BÀN VỀ 25 ĐỊNH NGHĨA VĂN HÓA – PHẦN 1 (CHU TẤN) — Bức Tranh Vân Cẩu

“…có đặt “con người toàn thể” trong tương quan “Quốc gia Dân Tộc, mới xác định được hướng đi của Văn Hóa. Đây là tư tưởng và là chủ trương đứng đắn và sâu sắc của chúng tôi khi khẳng định Văn hóa có Tính Quốc Dân…”

————————

Trong thời đại bùng nổ cuộc “cách mạng truyền thông” (cuối thế kỷ 20) và thời đại “Toàn Cầu Hóa” hiện nay (Thế Kỷ 21) đề tài văn hóa, khái niệm văn hóa, nội dung và bản sắc văn hóa dân tộc, hay “thời đại văn hóa “toàn cầu hóa” v.v.. không những đã trở thành quá phổ thông, mà còn được các bộ môn khoa học nhân văn không ngừng nghiên cứu và đào sâu hơn bao giờ hết…. Tuy nhiên cũng không có một danh từ nào bao la và khó định nghĩa như danh từ văn hóa… Người ta còn nhớ năm 1952 hai nhà nhân loại học nổi danh người Mỹ là A. Kroeber và C. Kluckhohn trong tác phẩm “Culture – a critical review of concepts and definitions” (Văn Hóa – tổng luận phê phán các quan niệm và định nghĩa) đã tổng kết và thử liệt kê có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa! Trong lần xuất bản thứ hai của cuốn sách trên, số định nghĩa đã được cập nhật lên tới 200! (1) Cho đến nay số lượng định nghĩa về văn hóa không biết đã tăng lên bao nhiêu! Việc đi tìm một định nghĩa “chính xác” và “đây đủ” về văn hóa được nhiều người chấp nhận, là điều khó khăn vô cùng! Trong bài này, chúng tôi chỉ xin giới hạn nêu ra 25 định nghĩa về văn hóa tiêu biểu nhất từ xưa cho đến nay để chúng ta cùng nhận định và thảo luận.

I- Nhận Định Về 25 Định Nghĩa Văn Hóa Tiêu Biểu

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Nhất: Có thể coi đây là định nghĩa GỐC về văn hóa, vì danh từ Văn Hóa (Culture, tiếng Pháp, và tiếng Anh; Tiếng Đức là Kultur; Tiếng Nga là Kultura) đều bắt nguồn từ tiếng gốc Latinh là “Cultus” nghĩa là gieo trồng, trồng trọt được dùng theo nghĩa Cultus Agri là “gieo trồng ruộng đất” và Cultus Animi là “gieo trồng tinh thần” tức là sự giáo dục, giáo dưỡng tâm hồn con người. Xem thế từ nguyên nghĩa Latinh Cultus hay văn hóa có tác dụng chính là “trồng cây” hay “Trồng người” nói theo Quản Trọng “Kế hoạch trăm năm không gì bằng “trồng Người” (Bách niên chi kế mạc như “thụ nhân”).

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Hai: Rút ra từ lời thoán trong quẻ Bí của Kinh Dịch mà học giả Nguyễn Đăng Thục có đề cập tới trong bài “Thế Quân Bình Văn Hóa Việt Nam”

“Quan thiên văn dĩ sát thời biến, quan nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ”.

(Nhìn hiện tượng trên trời để xét sự biến đổi của thời tiết. Nhìn hiện tượng của nhân quần xã hội để hóa nên thiên hạ thay đổi thế giới”).

“Theo nghĩa đen thì chữ Văn ở trong câu thoán từ này là cái đã hiện ra cho mắt thấy tai nghe, có tương quan với vật khác. Và chữ Hóa là có ý nghĩa đổi khác theo mục đích nào. Ý nghĩa của Văn thì tĩnh, ý nghĩa của Hóa thì động”…(2)

Vẫn theo học giả Nguyễn Đăng Thục thì “Văn hóa là tất cả những cái gì của nhân loại để điều hòa thích ứng với hoàn cảnh đặng sinh tồn, hoàn cảnh, địa lý khí hậu hay là thiên nhiên” “Quan nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ” là điều hòa thích ứng hoàn cảnh xã hội lịch sử mà nhân loại chủ động hóa thành.”

“Đây là định nghĩa văn hóa hết sức tổng quát, mà cũng hết sức xác thực của truyền thống cổ truyền Á Đông vốn đứng ở quan niệm biến dịch để nhìn nhận sự vật một cách hội thông, chứ không nhìn nhận vụn vặt “Thánh nhân hữu dĩ kiến thiên hạ chi chí đồng nhi quan kỳ hội thông (Hệ Từ Dịch). Bậc thánh nhân có thấy được cái động biến không ngừng của thiên hạ mà nhìn nhận ở phương diện tổng quát hội thông nghĩa là cả ở phương diện động lẫn phương diện tĩnh vậy. Quan niệm ấy xác thực vì nó luôn luôn đi sát với hoàn cảnh thực tế, không rời xa xã hội, để quan niệm văn hóa ở trừu tượng. Và như vậy thì văn hóa cũng như xã hội cũng không thể rời khỏi được hoàn cảnh địa lý khí hậu và lịch sử là khung cảnh trong đó nó trưởng thành và khai diễn. Cho nên chúng ta không thể quan niệm một nền văn hóa cho dân tộc này, theo như ý người ta muốn, không cần để ý đến hàng ngàn năm lịch sử “Văn hiến chi bang” với bao nhiêu thế hệ tích lũy, những kinh nghiệm chồng chất trên giải đất “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” này vậy. Văn hóa đã là toàn diện sinh hoạt của xã hội, một mặt nó có tính cách luôn luôn biến đổi không ngừng, trừ những văn hóa nào đã chết như văn hóa Ai cập, hay Can Đê chẳng hạn. Một mặt văn hóa có tính cách bền vững, vì nó là cái cây mà gốc rễ mọc sâu trong quá khứ, truyền thống, ngọn thì vươn tới cái tương lai vô cùng. Lấy toàn thể mà nói thì văn hóa của một xã hội có tính cách bền vững còn lấy từng bộ phận mà nói thì có sự thay đổi biến hóa. Bền vững hay sự thay đổi, là 2 phương diện hỗ tương của văn hóa. Cho nên ở giai đoạn lịch sử nhất định nào, một dân tộc hay một nhóm người đã trưng bày ra một thế quân bình của Văn hóa, biểu thị cái trạng thái, quân bình của xã hội trong đó cá nhân tìm thấy quân bình ở tâm hồn mình, quân bình giữa cá nhân và đoàn thể, bên trong xã hội và quân bình giữa xã hội với hoàn cảnh tự nhiên của nó. Ấy là thời đại thịnh vượng của lịch sử dân tộc. Ở giai đoạn suy đồi của lịch sử, và xã hội mất quân bình nội bộ, khủng hoảng trong tinh thần. Bởi vì giữa tinh thần cá nhân và hoàn cảnh xã hội có một sự quan hệ mật thiết với nhau.”…

