Công nghệ sinh học trong lĩnh vực Y dược – HUSTA

Tác giả: PGS.TS Trần Đình Bình

Bộ môn Vi sinh, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế

  1. Giới thiệu

Chỉ thị số 50 CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Theo chỉ thị này thì Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khái thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường.

Với những thành tựu KH&CN vượt bậc của nhân loại, từ cuối thế kỷ 20, công nghệ sinh học (CNSH) từ một ngành khoa học đã trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật công nghệ cao của nhiều quốc gia công nghiệp trên thế giới. Đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự CNH, HĐH, là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế công nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.

Quan điểm xuyên suốt của nhà nước là xây dựng và phát triển công nghệ sinh học ở nước ta trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật mũi nhọn, có vai trò quan trọng, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.

Nhiệm vụ chủ yếu của phát triển CNSH ứng dụng trong Y Dược là tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gene, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh vật, công nghệ enzyme và protein, công nghệ di truyền,… để tạo ra các sản phẩm y – dược mới, có hiệu quả chữa bệnh cao, các dịch vụ y học công nghệ cao nhằm phòng chống hữu hiệu các loại dịch bệnh nguy hiểm, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đa dạng về chăm sóc sức khỏe của người dân. Theo Bộ Y tế, khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung và CNSH nói riêng trong những năm qua đã thực sự trở thành động lực, là cơ sở bền vững để phát triển ngành y tế Việt Nam, đã và đang đóng vai trò quan trọng giải quyết những vấn đề thiết thực, cấp bách về y tế và y – dược học, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Công nghệ Sinh học Y dược đã làm thay đổi nền y học thế giới là việc giải mã thành công hệ gene người vào năm 2003; mở đầu cho thời kỳ khai thác cơ sở dữ liệu hệ gen, tạo ra các sản phẩm có giá trị ứng dụng cao trong lĩnh vực y dược. Nhiều thành tựu khác bao gồm ứng dụng tế bào gốc trong chữa trị bệnh hiểm nghèo, thụ tinh nhân tạo, công nghệ tái tạo mô – cơ quan, công nghệ nhắm trúng đích điều trị ung thư,…Đặc biệt, trước tình hình đại dịch toàn cầu hiện nay, nhiều tổ chức Công nghệ Sinh học trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tạo ra một loại vaccine dựa trên đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2 bằng công nghệ tổng hợp hệ gene.

Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế với một đội ngũ nghiên cứu mạnh, nhiều nhóm nghiên cứu mạnh với chức năng nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học, phát triển các công nghệ nền và ứng dụng công nghệ nền để tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội; ươm tạo và chuyển giao công nghệ; thực hiện, cung ứng các dịch vụ khoa học và công nghệ theo nhu cầu của xã hội; thương mại hóa sản phẩm; đào tạo và liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ về sinh học, công nghệ sinh học và các lĩnh vực liên quan với các đơn vị trong và ngoài Đại học Huế để cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao cho xã hội. Đây là một định hướng phát triển hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại, với chủ trương của nhà nước, hy vọng sắp tới sẽ có nhiều nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực Y Dược.

  1. Công nghệ sinh học trong lĩnh vực Y Dược

Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) rộng rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực khoa học y dược nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ, phòng ngừa hữu hiệu, chẩn đoán sớm, nhanh, chính xác và điều trị bệnh hiệu quả cho nhân dân.

2.1. Trong phòng ngừa bệnh tật

Năng lực nghiên cứu, triển khai công nghệ sinh học của nước ta hiện nay đã tiến được một bước khá dài: từ chỗ chỉ tiến hành những nghiên cứu đơn giản và thường dừng lại ở phòng thí nghiệm, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu công nghệ cao được thế giới công nhận và nhiều công nghệ đã được đưa vào sản xuất.

Hiện nay, đã và đang sử dụng các loại vắc xin được sản xuất bằng phương pháp CNSH tiên tiến nhất trên thế giới cũng như trong nước để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh cho nhân dân, loại trừ một số bệnh truyền nhiễm lây lan trong cộng đồng, như: Công tác khám bệnh, chữa bệnh, công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thực hiện tại 100% xã, phường, đảm bảo chất lượng, không có tai biến sau tiêm chủng. Cụ thể, đang sử dụng hiệu quả 56 loại vaccine, trong đó có 8 loại vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bệnh trẻ em: bệnh bại liệt, uốn ván trẻ sơ sinh, bạch hầu, ho gà, sởi, lao, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib và nhiều loại vaccine phòng bệnh khác như: quai bị, viêm gan A, đã tiếp cận chuyển đổi một số loại vaccine thế hệ mới: viêm não nhật bản, viêm gan siêu vi B, bệnh dại; Sử dụng các men vi khuẩn sống trong điều trị loạn khuẩn đường ruột;

2.2. Trong chẩn đoán bệnh

Trong những năm qua, việc ứng dụng CNSH trong khoa học sức khoẻ của nước ta đã được đẩy mạnh, trong đó, tất cả các bệnh lạ, bệnh mới nổi, bệnh nguy hiểm, các nhà CNSH của Việt Nam đều có khả năng chẩn đoán bằng việc ứng dụng kỹ thuật gen như: bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, dịch bệnh SARS, cúm A/H1N1, cúm AH5N1, cúm A/H7N9, các vi sinh vật có khả năng gây ung thư, vi khuẩn lao kháng thuốc…

Ứng dụng phản ứng gắn kết men trong chẩn đoán một số bệnh virus: viêm gan virus B, HIV; Ứng dụng các KIT chẩn đoán và thiết bị sinh hóa máu phục vụ chẩn đoán bệnh kịp thời.

