Ví dụ văn hóa doanh nghiệp của các công ty hàng đầu – VNOKRs

Văn hóa doanh nghiệp có thể là điều duy nhất có thể giúp doanh nghiệp của bạn có thể tự động hóa. Đội ngũ chung một niềm tin, chung một văn hóa, một chuẩn mực trong hành động và suy nghĩ sẽ giúp doanh nghiệp tiến xa và mạnh mẽ hơn trong dài hạn. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu các ví dụ văn hóa doanh nghiệp của các công ty hàng đầu.

Văn hóa doanh nghiệp của các công ty thành công trên thế giới

Văn hóa doanh nghiệp tại các công ty hàng đầu trên thế giới như Google, Zappos, Southwest Airlines… là những gợi mở thú vị để bạn áp dụng chọn lọc cho doanh nghiệp của mình.

Đọc thêm: Vai trò quan trọng của Văn hoá doanh nghiệp

Google

Theo thống kê của PayScale, có đến 86% nhân viên cảm thấy cực kỳ hài lòng hoặc khá hài lòng với công việc tại Google. Văn hóa Google có một vài điểm nhấn đáng chú ý như:

Định hình văn hóa tổ chức với tầm nhìn xa: Google khẳng định sứ mệnh của công ty là tổ chức thông tin toàn thế giới. Sứ mệnh này thực sự thử thách nhưng cũng đầy hào hứng và có đến 73% nhân viên Google cảm thấy công việc của họ có giá trị.

Kiến tạo môi trường làm việc cởi mở: Nhân viên Google được khuyến khích và tạo điều kiện để chia sẻ thông tin cởi mở với nhau. Văn phòng Google có khu vực giải trí đa dạng, khu uống cafe… để nhân viên chia sẻ những ý tưởng, trao đổi công việc với nhau. Đặc biệt, vào mỗi thứ sáu hàng tuần, công ty sẽ tổ chức họp lãnh đạo với nhân viên để các thành viên cởi mở chia sẻ ý kiến của mình.

Một ví dụ khác về tính cởi mở trong văn hóa của Google là vào năm 2009, Google từng tiến hành chương trình “Bureaucracy Busters”. Đây là chương trình phát hiện bất cập khi thực hiện các chỉ tiêu công việc. Các thành viên Google sẽ nói lên những bức xúc trong công việc của mình và đề xuất cách giúp công ty giải quyết các bất cập, vấn đề đó.

Đề cao sự sáng tạo: Google là công ty đề cao sáng tạo, xem yếu tố sáng tạo là then chốt cho sự phát triển lâu dài. Google cho phép nhân viên dành khoảng 20% thời gian làm việc để làm những điều họ muốn, tập trung phát triển những ý tưởng độc đáo, mới lạ.

Google là một trong những công ty đầu tiên cho phép nhân viên làm việc theo khung thời gian linh hoạt để nhân viên sáng tạo và đạt năng suất cao hơn.

Xây dựng đội ngũ ưu tú: Google tập trung phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng, ưu tú. Các chương trình phát triển nhân sự đều hướng đến việc thúc đẩy đội ngũ nhân sự liên tục học tập, cải thiện kết quả công việc.

Duy trì mọi thứ vui vẻ: Google đề cao sự thoải mái, vui vẻ của đội ngũ nhân viên. Họ thậm chí có riêng một vị trí công việc đảm nhận duy nhất 1 nhiệm vụ giúp các nhân viên khác có được cảm giác thoải mái, vui vẻ.

Đảm bảo mức lương cạnh tranh: Theo PayScale, mức lương trung bình của nhân viên Google đã có kinh nghiệm là 140.000 USD / năm. Với nhân viên có kinh nghiệm dưới 1 năm thì mức lương cũng ở ngưỡng trung bình 93.000 USD / năm. Đây là mức lương cao thứ 2 trong danh sách do PayScale khảo sát.

Mức lương ở Google không chỉ cạnh tranh so với các công ty khác mà còn với chính nhân sự làm việc ở cùng 1 vị trí. Ở Google, 2 người làm cùng 1 vị trí có thể được trả mức lương hoàn toàn khác nhau. Người giỏi hơn, hiệu suất cao hơn sẽ có mức lương tương xứng, cạnh tranh hơn.