Qua đoạn văn bình luận hết sức sâu sắc của học giả Nguyễn Đăng Thục mà chúng tôi trích dẫn ở trên chúng ta thấy định nghĩa thứ hai về Văn Hóa theo Kinh Dịch có 5 ưu điểm sau:

Văn hóa là sản phẩm của con người hay do con người sáng tạo ra.

Văn hóa luôn gắn bó với hoàn cảnh khí hậu thiên nhiên cùng lịch sử, xã hội con người.

Nội dung của văn hóa luôn luôn có 2 mặt “TỊNH” và “ĐỘNG” hay ‘BỀN VỮNG” và “BIỀN ĐỔI”

Phải quán xét văn hóa một cách tổng quan trên cả hai mặt “Động” và “Tịnh” mới có thể “Hội Thông” được chân tướng hay “Bản chất” của văn hóa.

Văn hóa có sứ mệnh thăng hoa con người và xã hội, thay đổi thế giới.

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Ba: Của học giả Lưu Hướng Trung Hoa. Tại Trung Hoa, có lẽ Lưu Hướng là người đầu tiên giải thích về khái niệm Văn Hóa. Trong bộ Thuyết Uyển của Lưu Hướng, quyển 15, Chỉ Vũ có đoạn: (3)

“Phàm vũ chi hưng, vị bất phuc dã, Văn hóa bất cải, nhiên hậu gia tru” (Phàm là dùng đến vũ lực thì đều là vì có người không chịu quy phục. Khi mà văn trị giáo hóa không thay đổi được họ thì mới tiến hành trừng phạt).

Ảnh hưởng theo lối giải thích Văn hóa của Lưu hướng, nên sau này đa số các bộ tự điển của Việt Nam và của Tầu đều định nghĩa Văn Hóa là dùng Văn để Giáo Hóa con người. Định nghĩa văn hóa thứ ba này dĩ nhiên là thiếu sót rất nhiều, nhưng cũng có ưu điểm là ngắn gọn, dễ hiểu và cũng nói lên được vai trò hay chức năng của Văn hóa là để Giáo hóa con người, cải biến xã hội (Tương tự nghĩa gốc số một và một phần nào giá trị của định nghĩa thứ hai dù chỉ một phần thôi!)

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Tư: Trong cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, học giả Đào Duy Anh theo giới thuyết của Félix Sartiaux mà thích nghĩa Văn hóa là: “Chỉ chung tất cả các phương tiện sinh hoạt”. Trong lời tựa tác giả Đào Duy Anh khiêm tốn trình bày “Quyển sách bỉ nhân soạn đây chỉ cốt cống hiến một mớ tài liệu cho những người muốn ôn lại cái vốn của văn hóa nước nhà, chứ không có hy vọng gì hơn nữa”.

Theo giới thuyết của Félix Sartiaux thì “văn hóa về phương diện động là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng xã hội, về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật, xã hội tổ chức, những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hóa là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhật định, và tất cả những tính chất mà những tác dụng ấy bày ra ở các xã hội loài người”.

Học giả cũng giải thích thêm: “Người ta thường cho rằng văn hóa chỉ những học thuật tư tưởng, của loài người, nhân thế mà xem văn hóa vốn có tính chất cao thượng đặc biệt. Học thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi văn hóa, nhưng phàm sự sinh hoạt về kinh tế, chính trị, và xã hội, cùng hết thẩy các phong tục tập quán, cũng ở trong phạm vi văn hóa. Hai tiếng văn hóa chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người, cho nên ta có thể nói rằng: Văn hóa tức là sinh hoạt… Văn hóa tức là sinh hoạt thì không kể là dân tộc văn minh hay dã man đều có văn hóa riêng của mình, chỉ khác nhau về trình độ cao hay thấp mà thôi.” (4)

“Bỉ nhân biên sách này, cũng dựa theo giới thuyết của Félix Sartiaux mà chia đại khái ra ba bộ phận như sau này:

1-Kinh tế sinh hoạt
2- Xã hội sinh hoạt
3-Trí thức sinh hoạt”.

Định nghĩa văn hóa của Félix Sartiaux mà học giả Đào Duy Anh nêu lên vừa có ưu điểm vừa có khuyết điểm:

Về Ưu điểm có 2:

– Thừa nhận là nội dung văn hóa có 2 mặt “Động” và “Tịnh” như định nghĩa thứ hai của Kinh Dịch đã nói ở trên.

– Văn hóa là tất cả các phương diện sinh hoạt chứ không riêng “trí thức sinh hoạt” mới là văn hóa (như một số người đã hiểu lầm)

Về Khuyết điểm:

– Chỉ nêu lên tác dụng của văn hóa còn bản chất văn hóa là gì? Ngay Félix Sartiaux cũng chưa xác định được mà chỉ nói chung chung….

– Văn Hóa bắt nguồn từ đâu? Cứu cánh của Văn hóa là gì Félix Sartiaux chưa đào sâu!

– Có mấy loại hình văn hóa? Như thế nào Félix Sartiaux cũng chưa nắm rõ! Thì làm sao phát triển được văn hóa?

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Năm: của một nhà văn, nhà chính trị Pháp: Edouard Herriot: “Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”.

(La culture c’est ce qui reste quand on a tout oublié; C’est ce qui manque quand on a tout appris).

