Xây dựng văn hóa học đường

Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách, giáo dục con người phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, khuyến khích, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, giáo dục thế hệ trẻ trở thành những con người sống có ước mơ, hoài bão, lý tưởng đẹp…


 

CLB Bóng chuyền trường THPT Tiên Du số 1

Những năm qua, công tác xây dựng văn hóa học đường trong hệ thống trường học và cơ sở giáo dục ở Tiên Du có nhiều chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, góp phần đào tạo những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Toàn huyện hiện có 52 trường học công lập từ khối mầm non đến THCS, huyện Tiên Du có 5 trường THPT đóng trên địa bàn huyện, có trên 1.940 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trên 30.000 học sinh ở các bậc học. Ngành Giáo dục và Đào tạo Tiên Du thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả văn hóa học đường. Đến nay, 100% nhà trường xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử, có phòng truyền thống gắn với giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử và ý thức công dân cho học sinh; 100% trường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện, lao động tập thể, chăm sóc các di tích… Hàng năm, các nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc nói chuyện chuyên đề, giao lưu, tọa đàm với các nhân chứng lịch sử, hưởng ứng thi tìm hiểu thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của các đồng chí tiền bối cách mạng của Đảng.


 

Ngày hội văn hóa đọc trường THCS Phú Lâm

Đáng chú ý, phong trào văn hóa đọc trong nhà trường được quan tâm với 100% trường học có thư viện hoặc góc thư viện, 60% trường có thư viện xanh, thư viện thân thiện. Các sân chơi trí tuệ cho học sinh được nhân rộng như hưởng ứng cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, các cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức…


 

Tuyên truyền giáo dục luật ATGT tại trường tiểu học Việt Đoàn

Các trường thành lập Câu lạc bộ TDTT và Câu lạc bộ văn hóa- văn nghệ trong trường học đã tạo môi trường, không gian trải nghiệm các hoạt động bổ ích, lý thú “học mà chơi, chơi mà học”, góp phần phát triển thể lực, tầm vóc, kỹ năng sống cho học sinh. Công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc cũng như tìm hiểu lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử, di sản văn hóa tại địa phương… cũng luôn được quan tâm. Trên phạm vi toàn huyện, duy trì hoạt động hiệu quả các CLB Dân ca Quan họ trong trường học và định kỳ tổ chức Cuộc thi Tiếng hát Dân ca Quan họ dành cho học sinh.


 

Phiên tòa giả định tại trường THPT Nguyễn Đăng Đạo

Nhìn trên bình diện chung cho thấy văn hóa học đường đang có những biểu hiện lệch chuẩn, ảnh hưởng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống trong thế hệ trẻ. Đó là vẫn còn một bộ phận học sinh nói tục, chửi bậy, kết bè phái, gây gổ, bạo lực học đường; có những học sinh biểu hiện thờ ơ, vô cảm, sa vào các thú vui không lành mạnh, các trò chơi điện tử, bị chi phối và dẫn dắt bởi thế giới ảo của mạng xã hội… Với quan điểm giáo dục lấy việc dạy làm người là nội dung trọng tâm và ưu tiên nên vấn đề văn hóa học đường, ứng xử trong trường học ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng. Để tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa học đường, đưa những giá trị văn hóa vào trường học vì sự phát triển toàn diện của học sinh trong giai đoạn mới, theo Phòng Giáo dục và Đào tạo, giải pháp trọng tâm là nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa học đường gắn với thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TU của Tỉnh ủy về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Giáo dục học sinh hướng đến giá trị cốt lõi về văn hóa dân tộc, đó là lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, tôn sư trọng đạo, ý thức trách nhiệm với cộng đồng…Mỗi nhà trường cần xác định mô hình giáo dục với giải pháp phù hợp, sáng tạo và linh hoạt, tạo dựng và nuôi dưỡng bầu không khí cởi mở, dân chủ, đoàn kết, tôn trọng. Trong đó, chú trọng xây dựng văn hóa đọc; văn hóa chào hỏi, cảm ơn, xếp hàng; giáo dục học sinh biết giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống; bồi đắp lòng nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, có ý thức sống và làm việc theo pháp luật, có tác phong công nghiệp, hiện đại; giáo dục lối sống văn minh, sống đẹp, có bản lĩnh, hoài bão, ước mơ và biết phê phán lối sống lạc hậu, thực dụng, ích kỷ.


 

Tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường tại trường THCS Tiên Du

Tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương; xác định tầm quan trọng của giáo dục toàn diện, lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ phát triển con người là mục tiêu quan trọng. Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tổ chức các sân chơi trí tuệ để học sinh phát huy tài năng, sự sáng tạo. Đặc biệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của giáo viên, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương mẫu mực về đạo đức, trí tuệ, lối sống, hành vi ứng xử và tinh thần tự học, sáng tạo…

Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin, kết nối với phụ huynh học sinh, xây dựng ngân hàng học liệu điện tử các môn đạo đức, giáo dục công dân với những tấm gương người tốt, việc tốt, thể hiện tình cảm, hành động yêu trường lớp, thương yêu gia đình, bạn bè, yêu quê hương, đất nước; tăng cường kết nối, phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục kỹ năng ứng xử, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc cho trẻ em phát triển và hoàn thiện nhân cách.

Xổ số miền Bắc