Tiếp cận theo hướng thực hành: Nhân viên Google được yêu cầu không chỉ giỏi kiến thức lý thuyết mà còn cần có kỹ năng làm việc, khả năng thực hành. Nhân viên được kỳ vọng tiếp tục học tập ngay trong quá trình làm việc thông qua các khóa đào tạo, dự án và thử nghiệm.

Một con số thú vị là có đến 14% nhân viên một phòng ban tại Google chưa bao giờ học tập tại trường đại học.

Đa dạng quyền lợi: ăn uống, khám bệnh, giặt là, tập thể dục, dịch vụ chăm sóc trẻ tại chỗ – tất cả đều miễn phí cho hơn 64.000 nhân viên của Google. Google còn có dành cho nhân viên của mình nhiều quyền lợi khác như trợ cấp đi lại, cho phép mang thú cưng đến văn phòng…

Mô hình công ty nhỏ: Dù Google cho đến nay được biết đến với danh xưng là gã khổng lồ của thế giới công nghệ với quy mô nhân sự lên đến vài chục nghìn người nhưng văn hóa doanh nghiệp Google vẫn hướng đến mô hình công ty nhỏ. Công ty nhỏ có nghĩa là Google sẽ duy trì môi trường làm việc gần gũi, dễ dàng trò chuyện, chia sẻ công việc. Điều đó giúp nhân viên công ty có được tinh thần làm việc tích cực hơn và gia tăng sự gắn kết giữa các nhân viên.

Zappos

Tạp chí Fortune vào năm 2009 đã thực hiện bình chọn “Những công ty có môi trường làm việc tốt nhất”. Zappos khi đó là công ty được bình chọn giữ vị trí đầu bảng. Sau 10 năm phát triển, Zappos sau đó được Amazon mua lại với giá 1,2 tỷ USD.

Văn hóa doanh nghiệp của Zappos tập trung vào các yếu tố cốt lõi như:

Niềm tin “động lực nội tại” (intrinsic motivation): Zappos xem các động lực nội tại như công việc có cơ hội học hỏi, phát triển sẽ giúp nhân viên gắn bó với tổ chức hơn là những động lực từ bên ngoài như tăng lương, thăng chức…

Công việc – đời sống – cá nhân hòa hợp: Zappos sẽ chỉ tuyển dụng những nhân viên phù hợp với văn hóa tổ chức. Nhân viên mới ở bất kỳ vị trí nào cũng sẽ trải qua 5 tuần thực hiện trả lời điện thoại khách hàng. Qua 5 tuần này, họ sẽ cảm nhận được văn hóa công ty có phù hợp không. Nếu cảm thấy không phù hợp, nhân viên mới sẽ được trả 2.000 USD để ra đi. Ranh giới giữa công việc, đời sống, cá nhân ở Zappos khá mờ nhạt vì nó được định hướng cho sự hòa hợp, phù hợp giữa cá nhân và tổ chức ngay từ đầu.

Nhân viên tại Zappos sẽ được khuyến khích xây dựng những mối quan hệ chân thành, cởi mở. Họ nỗ lực xây dựng team hoạt động tích cực và xem nhau như gia đình.

Cung cấp dịch vụ với trải nghiệm “WOW”: Zappos thực hiện chính sách miễn phí giao hàng, trả hàng trong thời gian lên đến 1 năm. Bên cạnh đó, công ty này còn có dịch vụ chăm sóc khách hàng 24/7 qua điện thoại. Nhân viên tại Zappos được khuyến khích làm việc, tương tác với khách hàng, đồng nghiệp trên tinh thần “WOW”.

Tạo dựng niềm vui và một chút “khác biệt”: Tại Zappos, để không khí làm việc vui vẻ hơn, nhân viên có thể xử lý công việc khác biệt hơn một chút so với cách xử lý thông thường. Cựu CEO Zappos, ông Tony Hsieh từng nói: “Các doanh nghiệp thường quên đi văn hóa, và cuối cùng, họ phải trả giá cho điều đó vì dịch vụ tốt không thể được mang lại bởi những nhân viên không hạnh phúc”.