Đây là một định nghĩa “tuyệt hay” và vô cùng sâu sắc, độc đáo, lại như “ẩn một nụ cười”….

– Tuyệt hay, vì tác giả không cần định nghĩa văn hóa sao cho “dầy đủ” mà chỉ lưu tâm bậc nhất đến “tinh nghĩa” thuộc về “bản chất” hay “cái Hồn” của Văn hóa mà thôi!

– Vô cùng độc đáo và sâu sắc vì: tác giả nêu lên 2 điểm thuộc về Đặc tính của Văn Hóa “Cái Còn lại” “sau khi Quên”- “Đã học” mà “vẫn thiếu”… Lạ nhỉ ! Văn hóa là “cái còn lại” sau khi người ta đã quên tất cả! Đã quên tất cả thì đâu còn nhớ điều gì! Nhưng cái muốn quên mà không quên được vì là điều “quá tinh vi”, “quá uẩn áo” đã đi vào tiềm thức hay đã đi vào“cốt tủy”của con người.Điểu gì đã đi vào được “tiềm thức sâu thẳm nhất hay đã đi vào “cốt tủy” của con người –Chính cái “cột tủy”cái “còn lại đó” mới là văn hóa! Điều kỳ diệu thứ hai: “Muốn tìm hiểu văn hóa người ta phải đọc học tất cả! Khi đã đọc học tất cả, người ta tưởng là đã hiểu được văn hóa là gì! Nhưng không đâu! Khi đã học tất cả rồi người ta vẫn cảm thấý “Thiếu”cần phải “học thêm nữa”Vậy là vẫn chưa hiểu văn hóa là gì hay sao?Lại cần phải học thêm nữa…Biển học mênh mông mà …

– Sau khi định nghĩa văn hóa một cách độc đáo sâu sắc nhất như trên, tác giả Edouard Herriot lại như ẩn một nụ cười“Quí vị….cứ tìm hiểu thật kỹ về văn hóa đi nhé! Nghiên cứu cho thật thâm sâu…. Quí vị ráng tìm ra một định nghĩa “xác thực nhất”, “đầy đủ nhất” đi nha! Nhưng …quí vị cũng coi chừng đấy… Điều mà quí vị nghiên cứu hay cả “khám phá” ra biết đâu chỉ là “cái xác” cái “cặn bã” còn “cái Hồn” của văn hóa đã bay xa rồi! (Smile)

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Sáu: của học giả Hồ Hữu Tường: Trong cuốn sách mỏng nhưng đọc rất thích thú và hấp dẫn vô cùng:“Tương lai Văn Hóa Việt Nam” (5) Học giả Hồ Hữu Tường đã định nghĩa “Văn Hóa là cái gì làm cho con người trở thành NGƯỜI (Người Viết Hoa) .

Đây cũng là một định nghĩa sâu sắc độc đáo và mới lạ

– Trong “Tương Lai Văn Hóa Việt Nam” học giả Hổ Hữu Tường đã lên tiếng “chê” định nghiĩa “văn hóa gốc” của Tây phương chỉ là “trồng trọt” …

– Vẫn theo Hổ Hữu Tường thì văn hóa Việt Nam là vô cùng phong phú, vô cùng cao quí và vĩ đại…. Tác giả ví như người đã tình cờ (hay thị kiến-tiên tri thấu thị….) khám phá thấy Văn Hóa Việt Nam là cả một kho tàng không những lớn lao mà còn qúi giá hơn vàng ngọc châu báu nữa cơ.. ..Lớn tới nỗi một mình tác giả- cho dù suốt đời- cũng không thể nào khám phá hay khai thác hết được nên tác giả phải lên tiếng GỌI ĐÀN….

– Lối định nghĩa văn hóa của Hồ Hữu Tường không những sâu sắc, độc đáo mà còn mới lạ nữa. Mới lạ ở điểm: Hồ Hữu Tường là người đầu tiên tại Việt Nam đề cập tới sứ mạng của văn hóa. Văn hóa không chỉ có vai trò hay tác năng giáo hóa con người mà cao hơn thế, văn hóa có SỨ MẠNG làm cho con người trở thành NGƯỜI (Chữ Người Viết Hoa) Tới đây có người sẽ hỏi: Chữ người “viết thường” với chữ “Người viết Hoa” khác nhau như thế nào? Xin thưa chữ người viết thường là con người “bình thường” như tất cả chúng ta (Vừa có tốt vừa có xấu…) hay còn gọi là con “người phàm” (phàm phu) Mà đã là con người phàm phu là con người “bất toàn” (còn rất nhiều khuyết điểm-vì nhân vô thập toàn mà…-Còn chữ NGƯỜI (viết hoa) là con Người hoàn hảo đạt tới cứu cánh CHÂN THIỆN MỸ. Tất cả đều hoàn thiện ở nơi mình hay còn gọi là con người TOÀN VẸN TRỌN LÀNH. Dĩ nhiên đây chỉ là “lý tưởng”, nhưng đích thực văn hóa quả có sứ mạng đó.Chỉ với một định nghĩa ngắn gọn này, Hồ Hữu Tường đã đưa Văn Hóa Việt Nam trở thành một cái “Đạo của Dân Tộc” (Trước Hồ Hữu Tường nhà văn hóa lớn Lý Đông A cũng chủ trương đưa Văn Hóa Việt trở thành một Đạo Sống của dân tộc) Đây là một đề tài rất hay, chúng ta sẽ bàn trong một dịp khác!

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Bảy: Năm 2002, Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, Khoa Học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thống nhất đưa ra một định nghĩa mới về Văn hóa như sau:

“Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn,vật chất,,trí thức, và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống gía trị, truyền thống và đức tin” (6)

Định nghĩa văn hóa của UNESCO có ưu điểm:

– Tương đối đầy đủ…

– Dễ hiểu, phổ thông

– Bao quát nhiều thành tố, nhiều lãnh vực và mô hình văn hóa

– Trung thực trung dung (bằng cách nêu lên những đặc trưng của văn hóa: từ “tâm hồn,vật chất, trí thức, và xúc cảm, văn học, nghệ thuật… lại thêm cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin…

Mặc dầu vậy, định nghĩa trên cũng còn một vài ba khuyết điểm:

– Chưa xác định rõ bản chất văn hóa là gì?

