Bản sắc văn hóa tiêu biểu của người Bắc Ninh – Kinh Bắc

Bắc Ninh – vùng đất địa linh nhân kiệt, cội nguồn dân tộc và văn hoá Việt Nam, quê hương của Kinh Dương Vương, Lý Bát Đế, nơi hội tụ của kho tàng văn hoá dân gian với nhiều công trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc và những làn điệu dân ca quan họ trữ tình đằm thắm làm say đắm lòng người, nghệ thuật tạo hình, tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng với bạn bè trong và ngoài nước… Đến với Bắc Ninh là đến với miền đất của những con người yêu nước, thượng võ; cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tinh xảo hoạt bát trong giao thương buôn bán; thông minh hiếu học và giàu truyền thống khoa bảng; yêu say các hoạt động và sáng tạo nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu và đặc sắc…

Quan họ ngày xuân

Truyền thống yêu nước và tinh thần quả cảm

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, truyền thống yêu quê hương đất nước và tinh thần quả cảm được thể hiện qua những tấm gương tiêu biểu: Từ người anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) đậm chất huyền thoại, biểu tượng kỳ vỹ cho sức mạnh của dân tộc của người Kinh Bắc trong đấu tranh chống xâm lược ở buổi đầu dựng nước, đến danh tướng Cao Lỗ Vương, người sáng tạo “nỏ thần”, nhà quân sự tài ba của nhà nước Âu Lạc đã chiến đấu chống lại sự xâm lược của Triệu Đà. Đây cũng là quê hương của nhiều nữ tướng của Hai Bà Trưng như Côn Nương, Diệu Tiên, Đào Nương, Ả Tắc… cùng bao nghĩa binh đã nổi dậy khởi nghĩa, ngày đêm luyện tập võ nghệ (cưỡi ngựa, bắn cung) theo nghĩa quân Hai Bà Trưng kéo về hạ thành Luy Lâu, đánh đuổi xâm lược nhà Hán, giành lại quyền độc lập dân tộc.

Bắc Ninh cũng là quê hương của đức Thánh Tam Giang – những danh tướng tài ba một lòng trung nghĩa với Triệu Quang Phục trong cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc nhà Lương (Trung Quốc), khi chết còn âm phù giúp Lý Thường Kiệt đánh thắng quân xâm lược Tống, được nhân dân các làng dọc đôi bờ sông Cầu thờ làm thành hoàng.

Thời phong kiến độc lập, Bắc Ninh – Kinh Bắc là nơi “Vũ công lừng lẫy” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, Nguyên, Mông, Minh, Thanh (Trung Quốc). Tinh thần yêu nước và thượng võ của con người Bắc Ninh càng có điều kiện củng cố và phát triển, với những danh nhân văn võ toàn tài như Lý Công Uẩn, Lý Đạo Thành, Lê Văn Thịnh…

Bước vào kỷ nguyên mới, thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, Bắc Ninh nổi tiếng là vùng quê sớm có phong trào cách mạng, nơi ra đời các tổ chức tiền thân của Đảng, mảnh đất sinh thành và nuôi dưỡng những vị lãnh tụ tiền bối xuất sắc của Đảng là Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo…

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chiến đấu chống sự xâm lược của Pháp và Mỹ, cùng các thế lực thù địch, bảo vệ Tổ quốc, Bắc Ninh là cơ sở vững chắc cho phong trào cách mạng cả nước giai đoạn 1939-1945 và cách mạng Tháng 8/1945. Nơi đây sớm trở thành An toàn khu I của Trung ương Đảng, đặc biệt, là nơi ra đời bản Chỉ thị lịch sử “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng ngày 9/3/1945.

Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Bắc Ninh đã có những cống hiến to lớn cho cách mạng với những điển hình: 14.500 liệt sỹ, 11.200 thương binh, 506 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 39 đơn vị được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lượng vũ trang nhân dân, 18 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều chiến sỹ, sỹ quan Quân đội, sỹ quan Công an nhân dân đã phấn đấu, rèn luyện và có những cống hiến xuất sắc về tài năng trong chiến đấu, chỉ huy chiến đấu trong chiến trường hoặc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trở thành những tướng lĩnh quân đội và công an như: Đồng chí Phạm Văn Trà, đồng chí Lê Quang Đạo…

Tất cả những danh thần võ tướng, các nhà lãnh tụ tiền bối xuất sắc, những chiến sỹ quả cảm cùng với nhân dân Bắc Ninh đã làm nên bản sắc yêu nước và thượng võ của con người Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo trong sản xuất nghề thủ công 

