Bàn về khái niệm đời sống văn hóa và môi trường văn hóa – smot

Bàn về khái niệm đời sống văn hóa và môi trường văn hóa

Tóm tắt: Qua phân tích các văn bản định hướng của Đảng và ý kiến của một số nhà nghiên cứu, bài viết đưa ra thời điểm xuất hiện và quan niệm về các cụm từ đời sống văn hóa, môi trường văn hóa. Nội hàm môi trường văn hoá rộng hơn đời sống văn hoá. […]

Tóm tắt: Qua phân tích các văn bản định hướng của Đảng và ý kiến của một số nhà nghiên cứu, bài viết đưa ra thời điểm xuất hiện và quan niệm về các cụm từ đời sống văn hóa, môi trường văn hóa. Nội hàm môi trường văn hoá rộng hơn đời sống văn hoá. Đời sống văn hoá đề cập đến những điều kiện, những hành vi văn hoá của con người xuất phát từ nhu cầu đặt ra trong từng hoàn cảnh cụ thể của đời sống. Môi trường văn hoá đề cao vai trò chủ động của con người trong các mối quan hệ ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Xây dựng đời sống văn hoá là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nằm trong chiến lược xây dựng môi trường văn hoá. Môi trường văn hoá bao gồm các yếu tố văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể, môi trường tự nhiên và trên hết là những con người hiện diện văn hoá.

Những năm gần đây, trong nhiều bài viết, giới nghiên cứu văn hoá có nói tới hai cụm từ đời sống văn hoá và môi trường văn hoá. Nội hàm hai cụm từ trên như thế nào đang là vấn đề đặt ra, cần sự thống nhất về nhận thức, đồng thời làm rõ sự khác biệt của hai cụm từ trên chính là tạo sự thuận lợi cho nhận thức và hành động trong triển khai xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Đời sống văn hoá là cụm từ mới được sử dụng rộng rãi ở nước ta vào những năm 80, 90 của thế kỷ XX. Tiền thân của cụm từ này là cụm từ đời sống mới, tiêu đề của bài viết dưới dạng hỏi – đáp, công bố năm 1947, tác giả Tân Sinh, một bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bối cảnh ra đời cụm từ này là dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vùng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, đánh đổ thực dân Pháp và tầng lớp thống trị phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (mồng 2 tháng 9 năm 1945). Sau đó, chính quyền nhân dân non trẻ bắt tay vào sự nghiệp kiến quốc và kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Nhiệm vụ cấp bách đối với văn hoá lúc đó là diệt giặt dốt, cổ động toàn dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói, cổ vũ tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, xây dựng đạo đức cách mạng và sửa đổi nề nếp sinh hoạt trong đời sống của mỗi người, mỗi nhà và mỗi cộng đồng làng bản, đơn vị công tác. Đây là công việc mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, chưa từng có trong các giai đoạn lịch sử trước đó nên được gọi là xây dựng đời sống mới. Đoạn văn mở đầu bài viết xác định mục đích, nội dung của đời sống mới gồm:

Một là, thái độ ứng xử với cái cũ, cái mới trong đời sống của nhân dân một cách hợp tình, hợp lý: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết. Không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng nhiều phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì phải làm…“[1].

Hai là, gắn văn hóa với lao động sản xuất: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn”.

Ba là, gắn văn hóa với xây dựng đời sống tinh thần, làm cho dân ta “tinh thần được vui mạnh hơn”.

Bốn là, xây dựng đạo đức mới: “Thực hành đạo đức cách mạng: Cần – Kiệm – Liêm – Chính”.

Năm là, xây dựng nếp sống mới: “Việc trước tiên là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”.

