Welcome To IVCE

 The Institute for Vietnamese Culture & Education   Coming up events   1. Screening of “”Facing to the ocean: selected documentaries from Vietnam”

   

  • Home
  • About IVCE
  • News
  • Cultural Programs
    • Events
    • NhipSong Magazine
    • Photo Gallery
  • Educational Programs
    • Study in U.S
    • Study in Vietnam
    • Book Drive
    • ViTA
    • VED
  • IVCE Store
    • Books
    • Magazines
    • Music & Movies
    • Photograph
  • Support IVCE
    • Make a Donation
    • Contributors
    • Sponsorship
  • Contact IVCE

   NhipSong Magazine 

Việt Nam – Ðất nước đa dân tộc, đa văn hóa

GS. Nguyễn Văn Huy

  

Trên bản đồ thế giới, ở vùng Ðông Nam châu á, nước Việt Nam hình chữ S chạy dài theo hướng Bắc – Nam, tiếp giáp Trung Quốc ở phía Bắc, Lào và Campuchia ở phía Tây, biển Ðông ở phía Ðông và phía Nam. Nước Việt Nam không lớn, diện tích đất tự nhiên chỉ có gần 33 triệu ha (khoảng 330.000 km2), nhưng là một quốc gia khá đông dân và có nhiều dân tộc: Dân số cả nước ngày 1 – 4 -1999 là 76.323.173 người, bao gồm 54 dân tộc. Người Việt (Kinh) chiếm hơn 86% dân số chung toàn quốc, còn lại là 53 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc là một cộng đồng được xác định trên cơ sở tổng hợp 3 tiêu chí cơ bản: ngôn ngữ, đặc điểm sinh hoạt văn hóa và ý thức tự giác tộc người.

Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có 5 dân tộc có dân số đông từ một triệu người trở lên (Việt, Tày, Thái, Mường và Khơ-me); nhiều dân tộc dân số rất ít, có tới 17 dân tộc thuộc loại dân số dưới 10.000 và 5 dân tộc thuộc loại dân số dưới 1.000, thậm chí có dân tộc chỉ 300-400 người, chỉ ở chủ yếu một làng (người Brâu, người Rơ-măm v.v.).

Trên dải đất Việt Nam, khảo cổ học đã phát hiện được những dấu tích về sự tồn tại người nguyên thủy thời đồ đá cũ sơ kỳ cách ngày nay mấy chục vạn năm; tiếp sau đó là tiến trình qua các giai đoạn văn hóa từ thời đá mới đến thời đồ đồng rồi đồ sắt. Cách ngày nay khoảng 6.000 năm, việc trồng lúa nước đã ra đời. Khoảng 4.000 năm trước, nghề dệt vải đã xuất hiện. Nghề đúc đồng và chế tác đồ đồng có lịch sử khoảng 2.500 năm. Nhà nước sơ khai đầu tiên đã ra đời từ trước Công nguyên.

Ngay từ khi hình thành những nhà nước đầu tiên đã có sự tập hợp dân cư thuộc những thành phần tộc người khác nhau; ngay từ thuở xa xăm ấy quốc gia đã đa dân tộc. Cư dân nước Âu Lạc (thế kỷ 3 trước Công nguyên) bao gồm 2 thành phần chính là người Lạc Việt và người Âu Việt. Diện mạo đa dân tộc dần dần phát triển tiếp về sau với sự gia nhập thêm của các cộng đồng dân cư từ ngoài vào, nhất là từ 2 nước láng giềng Trung Quốc và Lào, thậm chí đến tận nửa đầu thế kỷ 20 vẫn có những bộ phận dân cư di chuyển lẻ tẻ vào Việt Nam. Trong số 54 dân tộc đang sinh sống trên đất nước này, có nhiều dân tộc đã hình thành rất lâu đời tại chỗ và được coi là bản địa, như người Việt, người Mường, người Tày hay nhiều tộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me chẳng hạn. Bên cạnh đó, có những dân tộc di cư đến sớm hay muộn khác nhau, như người Dao (từ khoảng thế kỷ XIII tới đầu thế kỷ 20), người Hoa (sau Công nguyên tới giữa thế kỷ 20), người Nùng (thế kỷ 17-18), người Giáy (thế kỷ 18-19) v.v.. Nhiều dân tộc thuộc các nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến, Hán, Ka-đai, Tày – Thái đã di cư tới trong khoảng từ thế kỷ 10 trở đi. Việt Nam nằm trên đường giao lưu giữa các ngả Bắc – Nam, Ðông – Tây, đất liền – hải đảo, nên trong lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm, đã trở thành nơi hội tụ của cư dân nhiều thành phần dân tộc. Rời bỏ quê hương cũ vì chiến tranh, loạn lạc, hay vì lí do mưu sinh v.v., họ đã dừng chân trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay rồi an cư lạc nghiệp tại đây đời này qua đời khác, thực sự coi Việt Nam là quê hương mình.

Trong lịch sử, quá trình mở mang của đất nước Việt Nam cũng đồng thời là quá trình hội nhập thêm những cư dân ở phía Nam: người Chăm, người Khơ-me, các dân tộc vùng Tây Nguyên như Gia-rai, Ba-na v.v.. Bức tranh tộc người phong phú ngay từ thời cổ đã dần dần mở rộng, tăng cường, trở nên phong phú hơn, và hiện tại bức tranh toàn cảnh đó gồm 54 dân tộc.