– Không đề cập đến tính chất “Động –Tĩnh” của văn hóa

– Không đề cập đến chức năng và sứ mệnh của văn hóa…

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Tám: của học giả Đỗ Trọng Huề. Trong cuốn “Một cách nhìn khác về Văn Hóa Việt Nam” tác giả Mặc Giao (7) đã đề cập đến định nghĩa Văn Hóa của học giả Đỗ Trọng Huề (8) mà chúng tôi xin trích lại nguyên văn như sau:

“Học giả phân tích Văn hóa theo bốn nghĩa: hai nghĩa hẹp và hai nghĩa rộng Nghĩa hẹp thứ nhất Văn Hóa chỉ kiến thức hay học vấn, Khi khen một người có văn hóa cao là khen người đó có kiến thức hay học vấn cao.Khi chê một người thiếu văn hóa có nghĩa là người đó ít học, hay kiến thức kém.

Theo nghĩa hẹp thư hai Văn Hóa dùng để chỉ văn chương và nghệ thuật, trong đó có đủ cả các bộ môn ca, nhạc, vũ hội họa, điêu khắc, kiến trúc, kịch trường,điện ảnh, Nghĩa này được dùng khi nói tới một công trình văn hóa, tác phẩm văn hóa,trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, đêm văn hóa, trình diễn văn hóa, triển lãm văn hóa.

Nghĩa thứ ba là nghĩa rộng,Văn Hóa chỉ phần sinh hoạt của loài người, trong lĩnh vực tinh thần. Đó là nhũng học thuyết, những triết thuyết, đưa dẫn suy tư của con người,lên một bình diện cao hơn đời sống vật chất thường ngày. Những Khổng Tử, Lão Tử, Socrates, Platon…là những người đã nâng cao trình độ văn hóa của nhân loại.Thêm vào đó là những tìm tòi và tin tưởng có tính cách tâm linh hay nói nôm na là những niềm tin tôn giáo,những tin tưởng về những gì xảy ra trong cõi vô hình, có khả năng chi phối ngay trong và sau cuộc sống hiện tại.Văn hóa thăng hoa của tinh thần khác biệt với những tiến bộ về vật chất, được gọi là Văn Minh. Văn Minh là những tiến bộ về kỹ thuật nhằm cải biến đời sống vật chất của con người. Văn Hóa gồm đạo đức, luân lý, tôn giáo, nâng con người lên trong lĩnh vực tinh thần.

Tuy nhiên nếu văn hóa được dùng để chỉ chung sinh hoạt của con người, sinh vật thượng đẳng trong vũ trụ, khác với tất cả các loài cầm thú thì ở nghĩa thứ tư, nghĩa rộng nhất ,Văn Hóa bao gồm cả Văn Minh vì Văn Hóa chính là sư tiến bộ của con người, cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất hầu làm cho đời sống con người, được hạnh phúc hơn, phong phú hơn. Hay nói cách khác, là tiến gần tới Chân Thiện Mỹ, lợi và thú hơn. Nghĩa rộng thứ tư này có thể được dùng như một định nghĩa cho Văn hóa”.

Ưu điểm của định nghĩa này:

Tác giả khéo chia thành 4 trình độ nhân thức về Văn Hóa: Hai nghĩa hẹp và hai nghĩa rộng để giúp cho độc giả dù không phải chuyên viên nghiên cứu về văn hóa hay thậm chí là người sơ cơ, hay lần đầu tiên muốn đọc học tìm hiểu về Văn Hóa cũng hiểu được nội dung Văn hóa rộng hẹp cao thấp như thế nào. Lối trình bầy diễn giải về Văn Hóa của học gỉa Đỗ Trọng Huề theo phương pháp sư phạm đi từ dễ đên khó, từ thấp lên cao rất giản dị, rõ ràng khúc triết nên đạt tính chất phổ thông và theo hướng đại chúng hóa Văn Hóa Đây là một điểm son lớn của tác giả.

Trong nghĩa rộng thứ nhất tác giả đã giải thích khá rõ sự khác nhau giữa Văn Hóa và Văn Minh. Văn Hóa (Culture) là sự tiến bộ về Tinh Thần. Văn Minh( Civilisation) là sự tiến bộ của con người về mặt Vật Chất, thiên về Kỹ thuật và Văn Minh đòi hỏi xã hội phải tiến tới một trình độ kỹ thuật nào đó mới gọi là Văn Minh (Thí dụ văn minh nông nghiệp, văn minh cơ khí…) trong khi Văn Hóa không cần đòi hỏi một trình độ kỹ thuật nào cả. Sự khác nhau giữa Văn hóa và Văn Minh còn ở điểm: Văn Minh thuộc về lãnh vưc vật chật, kỹ thuật nên có tính chất quốc tế, trong khi Văn Hóa có tính cách quốc gia hay khu vực (Văn Hóa Việt, Văn Hóa Nhật, Văn Hóa Thái Lan, Văn Hóa Đông Phương, Văn Hóa Tây Phương v.v…)

Trong nghĩa rộng thứ hai: Tác giả lại minh giải: Tuy giữa 2 danh từ Văn Hóa và Văn Minh có sự khác nhau như trên, nhưng Văn Hóa là sư tiến bộ của con người trên cả 2 phương diện Tinh Thần lẫn Vật Chất nên nội dung Văn Hóa bao gồm cả Văn Minh vì cùng đem đến Hạnh phúc lợi lạc cho con người nên nghĩa rộng thứ hai này là là nghĩa rộng nhất và được coi như Định Nghĩa Văn Hóa của tác gỉa.

Khác với các định nghĩa Văn Hóa khác chú trọng đến việc tìm hiểu Bản Chất Văn Hóa là gì (What?) Tác năng hay chức năng Vân Hóa ra sao? Tìm hiểu các mặt “Động Tịnh” của Văn Hóa v..v.. Học giả Đỗ Trọng Huề không có ý định giải nghĩa Văn Hóa theo hướng đó Tác giả chỉ muốn giúp độc giả hiểu nội dung văn hóa hẹp rộng như thế nào (How?) mà thôi. Chúng ta cần tôn trọng ý hướng định nghĩa Văn Hóa của tác giả và không thể đòi hỏi gì hơn.