Mạo hiểm, sáng tạo & cởi mở: Nhân viên ở các công ty khác thường được cảnh báo để tránh các sai lầm. Còn ở Zappos, nhân viên được chấp nhận mạo hiểm, sáng tạo. Họ có thể mắc sai lầm miễn là học hỏi được điều gì đó từ sai lầm đã mắc phải. Nhân vật Zappos có tinh thần cởi mở, dám chấp nhận thử thách và nỗ lực tìm ra những giải pháp sáng tạo giải quyết vấn đề.

Theo đuổi sự phát triển và học hỏi: “Tôi của ngày hôm nay tốt hơn tôi của ngày hôm qua” – đó là kim chỉ nam của mỗi nhân viên Zappos. Ở Zappos, nhân viên sẽ làm việc nhiều hơn để hướng tới việc làm ít đi. Họ luôn cố gắng để cải tiến hiệu suất công việc, đổi mới phát triển chứ không đi theo lối mòn.

Đam mê, quyết tâm và khiêm tốn: Nhân viên Zappos được khuyến khích cần có đam mê và quyết tâm trong công việc. Họ được truyền cảm hứng, cảm thấy hạnh phúc và tin tưởng vào những giá trị mình đem lại cho công ty, cho khách hàng. Họ cũng là những người khiêm tốn, biết lắng nghe và tôn trọng người khác.

Đọc thêm: Tại sao cần phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp

Southwest Airlines

Southwest Airlines được thành lập từ năm 1971 và là một trong những hãng hàng không hàng đầu của Mỹ. Tại Southwest Airlines, văn hóa doanh nghiệp được kiến tạo và duy trì với những điểm nổi bật như:

Kiến tạo môi trường làm việc năng động, thân thiện: Nhân viên của Southwest Airlines được là chính mình ngay cả trong công việc. Họ được khuyến khích làm việc một cách năng động hơn, thân thiện hơn mỗi ngày trên tinh thần “thái độ hơn trình độ”.

Brad Hawkins – người phát ngôn của Southwest Airlines chia sẻ: Southwest Airlines hướng đến việc tuyển dụng những thành viên nổi bật và chúng tôi yêu cầu họ hãy là chính bản thân mình. Khi đó, họ sẽ có thể phục vụ khách hàng tốt nhất và hết lòng vì công việc.

Duy trì niềm hứng khởi mỗi ngày: Hãng bay cho phép các tiếp viên mặc những chiếc váy ngắn, quần ngắn sặc sỡ phối cùng giày cao cổ. Southwest Airlines còn khuyến khích nhân viên giao tiếp thoải mái, vui vẻ với khách hàng như trình diễn hài kịch, hướng dẫn an toàn bay bằng rap…

Elise May – người phụ trách an toàn bay của Southwest Airlines chia sẻ: Tiếp viên của hãng chỉ cần đảm bảo chuyển tải đủ thông tin cần thiết đến khách hàng còn cách họ thể hiện hoàn toàn có thể lồng ghép yếu tố hài hước.

Nhân viên của Southwest Airlines phải cảm nhận được niềm vui khi làm việc – đó là ưu tiên của hãng bay này. Nhân viên được phép làm bất cứ điều gì để gây được sự chú ý, thoải mái, vui vẻ từ khách hàng.

Tìm hiểu thêm: 4 đặc điểm của nền văn hoá tích cực

Ví dụ về văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam

Môi trường làm việc tại Việt Nam có những nét đặc thù riêng. Tính cách, phong cách làm việc của nhân sự Việt Nam cũng có những khác biệt. Do đó, khi tham khảo xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bạn có thể tham khảo cách làm của các công ty hàng đầu Việt Nam như: FPT; Viettel; Vinamilk.

FPT

Mô hình văn hóa doanh nghiệp FPT hướng tới là mô hình đề cao tinh thần đồng đội và dân chủ. Tại FPT, ý kiến của các cá nhân luôn được tôn trọng và nếu có xung đột giữa các ý tưởng thì đội ngũ FPT đã có văn hóa gắn kết tinh thần đồng đội để dung hòa các ý tưởng theo lợi ích chung của công ty.

Văn hóa doanh nghiệp của FPT tập trung vào các yếu tố cốt lõi như:

Sáng tạo không ngừng: Triết lý phát triển của FPT dựa trên nền tảng 5 chữ: “Sâu, Sáng, Tuyệt, Thông, Phong”. Năm chữ này có nghĩa là sâu sắc triết lý, sáng suốt trong việc quản lý, chất lượng tuyệt hảo, thông suốt lựa chọn thông tin và phong phú sáng tạo. Nhân viên của FPT được khuyến khích sáng tạo không ngừng trong công việc.

