[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu PVS

Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của PVS

Về mặt kết quả kinh doanh

Theo báo cáo KQKD từ PVS, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4 và cả năm 2022 có những điểm đáng chú ý như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của PVS

  • Trong quý 4/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính của PVS đạt mức 5.530,7 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, phần lãi trong các công ty liên doanh, liên kết của PVS cũng đóng góp tích cực vào kết quả lợi nhuận chung khi đạt mức 134,5 tỷ đồng.
  • Về mặt chi phí, giá vốn hàng bán trong quý 4 cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn một chút hơn so với doanh thu đã giúp lợi nhuận gộp tăng khá mạnh (+32,9%) so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại chi phí tài chính và chi phí bán hàng quý 4 lại có mức tăng cao so với quý 4/2022 lần lượt là 100,6% và 104%. Tuy vậy, nhờ tăng trưởng tốt về mặt doanh thu và các thu nhập nếu ở trên mà lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 của PVS vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng (+85,8%) so với cùng kỳ năm 2021.
  • Lũy kế cả năm, hoạt động kinh doanh của PVS nhìn chung đã có được sự tăng trưởng khả quan khi doanh thu đạt gần 14.260 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 834 tỷ đồng, tăng lần lượt 15,1% và 11,1% so với năm 2021. So với kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm 2022, Công ty đã hoàn thành vượt 64% mục tiêu doanh thu và vượt 71% mục tiêu lợi nhuận.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của PVS

Về mặt tài sản:

  • Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của PVS đạt 25.776 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,7% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, vẫn có một số khoản mục có mức biến động mạnh trong năm như đầu tư tài chính ngắn hạn mà chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (tăng gần 80%) và hàng tồn kho (giảm 51,5%).
  • Trong cơ cấu tài sản của PVS thì các loại tài sản ngắn hạn đang chiếm phần lớn với hơn 63% tổng giá trị tài sản. Trong đó, đáng chú ý là PVS đang nắm giữ khá nhiều các tài sản có thanh khoản cao như tiền mặt (chiếm 20,4% tổng tài sản) và đầu tư tài chính ngắn hạn dưới dạng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (18,7% tổng tài sản).

Về mặt nguồn vốn:

  • Tổng nợ phải trả tại cuối năm 2022 tăng nhẹ 5,1% so với đầu năm và đang chiếm một nửa trong tổng nguồn vốn của PVS. Nợ phải trả của PVS phần lớn là các khoản nợ thương mại như phải trả người bán ngắn hạn (chiếm 20,5% tổng nguồn vốn), người mua trả tiền trước, phải trả người lao động. Còn lại, các khoản nợ tài chính (vay ngân hàng, thuê tài chính) có số dư không quá lớn (1.376 tỷ đồng) và chỉ chiếm tỷ trọng tương đối thấp, khoảng 5,3% tổng nguồn vốn.
  • Nhìn chung, cơ cấu vốn của PVS đang mức cân bằng và khá an toàn khi các khoản nợ phải trả chỉ chiếm 50,2% trong tổng nguồn vốn. Ngoài ra, các chỉ số về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Công ty cũng đang ở mức đảm bảo (tỷ số thanh toán hiện hành = 1,77 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 1,66 lần).    

Tình hình dòng tiền

  • Trong năm 2022, hoạt động kinh doanh chính của PVS thu ròng gần 1.510 tỷ đồng, cải thiện rất mạnh so với mức âm 138 tỷ đồng của năm 2021. Kết quả này chủ yếu đến từ việc công ty đã hạn chế rất nhiều việc đầu tư, mua thêm hàng tồn kho trong năm 2022 cộng với hoạt động quản lý công nợ phải trả đã tốt hơn.
  • Ngoài ra, PVS đã chi ròng 1.708 tỷ trong hoạt động đầu tư, chủ yếu để mua sắm tài sản cố định và đầu tư tài chính ngắn hạn dưới dạng tiền gửi ngân hàng. Hoạt động tài chính của Công ty trong năm cũng chi ròng 321 tỷ đồng, phần lớn dùng để trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông.

