Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam

1. Du lịch ẩm thực – Hướng đi mới trong phát triển du lịch tỉnh An Giang/ Nguyễn Vũ Thùy Chi

Tóm tắt: Sở hữu một nền ẩm thực sông nước Tây Nam Bộ phong phú nhưng vẫn có nét đặc sắc riêng có, An Giang có tiềm năng khai thác và phát triển ẩm thực lên thành du lịch ẩm thực, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bài viết mô tả tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực của tỉnh An Giang, từ đó đề xuất một số giải pháp để từng bước hình thành và phát triển loại hình du lịch ẩm thực góp phần phát triển du lịch tỉnh An Giang trong thời gian tới.

Nguồn trích: Tạp chí Công thương/ 2021, Số 8, Tr.303-308

2. Văn hóa ẩm thực dừa Bến Tre trong phát triển du lịch = The influence of coconut culinary culture in Ben Tre Province tourism development/ Nguyễn Thị Kim Thoa

Tóm tắt: Nghiên cứu văn hóa ẩm thực dừa tại Bến Tre giúp nhận diện đầy đủ và tổng quát về thực trạng văn hóa ẩm thực dừa và tầm ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực dừa trong du lịch. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần quảng bá du lịch Bến Tre một cách hiệu quả, thiết thực nhất thông qua ẩm thực dừa, xây dựng và giới thiệu chuỗi ẩm thực từ dừa của địa phương nhằm phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Nguồn trích: Tạp chí Công thương/ 2021, Số 3, Tr.142-147

3. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Khmer Nam Bộ trong phát triển du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long = Conserving and promoting Khmer Krom cuisine in developing the tourism in the Mekong Delta/ Lê Quốc Hồng Thi

Tóm tắt: Phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của cộng đồng Khmer Nam Bộ tại đồng bằng sông Cửu Long vào phát triển du lịch là một trong những vấn đề cấp thiết đối với các nhà quản lý văn hóa, các nhà quản lý du lịch và cộng đồng Khmer Nam Bộ trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa. Thực tế hơn một thập kỷ qua cho thấy, văn hóa ẩm thực Khmer Nam Bộ vô cùng phong phú và đa dạng trong việc tận dụng, sáng tạo và khéo léo kết hợp các nguyên liệu từ môi trường thiên nhiên và đã đóng góp những thành tựu không nhỏ trong việc phát triển du lịch. Nhận thức được điều đó, tác giả tập trung phân tích các giá trị đặc trưng của văn hóa ẩm thực Khmer Nam Bộ nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch của đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, bài viết còn phân tích thực trạng và một vài giải pháp để phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của người Khmer Nam Bộ tại đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.

Nguồn trích: Tạp chí Công thương/ 2021, Số 3, Tr.124-129

4. Giá trị văn hóa ẩm thực của các tộc người thiểu số ở tỉnh Hà Giang trong phát triển kinh tế, du lịch hiện nay = Culinary cultural value of Ha Giang province’s ethnic minorities in today economic and tourism development/ Bùi Thị Bích Lan

Tóm tắt: Không chỉ có những cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người, Hà Giang còn được biết đến là một miền đất đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh các phong tục tập quán, các lễ hội, các loại hình văn học nghệ thuật thì văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng góp phần quan trọng trong việc nhận dạng đặc trưng văn hóa tộc người, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe. Đặc biệt, với việc đem lại những trải nghiệm khó quên cho du khách khi đặt chân đến miền đất này, văn hóa ẩm thực còn đang góp phần tích cực trong phát triển du lịch và cải thiện sinh kế. Trên cơ sở nghiên cứu về văn hóa ẩm thực Hà Giang, bài viết đưa ra một số giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các loại hình ẩm thực tiêu biểu trong bối cảnh hiện nay như việc tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm; nâng cao tính “bản sắc” và “chuyên nghiệp” trong phục vụ ẩm thực; vinh danh những người nấu ăn giỏi và mở lớp đào tạo, truyền dạy về văn hóa ẩm thực cho thế hệ trẻ.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh/ 2020, Số 3 (259)

