Bếp ấm lửa reo xuân theo về nhà

Bếp ấm lửa reo xuân theo về nhà

Má hay nói nhà mình quy tụ cả ba miền về đây. Anh rể miền Bắc, chị dâu miền Trung, tụ về làm con của bà già Nam Bộ. Mấy bận giỗ quảy, lễ, Tết thì căn bếp của má cũng cũng xôm tụ nhiều món ngon, thức lạ. Má hay cười mỗi bận ai đó nói nhà gì Bắc Trung Nam xí xô xí xào, mỗi dịp con cháu tụ về là y như rằng ồn ào náo nhiệt. Nhưng, đâu phải nhà nào cũng có được cảnh này.

Bếp ấm lửa reo xuân theo về nhà

Nồi bánh đón giao thừa -Ảnh: PHƯỚC BẢO

Bàn đồ ăn trong nhà đủ món, đủ vị. Đứa con nào của má thích ăn gì thì gắp. Ăn vậy cho dễ nuôi. Thành thử ra từ hồi má có dâu, rể là bữa ăn của gia đình dần dà tập cho đám con sự hòa quyện của vị quê bản xứ. Dù người miền nào thì ẩm thực cũng gắn trọn với họ cả đời. Thèm quê nhớ xứ chỉ cần bỏ miếng ngon vào miệng là thấy nỗi nhớ cũng vơi đi đâu đó trong lòng.

Bận tết là má cực nhất. Nhớ năm đầu chị dâu về nhà ăn tết, má lọ mọ ra xóm hỏi thăm mấy bà bạn gốc miền Trung coi tết ngoài đó ăn gì. Má bắt đầu đi chợ từ hôm 23 âm lịch. Chừng đưa ông Táo chầu trời theo tục lệ ông bà, là má bắt đầu làm đồ ăn tết. Mấy ngày trước Tết, chợ luôn là nơi má ngược xuôi có ngày đôi ba bận.

Ra chợ tay xách nách mang nào củ kiệu, nào thịt thà, tôm, cá. Lại có hôm hành tỏi lủng lẳng treo tay băng ngang qua đường vào đầu xóm nhỏ gặp ngay ông anh vừa kịp thắng xe trờ tới. Ông con rể thấy má vợ như dọn cả cái chợ Tết về nhà thì lắc đầu.

Đèo bà má vợ sau lưng chở về nhà, nghe má hỏi ngoài ấy tết nhứt anh sui, chị sui hay nấu món gì. Má tập nấu, nữa bây có ở lại ăn tết trong này có cái mà ăn cho ngon. Ông anh rể cánh mũi đỏ lửng, khóe mắt cay xè. Bốn năm làm rể má, chưa lần nào ăn tết miền Nam.

Má học nấu món cũng là kỳ công từ việc nhớ từng lời mấy bà hàng xóm chỉ, rồi đi chợ lựa sao cho đúng loại thịt, rau củ, gia vị theo chỉ dẫn. Với má, mỗi món ăn là một hồn quê vị xứ, thành thử đã nấu là nấu cho đúng điệu.

Bỏ tí công cực chút mà nhìn dâu rể ăn ngon má cũng vui. Người miền Trung ăn Tết nhất định chẳng thể thiếu món thịt heo ngâm mắm. Không chỉ là một món ngon ngày Tết ở miền Trung mà còn là đặc sản nổi tiếng của khu vực này.

Thịt heo ngâm mắm thường sử dụng thịt ba chỉ hoặc chân giò, cho vào luộc đến khi chín rồi ngâm trong hỗn hợp gồm nước mắm, giấm và đường tối thiểu 3 ngày. Năm đó 30 Tết, cúng rước ông bà, chị dâu nhìn má sắp món thịt heo ngâm mắm ra cúng.

Mắt chị dâu đỏ hoe, chị bảo hồi đó một năm lụt cận Tết, nhà không còn thứ gì, phải chạy chợ mượn thịt heo về làm món này. Người miền Trung giàu nghèo gì thì Tết vẫn phải có món thịt heo ngâm mắm trong nhà. Bữa cơm đoàn viên năm đầu tiên chị về làm dâu, nhà bỗng trở nên ấm áp, thân gần.

Mấy năm sau đó, chị dâu bắt đầu tự tay làm mấy món miền Trung để ăn Tết cùng gia đình. Căn bếp của má lại rổn rảng tiếng nói cười.

25 tháng Chạp, chị chở má ra chợ, mấy người ngoài chợ khen má có con dâu ngoan. Má cười tủm tỉm suốt đường về. Món bắp bò mật mía chị dâu nói là món hồi xưa nhà khá giả mới dám làm mấy ngày tết, quý ai lắm mới tặng.

Bởi người miền Trung vốn dĩ tích cóp, cần kiệm, rất sợ những ngày mưa bão hạn hán, chẳng dám ăn cao sang nên chỉ dịp Tết mới dám làm món này. Hồi chị dâu còn nhỏ, cứ hễ nghe mùi mật mía dậy thơm lừng trong căn bếp, là biết Tết về rồi đó.

Chị kể ngoài xứ chị, chỉ bước ra vườn bứt nắm lá trà xanh, nhớ chọn loại lá bánh tẻ, đủ chát, đủ ngọt, chớ đừng chọn lá non quá mà chẳng đượm mùi.

Rồi sửa soạn nào là ớt khô, gừng, tỏi, hành khô, thêm nắm củ sả, mẩu vỏ quế thơm nồng, dăm cái hoa hồi, chục nụ đinh hương, vài ba trái thảo quả, cùng đôi chén mật mía, mắm ngon, thế là đã có một tuyệt chiêu bí kíp trong tay để làm món này.