Trong bối cảnh trình độ học vấn của dân ta còn thấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng từ “mới” thay cho từ “văn hoá” để cho dân dễ hiểu về xây dựng đời sống văn hoá. Có thể coi Đời sống mới là bài viết đầu tiên đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng đời sống văn hóa ra đời sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Cho mãi tới những năm 80 của thế kỷ XX, trong chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá, Đảng, Nhà nước vẫn sử dụng từ “mới” được hiểu là kết tinh hàm lượng văn hoá, tri thức, cách tổ chức, giá trị mới trong xây dựng nếp sống, nền văn hoá và con người. Ví dụ ngày 15/1/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 214/CT-TW về việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội. Văn kiện Đại hội IV (1976) của Đảng: “Ra sức xây dựng nền văn hoá mới, từng bước xây dựng nước ta thành một xã hội văn hóa cao”[2]. Năm 1980, Ban Chỉ đạo Nếp sống mới Trung ương được thành lập ở các cấp để chỉ đạo vận động xây dựng nếp sống mới, gia đình văn hoá mới.

Cụm từ đời sống văn hoá xuất hiện trong văn kiện của Đảng từ Đại hội IV, đoạn viết: “Hết sức quan tâm tổ chức tốt đời sống văn hoá (tác giả nhấn mạnh) ở các vùng kinh tế mới, các nông trường, lâm trường, công trường ở các vùng dân

tộc, ở miền núi và hải đảo”[1]. Đến Đại hội V (1982), Đảng ta xác định rõ hơn nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá, nhất là đời sống văn hoá ở cơ sở, coi đó là một chủ trương quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong xây dựng văn hoá và con người: “Một nhiệm vụ của cách mạng tư tưởng và văn hóa là đưa văn hóa thâm nhập vào cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đảm bảo mỗi nhà máy, công trường, lâm trường, mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng, mỗi xã, hợp tác xã, phường ấp, đều có đời sống văn hóa”[2]. Sau Đại hội V, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở trở thành một phong trào phát triển sâu rộng trên địa bàn dân cư, đơn vị sản xuất, công tác, học tập tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức và nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hoá trong đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, khái niệm về đời sống văn hoá ngày một sáng tỏ. Năm 1987, cuốn sách Đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã luận giải: “Đời sống văn hoá chính là những hành vi sống biểu hiện một trình độ văn hoá, bao gồm các hoạt động của xã hội, của tập thể, của từng cá nhân, nhằm mục đích văn hóa hoá tức là hoàn thiện con người”[3]. Năm 2000, cuốn Giáo trình Lý luận văn hoá và đường lối văn hoá của Đảng đưa ra khái niệm: “Đời sống văn hóa là bộ phận của đời sống xã hội, bao gồm các yếu tố văn hóa tĩnh tại (các sản phẩm văn hóa vật thể, các thiết chế văn hóa) cũng như các yếu tố văn hóa động thái (con người và các dạng hoạt động văn hóa của nó)[4]. Năm 2007, cuốn Lý luận văn hoá và đường lối văn hoá của Đảng cho rằng đời sống văn hoá bao gồm 4 yếu tố: văn hoá vật thể và phi vật thể; cảnh quan văn hoá; văn hoá cá nhân; văn hoá của các “tế bào” trong mỗi cộng đồng, từ đó đưa ra khái niệm: “Đời sống văn hoá là một bộ phận của đời sống xã hội, bao gồm tổng thể những yếu tố hoạt động văn hoá vật chất và tinh thần, những tác động qua lại lẫn nhau trong đời sống xã hội để tạo ra những quan hệ có văn hoá trong cộng đồng, trực tiếp hình thành nhân cách và lối sống của con người”[5].

Con người sinh ra và trưởng thành, muốn cho đời sống cá nhân được phong phú, lành mạnh thì tất yếu người đó có quan hệ đến:

– Đời sống vật chất: đảm bảo yếu tố cho người đó sinh tồn.

 

– Đời sống tinh thần: nhằm thỏa mãn nhu cầu ý thức về tình cảm, lý trí, nghị lực, tư tưởng của người đó.

– Đời sống xã hội: xã hội hình thành nhân cách con người. Bản thân mỗi người đều muốn sống với cộng đồng, thông qua cộng đồng để chứng minh, khẳng định phẩm chất, năng lực của mình và hoàn thiện bản thân.

