Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa Khảo cổ học nổi tiếng, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử, văn hóa dân tộc. Văn hóa Đông Sơn nổi tiếng bởi sự phát triển rực rỡ của các bộ sưu tập đồng cực kỳ phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, có trình độ cao về kỹ thuật chế tác và thẩm mỹ nghệ thuật. Có thể nói, mọi tinh hoa văn hóa của người Việt cổ lúc bấy giờ đều tập trung vào thể hiện kiểu dáng và hoa văn trên đồ đồng. Chính vì vậy, bên cạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày nhằm tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã luôn trú trọng đến công tác bảo quản, lưu giữ bộ sưu tập hiện vật thuộc nền văn hóa nổi tiếng này, đặc biệt là nhóm hiện vật chất liệu đồng.

Sưu tập hiện vật đồng Đông Sơn thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia được kế thừa từ Bảo tàng Louis Finot. Các hiện vật chủ yếu được người Pháp khai quật hoặc sưu tầm, mua lại,… Sau khi được tiếp quản, bộ sưu tập hiện vật Đông Sơn của Bảo tàng được bổ sung phong phú hơn qua các cuộc khai quật của các nhà khoa học trong nước và những đợt sưu tầm hiện vật bổ sung hàng năm của Bảo tàng.

Với số lượng khoảng hơn 3.100 hiện vật, sưu tập hiện vật đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia rất đa dạng về loại hình và kích thước, trong đó có những hiện vật quý hiếm, được công nhận là bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, trải qua qua hàng nghìn năm dưới lòng đất ở những điều kiện môi trường khác nhau, điều kiện bảo quản sau khai quật rất hạn chế do hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước trong thời kỳ chiến tranh và nhiều năm sau đó, nhiều hiện vật đã bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhiều năm qua đã luôn quan tâm, đầu tư cho công tác bảo quản hiện vật nói chung và đặc biệt quan tâm đến những sưu tập đồng Đông Sơn, để những sưu tập đồ đồng đặc sắc này – những bằng chứng vật chất sống động cho một nền Văn hóa Đông Sơn rực rỡ – niềm tự hào của dân tộc Việt Nam được sống mãi với thời gian, đến được với công chúng trong và ngoài nước.

Ngay từ những năm đầu của thập niên 90, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã hình thành một hệ thống kho bảo quản có kiểm soát môi trường (nhiệt độ và độ ẩm tương đối), trong đó Sưu tập Đồng Cổ đại được đặc biệt quan tâm với một kho riêng biệt. Từ đó cho đến nay, qua nhiều lần nâng cấp chỉnh lý hệ thống kho bảo quản, Kho Đồng Cổ đại luôn được kiểm soát, duy trì môi trường ổn định đảm bảo an toàn cho hiện vật và phù hợp với khí hậu Việt Nam và điều kiện thực tế của kho ở mức nhiệt độ khoảng 22 – 240C và độ ẩm tương đối khoảng 50% – 55%.

Dao găm Đông Sơn trước và sau bảo quản.

Bên cạnh việc xây dựng môi trường bảo quản phòng ngừa ổn định, Bảo tàng đã không ngừng học tập các chuyên gia trong và ngoài nước, quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học để tìm hiểu phương pháp bảo quản đồ đồng hiệu quả nhất. Trên cơ sở học tập và nghiên cứu các phương pháp bảo quản đồ đồng đã được áp dụng trên thế giới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng và bảo quản thành công hàng trăm hiện vật đồng Đông Sơn góp phần bảo tồn lâu dài bộ sưu tập này, đồng thời phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu và trưng bày.

Để ngăn chặn quá trình xuống cấp và kéo dài tuổi thọ, hiện vật cần phải được xử lý, bảo quản một cách hệ thống và khoa học. Ức chế ăn mòn là một công đoạn hết sức quan trọng trong quy trình bảo quản hiện vật chất liệu đồng. Trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu sử dụng chất ức chế để bảo quản hiện vật chất liệu đồng. Vào cuối những năm 1960, 1,2,3-benzotriazole (BTA) lần đầu tiên được đề xuất sử dụng để khống chế “bệnh của đồng” và cho đến nay nó vẫn đang là một trong những chất ức chế được sử dụng phổ biến nhất, do đáp ứng được những yêu cầu đặc thù của nghành bảo quản trong bảo tàng.

Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, BTA được sử dụng trong lĩnh vực bảo quản hiện vật chất liệu đồng từ những năm 2000. Tuy nhiên, trước đây việc sử dụng BTA để bảo quản hiện vật đồng mặc dù cho kết quả khả quan nhưng cũng chỉ mới được áp dụng theo công thức chung, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đến từ Châu Âu và theo kinh nghiệm trực quan của cán bộ bảo quản mà chưa có một nghiên cứu khoa học nào về khả năng ức chế tối ưu của BTA đối với hiện vật chất liệu đồng Đông Sơn. Nhận thức được sự cần thiết phải có một quy trình bảo quản mang tính thực tiễn, khoa học nhằm đảm bảo an toàn cho hiện vật, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác hại tới môi trường, năm 2011, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu khả năng ức chế ăn mòn và ứng dụng của benzotriazole đối với bảo quản hiện vật đồ đồng Đông Sơn”

Ứng dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học học tự nhiên, phân tích thành phần hóa, lý của các mẫu vật đồng Đồng Sơn, tiến hành hàng loại các thí nghiệm trên các mảnh đồng Đông Sơn, chúng tôi đã tìm ra được nồng độ BTA và thời gian xử lý tối ưu để thực hiện công đoạn ức chế ăn mòn cho đồ đồng Đông sơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ dung dịch BTA tối ưu để ngâm mẫu vật là 4% và thời gian ngâm mẫu tối ưu là 24 giờ.

Rìu Đông Sơn trước và sau bảo quản.

Với những kết quả nghiên cứu trên, kết hợp với kinh nghiêm thực tế và những kiến thức học được từ các chuyên gia quốc tế, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã hình thành một qui trình bảo quản đồ đồng Đồng Sơn đạt hiệu quả cao. Nhiều sưu tập đã được bảo quản cho kết quả tốt, tuổi thọ của hiện vật được kéo dài, đồng thời vẫn giữ được những đường nét hoa văn và lớp patin đặc trưng của đồ đồng Đông Sơn. Tuy nhiên, kết quả bảo quản còn phụ thuộc nhiều vào trình độ của người bảo quản, độ nguyên gốc của hiện vật cũng như điều kiện lưu giữ hiện vật trong kho và trưng bày sau khi bảo quản.

Với rất nhiều nỗ lực,đến nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia rất vui mừng và tự hào đã làm chủ được phương pháp bảo quản hiện vật đồng nói chung và đặc biệt là đồ đồng Đông Sơn, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ sau 90 năm phát hiện và nghiên cứu.

Ths. Nguyễn Thị Hương Thơm (Trưởng phòng Bảo quản)

Ths. Vũ Văn Dương (Phó Trưởng phòng Bảo quản)

Xổ số miền Bắc