Việt Nam không cần đến 30 năm để đuổi kịp Thái Lan – THẾ KỶ 21

Trong thời gian gần đây, khi phân tích GDP, thực lực kinh tế và năng suất lao động bình quân; có nhiều chuyên gia tên tuổi cho rằng VN phải mất 30 năm mới theo kịp Thái Lan! Tuy nhiên với bài phân tích của TS. Đinh Thế Hiển đăng trên diễn đàn Cạnh tranh … Continue reading Việt Nam không cần đến 30 năm để đuổi kịp Thái Lan

Trong thời gian gần đây, khi phân tích GDP, thực lực kinh tế và năng suất lao động bình quân; có nhiều chuyên gia tên tuổi cho rằng VN phải mất 30 năm mới theo kịp Thái Lan! Tuy nhiên với bài phân tích của TS. Đinh Thế Hiển đăng trên diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia của Báo Chính Phủ Điện Tử, thì VN có thể chỉ cần thời gian ngắn hơn nhiều để theo kịp Thái Lan.

Cơ hội cho kinh tế Việt Nam tăng tốc

Thời gian qua, đã có những thảo luận khá sôi động về sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam ký kết, đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là TPP. Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia giới thiệu ý kiến của TS Đinh Thế Hiển về vấn đề này.

Theo thông tin từ hội thảo về “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đã gấp 21 lần năm 1990 nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1998, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010.

Từ đó, có những ý kiến lo lắng về sự tụt hậu của Việt Nam, cho rằng Việt Nam sẽ mất từ 20 – 30 năm mới đuổi kịp Thái Lan, thậm chí cho rằng đối thủ cạnh tranh của Việt Nam sẽ là Myamar, Lào, Campuchia chứ không phải Thái Lan hay Malaysia.

Tuy nhiên, nhìn vào nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế thì có thể thấy, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được. Việt Nam chỉ cần một thời gian ngắn hơn nhiều để đuổi kịp Thái Lan, nếu Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực thi các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế.

Nhìn một cách khái quát, GDP và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp là do lạm phát cao và đầu tư kém hiệu quả. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã đưa lạm phát xuống mức tương đương khu vực. Chính phủ cũng đang quyết liệt cổ phần hoá các DNNN, tái cơ cấu đầu tư công. Số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy GDP đã lấy lại đà tăng trưởng khá mạnh. Điều này cho phép chúng ta lạc quan hơn về tiến trình đuổi kịp các nước trong khu vực.

Để nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, yếu tố chủ chốt là công nghệ và nguồn nhân lực.

Khi nghiên cứu năng suất lao động và công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng còn rất lâu Việt Nam mới theo kịp Thái Lan. Tuy nhiên, với sự hội nhập và chuyển giao công nghệ toàn cầu, thì việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị có thể thực hiện nhanh chóng hơn nhiều so với các thập niên trước. Một số doanh nghiệp năng động của Việt Nam có trình độ công nghệ không thua gì các nước và thời gian nhập khẩu, vận hành thiết bị chỉ mất vài tháng.

Do vậy, nếu Chính phủ xây dựng được môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển được thị trường vốn lành mạnh, có chính sách tốt đối với hoạt động sản xuất hàng chất lượng và công nghệ cao thì các doanh nghiệp FDI và trong nước sẽ nhanh chóng phát triển. Thậm chí, trong một số lĩnh vực, do đầu tư sau, có thể có có những nhà máy công nghệ vượt trội Thái Lan.

So với việc xây dựng các nhà máy công nghệ tiên tiến thì việc hình thành đội ngũ nhân lực trình độ cao, có thể sáng tạo công nghệ là việc khó hơn nhiều. Thế nhưng đây mới là động lực chính để Việt Nam có thể đuổi kịp các nước. Một nguồn nhân lực trình độ cao mà chúng ta chưa sử dụng được nhiều là các Việt kiều đang làm việc, nghiên cứu tại các nước phát triển. Nếu kết nối được các khu công nghệ cao với nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong và ngoài nước để trực tiếp tạo ra các công ty công nghệ hoặc tham gia phát triển công nghệ của các doanh nghiệp hiện có thì chúng ta sẽ nhanh chóng được bổ sung một đội ngũ nghiên cứu khoa học hùng hậu.

Hiện đã có những chuyển động đáng mừng trong vấn đề này. Có thể kể đến việc Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đang xúc tiến thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ cao. Đại học Fulbright Việt Nam do Đại học Harvard (Hoa Kỳ) hợp tác xây dựng dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2016 không chỉ hứa hẹn đào tạo ra đội ngũ khoa học trẻ mà còn thu hút các nhà khoa học trên thế giới tới nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao. Với những chuyển biến này, hoàn toàn có thể kỳ vọng một đội ngũ nhân lực trình độ cao phong phú trong thời gian ngắn.

Tóm lại, để canh tranh, đuổi kịp các nước đang đi trước Việt Nam khá xa như Thái Lan, Malaysia, chúng ta sẽ cần nhiều nỗ lực và giải pháp hiệu quả. Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để rút ngắn khoảng cách đó, với những chính sách từ Chính phủ và những nguồn lực đã có. Các chính sách của Chính phủ cũng như kết quả trong năm 2015 đang cho thấy chúng ta có những thuận lợi rất lớn cho việc phát triển kinh tế như kỳ vọng trong thời gian tới.

TS Đinh Thế Hiển

Xổ số miền Bắc