Đời sống văn hóa có thể hiểu đó là tất cả những hoạt động của con người tác động vào đời sống vật chất, đời sống tinh thần, đời sống xã hội để hướng con người vươn lên theo qui luật của cái đúng, cái đẹp, cái tốt, của chuẩn mực giá trị chân, thiện, mĩ, đào thải những biểu hiện tiêu cực tha hoá con người. Đời sống văn hóa là quá trình diễn ra sự trao đổi thông qua các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao chất lượng sống của con người. Đó là quá trình các yếu tố văn hóa mà con người tiếp thu được tác động vào đời sống vật chất để con người biến đổi môi trường tự nhiên tạo lập môi trường nhân văn, làm ra được nhiều sản phẩm vật chất cho xã hội; tác động vào đời sống tinh thần để con người thỏa mãn nhu cầu chủ quan đáp ứng các yêu cầu về tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống; tác động vào đời sống xã hội để xây dựng một hệ thống các giá trị chuẩn mực xã hội; tác động vào chính bản thân đời sống cá nhân, điều chỉnh hành vi ứng xử của cá nhân và cho cá nhân phương thức lựa chọn hướng đi tốt nhất cho chính cuộc đời mình.

Đời sống văn hóa bao giờ cũng có tính kế thừa. Kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước tạo ra sự ổn định và tiền đề khẳng định những giá trị mới.

Đời sống văn hóa bao giờ cũng có tính đổi mới, bởi lẽ con người luôn luôn có khát vọng vươn lên cái tốt đẹp, chỉ có mạnh dạn sáng tạo, mạnh dạn cải đổi mới mong đáp ứng nhu cầu càng cao về vật chất và tinh thần của con người.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng: Đời sống văn hóa là hiện thực sinh động các hoạt động của con người trong môi trường sống để duy trì, đồng thời tái tạo các sản phẩm văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần theo những giá trị và chuẩn mực xã hội nhất định nhằm không ngừng tác động, biến đổi tự nhiên, xã hội và đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng sống của chính con người.

Cụm từ môi trường văn hoá lần đầu xuất hiện trong văn kiện Đại hội VIII (1996) của Đảng: “Mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh (tác giả nhấn mạnh) cho sự phát triển xã hội”[1]. Trước đó giới nghiên cứu văn hoá Việt Nam cũng đã tiếp nhận lý luận về môi trường văn hoá của các học giả nghiên cứu văn hoá dưới thời Liên Xô cũ. Năm 1981, cuốn sách

Cơ sở lý luận văn hoá Mác – Lênin do A.I. Ác-môn-đốp chủ biên, dịch từ tiếng Nga và được Nhà xuất bản Văn hoá xuất bản đưa ra quan niệm: “Môi trường văn hoá là một tổng thể ổn định những yếu tố vật thể và nhân cách, nhờ đó các cá thể tác động lẫn nhau. Chúng ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và sáng tạo giá trị văn hoá, tới nhu cầu tinh thần, hứng thú và định hướng giá trị của họ. Môi trường văn hoá không chỉ là tổng hợp những yếu tố văn hoá vật thể mà còn có những con người hiện diện văn hoá“[1].

Quan niệm trên chỉ cho rõ hai thành tố quan trọng của môi trường văn hoá:

  1. Những yếu tố vật thể (vật thể tự nhiên và vật thể nhân tạo).
  2. Nhân cách (có thể hiểu là hành vi văn hoá biểu hiện ở cộng đồng người và cá thể người).

Hai thành tố này ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo, hưởng thụ, phổ biến các giá trị văn hoá và ý chí vươn lên của con người hướng tới chuẩn mực giá trị nhất định.

Ở một góc nhìn khác, tác giả Đỗ Huy cho rằng “Môi trường văn hoá chính là môi trường nhân hóa” và từ góc nhìn giá trị học nhấn mạnh vai trò của con người: “Môi trường văn hoá chính là sự vận động của các quan hệ của con người trong các quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất và tinh thần của mình“[2].