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Chín: của Pitirim Alexandrovich Sorokin người sáng lập khoa Xã Hội học của Đại Học Harvard:

“Với nghĩa rộng nhất Văn Hóa chỉ tổng thể những gì được tạo ra ,hay được cải biến bởi hoạt động có ý thức hay vô thức của hai hay nhiều cá nhân tương tác với nhau và tác động động đến lối ứng xử của nhau” (9).

Đây là định nghĩa Văn Hóa theo góc độ tìm hiểu về nguồn gốc (Tìm hiểu những thành tố tạo nên văn hóa đến từ đâu,…tương tác với nhau ra sao) Với loại định nghĩa có góc nhìn đặc biệt này, người viết chỉ xin nêu lên các đặc điểm, còn việc nhận định ưu khuyết điểm xin để giành quí độc giả xét đoán.

Đặc điểm của định nghĩa này:

Vì nội dung Văn hóa quá bao la –Nói theo kiểu các nhà bình luận trong nước –là “nội hàm” văn hóa rất lớn- nên tác giả gọi văn hóa là tổng thể” những gì được tạo ra là rất đúng, rất trung thực …Theo chúng tôi, chữ dùng “tổng thể” không những “trung thực” và còn “đắc địa” nữa.

Văn hóa được tạo thành bởi những hoạt động có “ý thức” hay “vô thức” của con người. Khen cho con mắt tinh đời (Kiều), Tác giả đã có lối nhìn chính xác và trung thực, toàn vẹn về con người… ( Ngày nay những nhà tâm lý học, nhất là những nhà tâm lý học miền sâu đểu công nhận rằng “Ý thức” chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng “vô thức” hay “siêu thức” vô biên vô lượng … còn ẩn tàng trong con người). Có ai trong chúng ta có thể nào phủ nhận “vô thức” không là thành tố quan trọng của Văn Hóa hay không?

Các hoạt động ý thức hay vô thức của con người, không chỉ “tương tác” với nhau, mà còn “tác động” đến lối “ứng xử” của nhau nữa..Do trên nội dung Văn Hóa không chỉ “đa dạng”, “rộng lớn: mà còn “sâu thẳm” nữa….

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Mười: Theo “Đại từ điển Tiêng Viêt”- của Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn hóa Việt Nam “Văn hóa là những gía trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong Lịch sử” (10)

Đặc điểm của định nghĩa thư mười này:

Tuy không nêu ra được điều gì mới, nhưng tương đối ngắn gọn và mang tính phổ thông.

Xác nhận Con người là chủ thể của Văn hóa.

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Mười Một: của nhà nhân loại học người Anh Edward Burnett Taylor. “Văn Hóa hay Văn Minh hiểu theo nghĩa rộng trong dân tộc học là một tổng thể phức hợp gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đao đức, luật pháp phong tục và bất cứ khả năng tập quán nào mà con người thu nhận được với tư cách là một thành viên của xã hội” (11).

Đây là cách định nghĩa theo miêu tả: Tác giả tìm hiểu nội dung Văn Hóa bao gồm những yếu tố nào thì cố gắng liệt kê ra cho đầy đủ.

Đặc điểm của định nghĩa thứ 11:

Tác giả định nghĩa tổng quát Văn Hóa là một “tổng thể phức hợp” Cách gọi này đa số người đồng ý, nhưng cũng có một ít người không đống ý hay chê trách và lên tiếng phản bác….

Tác giả quan niệm Văn Minh theo nghĩa rộng thì đồng nghĩa với Văn Hóa

Nội dung Văn Hóa gồm 7 yếu tố: Kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, tập quán…..

Không những thế, văn hóa còn là bất cứ những khả năng, tập quán nào mà con người thu nhận được từ…xã hội.

Định nghĩa này không đề cập đến những giá trị vất chất, cũng là một thjếu sót lớn.

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Mười Hai: của UNESCO Tháng 11 năm 1989. “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động” (12)

Đặc điểm của định nghĩa thứ 12:

Chính văn hóa làm thành bản sắc bản lĩnh của mỗi dân tộc khác nhau.

Trong định nghĩa Văn Hóa thứ 11 của E B Taylor đã bỏ sót giá trị vất chất nên UNESCO 1989 đã bổ sung “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất (tức gía trị vật chất) cho đến tín ngưỡng, phong tuc, tập quán, lối sống và lao động” (giá trị tinh thần).

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Mười Ba: Của Nhà Xã Hội học Mỹ Wiliam Isaas Thomas. “Văn hóa là các giá trị vật chất và xã hội của bất kỳ nhóm người nào (các thiết chế, tập tục, phản ứng cư xử” (13).

Đây là cách định nghĩa văn hóa nhằm xác định những chuẩn mực, hay những bảng giá trị xã hội và thời đại.

Đặc điểm và hệ luận của định nghĩa này:

Trong Văn Hóa tác giả đưa ra 2 loại giá trị “Giá trị vật chất & Giá trị xã hội. Thực ra trong văn hóa Đông Phương và Việt Nam, còn nhiều giá trị khác, chứ không phải chỉ có 2 loại giá trị này mà thôi.

Chúng ta cần nghiên cứu kỹ để bổ sung thật đầy đủ các giá trị hình thành văn hóa Việt Nam. Nhiên hậu, chúng ta mới có thể thiết dựng “Bảng gía trị mới” trong “Dân tộc Học” và “Văn hóa Học” Việt Nam.

Cánh cửa mới đã được mở ra đang chờ những nhà nghiên cứu Văn Hóa Văn Minh Văn Hiến Việt Nam bước vào….

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Mười Bốn: của 2 nhà học giả Mỹ William Graham Sumner và Albert Galloway Keller thuộc Đại học Yale. “Văn Hóa là tổng thể những thích nghi của con người với các điều kiện sinh sống của họ chính là văn hóa hay văn minh…Những sự thích nghi này được bảo đảm bằng con đường kết hợp những thủ thuật như biến đổi, chọn lọc và truyền đạt bằng kế thừa” (14).