Ở vị trí trung tâm châu thổ Bắc Bộ, đất đai màu mỡ, giao thông thuận lợi, Bắc Ninh là địa bàn được con người đến cư trú và làm ăn từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên, trở thành Trung tâm kinh tế – văn hóa của người Việt và nôi sinh thành dân tộc và quốc gia thời mở nước. Tại đây, người dân vùng quê Bắc Ninh làm ruộng cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, kết hợp đánh bắt thủy sản và làm nhiều nghề thủ công như: làm đồ gốm, đồ trang sức bằng đá, bằng đồng, đúc đồng và đã có sự giao thương buôn bán. Từ đó, Bắc Ninh đã hình thành những làng tiểu nông đa canh, đa nghề, đa dạng.

Thời kỳ phong kiến, Bắc Ninh – Kinh Bắc khẳng định vị thế là vùng kinh tế trù phú, nổi tiếng với các làng nghề: gốm (Phù Lãng); gò đúc đồng (Đề Cầu, Đại Bái, Quảng Bố, Trang Liệt); làm đồ sắt (Đa Hội, Đông Xuất, Ân Phú, Việt Yên, Thị Cầu, Nga Hoàng); dệt lụa (Nội Duệ, Lũng Giang, Duệ Đông, Tiêu, Hồi Quan, Xuân ổ); nung gạch ngói (Xuân ổ, Vĩnh Kiều, Tấn Bào, Tiêu Sơn, Lũng Giang); chạm đồ gỗ (Hương Mạc, Kim Thiều, Phù Khê); làm đồ sơn mài (Đình Bảng, Nội Trì, Lam Cầu, Phù Dực, Định Cương); làm cày bừa (Đông Xuất); làm giấy dó (Xuân ổ, Phong Khê), làm tranh (Đông Hồ); làm thợ mộc, thợ xẻ (Thiết Úng, Kim Bảng, Phù Khê, Đồng Kỵ, Đại Vi, Đỗ Xá, Tư Thế, Chi Nê); các làng buôn Đình Bảng, Trang Liệt.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, đồng lòng lao động sản xuất nông nghiệp, tìm tòi, sáng tạo trong sản xuất nghề thủ công. Những người thợ ở các làng nghề (Đại Bái, Đa Hội, Xuân Lai, Phù Khê, Phù Lãng, Đồng Kỵ…) đã có nhiều cải tiến nâng cao năng suất, mở rộng thị trường… Các làng buôn (Phù Lưu, Trang Liệt, Nội Duệ, Đình Bảng…) cùng các trung tâm buôn bán lớn của tỉnh như chợ Giầu, chợ Từ Sơn, chợ Lim và chợ Nhớn giao thương buôn bán tấp nập, nhộn nhịp.

Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, truyền thống năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của người Bắc Ninh được phát triển lên tầm cao mới đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp và là trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như: Samsung, Canon, Microsoft… 

Cùng với phát triển kinh tế, Bắc Ninh đã xây dựng được hệ thống hạ tầng kết cấu đồng bộ và hiện đại bậc nhất khu vực, tiêu biểu là hệ thống giao thông được phát triển mở rộng, kết nối các miền, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Hệ thống đô thị được quy hoạch và xây dựng vừa hiện đại vừa giữ được bản sắc văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong sự phát triển kinh tế – xã hội qua 22 năm đổi mới và tái lập tỉnh là một minh chứng hùng hồn và sinh động phẩm chất và bản sắc văn hóa của người Bắc Ninh chủ yếu trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng Bắc Ninh giàu mạnh, văn minh, tạo vị thế mới so với các tỉnh thành trong nước, trong khu vực và thế giới. Bắc Ninh hiện đang nằm trong tốp 10 tỉnh có tốc độ phát triển và tăng trưởng kinh tế cao và bền vững của cả nước, điều này càng minh chứng cho truyền thống lao động cần cù, sáng tạo trong sản xuất nghề thủ công và năng động trong giao thương buôn bán của con người Bắc Ninh.

Giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng

Dân gian xưa có câu “Một giỏ Sinh đồ, một bồ Tiến sỹ, một bị Trạng Nguyên, một thuyền Bảng nhỡn”, là chỉ truyền thống hiếu học, khoa bảng rực rỡ của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc. Nơi đây có số người đỗ Đại khoa (Tiến sỹ) cao nhất với 669 vị, chiếm 1/3 số vị Đại khoa trong cả nước thời phong kiến cùng 17 Trạng nguyên và hàng nghìn Cử nhân, Tú tài….

