Câu lạc bộ tiếng Anh lay lắt trong trường học

Gần 3.300 câu lạc bộ tiếng Anh được thành lập ở các trường phổ thông, đại học trong cả nước nhưng hoạt động phần lớn tự phát, mang “tính hình thức”.

Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12 ở Hà Nội, tải ứng dụng để học ngữ pháp và trò chuyện tiếng Anh cùng máy sau ba tháng câu lạc bộ không có lịch sinh hoạt. Khi mới vào lớp 10, Minh Anh tham gia câu lạc bộ tiếng Anh do một nhóm học sinh trong trường tự tổ chức. Thời gian đầu, câu lạc bộ sinh hoạt một buổi/tuần, mỗi buổi từ 30 phút đến một tiếng nhưng sau giảm xuống còn hai tuần một buổi. Đến đầu năm học này, câu lạc bộ tan rã.

“Đề án nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu 100% Đoàn thanh niên hoặc Hội sinh viên ở đại học, học viện, cao đẳng, Đoàn các trường trung học phổ thông có câu lạc bộ tiếng Anh. Sau 5 năm, mục tiêu này được đánh giá chưa đạt.

Thống kê từ ban Quốc tế của Trung ương Đoàn cho thấy 3.299/3.601 trường đại học, học viện, cao đẳng, trường trung học phổ thông có câu lạc bộ tiếng Anh, đạt tỷ lệ 91,61%. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ tiếng Anh chưa tốt, chỉ có một số thường xuyên hoạt động. “Nhiều câu lạc bộ còn mang tính hình thức”, đại diện ban Quốc tế đánh giá.

Tình trạng các câu lạc bộ tiếng Anh “có nhưng ít hoạt động” do nhiều nguyên nhân, theo một số cán bộ quản lý của ngành giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Tươi, Hiệu trưởng trường THPT Trung Giã, Hà Nội, cho biết trường từng có nhiều câu lạc bộ tiếng Anh nhưng không được thực hiện theo một mô hình cụ thể, nên dần tan rã. Một lý do quan trọng khác là câu lạc bộ thường được giao cho giáo viên tiếng Anh tổ chức, nên việc tổ chức các hoạt động phụ thuộc vào thời gian rảnh của họ.

“Hiện nay chưa có nguồn kinh phí nào dành cho những giáo viên tham gia hoạt động này”, cô Tươi nói thêm.

Theo một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, câu lạc bộ học thuật nói chung và câu lạc bộ tiếng Anh nói riêng là hoạt động giáo dục không bắt buộc, do nhà trường giao tổ chuyên môn tổ chức hoặc định hướng cho học sinh hoạt động. Vị này cho hay giao giáo viên tiếng Anh tổ chức câu lạc bộ sẽ rất khó phát triển vì họ được giao định mức giờ dạy và nhiệm vụ dạy học theo chương trình vốn đã chiếm nhiều thời gian.

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Phương Toàn, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay hiện chỉ các trường THPT tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh, các cấp học dưới chưa có. Khoảng 10/38 trường THPT của tỉnh có câu lạc bộ này, phần lớn là các trường trọng điểm ở thành phố, thị xã. Hiện, các câu lạc bộ hoạt động theo hình thức học sinh tự quản. Ở một số trường chuyên, học sinh tham gia đông hơn nên có nhiều hoạt động nổi bật hơn.

“Sở cũng tính triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh nhưng do chưa xây dựng được đề án nên hiện chủ yếu chỉ dạy chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, ông Toàn nói.

Từ năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các nhà trường duy trì một câu lạc bộ tiếng Anh và tổ chức hoạt động định kỳ hàng tháng. Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở, cho biết các câu lạc bộ tiếng Anh chủ yếu được tổ chức ở cấp THPT vì ở lứa tuổi này học sinh đã có kiến thức môn học và hiểu biết xã hội, có vốn từ vựng đủ để giao tiếp.

Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần và có chủ đề sinh hoạt khác nhau. Nội dung có thể bám sát vào các ngày lễ lớn trong tháng, mừng Giáng sinh, tìm hiểu về ngày Tết, làm thiệp mừng các ngày lễ hoặc theo chủ đề liên quan trong sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Bà Tuyến nói có câu lạc bộ tiếng Anh hiệu quả, như tại trường THPT Công nghiệp, nhiều cuộc thi và trò chơi trên Góc tiếng Anh (English Corner), bản tin “CN Weekly News” hàng tuần.

