Văn hóa và hội nhập Kỳ 1: Văn hóa: Động lực của hội nhập và phát triển bền vững – smot
Mục lục bài viết
Văn hóa và hội nhập Kỳ 1: Văn hóa: Động lực của hội nhập và phát triển bền vững
LTS: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và yêu cầu phải chủ động hội nhập quốc tế […]
LTS: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và yêu cầu phải chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa. Trong bài viết dành riêng cho TG&VN bàn về văn hóa và hội nhập, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng văn hóa được coi là động lực của “hội nhập và phát triển bền vững”. Xin giới thiệu nội dung bài viết này.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, không chỉ về chính trị, mà cả về kinh tế, văn hóa và xã hội. Toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng; hội nhập trở thành một thực tế không thể cưỡng lại. Đến lượt mình, hội nhập lại diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, trong đó văn hóa được coi là động lực của “hội nhập và phát triển bền vững”.
Một khái niệm vừa động, vừa mở
Hiện nay, có tới hơn 500 cách định nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung văn hóa là toàn bộ sản phẩm tinh thần và vật chất do con người sáng tạo ra mà giá trị đã được khẳng định qua thời gian. Nó là một khái niệm vừa động (thay đổi trong quá trình phát triển), vừa mở (mang nội hàm rất rộng), liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh: vật thể (nhà cửa, trang phục, phương tiện, đường sá…) và phi vật thể (ngôn ngữ, tư tưởng, hệ giá trị, cách ứng xử…).
Theo khái niệm của UNESCO, văn hóa là một yếu tố bao trùm và xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuyên bố chung Paris 2001 của UNESCO về tính đa dạng văn hóa viết: “Văn hóa nên được đề cập đến như một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, cách xử thế, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.
“Mấy năm gần đây, UNESCO đã công nhận tám di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, từ văn hóa cồng chiêng đến lễ hội đền Hùng, lễ hội Thánh Gióng và đặc biệt là việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại thi hào Nguyễn Du là những danh nhân văn hóa của thế giới”.
Mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển bền vững là điều hết sức rõ ràng. Hội nghị Thượng đỉnh thế giới ở Nam Phi (2002) đã khẳng định một cách khái quát ba trụ cột của phát triển là kinh tế, xã hội và môi trường. Cùng với thời gian, ba trụ cột này chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn và những bước tiến của nhân loại, chưa bao quát được tầm vóc và vị thế của văn hóa trong đời sống xã hội hiện đại. Vì vậy đến nay, quốc tế đã thừa nhận văn hóa là trụ cột thứ tư của phát triển bền vững. Nó nằm ngay bên trong phát triển, là nhân tố nội sinh, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và hệ điều tiết phát triển. Nguyên Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor đã phát biểu: “Từ nay trở đi, văn hóa cần coi mình như một nguồn cổ súy trực tiếp cho phát triển và ngược lại, phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội”.
Thực tế đã cho thấy rõ điều này: Với sự phát triển của lực lượng sản xuất văn hóa, văn hóa trở thành một lĩnh vực kinh tế đang khẳng định vị thế thực sự trong nền kinh tế của nhiều quốc gia với sự xuất hiện của cái được gọi là “công nghiệp văn hóa”, “công nghiệp giải trí” đầy tiềm năng.
Các nền văn hóa tồn tại trên cơ sở bình đẳng, nhưng không biệt lập. Không thể đánh giá nền văn hóa khác bằng tiêu chuẩn nền văn hóa của mình theo chủ nghĩa tương đối về văn hóa hay chủ nghĩa duy ngoại; phải thực sự hiểu biết và đánh giá một nền văn hóa trong bối cảnh của chính nền văn hóa đó. Không một nền văn hóa nào, dù lớn hay nhỏ, có thể liên tục phát triển trong một địa bàn khép kín, hoặc áp đặt bản sắc của mình lên một nền văn hóa khác. Nhà văn Peru Llosa nói một cách hình ảnh, điều đó “đồng nghĩa với việc giam hãm (văn hóa) trong một nhà tù”.