Tôn trọng ý kiến cá nhân: Mọi ý kiến cá nhân đều được tôn trọng ở FPT, khó có tình trạng xảy ra xung đột ý tưởng, căng thẳng trong nội bộ. Văn hóa doanh nghiệp như chất dung môi làm dịu mát, gắn kết tinh thần đồng đội của mỗi thành viên công ty. Tôn trọng ý kiến cá nhân ở FPT được thể hiện rõ qua 3 tinh thần: nói thẳng – lắng nghe – bao dung.

Kết nối và gắn kết bền chặt các thành viên: Tại FPT, các sự kiện thường niên, giao lưu, các trò chơi tập thể được đầu tư, quan tâm. Thông qua các hoạt động tập thể, các thành viên FPT có cơ hội hiểu hơn về nhau và nâng cao tinh thần đoàn kết trong công việc.

Xem thêm: “Chửi” sếp, một nhân viên FPT được thăng chức Chủ tịch

Viettel

Tại giải thưởng Stevie Award for Great Employers 2020, Viettel được vinh danh là nơi làm việc tốt nhất toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông. Viettel cũng thường xuyên có mặt trong danh sách Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam do Anphabe khảo sát.

Năm 2020, trong Lễ kỷ niệm 31 năm thành lập, Viettel đã đưa ra tuyên bố Văn hóa số với thông điệp ICADO. ICADO vừa có nghĩa là I Can Do, vừa là viết tắt của 5 từ khóa trong văn hóa của Viettel.

ví dụ văn hoá doanh nghiệp

I (Innovation – Sáng tạo): Sáng tạo được xem là sức sống của Viettel. Ở tuổi 25, 26 tại Viettel đã có rất nhiều bạn trẻ trở thành Giám đốc chi nhánh. Viettel kiến tạo và duy trì môi trường làm việc đảm bảo nhân viên có cơ hội thăng tiến như nhau. Chỉ cần nhân viên tạo được giá trị cao cho tổ chức, có tài, có đức, có sự sáng tạo thì họ sẽ có cơ hội được bổ nhiệm quản lý.

Hình mẫu lãnh đạo ở Viettel là hình mẫu 3 trong 1: Lãnh đạo – Quản lý – Chuyên môn. Người lãnh đạo cần là người vừa có thể định hướng vừa có thể dẫn dắt, huy động nguồn lực và truyền cảm hứng cho đội ngũ. Lãnh đạo đồng thời là nhà quản lý nắm rõ chuyên môn để đưa ra quyết định quản trị đúng.

Ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions chia sẻ: Sức hút của Viettel nằm ở chỗ là một tập đoàn lớn. Viettel có đa dạng lĩnh vực kinh doanh và nhân viên có thể thỏa sức sáng tạo vì tập đoàn luôn mở thêm các lĩnh vực kinh doanh mới.

C (Customer centric – Khách hàng là trung tâm): Người Viettel luôn quan tâm, lắng nghe, dành sự tôn trọng, thấu hiểu và phục vụ khách hàng.

Tinh thần khách hàng là trung tâm được người Viettel thể hiện qua sự sẵn sàng hợp tác với khách hàng, đối tác. Chẳng hạn như dự án xây dựng cơ sở dữ liệu ngành dược cho Bộ Y tế, Viettel đã sẵn sàng cho phép các nhà cung cấp phần mềm thuộc lĩnh vực dược, nhà thuốc cùng kết nối vào cơ sở dữ liệu ngành.

A (Agility- Linh hoạt): Thích ứng nhanh, đảm bảo sự linh hoạt tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho Viettel. Thậm chí, sự linh hoạt ở Viettel còn được thể hiện qua tinh thần: điều duy nhất không thay đổi, đó là sự thay đổi.

Viettel có tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn ra toàn cầu. Công ty phát triển ở nhiều thị trường khác nhau với tinh thần đón đầu xu hướng, khởi nghiệp để kiến tạo nên thương hiệu quốc gia. Với tầm nhìn như vậy, yếu tố linh hoạt trong văn hóa doanh nghiệp là điều cần thiết để Viettel thực hiện những bước tiến toàn cầu.