Đan đội tóc giả, mặc váy đụp diễn vở Chí Phèo phiên bản tiếng Anh trên sân khấu trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh, hôm 14/11. Ảnh: CLB tiếng Anh trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh

Đan đội tóc giả, mặc váy đụp diễn vở “Chí Phèo” phiên bản tiếng Anh trên sân khấu trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh, hôm 14/11. Ảnh: CLB tiếng Anh trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh

Tại trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh, trên sân khấu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam hôm 14/11, Phạm Đình Đan, học sinh lớp 11A2, trong chiếc váy đụp diễn vở kịch “Chí Phèo” phiên bản tiếng Anh khiến cả trường cười giòn giã. Để có một vở kịch hài hước, ý nghĩa, Đan và các thành viên câu lạc bộ tiếng Anh đã cùng nhau đọc văn bản gốc, dịch sang tiếng Anh và tập luyện một tuần. Nam sinh cho biết đây là một trong nhiều các hoạt động mà em được tham gia trong gần hai năm gắn bó với câu lạc bộ. Đan sinh hoạt đều đặn vào chiều thứ 4 hàng tuần, từ 14h đến 16h30, và nói chuyện “100% bằng tiếng Anh”.

Trong một buổi sinh hoạt, em cùng các bạn kể truyện, đọc thơ bằng tiếng Anh. Thầy cô và các thành viên câu lạc bộ cũng thường “đổi gió” bằng cách tổ chức trò chơi kết hợp giữa kiến thức ngoại ngữ và vận động, cả ở trong và ngoài trường học.

Song không phải tất cả các trường đều làm được như vậy. Một số trường có câu lạc bộ thì điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Một số trường chưa thành lập được câu lạc bộ tiếng Anh, chủ yếu ở vùng sâu, xa do hoạt động của câu lạc bộ thường diễn ra ngoài giờ lên lớp, học sinh ở xa trung tâm nên việc đi lại khó khăn.

Việc thiếu giáo viên giảng dạy, giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều, đặc biệt ở cấp THCS và tiểu học cũng khiến cho hoạt động của các câu lạc bộ tiếng Anh không thường xuyên và chưa hiệu quả. “Việc duy trì các câu lạc bộ tiếng Anh cần nhiều sự đầu tư về thời gian, tiền bạc và kinh nghiệm”, bà Tuyến nói.

Các thành viên CLB tiếng Anh trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh, chuẩn bị cho tiết mục chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam hôm 14/11. Ảnh: CLB tiếng Anh trường THPT Hương Khê

Các thành viên CLB tiếng Anh trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh, chuẩn bị cho tiết mục chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam hôm 14/11. Ảnh: CLB tiếng Anh trường THPT Hương Khê

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030”. Chương trình hướng đến nhóm tuổi từ 6 đến 30, với mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 10 triệu lượt thanh thiếu nhi được học ngoại ngữ và rèn luyện các kỹ năng hội nhập quốc tế. Một giải pháp được đưa ra là cơ quan Đoàn cấp tỉnh phối hợp với Hội Sinh viên, Thiếu niên Tiền phong và các trường phổ thông, đại học tổ chức ít nhất một sân chơi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Ngoài ra, các tổ chức này cũng phối hợp mở các sân chơi, khóa học ngoại ngữ miễn phí cho thanh thiếu nhi.

Theo một lãnh đạo Trung ương Đoàn, để câu lạc bộ ngoại ngữ hoạt động hiệu quả cần khảo sát kỹ nhằm tìm hiểu năng lực, nhu cầu tăng cường tiếng Anh của học sinh, sinh viên để đưa ra giải pháp phù hợp. Ngoài ra, Ban này cho rằng cần đa dạng hóa các hoạt động, sáng tạo và nhân rộng các mô hình tốt, tăng thu hút xã hội hóa để hỗ trợ cho việc triển khai câu lạc bộ.

Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả sẽ giúp học sinh có môi trường học ngoại ngữ tốt. Do đó, bà Tuyến đề xuất cần có sự đầu tư của các cấp, sự hỗ trợ của nhà trường, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và từ phụ huynh học sinh. Ngoài ra, theo bà cần tuyên truyền để học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường học ngoại ngữ.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng giáo viên tiếng Anh nên là người tổ chức, định hướng cho học sinh duy trì hoạt động câu lạc bộ để các em phát huy sự chủ động, sáng tạo. Giáo viên cần có khả năng phát hiện học sinh có năng khiếu, đam mê trong hoạt động này.

Sau thời gian tham gia câu lạc bộ, Đan cảm nhận sự khác biệt rõ rệt giữa việc học tiếng Anh trên lớp, tại trung tâm và trong câu lạc bộ. Không chỉ tập trung vào ngữ pháp, câu lạc bộ còn giúp nam sinh rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông. Em mong câu lạc bộ sẽ có thêm hoạt động hấp dẫn, mở rộng giao lưu cùng các câu lạc bộ khác.

Còn với Minh Anh, em hy vọng câu lạc bộ tiếng Anh trong trường học sẽ trở lại và hoạt động bài bản hơn dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. “Em chán phải nói chuyện cùng máy trong khi xung quanh có rất nhiều bạn đam mê tiếng Anh giống mình”, nữ sinh nói.

Bình Minh – Hoài Anh

Xổ số miền Bắc