Lãnh tụ tinh thần của Ấn Độ, Mahatma Gandhi từng nói: “Không văn hóa nào có thể tồn tại nếu nó tìm cách trở nên độc tôn”. Sự áp đặt văn hóa lên dân tộc khác sẽ làm dân tộc đó biến mất trong lịch sử nhân loại. Đối đầu văn hóa sẽ là tai họa, hủy diệt hòa bình. Không thể tồn tại một thứ chủ nghĩa bá quyền về văn hóa; tất cả các quốc gia đều phải chịu sự chi phối của luật pháp quốc tế, cũng như sự ràng buộc giữa các quốc gia với nhau. Tôn trọng văn hóa của một dân tộc, một quốc gia là phương châm bất di, bất dịch trong quan hệ quốc tế, và đối thoại văn hóa trở thành một nguyên tắc đối ngoại.
Năm 2005, UNESCO tổ chức hội thảo quốc tế lớn “Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh” tại Hà Nội. Hội thảo đã xác định rõ, giao lưu văn hóa là xu thế tất yếu, là một trong những yếu tố chính nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc, góp phần duy trì hòa bình, thúc đẩy phát triển ở bình diện quốc gia và thế giới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra nhanh chóng và sâu rộng.
Hiện nay, người ta đang cố gắng diễn đạt cụ thể các nội hàm của văn hóa qua các khái niệm như văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa tiêu dùng, văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa ẩm thực… Mỗi ngành nghề lại có một nét văn hóa khu biệt với những đòi hỏi không thể trộn lẫn. Sự tương tác trong quan hệ giữa các khía cạnh văn hóa này trong nội bộ một nước chính là yếu tố nội sinh của phát triển. Một khi tham gia vào mối quan hệ giữa các quốc gia, với những tương tác rất mạnh trong hoạt động đối ngoại, hoặc có yếu tố nước ngoài (chẳng hạn trao đổi văn hóa…) thì nó trở thành yếu tố ngoại sinh, được coi là văn hóa đối ngoại.
Văn hóa là sứ giả quốc gia
Trong thế giới toàn cầu hóa, việc mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế là một yêu cầu và xu thế tất yếu để phát triển. Trong quá trình đó, vai trò của văn hóa ngày càng được coi trọng. Thông qua văn hóa, việc thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ được thực hiện nhằm đạt mục tiêu đối nội và đối ngoại cụ thể, trước hết là các lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, củng cố an ninh, mở rộng ảnh hưởng và nâng cao vị thế quốc tế. Vì lẽ đó, văn hóa trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu, nếu không nói là trước tiên (vì trong nhiều trường hợp, nó có thể đi trước tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ chính trị và quan hệ kinh tế) trong hoạt động đối ngoại của mỗi quốc gia.
Trong giao lưu và tương tác giữa các quốc gia, thông qua nhiều hình thức dẫn đến hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, văn hóa đã tạo dựng mối quan hệ nhiều mặt lâu dài và bền vững. Rõ ràng, văn hóa là cầu nối cho quan hệ giữa các quốc gia, giữa các dân tộc ngày càng phát triển, giúp cho việc hội nhập toàn diện, bền vững trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Ở khía cạnh này, văn hóa đóng vai trò “sứ giả” của quốc gia trong đối ngoại. Vì vậy, nó trở thành một trong ba trụ cột của chính sách đối ngoại mỗi nước: Chính trị đối ngoại, Kinh tế đối ngoại và Văn hóa đối ngoại.
