Xe ô tô Trung Quốc với tham vọng lớn chiếm lĩnh thị trường Việt

Xe ô tô Trung Quốc và tham vọng lớn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam Beijing U5 Plus 2022

Trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, ô tô Trung Quốc có giá 500 – 900 triệu đồng ồ ạt về Việt Nam với nhiều hãng xe, mẫu xe và kiểu dáng khác nhau. Xe Trung Quốc đã thu hút được một nhóm khách hàng quan tâm nhờ thiết kế cùng các trang bị hấp dẫn và giá rẻ.

Tuy vậy, hầu hết ôtô đến từ Trung Quốc chỉ có được sự chú ý ban đầu chứ hiếm có cái tên nào xây dựng được thành công lâu dài tại Việt Nam với các lý do chủ quan lẫn khách quan. Và khả năng giành thị phần tại Việt Nam từ tay các đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là thách thức không nhỏ đối với ô tô Trung Quốc.

Từ ô tô giá rẻ đến xe tiền tỷ

Xe ô tô Trung Quốc và tham vọng lớn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

Mặc dù tiếp tục lỡ hẹn với người tiêu dùng Việt song MG5 đã được tiết lộ dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 3 tới đây với 2 phiên bản LTD và LUX có giá lần lượt là 450 và 570 triệu đồng. MG5 gây chú ý một phần nhờ đây là mẫu sedan hạng C nhưng giá bán được cho là chỉ ngang với nhóm sedan hạng của Hàn Quốc và Nhật Bản. Mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan và giá dự kiến là 500-600 triệu đồng. Rõ ràng, đây là mức giá rất cạnh tranh khi mẫu xe thuộc phân khúc sedan hạng C nhưng giá tương tự như các mẫu xe hạng B, như Hyundai Accent, Honda City, Toyota Vios….

Một mẫu ô tô Trung Quốc khác vừa lộ diện tại Việt Nam là Beijing U5 Plus. U5 Plus thu hút người dùng nhờ cùng là sản phẩm của BAIC Việt Nam, hãng từng có mẫu xe “hiện tượng” Beijing X7 hồi cuối năm 2020. Beijing U5 Plus có 3 phiên bản, trong đó bản tiêu chuẩn Beijing U5 Plus Standard có mức giá 398 triệu đồng; bản Beijing U5 Plus Deluxe giá 468 triệu đồng và bản Beijing U5 Plus Luxury giá 498 triệu đồng.

Con số này thấp hơn đáng kể so với các mẫu xe cùng hạng mang thương hiệu Hàn Quốc hay Nhật Bản, chẳng hạn Kia K3 có giá từ 559 triệu đồng hay Toyota Corolla Altis có giá từ 733 triệu đồng.

Ngoài giá bán gần như “chạm sàn”, U5 Plus tiếp tục duy trì công thức từng giúp BAIC Beijing X7 tạo được dấu ấn tích cực là thiết kế hiện đại, danh sách tiện nghi an toàn đa dạng để bù đắp cho việc thương hiệu ít phổ biến, hệ thống phân phối và hậu mãi hạn chế.

Xe ô tô Trung Quốc và tham vọng lớn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam Hongqi H9

Ngoài MG5, mới đây hãng xe Trung Quốc Hongqi đã có màn ra mắt và giới thiệu sản phẩm mới, chính thức đặt chân vào thị trường ô tô Việt Nam. Dòng sedan đầu bảng của Hongqi là H9 ra mắt dịp cận Tết với 5 phiên bản cùng mức giá dao động 1,508-2,688 tỷ đồng. Con số này đủ để người dùng trong nước chọn lựa nhiều dòng sedan có tên tuổi hấp dẫn hơn như Toyota Camry, Mercedes-Benz C-Class, Mercedes-Benz E-Class, BMW 3-Series, Volvo S60, Volvo S90…

Hongqi H9 là mẫu xe cao cấp, thiết kế xe phảng phất hình ảnh các thương hiệu siêu sang như Mercedes-Maybach, Bentley, Rolls-Royce. Tại Việt Nam, Hongqi H9 có 2 tùy chọn động cơ, gồm tăng áp 2.0L 4 xy-lanh cho công suất 252 mã lực và mô-men xoắn 380 Nm. Cao cấp hơn là động cơ tăng áp V6 3.0L cho công suất 272 mã lực và mô-men xoắn 400 Nm. Cả 2 phiên bản đều sử dụng hộp số ly hợp kép DCT 7 cấp và hệ dẫn động cầu sau.

Xe ô tô Trung Quốc và tham vọng lớn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam Hongqi E HS9

Mẫu ô tô Hongqi thứ hai khiến nhiều người quan tâm hơn nữa chính là một mẫu ô tô điện Hongqi E HS9. Đây có thể xem là bước đi táo bạo của hãng xe Trung Quốc khi 4 phiên bản Hongqi E-HS9 có giá bán 2,768-3,688 tỷ đồng, đắt gấp 2 lần VinFast VF 9 (1,443-1,572 tỷ đồng) và cao hơn các dòng SUV cùng cỡ dùng động cơ đốt trong như Ford Explorer, Volkswagen Teramont.

Không khó để nhận ra phần đầu xe E-HS9 mang hình bóng của dòng Rolls-Royce, cản sau hơi giống Audi, trong khi nội thất sự pha trộn của Porsche, Mercedes. Xe được trang bị hàng loạt màn hình cảm ứng, các tiện nghi ngập tràn. Hongqi E-HS9 sử dụng 2 motor điện cho tổng công suất 550 mã lực, 750Nm, chạy tối đa 510km cho một lần sạc.