Nhận xét       

Sau ba quý đầu năm chưa được tốt thì kết quả kinh doanh trong quý 4 của PVS đã dần cho thấy sự tích cực hợn. Doanh thu quý 4/2022 đã tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ tăng trưởng ở các mảng kinh doanh chính như tàu dịch vụ dầu khí, dịch vụ cơ khí, xây lắp. Bên cạnh đó, nhờ các công ty liên doanh, liên kết hoạt động tốt nên phần lãi mà PVS thu được từ các công ty đó đã tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Từ đó, PVS ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 tăng trưởng khá ấn tượng, gần 86% so với quý 4/2021 .

Nhờ các kết quả tích cực trong quý 1 và quý 4, bù đắp cho sự sụt giảm trong quý 2 và quý 3, nên nhìn chung cả năm 2022, hoạt động kinh doanh của PVS đã có tăng trưởng tương đối khả quan, với doanh thu tăng 15,1% và lợi nhuận sau thuế tăng 11,1% so với năm 2021.

Về mặt tài chính, PVS tiếp tục duy trì một cơ cấu nguồn vốn khá cân bằng, đòn bẩy tài chính ở mức độ vừa phải khi nợ phải trả chiếm khoảng 50% trong tổng nguồn vốn và trong đó nợ vay ngân hàng cũng có tỷ trọng tương đối nhỏ là 5,3%. Đồng thời, công ty cũng có thanh khoản ở mức tốt với lượng tiền mặt và đầu tư ngắn hạn nắm giữ cao nên các chỉ số về khả năng thanh toán nợ đang ở các mức đảm bảo và tương đối an toàn.

Cập nhật báo cáo tài chính quý 3/2022

Kết quả kinh doanh

Trong quý 3 năm 2022, tuy doanh thu giảm nhưng kết quả kinh doanh của PVS lại đón nhận sự tích cực. Cụ thể:

kết quả kinh doanh quý 3.2022 PVSkết quả kinh doanh quý 3.2022 PVS(Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022 của công ty PVS)

  • Trong khi doanh thu thuần ghi nhận giảm 12% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp của PVS lại ghi nhận tăng nhẹ từ 5.13% lên 5.75% trong quý 3 năm 2022. Kết quả đến từ việc giá vốn của PVS trong quý 3 đã có mức giảm mạnh hơn doanh thu.
  • Ngoài việc biên lãi gộp được cải thiện, PVS còn được hưởng lợi nhờ có doanh thu tài chính trong kỳ cao, tăng 166% so với năm 2021. Kết quả này là nhờ nguồn thu ngoại tệ của công ty với các đối tác nước ngoài.
  • Tuy nhiên, các hoạt động liên doanh, vốn là một nguồn thu lớn của PVS lại ghi nhận giảm gần 20% so với cùng kỳ. Kết quả này làm lợi nhuận trước thuế của PVS chỉ còn 297.9 tỷ đồng, tăng chỉ 6% so với cùng kỳ. Không những vậy, PVS còn ghi nhận chi trả nghĩa vụ thuế khá cao trong quý 3 năm 2022, khiến cho lợi nhuận sau thuế giảm đến 19.7%. Cũng vì thế mà biên lợi nhuận sau thuế của PVS đã giảm còn 5.51%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, biên lợi nhuận gộp của PVS giảm chỉ còn 4.92% so với cùng kỳ, dù cho doanh thu có tăng 14.76%. Nguyên nhận hoàn toàn đến từ giá vốn hàng bán tăng cao trong nửa đầu năm 2022. Trong khi đó doanh thu từ hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tỷ giá) và lãi từ hoạt động liên doanh đã kéo lợi nhuận trước thuế của PVS tăng 20.58% so với cùng kỳ. Tuy vậy, do chi phí thuế trong kỳ khá cao nên khiến biên lợi nhuận sau thuế của PVS giảm khá nhiều, từ 6.08% còn 4.14% trong năm 2022.

Tình hình tài chính

tình hình tài chính quý 3.2022 PVStình hình tài chính quý 3.2022 PVS(Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022 của công ty PVS)

Về tài sản:

Tuy là công ty trong ngành dầu khí nhưng PVS là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Do vậy tỷ trọng tài sản của công ty chủ yếu phân bổ vào các tài sản ngắn hạn. Cụ thể:

  • Tỷ trọng tài sản ngắn hạn của PVS trong quý 3 năm 2022 đã tăng 3.41%, chiếm 63.44% tổng giá trị tài sản của toàn công ty. Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, tổng tiền mặt của công ty đã suy giảm từ 23.3% xuống chỉ còn chiếm 21% tổng giá trị tài sản. Trong khi đó công ty chủ yếu nắm giữ tài sản ở dạng tiền gửi ngân hàng (đầu tư tài chính ngắn hạn), chiếm 18.71%.
  • Tài sản dài hạn của công ty trong quý 3 năm 2022 không có quá nhiều thay đổi. Công ty chủ yếu nắm giữ tài sản ở dạng đầu tư tài chính dài hạn, chiếm 19.07% tổng giá trị tài sản. Trong khi đó tỷ trọng tài sản cố định chỉ chiếm 11.67% vào quý 3 năm 2022.