5. Phát huy tiềm năng của văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long/ Nguyễn Quốc Nghi

Tóm tắt: Văn hóa ẩm thực góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, định vị hình ảnh điểm đến trong lòng du khách. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sở hữu nền văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc, phong phú và đa dạng. Chính vì thế, tiềm năng của văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch vùng ĐBSCL còn “dư địa” rất lớn.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Cần Thơ/ 2019, Số 1, Tr. 1 -4

6. Chính sách và kết quả thực hiện chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực tiêu biểu ở các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang = Policy and result of policy implementation on preserving, promoting the values of typical culinary culture in ethnic minorities in Ha Giang province/ Bùi Thị Bích Lan

Tóm tắt: Nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa ẩm thực trong phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Hà Giang đã xây dựng một số chính sách và giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa này trong bối cảnh mới. Một số kết quả tích cực rất đáng được ghi nhận từ việc triển khai các chính sách này như: nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa ẩm thực của cộng đồng; thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hợp tác xã và cơ sở chế biến thực phẩm; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh những kết quả trên, bài viết này còn chỉ ra những tồn tại trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa ẩm thực trong bối cảnh mới như vấn đề thiếu tính “bản sắc” và “chuyên nghiệp”, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề truyền dạy và kế thừa.

Nguồn trích: Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc – Học viện Dân tộc/ 2020, Số 01, Tr.146-152

7. Giá trị văn hóa ẩm thực của các tộc người thiểu số ở tỉnh Hà Giang trong phát triển kinh tế, du lịch hiện nay/ Bùi Thị Bích Lan

Tóm tắt: Không chỉ có những cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người, Hà Giang còn được biết đến là miền đất đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh các phong tục tập quán, các lễ hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật thì văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng góp phần quan trọng trong việc nhận dạng đặc trưng văn hóa tộc người, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh)/ 2020, Số 3, Tr.53-62

8. Phát triển ẩm thực đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh để thu hút khách du lịch quốc tế = Development of street food in Ho Chi Minh city to attract international tourists/ Phạm Xuân Hậu, Bùi Xuân Thắng

Tóm tắt: Phát triển hoạt động ẩm thực đường phố là xu thế phù hợp với sự phát triển về du lịch, đặc biệt với những thành phố lớn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa… nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để hoạt động ẩm thực đường phố tạo được sức hút và độ tin cậy của du khách, đồng thời ổn định về môi trường, thì cần phải xây dựng kế hoạch phát triển ở mỗi tuyến đường, địa phương thuộc thành phố. Bài viết trình bày thực trạng, định hướng và giải pháp cho việc phát triển ẩm thực đường phố ở một số quận của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)/ 2019, Số 2, Tr.123-137

9. Nghiên cứu, biên soạn Bách khoa toàn thư ẩm thực Việt Nam/ Vương Xuân Tình

Tóm tắt: Trong đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, ẩm thực thuộc Quyền 36. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Bách khoa toàn thư về ẩm thực nên khi triển khai, cần tham khảo cách thực hiện của một số nước trên thế giới. Để nghiên cứu và biên soạn, cách tiếp cận liên ngành, tiếp cận tổng hợp, cùng với phương pháp tổng quan tài liệu và phương pháp chuyên gia được chú trọng.

Nguồn trích: Khoa học Xã hội Việt Nam/ 2019, Số 9, Tr.80-87

10. Thiết kế và thử nghiệm sản phẩm du lịch ẩm thực nông trại ở Bến Tre/ Đoàn Thị Mỹ Hạnh

Tóm tắt: Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất Việt Nam, có rất nhiều món ăn và thức uống của người dân địa phương được chế biến từ dừa. Với các tính năng độc đáo đó, sản phẩm du lịch ẩm thực nông trại có thể được thiết kế như thế nào? Thiết kế sản phẩm đã được thực hiện từ các thông tin thu thập được bằng phương pháp quan sát tham gia và phỏng vấn chuyên gia. Sản phẩm đã được thử nghiệm tại Nông trại du lịch sân chim Vàm Hồ – là nông trại duy nhất ở Bến Tre hoạt động theo mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp kinh doanh du lịch. Khảo sát ý kiến 60 khách tham gia thử nghiệm cho kết quả rất tốt nên sản phẩm đã được giới thiệu ra thị trường và đã có 84,7% khách rất hài lòng với sản phẩm.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Thương mại/ 2019, Số 127, Tr.65-72

11. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch ẩm thực Việt Nam/ TS. Vũ Nam

Tóm tắt: Ẩm thực hay nói cách khác là việc ăn uống là những hoạt động không thể thiếu trong mỗi chuyến đi du lịch, là một trong những dịch vụ quan trọng nhất của chuyến đi du lịch cùng với các dịch vụ lưu trú, vận chuyển. Tuy nhiên, ngày nay, ẩm thực không chỉ là hoạt động đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách trong chuyến đi mà còn trở thành mục đích, loại hình và sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Sự tồn tại và phát triển của du lịch ẩm thực (gastronomic tourism, food tourism hay culinary tourism) với tư cách là một loại hình du lịch đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu.

Nguồn trích: Tổng cục Du lịch – Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

12. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch ẩm thực Việt Nam – Những giải pháp cụ thể (tiếp theo kỳ trước)

Tóm tắt: Nhà nước có thể đầu tư xây dựng Bảo tàng ẩm thực Việt Nam, nơi trưng bày lưu giữ các hình ảnh, mô hình các món ăn của 54 dân tộc, các tư liệu về công thức chế biến cũng như văn hóa thường thức. Đây cũng sẽ là điểm tham quan thú vị cho khách du lịch, vừa tham quan vừa được trải nghiệm thực tế các món ăn mình ưa thích…

Nguồn trích: Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam

13. Du lịch ẩm thực – Hướng đi mới trong phát triển du lịch tỉnh An Giang/ Nguyễn Vũ Thùy Chi

Tóm tắt: Sở hữu một nền ẩm thực sông nước Tây Nam Bộ phong phú nhưng vẫn có nét đặc sắc riêng có, An Giang có tiềm năng khai thác và phát triển ẩm thực lên thành du lịch ẩm thực, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bài viết mô tả tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực của tỉnh An Giang, từ đó đề xuất một số giải pháp để từng bước hình thành và phát triển loại hình du lịch ẩm thực góp phần phát triển du lịch tỉnh An Giang trong thời gian tới.

Nguồn trích: Tạp chí Công thương

14. Nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam qua đánh giá của du khách quốc tế/ Dương Quế Nhu , Nguyễn Tri Nam Khang, Nguyễn Thị Thảo Ly

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, ẩm thực đã trở thành một trong những yếu tố thu hút khách du lịch. Nghiên cứu này nhằm tìm ra những nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam để hỗ trợ cho hoạt động quảng bá có hiệu quả cho du lịch Việt Nam. Do đây là mảng đề tài khá mới, nên có khá ít các nghiên cứu về mảng đề tài này, và vì vậy, phương pháp nghiên cứu định tính đã được áp dụng bằng cách phỏng vấn chuyên sâu du khách bằng bảng câu hỏi bán cấu trúc, và sau đó dùng cả phương pháp phân tích số liệu định tính và định lượng để đạt được mục tiêu. Kết quả cho thấy hương vị thức ăn ngon và sự đa dạng về cách kết hợp nguyên liệu được du khách nhận xét là nét độc đáo nhất của ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt “có lợi cho sức khỏe” được đánh giá là yếu tố độc nhất của ẩm thực Việt Nam, vì thế, trong việc quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới, chúng ta nên nhấn mạnh các yếu tố này.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ

15. Du lịch ẩm thực: Kinh nghiệm thế giới và thực trạng ở Việt Nam = Culinary tourism: World experience and current situation in Vietnam/ Vương Xuân Tình

Tóm tắt: Du lịch ẩm thực (Culinary tourism) là khái niệm mới xuất hiện trên thế giới được khoảng hai thập niên gần đây, song được nhiều quốc gia đón nhận và phát triển thành loại hình du lịch hấp dẫn, chỉ sau du lịch văn hóa và cảnh quan. Ở Việt Nam, du lịch ẩm thực mới được đề cập ở các bài viết và hội thảo, được một số đơn vị khai thác du lịch thực hiện, song chưa được chú trọng ở tầm chiến lược. Bài viết khái quát kinh nghiệm du lịch ẩm thực trên thế giới qua và đề xuất một số khuyến nghị góp phần đẩy mạnh loại hình du lịch này ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn trích: Thông tin Khoa học Xã hội/ 2018, Số 4, Tr.45-51    

Xổ số miền Bắc