Do vậy ngày nay, cùng với những dân tộc phân bố tập trung trong lãnh thổ Việt Nam (như: Việt, Mường, Tày, Ba-na, Xơ-đăng v.v.), có nhiều dân tộc cư trú cả ở những quốc gia láng giềng, thậm chí có khi bộ phận ở nước khác đông hơn (ví dụ: người Khơ-me ở Campuchia đông hơn, người Dao ở cả Trung Quốc, Lào; người Thái và người Hmông ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan; người Khơ-mú có ở Lào và Thái Lan; người Gia-rai cũng có ở cả Campuchia; v.v.). Sinh sống ở Việt Nam, các dân tộc này tuy vẫn giữ được những đặc điểm văn hóa truyền thống tộc người, nhưng đồng thời đã hình thành một số sắc thái văn hóa ít nhiều không giống với người đồng tộc của họ ở nước khác.

Dù cư trú ở Việt Nam đã hàng nghìn năm hay mới vài ba trăm năm, dù đông dân hay ít người, mỗi dân tộc đều gắn bó số phận mình với lịch sử chung của của các dân tộc trong nước, các dân tộc đều cùng nhau tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc chung. Ðặc biệt, những thử thách sống còn trước thiên tai khắc nghiệt và địch hoạ dữ dội liên tiếp xảy ra đã làm cho các dân tộc xích lại gần nhau hơn, họ phải dựa vào nhau để chống chọi, để tồn tại và phát triển. Trải qua quá trình đó, các dân tộc đã chung đúc được một truyền thống đoàn kết bền vững, hình thành nên một đại gia đình Việt Nam của các dân tộc anh em. Người Việt (hay người Kinh) đông nhất, lại có trình độ phát triển kinh tế – xã hội cao nhất, qua thực tế lịch sử đã trở thành dân tộc đóng vai trò như “anh cả”, là chỗ dựa cho việc hình thành và phát triển quốc gia, tập hợp và đoàn kết các dân tộc khác trong sự nghiệp dựng nước cũng như bảo vệ đất nước.

Trên dải đất dài gần 1.700 km này, ở nhiều dân tộc từ xa xưa truyền lại những truyền thuyết kể về cội nguồn chung và mối quan hệ gắn bó sâu sắc lâu đời giữa các dân tộc. Theo người Kinh, thuở sơ khai cha là Lạc Long Quân và mẹ là Âu Cơ sinh được 100 trứng rồi nở thành 100 con; sau đó 50 con theo cha xuống miền biển, 50 con theo mẹ lên miền núi, họ sinh cơ lập nghiệp và hình thành nên những cộng đồng khác nhau ở Việt Nam. Người Mường cũng kể rằng các dân tộc vốn sinh ra từ 100 quả trứng của đôi chim thần có tên là Âl và ứa. Người Khơ-mú, Bru-Vân Kiều v.v. thì có truyện cổ về các dân tộc lần lượt chui ra từ một quả bầu. Người Ba-na kể sự hình thành các dân tộc Gia-rai, Ba-na, Ê-đê, Xtiêng và Kinh là do sau mấy ngày đêm sấm sét và mưa lớn, những người ở trong ngôi nhà rông (nhà công cộng của làng) không hiểu tiếng nói của nhau nữa, nên họ đã chia tay nhau đi sinh sống ở những nơi khác nhau. Người Ê-đê truyền tụng câu chuyện về thanh gươm thần với 3 bộ phận: Rum kơ Doan, kan kơ Lao, xây đao Ê-đê, Ba-na (“vỏ bao do người Kinh giữ, cán thì người Lào cầm, lưỡi gươm ở người Ê-đê và Ba-na”), phải hợp lại với nhau mới tạo nên vũ khí để chiến thắng … Trong đại gia đình tổ quốc Việt Nam hiện nay, tất cả các dân tộc đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước hiến pháp và pháp luật, bất kể dân số chỉ mấy trăm người hay hàng triệu người.

Có thể ví Việt Nam như hình ảnh thu nhỏ của bức tranh ngôn ngữ ở Ðông Nam á. Bởi lẽ, 54 dân tộc ở Việt Nam thuộc 8 nhóm ngôn ngữ của 5 ngữ hệ khác nhau ở khu vực Ðông Nam Á:

1- Ngữ hệ Nam Á, với 2 nhóm:
– Nhóm ngôn ngữ Việt – Mường có 4 dân tộc: Việt, Mường, Thổ, Chứt.
– Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me có 21 dân tộc: Khơ-me, Ba-na, Cơ-ho, Xơ-đăng, Hrê, Mnông, Xtiêng, Khơ-mú, Bru-Vân Kiều, Cơ-tu, Ta-ôi, Mạ, Gié-Triêng, Co, Chơ-ro, Xinh-mun, Kháng, Mảng, Rơ-măm, Brâu, Ơ-đu.

2- Ngữ hệ Nam đảo có 5 dân tộc: Gia-rai, Ê-đê, Chăm, Ra-glai, Chu-ru.

3- Ngữ hệ Thái – Ka-đai, với 2 nhóm:
– Nhóm ngôn ngữ Tày – Thái có 8 dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Sán Chay (nhóm Cao Lan), Giáy, Lào, Lự, Bố Y.
– Nhóm ngôn ngữ Ka-đai có 4 dân tộc: La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo.

4- Ngữ hệ Hmông – Dao có 3 dân tộc: Hmông, Dao, Pà Thẻn.

5- Ngữ hệ Hán – Tạng, với 2 nhóm:
– Nhóm ngôn ngữ Hán có 3 dân tộc: Hoa, Sán Dìu, Ngái, và nhóm Sán Chỉ (thuộc dân tộc Sán Chay).
– Nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến có 6 dân tộc: Hà Nhì, Phù Lá, La Hủ, Lô Lô, Cống, Si La.

