Bài viết chi tiết

     Tiếng Tày là tiếng nói của người Tày, có quan hệ gần gũi với tiếng Nùng cùng thuộc ngữ hệ Tai – Kadai. Có thể so sánh tiếng Tày và tiếng Nùng giống như tiếng Việt của miền Bắc với tiếng Nghệ An. Bởi thế, trong các văn bản chúng ta thường thấy cách nói gộp Tày – Nùng. Theo kết quả Đề tài nghiên cứu của Tổ Ngôn ngữ học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đầu những năm 70 của thế kỷ 20, thì hệ thống ngữ âm tiếng Tày, Nùng tồn tại ở địa bàn trong vùng tam giác Ba Bể – Hoà An – Đông Khê, Thất Khê được coi là vùng chuẩn của tiếng Tày, Nùng. Hình thức phát âm này đã được Đài phát thanh Khu tự trị Việt Bắc cũ sử dụng trên làn sóng của mình và người Tày, Nùng ở nhiều địa phương khác tiếp nhận không khó khăn.

     Tiếng Tày ở các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà…thuộc vùng miền núi, biên giới khá cách biệt nên nhiều nét văn hóa, trong đó có tiếng nói được các dân tộc ở đây gìn giữ còn nguyên vẹn. Người Tày ở đây sử dụng ngôn ngữ Tày gần như nguyên gốc – tiếng tương tự như tiếng của người Dân tộc Choang (Trung Quốc) – một dân tộc có rất nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là ngôn ngữ với dân tộc Tày và dân tộc Nùng ở Việt Nam.

     Xuất phát từ lịch sử phát triển tộc người, dân tộc Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh có nhiều điểm tương đồng về mặt ngữ âm so với dân tộc Tày vùng tam giác Ba Bể – Hoà An – Đông Khê, Thất Khê. Tuy nhiên, còn có một số từ ngữ có cách phát âm khác nhau do Bình Liêu không có nhiều người Nùng sinh sống xen kẽ với người Tày. Điều đặc biệt là dù phát âm khác nhau nhưng người Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh vẫn dễ dàng hiểu được ý nghĩa của từ do người Tày vùng khác nói. Có thể dựa vào việc biết ý nghĩa của từ trước và sau để suy ra nghĩa của từ và nghĩa toàn câu, hoặc từ trong bản chất, người Tày ở đây vẫn hiểu từ đó, coi đó là từ cổ, ít hoặc không còn sử dụng mà đã được thay thế bằng từ khác.

     Người Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh có nhiều đặc điểm giống với người Tày sống rải rác ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, trong đó, tiếng nói và từ vựng hầu hết giống và gần giống nhau. Còn ngữ âm (âm vựng) khi phát ra lại khác nhau, mang đặc điểm riêng của địa phương cư trú. 

     Ngôn ngữ của dân tộc Tày đều do phần từ vựng (từ ngữ), âm vựng (ngữ âm) tạo thành. Nét độc đáo tiếng nói của người Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh còn được biểu hiện ở chỗ, ngoài 24 chữ cái của tiếng Việt, còn có 3 âm tiết nữa, khi phát ra hoàn toàn khác, không nằm trong ngữ Việt, đó là các từ đầu tiếng gắn sát với chữ p, ph, s. Ví dụ: phi (mang ý nghĩa là ma), khi phát âm sẽ có tiếng bật bằng hai môi; hoặc chữ sèn (nghĩa là tiền), khi phát âm có thêm chứ l kèm (slèn),…

     Dưới đây là một vài ví dụ về sự khác nhau trong cách phát âm của tiếng Tày Bình Liêu, Quảng Ninh so với tiếng Tày vùng Ba Bể – Hòa An – Đông Khê, Thất Khê.

 

TT

Cách phát âm tiếng Tày – Nùng vùng tam giác Ba Bể – Hòa An – Đông Khê, Thất Khê.