Vùng đất tự hào là quê hương của Lê Văn Thịnh – người đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên của nhà nước phong kiến – khoa Ất Mão (năm 1075) triều Lý Nhân Tông; Nguyễn Quán Quang (Tam Sơn) – vị Trạng nguyên khai khoa trong khoa thi Bính Ngọ (1246) khi nhà nước phong kiến Việt Nam chính thức đặt học vị Tam khôi (Trạng nguyên, Bản Nhãn, Thám Hoa). Bắc Ninh cũng là số ít địa phương của nước ta có Trạng nguyên được phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trạng nguyên của hai nước: Đại Việt và Trung Quốc), đó là Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Bắc Ninh cũng là địa phương có nhiều làng truyền thống khoa bảng, nhiều dòng họ nối đời có người đỗ Đại khoa. Theo thống kê bước đầu, cả tỉnh có 27 làng có số người đỗ Tiến sỹ Hán học thời phong kiến từ 4 vị đến 25 vị như Tam Sơn: 17 vị; Hương Mạc: 11 vị; Phù Khê, Vĩnh Kiều: 10 vị; Tiêu biểu nhất là làng Kim Đôi: 25 vị.

Điều làm nên truyền thống văn hiến nổi tiếng là các danh thần, võ tướng khi đỗ đạt bảng vàng, hầu hết đều đem tài trí và tâm đức cống hiến cho quê hương đất nước, trở thành những danh nhân lịch sử – văn hóa, được ghi vào sử sách và được nhân dân nhớ ơn, thờ phụng tiêu biểu như Lê Văn thịnh, Hàn Thuyên, Huyền Quang (Lý Đạo Tái), Nguyễn Quan Quang, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Cao…

Danh nhân khoa bảng Bắc Ninh – Kinh Bắc không chỉ đông đảo về số lượng, mà còn là những bậc tài danh trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa… Theo tìm hiểu bước đầu, đã có 77 vị được cử đi sứ phương Bắc, đem lại vẻ vang cho Quốc thể như Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Đăng… 20 người là tác gia văn học nổi tiếng, 9 người là thành viên Hội Tao đàn nhị thập bát tú do Lê Thánh Tông làm hội chủ, 18 vị chức Tế Tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám trong tổng số 89 vị ở chức vụ cao quý này của cả nước trong triều đại phong kiến.

Ngày nay, tự hào phát huy truyền thống hiếu học vẻ vang mà các bậc tiền nhân đã dày công xây đắp, Bắc Ninh không ngừng quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhiều chính sách của tỉnh được ban hành và phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển. Phong trào khuyến học, khuyến tài ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, gia đình, dòng họ trong tỉnh không ngừng mở rộng. Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh có phong trào giáo dục phát triển hàng đầu cả nước.

Giàu năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật

Bắc Ninh – Kinh Bắc có nền văn hiến hội tụ và kết tinh nhiều giá trị của nền văn minh Đại Việt với những bản sắc riêng độc đáo. Nền văn hiến ấy thể hiện sự yêu thích các hoạt động văn hóa và sáng tạo nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc mà ngày nay được kết tinh chủ yếu ở kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, vừa tiêu biểu cho di sản văn hóa dân tộc, vừa mang bản sắc văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Về Di sản văn hóa vật thể: Bắc Ninh hiện có khoảng 1.558 di tích các loại bao gồm 515 ngôi đình, 565 ngôi chùa, 153 ngôi đền, 44 ngôi miếu… Toàn tỉnh có 569 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 194 di tích cấp Quốc gia, 375 di tích cấp tỉnh, 4 di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt (chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, Đền Đô và khu Lăng mộ các vua Lý ở Đình Bảng), 5 nhóm bảo vật Quốc gia. Những di tích lịch sử văn hóa là chứng tích về quê hương Bắc Ninh có lịch sử lâu đời, đồng thời là sự kết tinh những sáng tạo văn hóa nghệ thuật của con người Bắc Ninh trong lịch sử với những giá trị vừa đặc sắc vừa độc đáo mà ít địa phương nào có được.