Ðương nhiên, mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ của mình. Tiếng Việt, chữ Việt được sử dụng phổ thông và là ngôn ngữ chính thức trong lĩnh vực hành chính của quốc gia. Chữ Việt hiện dùng được sáng tạo từ thế kỷ 17, trên cơ sở dùng mẫu tự La-tinh. Bên cạnh đó, gần ba chục dân tộc thiểu số có chữ viết, nhưng khác nhau về nguồn gốc, cơ sở tự dạng, thời gian xuất hiện, tính hoàn thiện và mức độ phổ biến. Nhiều dân tộc mới có chữ viết sớm muộn khác nhau trong thế kỷ 20, cũng dùng hệ thống tự dạng La-tinh, như chữ của các dân tộc Ê-đê, Gia-rai, Hmông, Cơ-tu v.v.. Một số dân tộc đã sử dụng chữ viết từ lâu đời, theo 2 hệ thống văn tự hoàn toàn khác nhau: Thuộc hệ thống chữ Sanskrit/Pali là chữ Chăm cổ, chữ Thái cổ, chữ Khơ-me, chữ Lào, chữ Lự. Thuộc hệ thống chữ tượng hình là chữ Hán của người Hoa và trong quá khứ người Việt cũng sử dụng qua nhiều triều đại; đồng thời trên cơ sở chữ Hán một số dân tộc đã tạo ra chữ “nôm” cho mình, như: chữ Nôm của người Việt thời xưa, chữ Nôm của các dân tộc Dao, Giáy, Tày, Nùng, Sán Dìu v.v.. Chữ Nôm xưa kia từng được người Việt dùng trong giáo dục, văn học v.v.. Những dân tộc thiểu số có chữ “nôm” thường dùng loại chữ đó để chủ yếu ghi chép các bài lời cúng và viết trên các tranh thờ cúng. Nay vẫn còn nhiều sách cổ viết trên giấy bản hay giấy dó được lưu giữ trong các làng người Dao, Giáy, Tày, Nùng v.v., nhiều sách cổ viết trên lá buông tồn tại ở người Thái, Chăm, Khơ-me. ở Việt Nam còn thấy cả di tích loại chữ sơ khai gồm hàng loạt ký hiệu như kiểu hình vẽ ghi ý của người Pà Thẻn.

Ðịa hình Việt Nam đa dạng: có rừng núi và cao nguyên, có đồng bằng, có miền ven biển, có hải đảo; trong đó, miền núi chiếm khoảng 3/4 lãnh thổ. Bức tranh cư trú của các dân tộc đa dạng một phần bởi sự phân bố theo những địa hình và độ cao khác nhau. Ðã trở thành đặc điểm có tính truyền thống, địa bàn cư trú chủ yếu của các dân tộc Việt, Chăm, Hoa và Khơ-me là ở miền đồng bằng; trong khi đó các dân tộc khác phân bố trên miền rừng núi và cao nguyên. Ðiều đó tạo nên những sinh cảnh văn hóa phong phú, và theo đó là một số nét diện mạo văn hóa tồn tại như những đặc điểm của từng nơi: vùng đồng bằng châu thổ, vùng duyên hải, vùng trung du, vùng thung lũng núi, vùng rẻo cao, vùng rẻo giữa, vùng cao nguyên, nhìn chung mỗi vùng mỗi vẻ.

Nhiều trường hợp, từng dân tộc thường sinh sống tương đối tập trung ở một vài địa phương lớn hay nhỏ. Bên cạnh đó, sự cư trú xen kẽ giữa các dân tộc trong từng vùng là nét khá phổ biến; đặc biệt ở miền núi miền Bắc tình trạng đó đã tồn tại từ xưa. Do yêu cầu của cuộc sống, quan hệ giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các dân tộc cũng như giữa các vùng, miền đã diễn ra lâu đời ở khắp nơi. Từ khoảng giữa thế kỷ 20 trở về sau, đặc điểm xen kẽ thể hiện trên bản đồ phân bố dân tộc càng trội lên và mở rộng ra, ở nhiều nơi thậm chí xã và làng cũng có sự cộng cư của những người khác thành phần dân tộc. Các quan hệ giao lưu qua lại giữa các dân tộc phát triển ngày càng rộng rãi, mạnh mẽ và sâu sắc. Ngày nay, ở Việt Nam tuy vẫn thấy những vùng cư trú đông người dân tộc này hoặc dân tộc kia, nhưng không tồn tại các vùng lãnh thổ tộc người riêng biệt.