D (Digital-first mindset – Tư duy số): Tư duy số là tư duy hệ thống, luôn nỗ lực cải tiến, tối ưu hóa một cách thông minh.

Tư duy hệ thống được thể hiện qua chính sản phẩm của Viettel. Hệ sinh thái dịch vụ số Viettel xây dựng ở những ngành, lĩnh vực khác nhau sẽ bao gồm nhiều sản phẩm, phục vụ cho từng mục đích khác nhau nhưng đều có yếu tố kết nối, hệ thống hóa với nhau.

Tại Viettel, chuyển đổi số trong chính nội bộ trở thành một mục tiêu với hướng đến là phục vụ được cho chính nội bộ doanh nghiệp với các ứng dụng như: điểm danh qua nhận diện khuôn mặt; đăng ký ra vào; chấm công; đăng ký công tác; đặt cơm… Người Viettel dùng chính các phần mềm, sản phẩm của Viettel để đánh giá sản phẩm và tìm cách tối ưu hóa chất lượng phục vụ khách hàng. 

O (Open culture – Văn hóa mở): Viettel kiến tạo và duy trì văn hóa doanh nghiệp kết hợp các yếu tố của cả phương Đông và phương Tây. Để kiểm nghiệm chân lý, người Viettel lấy thực tiễn làm chuẩn mực đo lường và họ cởi mở đón nhận những điều mới, giá trị mới.

Văn hóa mở ở Viettel còn thể hiện thông qua việc tiếp nối những giá trị truyền thống hài hòa cũng hiện đại. Người Viettel vẫn có chất lính. Văn hóa Viettel có chất xông pha, kiên định, không ngại gian khó của một người lính. Chất lính ở Viettel đã tạo nên sức mạnh tập thể, kỷ luật và thống nhất. Điều đó vẫn được duy trì sau hàng chục năm phát triển của tổ chức.

Ở Viettel, các giá trị, sự thể hiện khác biệt ở mỗi đơn vị trong tập đoàn được tôn trọng. Tư duy cởi mở ở Viettel được chấp nhận vì họ có một gốc văn hóa cốt lõi, xuyên suốt: sáng tạo trong sự linh hoạt cùng văn hóa mở, tư duy hệ thống và lấy khách hàng làm trung tâm (ICADO).

Vinamilk

Vinamilk trong những năm gần đây thường xuyên được vinh danh là một trong những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Văn hóa doanh nghiệp ở Vinamilk được xây dựng dựa trên 6 nguyên tắc cốt lõi:

  • Chính trực

  • Trách nhiệm

  • Xuất sắc

  • Hợp tác

  • Sáng tạo

  • Hướng đến kết quả

Mỗi năm, Vinamilk đều có chủ đề hành động riêng. Chẳng hạn như: Thay đổi để tăng trưởng; Dũng cảm đổi thay… Các chủ đề này sẽ giúp nhân viên cải thiện nỗ lực làm việc, gia tăng động lực, sự sáng tạo.

Một số hoạt động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Vinamilk có thể kể đến như:

  • Bố trí khu vực sân vườn, phòng gym, yoga, hồ bơi ngay tại nơi làm việc

  • Triển khai gói bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên và người thân

  • Triển khai đào tạo, tạo điều kiện để nhân viên học hỏi, tiếp cận những công nghệ hàng đầu

Tại Vinamilk, việc phân tầng nhân sự để xây dựng văn hóa là một điểm độc đáo của doanh nghiệp này. Lãnh đạo và nhân viên sẽ có những quy tắc chung và cả quy tắc riêng về văn hóa doanh nghiệp cần tuân thủ. Tuy nhiên, dù là quy tắc chung hay riêng thì các quy tắc này cũng cần gắn với nguyên tắc cốt lõi của doanh nghiệp.

ví dụ văn hoá doanh nghiệp

Đọc thêm: Văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam

*

Văn hóa doanh nghiệp ở mỗi công ty đều có điểm tích cực riêng, bạn có thể tham khảo, học hỏi. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp là cần đảm bảo sự phù hợp với tổ chức. Bạn cần xuất phát từ chính những đặc thù, kỳ vọng, tầm nhìn của tổ chức để xây dựng văn hóa phù hợp.

Xổ số miền Bắc