Đặc điểm của định nghĩa thứ 14:

Lối định nghĩa này áp dụng khoa Tâm Lý học điều hòa, thích nghi, thích ứng với môi trường thiên nhiên cũng như xã hội, kể cả ứng phó với thiên tai (do thiên nhiên gây ra (bão lụt, hỏa hoạn, sóng thần …) đến nhân tai (Do con người tạo ra như áp chế, độc tài bạo lực và chiến tranh) nhất là ứng phó với những mâu thuẫn xã hội, quốc gia và quốc tế.

Công việc thích nghi với môi trường, là cả một quá trình học hỏi rèn luyện hình thành thói quen, hình thành nếp nghĩ nếp sống, và lối ứng xử của con người trở thành tập tục và truyền thống.

Tác giả lưu ý chúng ta, những thích nghi của con người được bảo đảm bằng con đường “kết hợp” những thủ thuật như “biến đổi” “chọn lưa”và “truyền đạt” bằng “kế thừa”

Các nhà nghiên cứu Âu Mỹ ít người nhìn vấn đề biến dịch theo quan niệm “Âm Dương” “Động- Tĩnh” như cách nhìn của Kinh Dịch. Nhưng bằng những phương pháp và đường lối khác họ cũng khám phá tiến trình của Văn Hóa là tiến trình thích ứng, điều hòa của con người thành hình những “thói quen” nếp nghĩ” “nếp sống”, “truyền thống” và vừa “kế thừa” quá khứ vừa “truyền thừa” cho các thế hệ sau trong tương lai. Đó là mặt TỊNH của Văn hóa .Còn Mặt ĐỘNG là kết hợp những “biến đổi” “Chọn lưa” (lấy cái này bỏ cái kia) “truyền đạt” “kế thừa” và “Truyền thừa” . Giữa 2 mặt TỊNH và ĐỘNG là cây cầu: SỐNG- CÒN- NỐI- TIẾN- HÓA”. Quán chiếu bản chất của Văn Hóa như trên, chúng ta có thể khẳng định 2 mặt TỊNH và ĐỘNG trong Văn Hóa là 2 nguyên lý không thể thiếu được khi chúng ta định nghĩa Văn hóa hay muốn bảo tồn và Phát huy Văn Hóa Việt Nam.

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Mười Lăm: của Ralph một nhà Nhân Loại học Hoa Kỳ.

A- Văn Hóa suy cho cùng là các phản ứng lặp lại ít nhiều có tổ chức của các thành viên xã hội.

B- Văn Hóa là sự kết hợp giữa lối ứng xử mà các thành tố của nó được các thành viên của xã hội đó tán thành và truyền lại nhờ kế thừa” (15)

Lối định nghĩa này theo cấu trúc chú trọng về mặt tổ chức, cấu trúc của các nền văn hóa.

Đặc điểm và hệ luận của định nghĩa này:

Văn hóa suy cho cùng là các phản ứng lặp lại ít nhiều có tổ chức của các thành viên xã hội.. Có nghĩa là các thành viên trong xã hội tạo nên các phản ứng có tổ chức –lập đi lập lại ít hay nhiều như thế nào thì Văn hóa có sắc thái hay bản lĩnh đó.

Văn Hóa là sự kết hợp giữa các lối ứng xử mà các thành tố của nó được các thành viên của xã hội đó tán thành và truyền lại nhờ kế thừa, có nghĩa là các lối ứng xử không phải của từng cá nhân mà lề lối ứng xử về bất cứ phương diện nào, hoàn cảnh nào, thành tố nào phải được các thành viên trong xã hội tán thành mới thành “thói quen”, “tập tục” hay “truyền thống” được kế thừa từ tổ tiên hay truyền thừa lại cho các thế hệ sau.

Khoa Văn Hóa Tổ chức nay đã được nghiên cứu sâu rộng tại các Quốc Gia tân tiến Âu Mỹ, trong khi khoa này còn rất mới mẻ tại Việt Nam.

Tuy nhiên chúng ta cần ý thức một cách sáng suốt rằng mỗi khoa hay mỗi phương pháp nghiên cứu văn hóa đều có giới hạn của nó, Hay nói đúng hơn đều có ưu điểm và khuyết điểm và chỉ là phương tiện phụng sự văn hóa và con người mà thôi. Xin đừng ai lầm lẫn giữa “phương tiện” và “cứu cánh” hay nói theo lời Đức Phật dậy “Đừng lầm ngón tay ta và mặt trăng”…

Chưa có thời đại nào các vấn đề “Tôn giáo”, “Văn hóa”, Chính trị và “Xã hội lại quan trọng và liên quan gắn bó mật thiết với nhau, gần như không thể tách rời cho bằng thời đại chúng ta.

Về mặt Tâm linh Minh triết hay mưu lược người Việt không thua kém ai, nhưng về mặt “Tổ Chức” hay “Văn Hóa Tổ Chức” chúng ta còn kém (hay thua kém nhiều lắm!) Chúng ta nên nhìn thẳng vào khuyết điểm này để kịp thời sửa chữa. Bước đầu chúng ta nên đề cao tinh thần “Tự Phê” “Tự Phán” một cách thành khẩn, không nên đổ lỗi cho người mà nên tự mình phải “Phản Tỉnh thâm uyên” (Chữ dùng cùa nhà Văn Hoa Lý Đông A) đề tự phê, tự phán cá nhân mình, cũng như tổ chức của mình!) chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra con đường Sáng, Con đường Sống, cho các tổ chức từ Đảng Phái cho đến Liên Minh, Mặt Trận, Lực Lượng, hay Phong trào chính trị của Phe Quốc Gia, bắt đầu từ hải ngoại cho đến trong nước.!

Cần duyệt xét lại từ nền tảng Nền Văn Hóa Chính Trị Việt!

Chúng ta cần có Tâm linh Việt, Minh Triết Việt, Văn Hóa Việt, Giáo dục Việt, Chính Trị Việt, Xã Hội Việt, Con mắt Việt,Tổ chức Việt và Hành Động Việt. Hãy khóc lên ôi Quê hương yêu dấu!

Đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu thâm sâu Văn Hóa Tổ Chức của Âu Mỹ kết hợp với tinh hoa tổ chức của Văn Hóa Việt Nam.

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Mười Sáu: của PGS Phan Ngọc. Khác với những định nghĩa trước đây thường mang tính chất “Tinh Thần luận” PGS Phan Ngọc muốn định nghĩa văn hóa theo “Thao Tác luận” Thực vậy, trọng cuốn “Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam” tác giả quan niệm: 1/Không có cái vật gì gọi là văn hóa cả và ngược lại bất cứ vật gì cũng có cái mặt văn hóa.2/Văn hóa là một quan hệ..Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại.3/ Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng cho một tộc người, một cá nhân so với một tộc người khác, cá nhân khác Nét khác biệt giữa các kiểu lựa chọn làm cho chúng khác nhau tạo thành nền văn hóa khác nhau là độ khúc xạ 4/ Tất cả mọi cái mà tộc người tiếp thu hay sáng tạo, đều có một độ khúc xạ riêng có mặt ở mọi lãnh vực và rất khác độ khúc xạ ở một tộc người khác.”

Từ những nhận định trên, tác giả đưa ra một định nghĩa Văn Hóa như sau: “Văn hóa là mối quan hệ, giữa thế giới biểu tượng, trong óc của một cá nhân, hay một tộc ngừơi với thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này, hay tộc người này mô hình hóa,theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng.Điều biểu hiện rõ nhất,chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác” (16).

Đặc điểm của định nghĩa thứ 16:

Phải nói ngay rằng các nhận định trên về văn hóa của tác giả Phan Ngọc khá độc đáo và hay.

Điều biểu hiện rõ nhất của văn hóa chính là sự lựa chọn (Thí dụ về cách ăn: Có dân tộc thích ăn bốc, người Việt ăn bằng đũa, người Tây Phương ăn bằng thìa, dao nĩa v.v…- Thí dụ về cách đối xử với người chết: cũng có những chọn lựa khác nhau: địa táng (chôn dưới đất) thủy táng (thả xuống nước) hỏa táng (đốt thành tro) điểu táng (để xác cho chim ăn thịt) ướp xac, tượng táng (biến xác chết thành pho tượng, quét sơn lên để giữ gìn v.v…) Không thể nói kiểu chọn lựa nào hay hơn kiểu chọn lựa nào vì đều là phương cách biểu hiện văn hóa của mỗi cá nhân hay của một dân tộc…

Tuy nhiên văn hóa, không chỉ là “quan hệ”- “giao tiếp”- và “chọn lựa” mà còn nhiều “tác năng” và “chức năng” khác nữa ….. Do đó chúng ta thấy rằng định nghĩa văn hóa theo“Thao tác luận” khá hay và độc đáo, nhưng chính “Thao tác luận” cũng bị “giới hạn” bởi chính :phương pháp” mà tác giả đã chọn lựa!!! chẳng phải thế sao?

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Mười Bẩy: của triết gia Jean Paul Sartre. Trong cuốn “Luận Cương về Văn Hóa Việt Nam” của học giả Vũ Ký có đề cập đến định nghĩa Văn Hóa của triết gia Jean Paul Sartre chúng tôi xin trích lại như sau:

Nói văn hóa là nói sáng tạo, hấp thụ, và lưu truyền cho nên Jean Paul Sartre định nghĩa rất thông thường: “Văn hóa là hiện thể của quá khứ, và dự phóng hiện thể của tương lai” (17)

Tiếp theo trên, là lời nhận định tâm huyết của Học giả Vũ Ký mà chúng tôi rất lấy làm tâm đắc (18).

“Do định nghĩa trên, ta có thể nói đến phương diện tịnh (=hiện thể của quá khứ) và động của văn hóa (=dự phóng hiện thể của tương lai).

“Xét về mặt tịnh, thì hiển nhiên, thực chất văn hóa của một đất nước, trong quá khứ trong hiện tại là đối tượng của sự nghiên cứu. Do đó việc truy nguyên, phân tích nhận định, không khó khăn.Ví dụ: bản sắc nền văn hóa ấy có những đặc tính nào? Các yếu tố hình thành gồm có những gì? Nền văn hóa ấy chịu ảnh hưởng ngoại lai nào? và ảnh hưởng ấy tác động ra sao? v. v.

Nhưng khi xét đến mặt động của văn hóa một dân tộc, nghĩa là sự chuyển vận, lưu hành hiện diện, sự trở nên của nó trong thời gian gần, trong tương lai xa, thì rất phức tạp, không dễ dàng. Cần vận dụng nhiều nghiên cứu sâu rộng và óc khảo sát, nhận định sáng suốt, căn cứ trên các dữ kiện văn hóa, các điều kiện tinh thần, tâm linh của dân tộc ấy cùng nhiều kinh nghiệm về văn hóa sử quốc gia và quốc tế để tiên liệu, đoán trước và định hướng cho nền văn hóa ấy tiến tới trong tương lai.

Các nhà làm văn hóa, các bậc thức giả, nhìn xa thấy rộng có thể gọi nhà tiên tri văn hóa không nhỉ? phải đi tiên phong trong hướng dẫn, chủ trương thúc đẩy văn hóa về mặt động của nó hòng đạt đến mục tiêu tối hậu là xây dựng cho kỳ được một nền văn hóa lương hảo cho cộng đồng dân tộc mình trong mai hậu. Nền văn hóa ấy chẳng những bảo tồn phát huy tinh hoa bản sắc dân tộc mà còn gạn lọc để du nhập chất liệu tốt đẹp, tiến bô ngoại lai hòng nền văn hóa dân tộc mình khỏi sa vào đại họa hậu tiến, biến chất hoặc vong bản. Trách nhiệm định hướng để văn hóa tiến triển cùng sự thể hiện để hình thành nền văn hóa ấy là công trình của cả một tập thể, của cả một cộng đồng, biểu lộ sức sống, ý chí tự tồn tại của cả giống nòi.