Trên đại thể, giữa các dân tộc ở Việt Nam có nhiều nét tương đồng và gần gũi với nhau. Ðặc điểm nhân chủng hình thái tuy quy về một trong 2 nhóm loại hình: nhóm Nam á và nhóm Anhđônêdiêng, nhưng cùng thuộc chủng Môngôlôit phương Nam. Văn hóa truyền thống các dân tộc đều mang trong mình nó những yếu tố chung của cơ tầng văn hóa bản địa Ðông Nam á cổ đại, lại chịu ảnh hưởng lẫn nhau lâu dài, và cùng bị chi phối bởi những tác động tương đối giống nhau của điều kiện địa lý tự nhiên và của hoàn cảnh lịch sử. Cho nên, nhiều yếu tố văn hóa cổ truyền ở dân tộc này cũng thấy ở dân tộc khác, hoặc sự khác biệt hầu như chỉ ở những chi tiết hay hình thức thể hiện cụ thể trong cuộc sống. Vì vậy, nhiều yếu tố văn hóa tồn tại phổ biến trên địa bàn rộng, vượt khỏi phạm vi tộc người, trở thành những đặc điểm văn hóa mang tính khu vực hay rộng hơn thế. Từ xưa đã hình thành các “vùng văn hóa” nhỏ, mỗi vùng có một số nét riêng nhất định về tiếng nói, phong tục tập quán, tính cách, lối ứng xử. Dân gian vốn thường gọi mỗi vùng đó là một “xứ” (như: xứ Lạng – tỉnh Lạng Sơn, xứ Thanh – tỉnh Thanh Hóa, xứ Ðông – tỉnh Hải Dương v.v.). Còn các nhà nghiên cứu ngày nay cũng ghi nhận sự tồn tại gần một chục “vùng văn hóa”, nhưng lớn hơn, với những sắc thái văn hóa địa phương: vùng Ðông Bắc; vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ; vùng Trường Sơn-Tây Nguyên; vùng đồng bằng Nam Bộ; v.v…

Từ xưa đến nay, văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam luôn luôn vừa thống nhất vừa đa dạng. Ðây là một vốn quý, một ưu thế của Việt Nam. Sự phong phú trong văn hóa thường được hình tượng hóa bằng hình ảnh vườn hoa trăm sắc ngàn hương. Các sắc thái văn hóa địa phương, vùng, miền tạo cho khuôn tranh văn hóa Việt Nam một diện mạo nhiều hình vẻ. Ðó là kết quả của sự thích ứng hợp lý với môi trường cảnh quan thiên nhiên từng nơi, với điều kiện sống cụ thể sở tại, đồng thời còn liên quan tới truyền thống và quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng cư dân. Chẳng hạn, cùng là người Kinh, nhưng văn hóa dân tộc Kinh ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam có không ít điểm khác nhau. Xuất phát từ đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, một bộ phận họ đã di chuyển vào phương Nam sinh sống lâu đời; họ vừa tiếp nối văn hóa cổ truyền của cha ông mình, vừa tiếp biến một số yếu tố văn hóa của người Chăm, người Khơ-me, lại phải thích nghi với cuộc sống ở những nơi quê mới, không giống như ở miền Bắc. Do đó, trong văn hóa của họ có một số nét khác biệt ít nhiều với những người ở quê hương gốc …

Ðương nhiên, mỗi dân tộc có văn hóa riêng. ở đất nước đa dân tộc này, điều đó góp phần quan trọng nhất tạo nên tính đa văn hóa. Trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, có thể hình thành mỗi dân tộc một sưu tập hiện vật văn hóa. ở các dân tộc, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể đều đa dạng, phong phú, quý báu, vừa bảo lưu những yếu tố cổ truyền, vừa có sự đổi mới. Ðặc biệt, ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế – xã hội cũng như sự gia tăng mạnh mẽ các quan hệ hội nhập quốc tế của đất nước, văn hóa truyền thống các dân tộc đang biến chuyển nhiều, có phần bị xói mòn, mai một. Vì vậy, vấn đề bảo tồn bản sắc dân tộc và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc trở nên rất quan trọng và cấp thiết, được Nhà nước quan tâm, chú trọng, thể hiện trong chính sách cũng như trong hoạt động thực tiễn.

Không dừng ở 54 dân tộc với văn hóa của 54 dân tộc, rất nhiều trường hợp một dân tộc bao gồm những nhóm địa phương, như: dân tộc Gia-rai có các nhóm Hdrung, Aráp, Chor, Tơ-buăn và Mthur; dân tộc Dao có các nhóm Dao Tiền, Dao Ðỏ, Quần Trắng, Lô Gang v.v.. Giữa các nhóm trong một dân tộc cũng tồn tại một số khác biệt nhỏ nào đó, thường thấy trong ngôn ngữ, trang phục nữ, tập tục, và điều đó càng làm tăng thêm tính phong phú của bức tranh văn hóa. ở dân tộc Gia-rai chẳng hạn, nhà mồ và tượng mồ của các nhóm vừa kể trên không hoàn toàn giống nhau, kiểu nhà ở cũng như vậy, nhà rông thì thấy ở những nhóm này mà không thấy ở những nhóm khác; hay ở người Dao, mỗi nhóm có những nét riêng thể hiện qua tiếng nói, y phục và trang sức phụ nữ v.v…

Tính phong phú và đa dạng của văn hóa ở Việt Nam thể hiện trong mọi khía cạnh đời sống và trên tất cả các phương diện: cả văn hóa vật thể, cả văn hóa phi vật thể.

Cùng là cư dân nông nghiệp có truyền thống trồng lúa, nhưng những dân tộc này làm ruộng nước (như: Việt, Mường, Chăm, Thái v.v.), những dân tộc khác làm nương rẫy (như: Dao, Hmông, Gia-rai, Khơ-mú v.v.). Có những dân tộc đã đạt trình độ canh tác khá cao, có nhiều kinh nghiệm thâm canh, làm thủy lợi, hoặc biết khai phá sườn núi tạo ra hình thức ruộng bậc thang rất công phu. Trong khi đó, phần lớn các dân tộc làm nương rẫy thường duy trì phương pháp trồng trọt khá sơ khai. Bộ công cụ sản xuất của cư dân làm ruộng và cư dân làm rẫy không giống nhau. Người Việt là cư dân có truyền thống dùng cày từ rất sớm. Cày với việc sử dụng trâu bò kéo cày cũng phổ biến ở các dân tộc làm ruộng khác, và cả ở một số dân tộc làm nương mà tiêu biểu là người Hmông. Thêm nữa, đa số các cư dân làm ruộng đều dùng liềm, hái hay vằng cắt lúa. Nhưng với cư dân canh tác rẫy như người Gia-rai chẳng hạn, họ cần con dao để phát rừng và dùng lửa đốt để khai hoang đám đất, rồi dùng chiếc gậy nhọn chọc hốc để tra hạt giống, dùng cuốc loại nhỏ để làm cỏ cho cây trồng, khi thu hoạch thì họ tuốt lúa bằng đôi bàn tay trần và cần có chiếc gùi nhỏ đeo theo trước bụng để đựng thóc; một số dân tộc làm rẫy khác lại dùng dao nhíp (hái nhắt) cắt lấy từng bông lúa.