Di sản văn hóa phi vật thể: Kho tàng văn hóa phi vật thể do người Bắc Ninh sáng tạo nên trong lịch sử vô cùng phong phú, đa dạng và nhiều loại hình trở thành di sản văn hóa Quốc gia, di sản văn hóa nhân loại thể hiện qua các lễ hội truyền thống, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực và các loại hình nghệ thuật…

Bắc Ninh được mệnh danh là vương quốc của lễ hội truyền thống với gần 600 lễ hội diễn ra trong năm, tiêu biểu như: hội Dâu, hội Đền Đô, hội Lim, hội Kinh Dương Vương, hội đền Bà Chúa Kho, hội đền Vua Bà – Thủy tổ Quan họ, hội đốt pháo Đồng kỵ, hội chen Nga Hoàng, hội Kéo Co Hữu Chấp… Các lễ hội thường diễn ra vào mùa xuân với những cuộc rước sách linh đình và tế lễ hết sức trang nghiêm.

Sau phần lễ là các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian hấp dẫn, thu hút đông hội tiêu biểu như: thi đánh cờ người, tổ tôm điếm, rối nước, hát chèo, diễn tuồng, ca trù… Thu hút nhất là sinh hoạt ca hát Quan họ trong các lễ hội. Đây là thời khắc người Bắc Ninh thể hiện tập trung tài năng sáng tạo văn hóa nghệ thuật và mối quan hệ thủy chung, chân tình, lịch lãm với bạn bè, quý khách qua sự đón tiếp, thiết đãi những bữa cơm thịnh soạn cùng với lời mời thiết tha và phục vụ tận tình với quan niệm nhân sinh “Bốn biển một nhà”, “Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”.

Có thể khẳng định, các lễ hội truyền thống đã hội tụ tinh hoa nền văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc, đồng thời thể hiện phẩm chất nghệ sỹ của người Bắc Ninh – Kinh Bắc trong hoạt động văn hóa cộng đồng.

 Bắc Ninh là mảnh đất của trăm nghề, nhiều nghề tinh xảo. Những làng nghề, những gia đình chuyên làm nghề với đông đảo các thế hệ nghệ nhân ở khắp các làng xã như: đúc gò đồng Hè Nôm, Đại Bái, Quảng Bố, Đào Viên; gốm Phù Lãng; mộc Vĩnh Kiều, Phù Khê, Đại Đồng, Chóa, Khúc Toại; dệt Đình Cả, Xuân Ổ, Vọng Nguyệt…

Chính các làng nghề với đội ngũ các thế hệ nghệ nhân tài hoa đã tạo nên nhiều sản phẩm, nhiều công trình nghệ thuật kết tinh những giá trị tinh hoa của nghệ thuật dân tộc và giàu bản sắc Bắc Ninh – Kinh Bắc. Đây là một biểu hiện cụ thể và sinh động bản sắc nghệ sỹ của người Bắc Ninh truyền thống.

“Ăn xứ Bắc, mặc xứ Kinh” là câu ca từ xưa ca ngợi người Bắc Ninh vừa sành ăn, vừa tài khéo chế biến các món ăn. Theo cuốn “Văn hóa ẩm thực Kinh Bắc” của Trần Quốc Thịnh (xuất bản năm 2004) thì người Bắc Ninh chế biến được 1.000 món ăn, đồ uống truyền thống, trong đó có hơn 700 món ăn thường gặp, 62 món ăn đặc sản, hàng chục loại cỗ khác nhau, 39 loại bánh, 25 loại xôi chè, 12 loại đồ uống…

Với tài năng chế biến tinh xảo, cầu kỳ, đặc biệt là sự đảm đang tài khéo của người phụ nữ Bắc Ninh, với những món ăn nổi tiếng: Nem Bùi Xá, phu thê Đình Bảng, bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm, tương Đình Tổ, cháo thái Đình Tổ, cỗ chay Đào Xá…

Chủ nhân của nhiều loại hình nghệ thuật của người Việt 

Được coi là mảnh đất của nghệ thuật, Bắc Ninh là quê hương của các công trình chùa tháp, những đại danh lam cổ kính vào bậc nhất của nước nhà, đồng thời có nhiều ngôi đình kiến trúc quy mô, điêu khắc đắp vẽ tinh xảo, hội tụ tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trang trí của dân tộc.

