Báo cáo tham luận về gia đình văn hóa tiêu biểu – Nguyễn Thị Thừa – Chuyên môn Tiểu học Khánh Sơn

Chào mừng quý vị đến với website của Nguyễn Thị Thừa

Nếu chưa đăng ký, hãy nhấn vào chữ ĐK thành viên ở phía bên trái, hoặc
Nếu đã đăng ký rồi, quý vị có thể đăng nhập ở
ngay phía bên trái.

Quý vị chưa đăng nhập hoặc chưa đăng ký làm thành viên, vì vậy chưa thể tải được các tài liệu của Thư viện về máy tính của mình.Nếu chưa đăng ký, hãy nhấn vào chữở phía bên trái, hoặc xem phim hướng dẫn tại đây Nếu đã đăng ký rồi, quý vị có thể đăng nhập ở ngay phía bên trái.

Gốc > Bài viết > Thành tích >

Tạo bài viết mới
Báo cáo tham luận về gia đình văn hóa tiêu biểu

BÁO CÁO THAM LUẬN

Kinh nghiệm phối kết hợp công việc gia đình và công tác xã hội nhằm  cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học và xây dựng gia đình văn hóa.

 

(Nguyễn Thị Thừa- Phòng GD&ĐT huyện Khánh Sơn)

Hôm nay, tôi rất vinh dự thay mặt cho các gia đình công chức của Phòng GD&ĐT huyện miền núi Khánh Sơn nói riêng và các gia đình công chức trong ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa nói chung, được về đây tham dự Hội nghị biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc lần thứ II năm 2013. Lời đầu tiên tôi xin chúc quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe, chúc Hội nghị  biểu dương thành công tốt đẹp.

Kính thưa Hội nghị. Như chúng ta đã biết, gia đình là cái gốc của con người, là cái nôi đầu tiên, là cội nguồn của tình cảm. Xây dựng gia đình văn hóa không chỉ đem lại cuộc sống ấm no cho mỗi thành viên cá nhân mà đem lại hạnh phúc cho cộng đồng, góp phần quan trọng xây dựng làng văn hóa, cũng là điều kiện tiên quyết để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế văn hóa xã hội của địa phương. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn đó mà mỗi thành viên trong gia đình tôi đều chung tay góp sức xây dựng gia đình văn hóa. Gia đình hạnh phúc thì công việc xã hội mới thành công.

Bản thân tôi được giao nhiệm vụ là quản lý chỉ đạo công tác chuyên môn cấp tiểu học của ngành giáo dục huyện miền núi Khánh Sơn từ năm 2003 đến nay. Đây cũng là một thuận lợi là bản thân được hiểu biết nhiều thêm trong nghiệp vụ chuyên môn tiểu học của mình và cũng là một áp lực công việc rất lớn. Trước hết bản thân phải gương mẫu về mọi mặt như gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Có lối sống lành mạnh, lời nói đi đôi với việc làm, luôn tạo sự đoàn kết đồng thuận trong nội bộ cơ quan, trong tập thể giáo viên tiểu học cũng như trong thôn khóm và địa phương nơi cư trú, thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch hóa gia đình.

Khánh Sơn là huyện miền núi, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, đời sống và trình độ dân trí của bà con dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế.  Do dân cư sống rải rác trên địa bàn rộng nên mạng lưới trường học chưa thuận lợi cho việc đi học của  học sinh; tuy 8 xã, thị trấn đều có trường tiểu học nhưng do địa hình đồi núi, sông suối cách trở nên việc đi lại của các em còn nhiều khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ; nhiều học sinh phải đi học cách nhà đến 3-5 km. Đội ngũ cán bộ, giáo viên thường ở các huyện, tỉnh khác lên công tác, thời gian công tác tại huyện nhà không được lâu dài, cứ đủ 3 – 5 năm công tác lại chuyển về giảng dạy ở đồng bằng. Học sinh người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80% tổng số học sinh của toàn huyện; phần lớn các em chưa có ý thức tự giác học tập, chất lượng học sinh yếu nhiều năm trước đây thường ở mức trên 10 %/năm; thậm chí có năm còn cao hơn nữa (năm học 2008-2009 17.9%). Tỉ lệ học sinh học đúng độ tuổi rất thấp…

Với những khó khăn của giáo dục tiểu học như vậy, bản thân đã cố gắng luôn tìm cách khắc phục. Hướng khắc phục của tôi đã thực hiện trong nhiều năm học lại đây đã thấy có hiệu quả. Muốn có được hiệu quả này một phần cũng phải nhờ sự chung tay góp sức của gia đình tôi. Việc phối kết hợp giữa công việc gia đình và công tác xã hội đòi hỏi bản thân luôn cố gắng. Một trong những kinh nghiệm để cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học và xây dựng gia đình hạnhphúc đó là:

1. Trước hết với giáo dục miền núi nơi có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, phải hiểu được những phong tục tập quán của người dân tộc, đặc biệt là hiểu được tâm sinh lý của giáo viên người dân tộc và học sinh tiểu học người dân tộc Răclay sẽ giúp cho công tác quản lý và xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả cao. Muốn như vậy phải mất nhiều thời gian, do đó bản thân hiểu được và nhập cuộc rất thành công. Nhiều giáo viên người sở tại đã cùng tôi chia sẻ và cố gắng hoàn thành tốt công tác giảng dạy của mình. Cũng như trong gia đình, là người vợ, người mẹ phải thấu hiểu mỗi suy nghĩ, hoạt động của chồng và con, điều quan trọng nữa là phải dành nhiều thời gian cho nhau để quan tâm, chia sẻ và chăm sóc nhau.