Dân tộc nào cũng có những nghề thủ công thích hợp, thường thấy là: đan lát, dệt vải, làm gốm, rèn v.v.. Song, ở các dân tộc có sự khác nhau nhất định, về cả tính chất, trình độ, kỹ thuật cũng như sản phẩm làm ra. Lấy nghề dệt vải làm ví dụ: chiếc khung cửi cổ truyền của người Việt hay người Mường, Thái, Tày v.v. được lắp ráp định hình hẳn hoi, còn bộ dụng cụ dệt ở các dân tộc bản địa Tây Nguyên gồm những ống nứa, thanh tre, gỗ rời nhau, cả 2 chân và lưng người dệt cũng tham gia cùng với chúng để tạo thành một hệ thống thao tác dệt. Dệt bằng sợi bông là phổ biến, nhưng người Việt, Mường, Thái v.v. còn có tơ tằm, người Hmông nổi tiếng về chế tác vải sợi lanh. Khung cửi của nhiều dân tộc chỉ cho phép dệt được tấm vải hẹp, còn các tộc Ba-na, Gia-rai v.v. ở Tây Nguyên có thể dệt được khổ vải rộng gần một mét. Song, trong mọi trường hợp, người ta tạo ra những vật dụng đáp ứng nhu cầu cuộc sống của mình, một phần có thể đem trao đổi; ở một số nơi và trong một số dân tộc đã phát triển sản xuất hàng hóa theo những mức độ khác nhau. Những sản phẩm thủ công phong phú, đa dạng, dù đơn giản hay cầu kỳ nhưng thiết thực, phù hợp với họ. Từ chiếc gùi có nắp hay không nắp, cái nơm úp cá, chiếc giỏ đựng cua cá, đến con dao chặt cây, cái rìu đốn gỗ, cái kiếm của thày mo, bức tranh thờ v.v., đều không phải chỉ một vài kiểu loại, và đều chứa đựng những sự hợp lý nào đó về giá trị sử dụng cũng như ý nghĩa tinh thần.

Trong đời sống các dân tộc ở Việt Nam, tre nứa và lá có vai trò rất lớn, đặc biệt những vật dụng tre nứa có mặt hầu như khắp nơi, mọi lúc. Hàng loạt dụng cụ và đồ gia dụng lớn nhỏ làm bằng tre nứa: không chỉ gùi, giỏ, nơm, mà chiếc gàu tát nước, cái ống tăm, cái bẫy nhím v.v. đều có chất liệu tre nứa. Ðặc biệt, người Mường còn tạo ra lịch tre: một bộ gồm 12 thanh, có khắc những ký hiệu quy ước để dựa vào sự vận hành của ngôi sao đoi mà xem ngày tốt ngày xấu cho những công việc khác nhau. Kết cấu nhà cửa, kho lẫm, lều chòi, cầu quán trong xã hội truyền thống các dân tộc cũng thường dùng tre nứa. Cùng với tre nứa, những loại lá cây cũng tham gia đáng kể vào đời sống con người, nhất là các loại lá lợp nhà, như: cỏ tranh, lá mây, lá cọ. Lá cọ còn dùng để làm nón, mũ, làm áo tơi. Bất kể dân tộc nào, các loại vật liệu tự nhiên xung quanh con người luôn được phát hiện và từ đó sáng tạo nên những vật dụng đa dạng và phong phú, hữu ích đối với họ.

Trang phục của các dân tộc càng muôn màu muôn vẻ, với nhiều kiều dáng, loại hình, với những sở thích khác nhau về màu sắc, truyền thống trang trí v.v.. Nhiều dân tộc mặc quần áo, mà quần áo của các dân tộc rất đa dạng. Nhiều dân tộc khác vẫn giữ tập quán mặc váy và khố. Cùng là váy và áo nữ, nhưng áo và váy người Mường không giống áo và váy người Gia-rai. Hoa văn trên áo, váy, khố của người Gia-rai được dệt ngay khi dệt ra vải; ở họ không phát triển hình thức thêu như người Dao, cũng không biết tới các kỹ thuật dùng sáp ong để tạo hoa văn như người Hmông, chắp ghép vải màu trang trí y phục như người Lô Lô, hay dệt hoa văn bằng muôn vàn hạt cườm trắng hoặc hạt chì như người Tà-ôi v.v.. Bộ nữ phục Dao có đủ khăn, yếm, áo, quần, thắt lưng; bộ nữ phục Mường gồm khăn, áo, váy và thắt lưng; còn bộ nữ phục Khơ-me chỉ có khăn, áo và váy. Cùng là áo dài, chiếc áo dài người Việt không giống chiếc áo dài xường xám của người Hoa. Cùng ở người Hoa, bộ y phục múa lân sư rồng khác bộ y phục ngày cưới … Ðồ trang sức đeo của các dân tộc cũng vô cùng phong phú, nhất là ở nữ giới: những bộ dây xà tích bằng bạc, những loại vòng đeo cổ, đeo tay, đeo chân được làm bằng đồng, hay bạc, nhôm, hạt cườm v.v.. Có dân tộc lại đeo trang sức cả quanh đầu tóc hay quanh thắt lưng. Bên cạnh những kiểu khuyên tai, hoa tai thường thấy, có dân tộc trang điểm ở tai bằng loại vòng kim loại lớn, hoặc dùng hoa tai ngà voi vừa to vừa nặng …