Người Bắc Ninh, với trí tưởng tượng phong phú mang tính khái quát và nghệ thuật cao là tác giả của các câu tục ngữ, ca dao, những chuyện cười, truyện cổ tích, truyền thuyết điển hình của người Việt với những triết lý về nhân sinh, về vũ trụ rất sâu sắc giàu giá trị nhân văn như: truyền thuyết, cổ tích thời hồng hoang “Ông Đùng, bà Đoàng”, “Ông Đổng”, “Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân – Âu Cơ”, “Phù Đổng Thiên Vương”, “Tấm Cám”…

Trong diễn xướng dân gian như: hát ví, trống quân, tuồng, chèo, rối nước, ca trù… cũng đều có ở Bắc Ninh từ rất lâu đời. Nhiều học giả nghiên cứu cho rằng, nhiều loại hình diễn xướng dân gian nêu trên có nguồn gốc từ xứ Bắc – Bắc Ninh như: chèo, diễn tuồng và riêng ca trù đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể, cần được bảo vệ khẩn cấp. Đáng chú ý là các loại hình riêng của Bắc Ninh như Trống Cổ bộ (Thị Cầu), Chèo Chải Hê (Lũng Khê – Tam Sơn).

 Đặc biệt là những làn điệu Dân ca Quan họ đặc sắc ngọt ngào, da diết, xao xuyến lòng người của một vùng quê trù phú, giàu truyền thống văn hoá và lịch sử bậc nhất đồng bằng Bắc Bộ. Đây là loại hình dân ca chỉ có ở 44 làng thuộc tỉnh Bắc Ninh và 5 làng thuộc tỉnh Bắc Giang. Dân ca Quan họ là di sản văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo của Bắc Ninh – Kinh Bắc, đã kết tinh và hội tụ nhiều giá trị về văn hóa và nghệ thuật dân tộc, được đánh giá là đỉnh cao của thi ca và âm nhạc dân tộc, đồng thời thể hiện triết lý nhân sinh dân tộc và nhân loại. Dân ca Quan họ đã được UNESCO công nhận và vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 30/9/2009.

Bên cạnh những dòng nghệ thuật, người Bắc Ninh đã sáng tạo ra dòng tranh dân gian Đông Hồ, một loại hình nghệ thuật riêng độc đáo, đạt đến trình độ nghệ thuật cao, kết tinh những giá trị của văn hóa nghệ thuật dân tộc. Tranh dân gian Đông Hồ đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy, trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và đang được Chính phủ cho phép lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.

Bắc Ninh – Kinh Bắc không chỉ là quê hương của nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian nổi tiếng và đặc sắc. Nơi đây còn là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của dân tộc. Trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng nền văn hiến Việt Nam, Bắc Ninh – Kinh Bắc đã cống hiến nhiều nhân tài kiệt xuất trên lĩnh vực văn hóa. Triều An Dương Vương, có Cao Lỗ Vương – nhà kiến trúc sư thành Cổ Loa, một danh tướng tài ba, người sáng tạo “nỏ thần” được tôn vinh là ông tổ của ngành quân khí Việt Nam. Thiền sư Vạn Hạnh với trí tuệ uyên bác và nhãn quan chính trị nhạy bén đã đưa Lý Công Uẩn lên ngôi – khai mở vương triều Lý. Những bậc minh quân – nhà chính trị kiệt xuất đồng thời là những nhà văn hóa lớn của dân tộc như đức vua Lý Thái Tổ với “Chiếu dời đô” – bản Thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học Việt Nam, vua Lý Nhân Tông kiêm nhạc sỹ tài danh… Các bậc danh nhân khoa bảng của đất Bắc Ninh – Kinh Bắc đều ra làm quan, cống hiến tài năng, tâm đức cho công cuộc kinh bang đất nước, xây dựng và phát triển nền văn minh Đại Việt, văn hiến Kinh Bắc, thiết thực nâng tầm văn hóa nghệ thuật dân gian vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc giàu chất bác học.

Phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, những người con của Bắc Ninh đương đại đã trở thành những nghệ sỹ tiêu biểu của đất nước ở tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật, được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, các danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú như: Nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Phan Hách; Nhà thơ Thế Lữ, Hoàng Cầm; Họa sỹ Tô Ngọc Vân, Hoàng Tích Trù; Nhạc sỹ Huy Du, Nguyễn Đức Toàn; Diễn Viên: Xuân Hinh, Thúy Cải, Thúy Hường, Tự Long, Quốc Trượng… Và nhiều văn nghệ sỹ tài danh khác. Họ là hiện thân của văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Về thăm Bắc Ninh – Kinh Bắc là về với miền đất đẹp như trong cổ tích với chất men say Quan họ đã khiến bao người phải lòng, thương nhớ để cùng tưởng nhớ về các bậc tiền nhân và gặp gỡ những người con của đất Bắc Ninh – Kinh Bắc đương đại đang căng tràn sinh lực và đầy khát vọng vươn xa hội nhập hôm nay./.

Xổ số miền Bắc