 

Cách phát âm tiếng Tày Quảng Ninh

 

Nghĩa tiếng Việt

1

kin khẩu

kên ngài

ăn cơm

2

kin mjầu

kên bàu

ăn trầu

3

Phiêng lit

Phiêng tần

Bằng phẳng

4

Dăm dí, xíp dăm

Pùn ầy, pù nâng

Chốc lát

5

xày slổng

Dú sỏn,

Chung sống

6

Tải tầu

Căm hu, tái tàng

Dẫn đầu

 

7

Tuyện

Cỏ, vd: chuyện gì => mì cỏ ca lăng

Chuyện

8

Tu rườn

Tu lườn

Cửa nhà

9

Pắc tả, tang eng

Cống sống

Cửa sổ

10

Mắn dong, ca dong

Pước quảy, pước khá

Dong riềng

11

Chải choọc, ngoẹp chải

Da pặc

Nghỉ ngơi

12

Kẹ chỏ

Kẹ pò

Mặc kệ

13

Mọt xứng

Mút meo

Mốc meo

14

Tiểng chảng

Căm chảng

Ngôn ngữ

15

Pjặc tha

Lắp tha

Nhắm mắt

16

Nặm muôc

Nặm khảu

Nước gạo

17

Slưc rèng, tộc rèng

Mì lèng, lai lèng

Thể lực

18

Mjut máng

Khiếp thai

ám ảnh

19

Pắn pé, vít mảng

Màu mìn, pắn pín

Choáng váng

20

Kha tàng

tèo tàng

Con đường

 

      Người Tày sử dụng hệ thống ký tự chữ Hán để ghi âm Tày, được các nhà nghiên cứu gọi là chữ Nôm Tày.  Đó là một sáng tạo tập thể của nhiều thế hệ trí thức người Tày. Trong đời sống hàng ngày, người Tày sử dụng tiếng Tày là chủ yếu. Chữ nôm Tày được dùng trong tất cả các văn bản có giá trị pháp lý như khế ước, mua bán, chuyển nhượng, địa bạ đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lịch sử, địa lý và các tác phẩm văn học…

     Một trang sách ghi chữ Nôm Tày

      Chữ Nôm Tày là chữ khối vuông, thuộc thể loại chữ tượng hình, kế tục và phát triển từ chữ Hán của dân tộc Hán ở phương Bắc. Vì vậy trong cách viết, chữ Nôm Tày phải tuân thủ trình tự, cách thức viết của chữ Hán là trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; trái trước, phải sau; viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới (theo hàng dọc); sử dụng bộ thủ chữ Hán để nhận biết ngữ nghĩa, mặt chữ. Chữ được viết trên giấy bản do người dân địa phương tự sản xuất (tiếng Tày gọi là chỉ sla). Trước đây chữ Nôm Tày được lưu hành thông qua truyền dạy trực tiếp và sao chép thủ công nên đã có nhiều biến thể. Có nhiều chữ khi viết được người viết giản lược nét, viết tắt, viết thảo (lối viết nhanh, liền nét, chỉ giữ một số nét trọng tâm trong chữ) nên nếu không có một trình độ nhất định về chữ Hán thì không thể đọc được văn Nôm Tày.

      Do những quy tác chặt chẽ trong cách viết, cách dạy truyền khẩu và nhiều lý do khác, ngày nay còn rất ít người có thể đọc thông, viết thạo chữ Nôm Tày. Phần lớn những người này đều đã cao tuổi. Nếu không có những biện pháp bảo tồn khẩn cấp thì tương lai gần, rất có thể di sản này đứng trước nguy cơ thất truyền. Nghị quyết Trung ương V đã viết: “Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Chữ nôm Tày là cơ sở đầu tiên để chúng ta hiểu sâu nền văn hóa cổ truyền người Tày nên cần có những biện pháp cụ thể để bảo tồn./.

 

Xổ số miền Bắc