Sức mạnh của văn hóa là điều không thể phủ nhận, nhưng cũng cần nhìn nhận cả hai mặt. Ở khía cạnh tích cực, nó có sức xuyên phá qua mọi biên giới, nhất là trong thế giới phẳng hiện nay, qua đó mở cửa cho các lợi ích khác theo vào. Ở khía cạnh ngược lại, nó có thể trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của một quốc gia, dân tộc. Lịch sử đã chứng minh điều này. Sự biến mất của nhiều nền văn minh, văn hóa ở châu Phi, châu Mỹ… có thể là những minh chứng cụ thể: một nền văn hóa, dù phát triển cao và rực rỡ đến đâu mà cô lập, khép kín thì sẽ bị xơ cứng, thoái hóa, thui chột và không thể trường tồn. Bài học này đã soi sáng cho nhiều nước trong những bước đi thời hiện đại được nhiều người gọi là “sự chiếm lĩnh im lặng”, “quyền lực mềm” hay “sức mạnh mềm”… Rõ ràng, văn hóa đối ngoại là con tàu chở hình ảnh đặc thù của quốc gia này vào sân ga của quốc gia khác, còn nó được chấp nhận hay không, tận dụng mức độ nào, phát triển hay không và phát triển đến đâu tùy thuộc vào quan điểm, vào thế và lực của quốc gia lái con tàu đó.
Phải xây dựng chiến lược con người
Ở Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ đường hướng hoạt động và những nguyên tắc chặt chẽ trong việc tham gia tiến trình này. Hội nhập quốc tế vượt lên trên quan hệ thông thường, thường xuyên vận động hướng tới mục tiêu nhất định, là quá trình các nước tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường gắn kết hơn với nhau dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực và cả quyền lực… trên cơ sở các nguyên tắc, khuôn khổ và định chế chung. Chúng ta hội nhập quốc tế nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung là hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Vì thế, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; mọi cơ chế, chính sách phải phát huy tính chủ động, tích cực, khả năng sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả sức mạnh của toàn xã hội.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc đó, Đảng đã xác định văn hóa là một phần không thể tách rời trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hội nghị Trung ương V, khóa VIII (1998) đã xác định trong công cuộc kiến thiết đất nước, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Hội nghị nhấn mạnh, tính dân tộc – khoa học – đại chúng của văn hóa trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa không những được kế thừa, mà còn được mở rộng, nâng cao trong “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng”.
Hội nghị Trung ương 9, khóa XI (2014) tái khẳng định mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong hội nhập quốc tế, trong đời sống xã hội, cũng như trong những chính sách của Đảng và Nhà nước. Hội nghị ghi nhận thành tựu của 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, đồng thời chỉ rõ những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa của đất nước. Trên cơ sở những đánh giá đúng đắn về thành tựu và nhìn nhận nghiêm túc về tồn tại trong các hoạt động văn hóa trong hơn một thập kỷ qua, Hội nghị chỉ đạo “tiếp tục kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII”, đồng thời nhấn mạnh tư tưởng “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững của đất nước”, do đó “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong xây dựng văn hóa, phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường văn hóa (gia đình, cộng đồng và xã hội) lành mạnh làm cốt lõi”.
Hội nghị một lần nữa khẳng định, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng phải là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, một nền văn hóa phong phú đã và đang đóng góp cho nhân loại không ít di sản văn hóa phi vật thể độc đáo.
Điều đó đòi hỏi trước tiên là phải xây dựng chiến lược con người, vì con người là trung tâm của phát triển văn hóa. Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam và họ chính là người thể hiện đậm nét “chất Việt”, giữ gìn bản sắc văn hóa rất riêng của dân tộc mình qua mỗi thế hệ. Giá trị con người Việt Nam được định vị từ cội nguồn dân tộc mà thang giá trị cao nhất là lòng yêu nước. Lòng yêu nước đó gắn chặt với lòng tự tôn, tự cường dân tộc; gắn kết cá nhân với gia đình, làng xã, Tổ quốc; gắn kết với các đức tính nhân ái, bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; thể hiện bằng sự hy sinh cao cả, tất cả vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, bằng đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động vì sự phồn vinh của đất nước. Nội lực của nền văn hóa chính là con người; “cây văn hóa” có bám rễ sâu vào cuộc sống, vào lịch sử, truyền thống dựng nước và giữ nước thì gốc mới bền, cành lá mới xum xuê và hoa mới đậu thành trái ngọt. Vì vậy, quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đây là một nguyên tắc, là khâu trọng tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ XHCN, như Hội nghị Trung ương 9, khóa XI đã chỉ rõ…
Nguyễn Mạnh Cầm
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao
Nguồn: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri