Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam gồm các nội dung nào?

Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông.

Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh sau khi hoàn thành đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.

Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam gồm các nội dung nào?

Theo đó, việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam” nhằm tôn vinh và công nhận các doanh nghiệp đã áp dụng, thực thi văn hoá kinh doanh đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam; biểu dương khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, thúc đẩy xây dựng văn hoá kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước; từng bước hình thành những đặt trưng tiêu biểu của văn hoá kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Việc tôn vinh “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam” được thực hiện hàng năm vào Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam (13/10) và có giá trị là 3 năm kể từ ngày được công nhận. Cơ quan công nhận là Hiệp hội Phát triển văn hoá kinh doanh Việt Nam.

Tại Quyết định 05/QĐ-HH của Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam phê duyệt Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam và Quy chế xét nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”, để được công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”, doanh nghiệp phải đáp ứng năm điều kiện bắt buộc và có năm nhóm tiêu chí đánh giá.

Cụ thể, về điều kiện bắt buộc: Một là, không buôn lậu, không trốn thuế. Theo đó, doanh nghiệp không có thông báo, quyết định xử phạt bản án của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Hai là, không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại. Như, doanh nghiệp không có thông báo, quyết định xử phạt, bản án của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bà là, không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động. Doanh nghiệp có xác nhận của công đoàn/cơ quan bảo hiểm xã hội cho thấy doanh nghiệp hoàn tất nghĩa vụ trả lương và đóng bảo hiểm xã hội với người lao động theo quy định.

Bốn là, không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác. Theo đó, người quản lý, điều hành doanh nghiệp không bị toà án tuyên phạt do lừa đảo, lợi dụng uy tín của tổ chức hoặc cá nhân để chiếm đoạt tài sản hoặc gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác. Năm là, không vi phạm pháp luật. Cụ thể, không có bằng chứng cho thấy doanh nghiệp vi phạm pháp luật Việt Nam và các văn bản pháp luật khác mà doanh nghiệp là đối tượng điều chỉnh. Đối với các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài không vi phạm pháp luật nước sở tại và các cam kết quốc tế khác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước sở tại.

Năm nhóm tiêu chí đánh giá, gồm: Nhóm một, lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững, gồm các tiêu chí: Định hướng phát triển bền vững; Hệ thống quản lý; Tư duy và năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh; Bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực.

Nhóm hai, xây dựng và thực thi văn hoá doanh nghiệp gồm tiêu chí: Sự đồng thuận và làm gương của Ban lãnh đạo; Hệ thống truyền thông và thương hiệu; Chính sách phúc lợi dành cho người lao động; Sự gắn kết của đội ngũ; Quản trị tri thức trong doanh nghiệp.

Nhóm ba, thượng tôn pháp luật. Gồm các tiêu chí: Tuân thủ quy định của pháp luật; Chính sách an toàn lao động và sức khoẻ nghề nghiệp; Nhóm bốn, đạo đức kinh doanh, cụ thể là công bằng và cạnh tranh lành mạnh; Uy tín trong kinh doanh. Nhóm năm là trách nhiệm xã hội, gồm các tiêu chí: Bảo vệ môi trường; Hoạt động xã hội; Đối xử bình đẳng.

Xổ số miền Bắc