Từ định hướng trong văn kiện Đại hội VIII của Đảng và từ thực tiễn sinh động của các phong trào văn hóa những năm đầu 90 (thế kỷ XX): phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản, ấp văn hóa; khu dân cư tiên tiến; môi trường văn hóa trong quân đội…, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998) đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản xây dựng nền văn hóa Việt Nam, xếp nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa ở vị trí thứ hai sau nhiệm vụ xây dựng con người. Nghị quyết đặt ra mục tiêu của việc xây dựng môi trường văn hóa là: “Tạo ra ở các đơn vị cơ sở (gia đình, làng, bản, xã, phường, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, trường học, đơn vị bộ đội…), các vùng dân cư (đô thị, nông thôn, miền núi…) đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng những nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân“. Đồng thời Nghị quyết trên cũng chỉ ra những vấn đề quan tâm cụ thể của xây dựng môi trường văn hóa là: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai

trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, ấp, xã, phường văn hóa, nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư trong công cuộc xây dựng nếp sống văn minh.

Thu hẹp dần khoảng cách đời sống văn hóa giữa các trung tâm đô thị và nông thôn, giữa những vùng kinh tế phát triển với các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, giữa các tầng lớp nhân dân.

Phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở; đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm tầm quốc gia. Tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, phát triển phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật“.

Với Nghị quyết Trung ương 5, chúng ta đã có bước tiến tư duy về xây dựng môi trường văn hóa. Nội dung xây dựng môi trường văn hoá quy lại gồm các thành tố chính dưới đây:

– Xây dựng đời sống văn hoá ở các đơn vị cơ sở

– Xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư văn hoá

– Xây dựng nếp sống văn minh

– Xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hoá.

– Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức, phong trào văn hoá, văn nghệ.

Nội dung nêu trên chưa làm rõ thành tố nhân cách và môi trường tự nhiên trong xây dựng môi trường văn hoá. Những thiếu sót này đã được bổ sung trong nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh nêu trong Nghị quyết Trung ương 9, khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (2014). Đảng ta đã tiếp thu lý luận về phát triển bền vững của tổ chức UNESCO, bao gồm 3 trụ cột cơ bản: kinh tế bền vững, xã hội bền vững và môi trường bền vững hướng tới mục tiêu làm cho con người phát triển toàn diện. Nghị quyết Trung ương 9 đã nêu hẳn một quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng” và trong nội dung xây dựng môi trường văn hóa đã nhấn mạnh vấn đề nhân cách văn hóa, bảo vệ môi trường tự nhiên:“Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội.

Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ”.

Như vậy, thông qua việc khảo sát các văn bản thể hiện quan điểm của Đảng về môi trường văn hoá, có thể nhận ra rằng tư duy của Đảng về môi trường văn hoá ngày một sáng rõ. Nội hàm môi trường văn hoá rộng hơn đời sống văn hoá. Đời sống văn hoá đề cập đến những điều kiện, những hành vi văn hoá của con người xuất phát từ nhu cầu đặt ra trong từng hoàn cảnh cụ thể của đời sống, nhằm thoả mãn khát vọng hưởng thụ và sáng tạo văn hoá. Môi trường văn hoá đề cao vai trò chủ động của con người với tư cách là sản phẩm của văn hoá đồng thời là chủ thể sáng tạo văn hoá trong các mối quan hệ ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, tạo sự ổn định, phát triển, hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng sống của con người. Xây dựng đời sống văn hoá là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nằm trong chiến lược xây dựng môi trường văn hoá. Môi trường văn hoá bao gồm các yếu tố văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể, môi trường tự nhiên và trên hết là những con người hiện diện văn hoá.

Tóm lại, môi trường văn hoá được hiểu với nghĩa rộng nhất của nó là sự hiện hữu các yếu tố văn hoá vật thể, phi vật thể do con người tái tạo ra; sự hiện hữu của cả những yếu tố vật thể tự nhiên bao quanh con người, trở thành khung cảnh và điều kiện tồn tại của con người; sự hiện diện của các nhân cách văn hóa  trong không gian, thời gian xác định, quan hệ, tác động lẫn nhau hướng con người tới những chuẩn mực giá trị xã hội./.

N.H.T

Xổ số miền Bắc