Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Hội An, Quảng Nam

Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh được thành lập năm 1994 trưng bày 971 hiện vật liên quan đến cư dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh với niên đại cách đây 2000 năm – cư dân được coi là chủ nhân của tiền cảng thị sơ khai Hội An, từng có quan hệ giao lưu với cả khu vực Đông Nam Á, Nam Ấn Độ và Trung Hoa. 

Điều lý thú là các hiện vật đều có địa chỉ khảo cổ học rất tin cậy, vì cùng với hiện vật là hệ thống tài liệu, ảnh chụp,…minh chứng rõ ràng ví trí của chúng trong lòng đất. Qua tư liệu, hiện vật, Bảo tàng còn phản ánh nhiều thông tin khác về táng tục, quan niệm sống chết, nhận thức thẩm mỹ,  mối quan hệ giao lưu… của cư dân cổ thuộc hệ văn hoá Sa Huỳnh trên đất Hội An.

Đặc biệt, Bảo tàng này còn trưng bày một số hiện vật phát hiện ở di chỉ Bãi Ông – Cù Lao Chàm, minh chứng từ thời tiền sử cách  nay khoảng hơn 3000 năm đã có cư dân bản địa sinh sống ở đây. Bộ sưu tập  hiện vật  về Văn hoá Sa Huỳnh ở Hôị An tại Bảo tàng được các nhà khoa học đánh giá là phong phú và độc đáo vào bậc nhất của Việt Nam.

Tháng 7/1989, di tích khảo cổ học ở Hội An mới lần lượt được biết đến trên bản đồ phân bố khảo cổ học Tiền – Sơ sử ở miền Trung – Việt Nam qua các di tích mộ táng:  Bãi Ông, Hậu Xá I, Hậu Xá II, An Bang, Xuân Lâm; di chỉ cư trú: Hậu Xá I, Đồng Nà, Khu vực I Cẩm Phô, Trảng Sỏi, Lăng Bà, Thanh Chiếm.

Sau hơn 10 năm thám sát, khai quật, nghiên cứu khá cụ thể bằng các phương pháp khai quật khảo cổ học, tham chiếu, đối sánh, kết hợp với các phương pháp xét nghiệm, giám định niên đại và được kết luận tại các cuộc hội thảo khoa học. Cho đến nay có the khẳng định: các di tích khảo cổ ở Hội An được phân bố chủ yếu trên hệ thống cồn, bàu, men theo các dòng chảy cổ, có địa hình nguồn gốc sông-biển-đầm lầy vốn được tạo bởi quá trình biển lùi, bồi tụ trầm tích. Ngoài di tích Bãi Ông có niên đại cách ngày nay hơn 3000 năm, thuộc thời Tiền Sử  hay “Tiền Sa Huỳnh”, còn hầu hết ở vào thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh giai đoạn hậu kỳ cách ngày nay ± 2000 năm, vào thời kỳ này nghề nông trồng lúa nước, khai thác chế biến sản vật sông, biển, các nghề thủ công: rèn, dệt vải, mộc, làm đồ trang sức, … đã khá phát triển, đồng thời cũng thể hiện rõ mối quan hệ, giao lưu văn hóa trong nước với các quốc gia khác ở phía Bắc, phía Nam và khu vực. Có thể nói từ thời Sa Huỳnh, Hội An đã là tiền cảng thị cho sự hình thành một tiểu vương quốc ở miền Trung Việt Nam.
Những bộ sưu tập hiện vật quý trưng bày nơi đây được thu thập từ các di tích , khảo cổ tuy mới chỉ là những thông tin khoa học gặt hái bước đầu, cần tiếp tục nghiên cứu, nhưng phần nào đã gợi mở cho chúng ta những sự nhận biết về tiến trình, về diện mạo lịch sử – văn hóa  của cư dân ở Hội An thời Tiền – Sơ sử. Chắc chắn, Văn hóa Sa Huỳnh cùng với di tích Bãi Ông – Cù Lao Chàm ở Hội An đang là một địa chỉ khảo cổ học lý thú cho các nhà khoa học trong, ngoài nước. Sẽ thật sự lý thú  đối với những ai đang quan tâm về mối liên hệ, phát triển giữa cư dân Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh với cư dân Chăm Pa.

Xổ số miền Bắc