Về nguồn vốn:

PVS có cấu trúc vốn cân bằng. Công ty sử dụng 50% tổng vốn là nợ vay. Trong đó, tỷ trọng cao nhất được phân bổ vào là vốn ngắn hạn, chiếm 35.02%. Cụ thể:

  • Trong ngắn hạn, công ty chủ yếu nợ tiền nhà cung cấp là chính (phải trả người bán), với tỷ trọng là 16.38% tổng nguồn vốn. Trong khi đó do tỷ trọng hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm một nửa trong kỳ, cho thấy công ty đang không mua mới hàng tồn kho, như vậy áp lực sẽ không gia tăng trong nửa cuối năm.
  • Chi phí phải trả ngắn hạn của PVS trong kỳ cũng tăng mạnh 110.46%. Tuy là nợ nhưng đây lại cho thấy mặt tích cực là trong kỳ công ty đang thực hiện nhiều dự án. Do nhu cầu ngắn hạn về vốn nên nợ vay ngắn hạn trong kỳ cũng tăng thêm 8% so với cùng kỳ.
  • Về nợ dài hạn, tỷ trọng lớn nhất được phân bổ vào tài khoản dự phòng phải trả dài hạn, chiếm 4.27% tổng nguồn vốn. Con số này giảm 45.9% so với thời điểm đầu năm, cho thấy công ty đang dần hoàn thiện nhiều dự án nên con số dự phòng được giảm đi. Điều này là tín hiệu tích cực cho thấy công ty sắp bàn giao được nhiều dự án.

Tình hình dòng tiền

  • Lũy kế quý 3 năm 2022, PVS đã chi ròng 531 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã chi ròng 1,500 tỷ đồng vào hoạt động đầu tư của mình. Cụ thể công ty đã gia tăng việc thu mua các công cụ nợ tài chính dài hạn (từ các công ty liên doanh và các dự án đang đầu tư).
  • Về hoạt động kinh doanh, công ty đã thu về 916 tỷ đồng tiền thuần. Con số này là tích cực so với thời điểm cùng kỳ năm trước, khi mà hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19. Hoạt động tài chính trong năm của PVS không có quá nhiều sự nổi bật, một phần do công ty không sử dụng quá nhiều nợ vay trong quá trình vận hành.

Nhận xét

Hoạt động kinh doanh của PVS trong kỳ có ghi nhận sự tích cực nhất định trong 9 tháng đầu năm 2022, chủ yếu do các công ty liên doanh kéo lợi nhuận về. PVS còn được hưởng lợi trong hiện tại nhờ tỷ giá tăng cao, giúp doanh thu tài chính thu được kết quả tích cực. Tuy nhiên nói về lợi nhuận sau thuế, khả năng sinh lời của công ty không quá tích cực do phải chi trả nghĩa vụ thuế khá cao.

Về tài sản, công ty đang trong giai đoạn dần hoàn thiện các hạ tầng dự án. Hàng tồn kho giảm, phải thu ngắn hạn giảm cho thấy công ty đang thu gom dần lợi nhuận từ các dự án hiện tại. Các chi phí phải trả tăng trong khi nợ nhà cung cấp và các khoản dự phòng phải trả giảm cho thấy số lượng dự án doanh nghiệp hoàn thành đang tăng so với đầu năm. Hệ số thanh toán của PVS có sự cải thiện tích cực khi mà tỷ lệ tiền mặt của công ty tăng trong quý 3 năm 2022.