Ðời sống vật chất của đa số nhân dân các dân tộc còn nghèo, mức sống còn thấp, nhưng đời sống tinh thần của họ thì không nghèo nàn. óc thẩm mỹ và tài sáng tạo của các dân tộc thể hiện ngay trong cuộc sống thường ngày và phục vụ cho chính cuộc sống ở mỗi cộng đồng dân cư, cũng không xa rời các điều kiện thực tế của họ. Nhiều công cụ lao động và đồ dùng của các dân tộc cũng thường được tạo dáng và trang trí để vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, vừa tiện dụng. Một ví dụ ở người Việt, chiếc giỏ hình con vịt dùng để đựng cá là một sáng tạo rất hay. Trong điều kiện bắt cá ở ao hồ hay vùng đồng chiêm trũng ở đồng bằng Bắc Bộ, người ta ghép vào phía ngoài đôi bên thành giỏ 2 ống tre; do đó giỏ có thể thả nửa nổi nửa chìm dưới nước, bởi 2 ống tre vừa có tác dụng như những chiếc phao, vừa giữ cho giỏ cân bằng, và nhờ thế cá bắt được vẫn sống trong nước.

Không chỉ vậy, loại giỏ này đan khác với giỏ nhỏ và thân tròn thường đeo theo người mò cua bắt cá; nó lớn hơn nhiều, thân tròn bầu và dài, đáy phẳng, phần miệng được đặt lệch về một đầu, nhô cao lên và hơi vươn ra, trông có dáng một chú vịt với đôi cánh là 2 ống tre vừa nói trên. Chiếc hái nhắt của người nông dân miền núi miền Bắc (Tày, Thái v.v.) thường được tạo hình con chim, con cá v.v. cho bộ phận thân bằng gỗ để lắp lưỡi sắt vào đó. Nhiều người Gia-rai cũng hay làm đẹp cái mác của mình bằng cách dùng kỹ thuật đốt qua lửa để tạo nên một dải đen lượn và ôm theo dọc khúc tre làm cán mác. Hay con dao nhọn của người Mường là một ví dụ khác: Bao dao được gắn những mảnh kim loại nhỏ tròn màu trắng, còn đầu chuôi dao được nối thêm một mẩu gạc nai đẹp, làm cho con dao mang tính thẩm mỹ hẳn lên. Nhìn chung ở các dân tộc đều phổ biến hình thức làm đẹp cho vật dụng, dù chúng chỉ là những vật dụng rất đời thường và giá trị kinh tế không lớn, như: cái tẩu hút thuốc, chiếc gùi nan, cái liễn sứ v.v., hay là những đồ vật quý giá như hộp hoặc ống đựng sắc phong của người Việt, cái hộp nạm bạc dùng đựng đồ trang sức của con gái nhà giàu người Mường v.v.. Nghệ thuật làm đẹp rất phong phú: có thể là dùng kỹ thuật đan cải nan, có thể là hơ lửa, hay vẽ, chạm khảm (vỏ trai, bạc) v.v.. Về phương diện này, từng dân tộc có ưu thế và đặc điểm riêng, chẳng hạn người Việt giỏi khảm trai và sơn son thếp vàng, người Xơ-đăng, Gia-rai tài nghệ về tạo dáng và trang trí đồ đan …

Ðồ chơi cũng là lĩnh vực thể hiện tính đa dạng, phong phú trong văn hóa Việt Nam. Dân tộc nào cũng có những trò chơi và đồ chơi; giữa các dân tộc có sự giống nhau hoặc tương tự nhau và có sự khác nhau. Khi vui xuân, cùng hình thức chơi  tung/ném một loại “quả” tạo ra được bọc bằng vải và có tua, nhưng ở người Tày là ném còn, làm sao tung và ném được quả còn lên bay qua vòng tròn trên đỉnh ngọn cột tre cao 10-11 m; nhưng ở người Hmông thì trai gái đứng thành 2 bên đối diện nhau và tung quả pao cho nhau bắt lấy. Ðặc biệt, người Việt là một trong số dân tộc có nhiều trò chơi và đồ chơi, có thể kể đến nét tiêu biểu: độc đáo như múa rối nước, dân dã như thả diều v.v.. Chiếc diều có gắn ống sáo tạo nên hình ảnh cùng âm thanh thân quen của các làng quê trong xã hội cổ truyền Việt. Vào phía Nam, đã phát triển thành một dòng diều Huế với bao biến hóa của hình dạng con diều. Người ta sáng tạo cả diều mô phỏng từ cảnh đại bàng bắt công chúa trong truyện cổ “Thạch Sanh” nổi tiếng. Người Việt có truyền thống chú ý trẻ con và dành riêng tết Trung thu (15 – 8 âm lịch) cho chúng. Trong rất nhiều loại đồ chơi của trẻ, những con giống làm bằng giấy nện, đất sét hay bột gạo thuộc loại sản phẩm đặc sắc thường thấy ở những chợ quê. Hình gà, vịt, chim, cá, chó, em bé v.v. ngộ nghĩnh, không chỉ hấp dẫn trẻ mà còn có tính giáo dục tốt, giúp chúng cảm nhận về cuộc sống quen thân cũng như nảy nở tình cảm lành mạnh trong vui chơi.

