đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và không neo đậu tàu, thuyền cặp khu vực bến đò.

Mô hình văn hóa giao thông đường thủy bến khách ngang sông Vĩnh Yên – Long Trị (Long Đức, thành phố Trà Vinh) an toàn, văn hóa, văn minh được thành lập tháng 5/2019. Bến khách này là cầu nối giữa 02 ấp, có chiều dài hơn 1.000 mét; hằng ngày đưa, rước khoảng 500 lượt khách và phương tiện. Đây là một trong những mô hình hoạt động có hiệu quả giúp người dân đi lại, học tập, lao động, vận chuyển hàng hóa, thuận lợi an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Từ khi thành lập đến nay, Tổ tự quản tại bến phà thường xuyên phối hợp với Cảnh sát giao thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa cho người dân, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện tự giác chấp hành, tích cực tham gia xây dựng bến khách an toàn, văn hóa, văn minh; kịp thời tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội…nhằm bảo đảm ổn định, không để xảy ra tai nạn.

Ông Nguyễn Chánh Tùng, Thành viên hợp tác xã Bến khách Vĩnh Yên – Long Trị từ khi dịch Covid đến nay, hành khách qua lại bến phà cũng chấp hành nghiêm, trong đò có nội quy sẵn hết, bến đò có dụng cụ nổi, phao, về trật tự không có gì xảy ra. Từ đây, về sau sẽ chấp hành nghiêm, không chở quá số người quy định, hành khách phải đeo phao nổi cầm tay để được đảm bảo an toàn trên sông nước.

Anh Phan Văn Nhã, Trưởng ban nhân dân ấp Long Trị (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) cho biết thêm, từ ngày thành lập bến phà văn minh thì nhìn thấy khác xưa nhiều, cái thứ nhất về nội dung, giờ giấc; thứ hai nhân viên phục vụ của bến phà rất vui vẻ, sắp xếp cũng thuận lợi, thực hiện an toàn về trật tự giao thông đường thủy, không thấy xe lớn quá tải qua.
 

Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý các phương tiện thủy vi phạm
 

Song song với việc xây dựng các mô hình văn hóa giao thông đường thủy. Từ đầu năm 2020 đến nay, Cảnh sát giao thông còn đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm trên 1.500 cuộc, phát hiện hơn 1.000 trường hợp vi phạm, các lỗi như chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, thiếu dụng cụ cứu sinh, cứu đắm…. Bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho hơn 1.200 lượt người vi phạm và người hoạt động trên đường thủy nội địa; cho viết cam kết thực hiện đúng quy định về đăng ký, đăng kiểm, đảm bảo điều kiện an toàn khi tham gia giao thông.

Một trong những mô hình hoạt động hiệu quả nhất là mô hình “Bến khách ngang sông Bãi Vàng – Xếp Phụng” ở ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành) được thành lập từ năm 2012 đến nay. Tổ tự quản mô hình có 09 thành viên, có nhiệm vụ phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, Công an các cấp xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở hành khách khi qua phà phải chấp hành đúng quy định, như mặc áo phao hoặc mang theo dụng cụ nổi; tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện, người dân qua lại trên phà tham gia xây dựng bến phà văn hóa, văn minh, an toàn; phòng, chống tai nạn và sự cố đường thủy xảy ra; phát hiện, tố giác tội phạm; không mua bán, lấn chiếm khu vực bến phà.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Nhiên, Phó Chủ tịch xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành cho biết, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước” do Ban chỉ đạo tỉnh phát động, gắn với hiệu quả của mô hình với văn hóa giao thông đường thủy, cụ thể là bến khách ngang sông Bãi Vàng – Xếp Phụng trên địa bàn xã Hưng Mỹ trong thời gian qua đạt một số hiệu quả như, đối với người dân là ý thức, trách nhiệm được nâng lên, người dân chấp hành tốt các nội quy, quy định của bến phà cũng như các quy định của địa phương; đối với các chủ phương tiện thực hiện đúng các quy định, điều kiện thực hiện mô hình (như trang bị nhà chờ, các nội quy, trang bị áo phao, dụng cụ nổi), luôn giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực bến phà. Đối với người lái phương tiện luôn đảm bảo có chứng chỉ, chuyên môn phù hợp, phương tiện có đăng ký, đăng kiểm theo thời gian quy định. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã tiếp tục củng cố, kiện toàn lại tổ tự quản an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên đường thủy tại khu vực bến khách phà.

Việc xây dựng các mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông và phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường thủy xảy ra.

                                          —-Phạm Hơn—-

 

Xổ số miền Bắc