Thịt bắp bò kho mật mía này sẽ được thái thật mỏng, cuốn với lá mơ, chuối chát, khế chua thái sợi, chấm tương Nam Đàn hoặc mắm nêm đâm ớt ngon. Bỏ một miếng thịt vào miệng, là nghe cả một trời quê mình trong đó. Lần ấy, ánh mắt chị xa xăm.

Má cầm tay chị, biểu năm sau về quê ăn tết đi, bốn năm rồi chưa về Tết với ba mẹ ngoài ấy. Chị gật đầu rồi nước mắt không dưng mà rơi. Cả nhà năm đó ăn món bò đã xuýt xoa khen lấy khen để người miền Trung đúng là có món tết quá ư tinh túy.

Căn bếp má mấy ngày trước Tết luôn reo vui và dậy mùi thức ăn. Má vẫn kho thịt trứng vịt, má làm củ kiệu, má dồn canh khổ qua. Tất tần tật mấy món miền Nam đều có đủ trong căn nhà bếp. Nồi niêu, xoong chảo má trưng dụng làm hết. Nhà tính luôn con cháu hơn chục người nhưng má nấu thì như cho cả xóm ăn.

Có lần, ba la sao cứ tết là thấy nhà ê hề đồ ăn. Tết mới bây giờ chứ đâu có xưa cũ mà nấu chi thừa mứa. Má hứ một tiếng rồi nguýt dài ba.

Chẳng nói chẳng rằng, cứ mặc kệ ba, gian bếp ngày Tết của má dần dà như không gian riêng của má với cô con dâu và thằng con rể. Cái khoản chuẩn bị đồ ăn Tết thì má hợp tính với con rể cực kỳ.

Con rể sau năm đầu về Bắc thì năm thứ hai chọn ở lại thành phố này ăn Tết cùng gia đình vợ. Con rể bảo nhìn má vợ chuẩn bị Tết thấy ngay mẹ mình đâu đó trong sự tất tả chợ búa, trong toan tính thức ăn, đồ uống cho cả gia đình.

Mỗi người một nết ăn, một món khoái khẩu. Căn bếp ngày Tết của mấy bà má vì thế luôn phải đủ đầy để những ngày đó ai cũng vui vẻ, ăn ngon, dẫu cái kỳ công cực nhọc đôi khi chỉ mấy bà má mới biết.

Con rể chở vợ ra chợ Đo Đạc bên Quận 2 để mua cho được miến dong Bắc Kạn và đậu phụ làng Mơ hay bánh chưng Tranh Khúc.

Mấy hủ cà muối, mấy thẻ kẹo lạc cũng phải tận ngoài Bắc chuyển vào. Có năm, căn bếp của má lại rộn ràng nếp, lá dong, dây lạt, đậu xanh và thịt mỡ. Chàng rể tập cho cả nhà gói bánh chưng, má lại dạy chàng rể cách buộc bánh tét.

Chiều 29 đã chộn rộn cả nhà. Ba bắc nồi nước bằng đám củi khô. Má góc bên này nhà buộc từng đòn bánh tét chắc nịch. Con rể bên kia cũng khéo léo đôi bàn tay gói bánh chưng vuông vức đầy đặn. Nhà ăn chẳng bao nhiêu nhưng lại thỏa chí cái bày biện cho từng bừng không khí Tết.

Đêm 29, nồi bánh góc vườn nhà lửa reo tí tách, mùi nếp chín thơm lừng. Ba châm bình trà nóng ngồi kể chuyện những ngày xuân cũ càng thời xưa xa. Cả nhà háo hức một cách lạ kỳ. Cái Tết năm đó, chẳng ai về Trung hay ra Bắc.

Cái Tết mà gần như chục năm rồi trong con xóm nhỏ giữa một thành phố hối hả mới có mùi bánh chín, mới có khói củi thiu thỉu quyện vào gió se se của mùa xuân đất này.

Mấy người hàng xóm cũng chốc chốc lại chạy sang ngó nồi bánh rồi khen ba má có đám con giỏi giang. Chuyện tết nhất thời nay mà còn giữ được nếp xưa lối cũ như vậy đâu phải dễ.

Má luôn nói, giữ bếp nhà ngày Tết luôn ấm lửa reo là tự khắc xuân theo về nhà. Đôi ba chục năm sau, khi đã heo may bạc trắng sương mai, mấy đứa con rồi cũng như má, giữ bếp ấm ngày Tết, là đâu phải cho mình, mà cho mấy đứa cháu, mấy thế hệ sau coi theo mà giữ cái ấm áp, rộn ràng của một mùa đoàn viên sum vầy.

Tống Phước Bảo

Tin liên quan:

  • Bếp ấm lửa reo xuân theo về nhàẤm áp những ngôi nhà đại đoàn kết

    Thực hiện đề án “Hỗ trợ xóa nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 – 2025”, thông qua sự kết nối, kêu gọi, vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm khắp nơi trong cả nước đã hỗ trợ nhiều nguồn lực để xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Từ nguồn lực ý nghĩa này đã giúp hiện thực hóa ước mơ về những ngôi nhà kiên cố dành cho những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

  • Bếp ấm lửa reo xuân theo về nhàĐakrông mùa xuân về

    Cùng với mọi miền quê trong tỉnh, mùa xuân này ở huyện miền núi Đakrông như rộn ràng hơn với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Xổ số miền Bắc