Nói đến mặt tịnh của văn hóa, chúng tôi thường dung đến từ ghép “văn hóa sử” biểu hiện tính chất tịnh, và đó là cơ sở, nền tảng của văn hóa sử. Và khi nói đến mặt động chúng tôi cũng dùng các từ “Giòng văn hóa sử” chỉ dẫn tiến trình, chuyển động,vận hành của văn hóa. Có người cho rằng chúng tôi dùng tiếng “sử” trong hai danh từ ghép đó là thừa. Và sở dĩ chúng tôi dùng tiếng văn hóa sử chứ không dùng tiếng văn hóa đơn độc là muốn gồm cho được nhiều giai đoạn văn hóa trên trình tự văn hóa làm nên lịch sử văn hóa của một đất nước. Nền văn hóa sử một đất nước có vững chắc, thì giòng văn hóa sử, mới khỏi chao đảo, nghiêng lệch sai lạc theo thời gian mà tác hại lâu dài đến dân tộc….”

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Mười Tám: của Văn Hào Pháp André Malraux (1901-1976). “Văn Hóa là tất cả các hình thái của nghệ thuật, tình yêu và suy nghĩ, những thứ mà trong sự tồi tệ cũng như trải qua bao nhiêu thế kỷ đã khiến cho con người trở nên ít nô dịch hơn”(19)

Đặc điểm và hệ luận của định nghĩa này:

Nhiều nhà nghiên cứu Văn Hóa Đông phương ảnh hưởng Kinh Dịch thường phân loại các khái niệm văn hóa hay các sư vật quy chiếu vào 3 phạm trù lớn là “Tam Tài” Thiên Địa Nhân hay “Ngũ –Hành” (kim Mộc Thủy Hỏa Thổ) .Văn Hào André Mailraux khi định nghĩa văn hóa đã qui chiếu các yếu tố, tạo nên văn hóa vào 3 phạm trù: “Nghệ Thuật” “Tình yêu” và “Suy nghĩ” thật là tuyệt vời.

Ai cũng phải công nhận rằng “suy nghĩ” hay Tư Duy (Lý trí, Tư Tưởng..) là một phạm trù lớn trong văn hóa vì có suy nghĩ, có tư duy mới phân biệt được phải trái, đúng sai, mới khái quát các hiện tượng rời rạc thành nguyên tắc, thành nguyên lý, thành hệ thống ….tạo thành triết lý, triết học, luật pháp, chế độ v.v….

Nhưng “Nghệ thuật” là sự hài hòa giữa “Lý” và “Tình” là hồn của sáng tạo nên “Nghệ Thuật” cũng là một trong bô ba CHÂN THIỆN MĨ…Do đó nên Văn hào Andre Mailraux người đã có con mắt triết mới đưa nghệ thuật vào 3 phạm trù lớn tạo nên văn hóa là rất đúng.

“Tình Yêu” hay “Tâm hồn” không những là một phạm trù lớn trong văn hóa vì “Nhất âm nhất dương chi vi đạo” (kinh Dịch) mà Tình Yêu còn thăng hoa siêu hóa Lý Tình (Âm Dương) nữa!. Nếu kéo dài trạng thái Tình Yêu (viết Hoa) thì con người sẽ “hòa đồng” cùng vũ trụ. .Đây cũng là câu nói thời danh của triết gia Lục Tượng Sơn thời nhà Tống bên Tầu “Ngô tâm tiện thị vũ trụ, vũ trụ tiện thị ngô tâm”(= Tâm ta ở trong vũ trụ và vũ trụ ở trong tâm ta)

Khi Chúa Jesus nói “Thượng Đế là Tình Yêu” Ngài đã nói về tình yêu theo nghĩa vi diệu nhất này….

Nhà đạo học Oso Ấn Dộ (nhiều người đã coi Olso như vị thày vĩ đại-như một vị Phật sống trong thế kỷ 20 ) có nói rằng: “Chúa Jesus đã nói một câu rất hay “Thượng Đế là Tình Yêu” còn tôi (Olso) tôi nói “Tình yêu là Thương Đế” …

Tình yêu đã quan trọng và vi diệu như vậy mà tại sao đa số những nhà văn hóa it ai đề cập đến tình yêu như một “phạm trù lớn” hay một “thành tố trong văn hóa Tai sao vậy?? …Một phút lắng lòng…. Chúng ta đã hiểu vì sao rồi…..Chính giới trí thức trước hết phải tự chữa bệnh cho mình ….trước khi trở thành người hướng đạo về Văn hóa!

Qua định nghĩa trên, Văn hào Andre Malraux còn kín đáo cho chúng ta biết Văn Hóa có sứ mạng giải phóng con người ra khỏi những cảnh tồi tệ, hay mọi hình thức “nô dịch” hóa con người”.Có điều trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay,vân đề “Tổng hợp’” hay “Tập Đại Thành Văn hóa Động Phương và Tây Phương” cần phải đặt ra như một nhu cầu cấp thiết nhất cho toàn thể nhân loại.Trong Ý hướng đó vấn đề Sứ Mạng Văn Hóa mà các học giả Nguyễn Đang Thục, Hồ Hữu Tường và nhà Văn Hào Andre Malraux đã tiên phong nêu lên, chúng ta cần làm sáng tỏ hơn bao giờ hết! (Vì trong thời đại toàn cầu hóa, với phương tiện thông tin tối tân và nhanh chóng nhất hiện nay không có lý do gì nhân loại phải chờ đợi… thêm nhiều thế kỷ nữa như đã từng chờ đợi trong nhiều thế kỷ đã qua?!)

Sau cùng, muốn bảo tồn và phát huy Văn Hóa, muốn hòa điệu nền Văn Hóa Đông Phương và Tây Phương, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn: Tính Thể Văn Hóa là Gì? Như thế nào?

Ai đó làm thinh chớ nói nhiều….
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu…
(Thơ Hàn Mặc Tử)

Đa tạ thi sĩ siêu thoát Hàn Mặc Tử đã giúp chúng ta cảm nhận một cách sống động thế nào là “Tình Yêu” là “Tinh Nghĩa” là “Bản Chất” hay “Hồn Tính” Văn Hóa Việt Nam…

Xổ số miền Bắc