Những yếu tố văn hóa gắn với tín ngưỡng và tôn giáo của các dân tộc ở Việt Nam chiếm phần rất quan trọng. Phần đông các dân tộc có tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” và nhiều dân tộc đề cao thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, một bộ phận khá đông người Việt theo Phật giáo, người Hoa chịu ảnh hưởng mạnh của tam giáo (Nho, Ðạo, Phật), người Dao tiếp thu đậm Ðạo giáo, người Chăm theo đạo Blamôn hoặc đạo Hồi, người Khơ-me theo đạo Phật. Ngoài ra, ở Việt Nam cũng có một số người theo Kitô giáo và đạo Tin Lành là 2 tôn giáo du nhập muộn. Tuy nhiên, hiện tượng những tín ngưỡng – tôn giáo khác nhau tồn tại đồng thời ở một cộng đồng là phổ biến. Ngay cả những cư dân đã theo một tôn giáo lớn cũng vậy, chẳng hạn ở dân tộc Khơ-me tuy đạo Phật Tiểu thừa du nhập chính thức từ khoảng thế kỷ 13 và đến nay vẫn là tôn giáo chi phối sâu sắc đời sống tinh thần họ, nhưng một số tín ngưỡng bản địa từ xa xưa vẫn tiếp tục hiện diện. ở người Chăm vùng Nam Trung Bộ, dù họ là tín đồ Blamôn giáo hay Hồi giáo (Bni), nhưng khá nhiều yếu tố tín ngưỡng dân gian Chăm tiếp tục sống động: “vạn vật hữu linh”, các kiêng cữ cùng tập tục liên quan nông nghiệp, ngư nghiệp, đồng bóng v.v.. Người Dao có nhiều tín ngưỡng, sùng bái tổ tiên và vị thủy tổ chung có tên là Bàn Vương, đồng thời lại chịu tác động của tam giáo. Cho nên, trong hệ thống thần thánh của họ, ở Thiên đình đã có Ngọc Hoàng Thượng Ðế, nhưng bên cạnh còn có thêm Phật được coi như quân sư của Ngọc Hoàng, và họ cũng tin thuyết luân hồi định mệnh của đạo Phật. Người Việt cũng vừa tín ngưỡng đa thần nguyên thủy, vừa rất coi trọng thờ cúng tổ tiên, vừa chịu ảnh hưởng của tam giáo, đặc biệt là đạo Phật, rồi về sau có bộ phận nhỏ chuyển sang theo Kitô giáo hoặc đạo Tin Lành …

Chỉ bằng vào những hiện vật trong các sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo đã thấy sự đa dạng và phong phú về mặt văn hóa ở Việt Nam. Như trên đã nói, dân tộc Dao chịu ảnh hưởng tam giáo, nhưng trong đó đặc biệt là Ðạo giáo. Bởi thế, tranh thờ của họ thường có hình ảnh 3 vị “Tam nguyên quan”: Thượng nguyên Thiên quan (cõi trời), Trung nguyên Ðịa quan (cõi đất) và Hạ nguyên Thủy quan (cõi nước). Ðồng thời, trong tranh thờ Dao còn thường xuất hiện 4 vị “Công tào”: Vị cưỡi chim là tượng trưng và cai quản cõi trời, vị cưỡi ngựa cõi đất, vị cưỡi rồng cõi nước và vị cưỡi hổ cõi rừng núi. Thêm nữa, trên mũ của thầy tào khi hành lễ, thường thấy những hình vẽ Thái thượng Lão quân ở giữa cùng những kẻ hầu và chim phượng ở đôi bên, hay 3 vị “Tam thanh” ở giữa (Nguyên thủy Thiên tôn, Linh bảo Thiên tôn, Ðạo đức Thiên tôn), cạnh họ là các vị giúp việc (Trương Thiên sư, Lý Thiên sư), rồi những vị “âm binh thần tướng” hầu hạ được định vị bên rìa …

Trong hệ thống các sinh hoạt tôn giáo của người Mường, một trong những cư dân đa thần giáo và thờ cúng tổ tiên, có phong tục cúng cây hoa nghi lễ (pồn pông). Ðã từ lâu trong xã hội Mường, đây là loại lễ thức tổ chức tại nhà những bà thầy cúng – chữa bệnh, với sự tham gia của các con bệnh và đông đảo dân sở tại, để tạ ơn “thần tổ” nghề chữa bệnh bằng phép thuật của bà ta. Họ dùng một loại cây đem cắt, tỉa, bôi màu làm những bông hoa, rồi ghép thành những cành hoa và cắm lên khúc ống tre để tạo nên một cây hoa. Ðó là trung tâm lễ cúng. Người ta nhảy múa sôi động quanh cây hoa, trong âm thanh của cồng chiêng và tiếng khua đuống rộn rã. Kết thúc nghi lễ, mọi người xô vào cố cướp lấy cành hoa về cài trên bàn thờ ở nhà mình, với lòng tin cuộc sống sẽ may mắn. Một số nhà nghiên cứu quan niệm cây hoa này là hình thức “cây vũ trụ” có lịch sử rất cổ xưa, những hình cá, “trứng” v.v. treo trên đó vốn mang ý nghĩa như những tặng vật của trời đất ban cho con người. Riêng “trứng” gồm 2 loại: những quả hình khối vuông được coi là nở ra thần linh và con người, còn những quả hình tròn thì nở ra muôn vật.