Nhà phân phối không đưa ra thông tin về việc triển khai hệ thống trạm sạc công cộng tại Việt Nam. Như vậy, việc sạc Hongqi E-HS9 sẽ phụ thuộc vào sạc cá nhân, bao gồm bộ sạc di động có thể mang theo xe và trụ sạc tại nhà, vốn mất nhiều thời gian để nạp đầy pin.

Trước Hongqi E-HS9, một mẫu xe điện Trung Quốc đáng chú ý khác từng xuất hiện tại Việt Nam hồi cuối năm 2021 là Wuling Hongguang Mini EV. Tuy nhiên, dòng ôtô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất ở thị trường tỷ dân chỉ mới xuất hiện để thăm dò thị hiếu khách hàng và để ngỏ khả năng được phân phối trong thời gian tới.

Hai thương hiệu tiếp theo của Trung Quốc có thể sẽ ra mắt xe tại Việt Nam trong năm 2022 là Chery và Great Wall. Hai mẫu xe điện tiềm năng có thể kể đến dòng SUV đô thị Chery EQ5 và mẫu xe cỡ nhỏ Great Wall Motor Ora Good Cat.

Vì sao người Việt không ‘mặn mà’ với xe Trung Quốc?

Xe ô tô Trung Quốc và tham vọng lớn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

Dù xe Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể về chất lượng, trang bị tiện nghi, cảm giác lái nhưng tại Việt Nam xe Trung Quốc vẫn chưa được lòng khách Việt. Và khả năng giành thị phần tại Việt Nam từ tay các đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là thách thức không nhỏ đối với ô tô Trung Quốc.

Đại đa số người tiêu dùng vẫn ngần ngại tiếp cận xe “Tàu” vì nhiều lý do. Một trong số đó nằm ở thiết kế tuy rất bắt mắt nhưng vẫn chưa thoát được sự lai tạp để xây dựng cá tính và bản sắc riêng. Nhiều ý kiến đánh giá, BAIC Q7 có phần đầu giống Land Rover Range Rover nhưng thân giữa lại mang dáng dấp của Lincoln Navigator. Tương tự, DongFeng T5 EVO bị cho là nửa giống Maserati, nửa na ná Porsche…

Bên cạnh đó, dịch vụ sau bán hàng vẫn chưa theo kịp sản phẩm. Nhiều xưởng ô tô quy mô lớn ngay tại Hà Nội đều cho biết xe Trung Quốc luôn trong tình trạng thiếu phụ tùng. Việc nguồn cung phụ tùng mỗi dòng xe hoàn toàn phụ thuộc vào một đơn vị nhập khẩu duy nhất cũng mang tới bất cập.

Một nguyên nhân chủ quan khác đó là xe hơi ở Việt Nam đang được mặc định giá quá cao so với thu nhập thấp của đại bộ phận người dân. Vì vậy, người mua xe phải đặt ra khá nhiều điều kiện với chiếc xe mà họ sẽ mua. Đó là phải mẫu mã đẹp, chất lượng, bền bỉ, không lỗi mốt, đi vài năm vẫn bán được giá cao. Vì thế, hiện đa phần người Việt vẫn dựa vào độ uy tín của thương hiệu xe để mua.

Với sự “khó tính” này, các mẫu xe giá rẻ chưa hẳn đã được nhiều người đón nhận. Trong khi đó, những mẫu xe có “thương hiệu”, ít thay mẫu, giữ giá, thậm chí có giá đắt vẫn được chọn lựa tích cực.

Một điểm yếu nữa của xe Trung Quốc tại Việt Nam là hệ thống phân phối còn rất hạn chế cả về độ phủ lẫn trình độ nhân lực. Đối với người có tiền mua ô tô, điều này được xem là khó chấp nhận, bởi bên cạnh yếu tố rẻ, họ còn phải được tận hưởng chính sách hậu bán hàng từ các hãng hoặc mong muốn đối tác bán hàng của mình phải kinh doanh nghiêm túc ở Việt Nam trên cơ sở đặt đại lý phân phối độc quyền ở Việt Nam. Vì vậy, xe ô tô Trung Quốc khó lòng tạo được làn sóng tiêu dùng và điểm nhấn đáng kể đối với khách Việt.

Tuy nhiên, phải khẳng định xe Trung Quốc vẫn có cơ hội phát triển. Những nỗ lực ban đầu của các doanh nghiệp nhập khẩu đã cho kết quả, khi người dùng dần chấp nhận xe Trung Quốc như những lựa chọn “ngon, bổ, rẻ”, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản.

Nếu vượt qua được khó khăn ban đầu, xe Trung Quốc có cơ hội trở thành thế lực đáng gờm tại Việt Nam – nhất là trong phân khúc phổ thông, giá rẻ. Bên cạnh việc đem tới nhiều lựa chọn mua sắm phong phú, sức cạnh tranh mạnh mẽ của nhóm sản phẩm mới sẽ giúp người dùng hưởng lợi, trong đó có việc buộc các đại gia Nhật Bản và Hàn Quốc phải cân nhắc lại chiến lược kinh doanh tại Việt Nam, tung ra các sản phẩm có tỷ lệ giá thành/giá trị sử dụng cao hơn.

Xổ số miền Bắc