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

Cập nhật báo cáo tài chính quý 2/2022

Kết quả kinh doanh

Theo báo cáo KQKD từ PVS, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 2/2022 có những điểm đáng chú ý như sau:

kết quả kinh doanh quý 2.2022 PVSkết quả kinh doanh quý 2.2022 PVS

  • Doanh thu thuần quý 2/2022 của PVS đạt 3.811 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn doanh thu nên đã kéo lợi nhuận gộp giảm mạnh 42,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức 151 tỷ.
  • Về mặt chi phí, PVS tiết giảm khá tốt chi phí bán hàng trong quý 2/2022, tuy nhiên chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh với lần lượt +114% và 47,9% so với cùng kỳ năm trước.
  • Lợi nhuận gộp giảm mạnh cộng với nhiều khoản chi phí tăng cao đã khiến cho lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của PVS chỉ đạt 15 tỷ đồng, sụt giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2021.
  • Các chỉ số về khả năng sinh lời của PVS cũng sụt giảm mạnh trong quý 2: biên lợi nhuận gộp đạt 3,9% so với mức 8,5% của cùng kỳ năm ngoái, chỉ số ROE (theo quý) giảm còn 0,1%.

Tình hình tài chính

tình hình tài chính quý 2.2022 PVStình hình tài chính quý 2.2022 PVS

Về mặt tài sản

  • Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của PVS đạt 25.035 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với đầu năm.
  • Xét về cơ cấu, các khoản đầu tư tài chính (ngắn hạn và dài hạn), tiền mặt, phải thu ngắn hạn đang là các loại tài sản chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn cũng là các khoản có mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, trong khi hàng tồn kho giảm mạnh hơn 50% so với đầu năm.

Về mặt nguồn vốn

  • Tổng nợ phải trả tăng nhẹ +0,8% so với đầu năm, các khoản vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn và dài hạn) giảm nhẹ và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 4,8% so với tổng nguồn vốn.
  • Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/6 của PVS ở mức 12.622 tỷ đồng và hầu như không có sự thay đổi so với đầu năm.

Về cơ cấu vốn và khả năng thanh toán

  • Các hệ số thanh toán của PVS ở mức khá tốt và đang được duy trì ổn định theo thời gian: hệ số thanh toán ngắn hạn ở mức 1,79 lần, hệ số thanh toán nhanh ở mức 1,67 lần.
  • Về cơ cấu vốn, PVS sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức khá cân bằng với tỷ số giữa tổng nợ phải trả trên tổng tài sản vào khoảng 49,6%. Các khoản vay (ngân hàng, trái phiếu) của công ty cũng ở mức tương đối thấp, chiếm 4,8% tổng nguồn vốn.

Tình hình dòng tiền

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình lưu chuyển tiền tệ của PVS có những điểm đáng chú ý sau:

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần ở mức dương 1.101 tỷ so với mức âm 803 tỷ của cùng kỳ năm 2021 khiến cho tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6/2022 tăng gần 20% so với thời điểm đầu năm.
  • Xét về cơ cấu thì hoạt động kinh doanh đang là nguồn chính mang lại dòng tiền vào cho PVS trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng việc dòng tiền vào từ hoạt động kinh doanh tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm là chủ yếu do công ty đang mạnh tay cắt giảm lượng hàng tồn kho chứ không phải là hoạt động kinh doanh của công ty mang lại hiệu quả cao.

Nhận xét

Hoạt động kinh doanh của PVS trong quý 2/2022 cũng như 6 tháng đầu năm 2022 đang cho kết quả chưa tốt. Mặc dù doanh thu tăng khá tốt nhưng do các loại chi phí như giá vốn hàng bán, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến nên lợi nhuận của PVS sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cu thể, lợi nhuận sau thuế quý 2/2002 giảm 91,8%, nếu tính lũy kế 6 tháng đầu năm thì lợi nhuận của PVS cũng giảm hơn 22%.

Năm 2022, PVS đặt mục tiêu khá khiêm tốn với lợi nhuận dự kiến đạt 488 tỷ đồng, giảm 28% so với mức thực hiện năm 2021. Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm công ty đã hoàn thành 54,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Về tình hình tài chính, PVS đang duy trì một cơ cấu nguồn vốn khá cân bằng, đòn bẩy tài chính ở mức độ vừa phải, các khoản vay và nợ thuê tài chính chỉ chiếm 4,8% tổng nguồn vốn. Công ty cũng có thanh khoản ở mức tốt với lượng tiền mặt và đầu tư ngắn hạn nắm giữ cao. Các chỉ số về khả năng thanh toán của công ty ở mức khá an toàn và duy trì ổn định.

THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch

Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.


Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.

Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636

XEM THÊM:

Like this:

Like

Loading…

Xổ số miền Bắc