Cùng là tượng phục vụ các sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo, người Khơ-me có những tượng bằng đồng, có những tượng bằng gốm, có tượng Phật các loại, có tượng thần tài, thần thổ địa, có tượng rắn, có tượng mình người đầu chim hoặc đầu voi v.v.. ở người Hoa, thường gặp những tượng các nhân vật Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, tượng Phật bà Quan âm Bồ tát v.v.. Trong khi đó, ở người Gia-rai hoàn toàn khác, “vật linh giáo” chi phối hầu như toàn bộ đời sống tôn giáo cổ truyền của họ. Xuất phát từ niềm tin ma người chết sẽ đến sống ở “làng ma” cùng với các ông bà tổ tiên, nên họ có tục làm lễ “bỏ mả” rất trọng thể để đưa tiễn ma đi, chu cấp cho ma nhiều vật dụng (kể cả đồ vật mô phỏng) và những thứ cần thiết đối với việc làm ăn sinh sống ở thế giới bên kia. Những ngày lễ đó tập trung nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, đặc biệt là có ngôi nhà mồ mới làm được trang trí thật đẹp, với những tượng gỗ dựng vượt lên trên 4 hàng rào bao quanh nó. Tượng chim, thú, người v.v. được tạc khá thô mộc, thể hiện những ý nghĩa khác nhau. Có loại tượng người ở tư thế ngồi xổm và 2 tay chống lên ôm mặt, như diễn tả sự buồn bã. Có loại tượng trai gái giao hợp hoặc phô bộ phận sinh dục, có lẽ liên quan tín niệm luân hồi nguyên thủy của người Gia-rai. Có loại tượng thể hiện cảnh sinh hoạt thường ngày, như: gõ cồng chiêng, gõ trống, bê những ống cơm lam hoặc rót rượu v.v.. Họ còn sáng tạo cả những tượng theo mẫu từ cuộc sống đương đại, như: lính người Âu đội mũ ca-lô, người đá bóng, đi xe đạp v.v…

Âm nhạc các dân tộc góp phần đáng kể làm cho văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú – Ða dạng và phong phú ở từng dân tộc cũng như giữa các dân tộc. Nhạc cụ nói riêng cũng khác nhau, cả về thể loại, chức năng cũng như về chất liệu, cấu tạo, kích cỡ và kiểu dáng. ở Việt Nam, từ chiếc lá cây, cọng rạ, đến ống tre, gióng nứa, đoạn gỗ, tấm da hay kim loại v.v. đều có thể biến thành một thứ nhạc cụ nào đó. Ngay cả chiếc sừng trâu, sừng dê hay mỏ chim cũng có thể chế tác thành tù và. Có nhiều loại nhạc cụ khác nhau thuộc đủ các họ theo phân loại thông thường: họ dây, họ hơi, họ màng rung và họ tự thân vang.

Dân tộc nào cũng nhiều loại nhạc cụ: Người Thái có 18 loại, người Cơ-tu có trên dưới 20 loại, người Khơ-mú có 8 loại … Nhiều nhạc cụ đã được biết tới rộng rãi, như: đàn có tên là tính tẩu của người Tày, khèn bè của người Hmông, cồng của người Mường v.v.. Trên một số sân khấu thế giới, đàn tơ-rưng làm hoàn toàn bằng những ống nứa rừng dài ngắn khác nhau của cư dân vùng Tây Nguyên từng được trình diễn. Cũng theo nguyên tắc kết hợp tương tự, người Khơ-me làm chiếc “đàn thuyền” (có dáng chiếc thuyền) bằng 20 thanh gỗ. Ðàn đá của Việt Nam cổ sơ và độc đáo đã được đưa sang Pari trưng bày: Những thanh đá kích thước khác nhau và cho âm thanh khác nhau hợp thành dàn nhạc cụ gõ hoàn chỉnh. Người Lô Lô nay còn sử dụng trống đồng trong tang lễ. Bộ cồng chiêng bằng đồng của người Gia-rai có thể gồm tới gần hai chục chiếc riêng rẽ từ to đến nhỏ. ở người Khơ-me có loại “vòng cồng” lại kết hợp cố định 15 chiếc cồng đồng với nhau trên một giá nâng hình khuyên. Từ một ống tre giữ nguyên đốt ở 2 đầu, nhiều dân tộc sáng tạo thành nhạc cụ gảy đơn giản bằng cách tách ra những dây cật và kê căng lên tại 2 đầu dây, nhưng nó có thể nhại âm thanh của một bộ cồng chiêng 3 chiếc, 5 chiếc v.v.. Chiếc “đàn gáo” của người Khơ-me với cây nhị của người Việt và cây nhị của người Mường tuy đều là vĩ cầm, nhưng không hẳn giống nhau. Trống của mỗi dân tộc Việt, Hoa, Khơ-me v.v.. cũng có nét riêng nhất định.

Tất cả các khía cạnh văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam đều tóat lên tính đa dạng và phong phú. Xưa kia đã vậy, ngày nay vẫn thế, và các dân tộc ở Việt Nam đang tiếp tục giữ gìn, phát huy vốn quý đó trên bước đường phát triển toàn diện của đất nước.

 Copyright 2006 By IVCE . All Rights Reserved. Designed & Developed By WorldSoft

Xổ số miền Bắc