2. Đối với học sinh thường xuyên nghỉ học, học sinh yếu kém tôi hướng dẫn cách làm là giáo viên phải theo dõi ghi tên từng đối tượng nghỉ bao nhiêu ngày trong tuần, bỏ mấy bài (chỉ tập trung vào hai môn Toán và Tiếng Việt), lập kế hoạch dạy bù kiến thức mà các em đã bỏ, báo cáo với ban giám hiệu nhà trường, tổ khối trưởng, mặc khác liên hệ với giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục… tách riêng những học sinh đã nghỉ và dành thời gian những môn học này  kèm môn Toán và Tiếng Việt (những bài mà học sinh chưa học) cho các em, khi các em có mặt trên lớp. Trong gia đình, nếu có một thành viên mắc phải lỗi sai gì đó thì bản thân tôi trong gia đình phải chia sẽ, tìm hiểu nguyên nhân, và phân tích  hậu quả của sai lầm đó từ đó tìm ra cách khắc phục.

3. Tôi luôn quan tâm đến vấn đề đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phải tìm nhiều hình thức dạy học phù hợp cho trẻ học yếu phát huy tính tích cực như tôi mạnh dạn sáng tạo ra kỹ thuật phối hợp thể dục thể thao trong dạy học, nâng cao vốn tiếng việt cho học sinh lớp 1 thông qua trò chơi học tập…giúp cho giáo viên có hình thức và phương pháp dạy cho học sinh yếu ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện. Còn trong gia đình, mỗi thành viên đều có kế hoạch, cách làm và mục tiêu phấn đấu riêng cho mình, riêng đối với hai con thì bố mẹ phải là người gợi ý, định hướng và phân tích trên cơ sở đó con có mục tiêu phấn đấu của mình trong năm học.

Với sự kiên trì thường xuyên thực hiện các giải pháp trên đã phần nào cải thiện được chất lượng giáo dục huyện nhà như: Học sinh Giỏi và khá ngày một tăng lên, học sinh yếu giảm đi rõ rệt. Cụ thể năm học 2010 – 2011 học sinh yếu giảm  chiếm tỉ lệ 10,7 %, năm học 2011 – 2012 học sinh yếu giảm chiếm tỉ lệ 8,05 %. Năm 2012-2013 học sinh yếu giảm chiếm tỉ lệ 7,7 %. Học sinh bỏ học cũng giảm dần theo từng năm học, năm học 2010-2011 bỏ học chiếm tỉ lệ là 0,4%,  năm học 2011-2012 chiếm tỉ lệ là 0,33%. Năm học 2012-2013 học sinh bỏ học chiếm tỉ lệ 0,18% . Chất lượng giáo viên ngày một nâng cao, chỉ còn một vài giáo viên yếu kém. Đây là những con số có nhiều ý nghĩa đối với giáo dục tiểu học của Khánh Sơn nói chung và của bản thân nói riêng.

Trong gia đình nhờ tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hành vi của các thành viên non trẻ của mình. Vai trò giáo dục gia đình cùng với việc quản lý, kiểm soát gia đình sẽ kịp thời điều chỉnh và ngăn chặn các thành viên bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội. Đây thực sự là một công việc thường trực và hết sức khó khăn đối với gia đình. Nó vừa đòi hỏi gia đình phải phát huy hết các sức mạnh vốn có của mình, vừa đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải góp công sức và phải là những tấm gương sáng để trẻ noi theo. Đối với xóm giềng chúng tôi luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp hòa thuận và giúp đỡ chia sẻ khi khó khăn hoạn nạn giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Riêng cá nhân tôi nhiều năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, 4 năm liền được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh tặng bằng khen, Bộ GD&ĐT tặng bằng khen, là Đảng viên chi bộ Phòng Giáo dục đạt tiêu chuẩn “đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 3 năm liền (2009-2011) được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Khánh Sơn tặng giấy khen.

Với những việc làm của bản thân tôi để đạt được điều đó một phần cũng chính là công của chồng và 2con, sự giúp đỡ quan tâm chia sẽ của chồng và 2 con của tôi luôn là động lực để tôi phấn đấu. 24 năm làm công tác giáo dục là điểm son trong cuộc sống hiện tại của tôi và gia đình. Điều hạnh phúc nhất đối với tôi hiện nay là: cháu lớn đã là sinh viên năm 2 của Học viện hàng không Việt Nam, cháu nhỏ nhiều năm liền là học sinh giỏi, điều rất vui là chồng tôi được nhận bằng khen của thủ tướng chính phủ trao tặng. Tôi luôn nhủ rằng, trong gia đìnhmình phải làm sao gắn kết được tất cả mọi người lại với nhau, làm sao hàng ngày phải có tiếng cười, có những bữa cơm ấm áp, gia đình phải đạt 4 tiêu chí của gia đình văn hóa đó là: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; xây dựng gia đình hòa thuận; thực hiện nếp sống văn minh; đoàn kết giúp đỡ nhau…. Phải đặt gia đình là trên hết vì gia đình là trụ cột của xã hội, gia đình có vững chắc thì xã hội mới bền vững.

Trên đây là một vài kinh nghiệm bước đầu của bản thân trong việc phối kết hợp công việc gia đình và công tác xã hội nhằm cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học và xây dựng gia đình văn hóa đã thực hiện được trong những năm học qua; xin được báo cáo với hội nghị. Chúng tôi cũng mong mỏi được học tập, trao đổi kinh nghiệm với các gia đình bạn trong công tác đầy khó khăn và vất vã này.

Cuối cùng xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu sức khỏe./.

                                                                                               

 

 

                                                                  

Nhắn tin cho tác giả

Số lượt xem: 1344

Số lượt thích:

0 người

Nguyễn Thị Thừa @ 10:56 31/07/2013Số lượt xem: 1344
Gửi ý kiến

    Xổ số miền Bắc