Ngành y tế đã ứng dụng công nghệ gen (kỹ thuật PCR, Real-time trong chẩn đoán sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm,…) phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và sử dụng kỹ thuật PCR trong chẩn đoán Salmonella phục vụ công tác thanh kiểm tra nhà nước về An toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy đã phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Nhờ ứng dụng CNSH, các tác nhân gây bệnh thường gặp như: giun, sán, tay chân miệng, sốt xuất huyết,… được nghiên cứu về chu trình sống, đường lây, khối cảm thụ, giúp thuận lợi hơn trong chẩn đoán xác định, đồng thời là căn cứ khoa học cho hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe để mỗi người dân đều có thể thực hiện tốt việc phòng bệnh cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

2.3. Trong điều trị một số bệnh

Trong chẩn đoán, điều trị bệnh, việc ứng dụng CNSH được thực hiện trong hoạt động phân tích miễn dịch, phát hiện một số protein có liên quan đến sự hình thành khối u, xác định sự có mặt của các loại vi khuẩn khác nhau… giúp cho các bác sĩ xác định bệnh một cách nhanh chóng và chính xác, như: Phương pháp Real time PCR: định lượng DNA HBV, RNA HCV trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị các bệnh viêm gan B và C; phát hiện vi khuẩn lao; xác định genotype HCV; xác định các đột biến kháng Lamivudin của virus HBV; Phương pháp PCR: xác định type của virus sốt xuất huyết Dengue; virus HPV. Sử dụng một số sản phẩm CNSH trong điều trị như insulin chữa bệnh tiểu đường, kháng sinh, vitamin, enzyme, các chế phẩm chẩn đoán, thuốc chữa bệnh. Qua ứng dụng các kỹ thuật CNSH ngành Y tế phát triển một số mô hình, phương thức khám chữa bệnh mới có hiệu quả. Xây dựng quy trình ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong việc quản lý và giám sát công tác điều trị một số bệnh làm giảm lộ trình và kinh phí điều trị bệnh, làm giảm sự lan truyền bệnh trong cộng đồng.

Nhiều cơ sở y tế đã ứng dụng thành công công nghệ tế bào gốc vào chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý về máu; thực hiện các xét nghiệm phục vụ ghép tủy như HLA Typing, giải trình tự gen, đếm các marker CD trên hệ thống đếm dòng chảy, tách tế bào gốc phục vụ ghép tủy….

2.4. Trong nghiên cứu sản xuất thuốc và phát triển dược liệu

Tiếp thu làm chủ công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền, nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng… bằng các công nghệ chiết tách, tổng hợp và bán tổng hợp các sản phẩm từ thiên nhiên, tạo các sản phẩm phục vụ công nghiệp dược, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm. Kế thừa và phát triển y học cổ truyền, nghiên cứu các cây thuốc, bài thuốc điều trị, hiện đại hóa các dạng bào chế các bài thuốc… Dựa trên kết quả các nghiên cứu cấu trúc hóa học, chiết xuất chất đối chiếu, xây dựng bộ dược liệu chuẩn, các phương pháp phân tích định tính, định lượng nhằm nâng cao chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu. Thực hiện quy định của WHO là dược liệu đúng, tốt và tinh khiết, tiến tới xác định hạn dùng của các dược liệu.

Bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm: dựa trên những dữ liệu điều tra, Viện Dược liệu đã xây dựng cơ sở dữ liệu và xuất bản cuốn sách Cây thuốc Việt Nam (2016), thống kê được 5.117 loài và dưới loài thực vật được sử dụng làm thuốc, thuộc 1.823 chi, 360 họ của 8 ngành thực vật bậc cao có mạch, cùng với một số taxon thuộc nhóm rêu, tảo và nấm lớn; tiếp tục duy trì lưu giữ và bảo tồn 1.168 nguồn gen của 760 loài/dưới loài thuộc 170 họ tại 5 vườn bảo tồn cây thuốc thuộc các vùng sinh thái khác nhau; khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất, xây dựng hồ sơ công nhận giống của 6 giống dược liệu: đan sâm, cát cánh, đương quy Nhật Bản, bạch chỉ, hoàng cầm, đẳng sâm Bắc tại các vùng sinh thái phù hợp. Trong đó, có 4 giống (đương quy Nhật Bản, đẳng sâm, cát cánh, đan sâm) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ.

2.5. Trong công tác bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, xử lý các chất thải ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, sản xuất nhiên liệu sinh học phục vụ mục tiêu sản xuất sạch hơn và bảo đảm an ninh năng lượng.

Ứng dụng trong thụ tinh nhân tạo, là một ứng dụng mang tính nhân văn cao của Công nghệ sinh học. Hiện nay, hiếm muộn ngày càng phổ biến ở cả nam lẫn nữ, đang là một vấn đề nan giải nhiều người quan tâm. Với sự can thiệp của công nghệ sinh học trong sinh sản, bao gồm những kỹ thuật như thụ tinh trong ống nghiệm, vi tiêm tinh trùng vào trứng, … các nhà khoa học và bác sĩ đã đem đến hạnh phúc cho nhiều gia đình. Thực tế, có rất nhiều trẻ em được ra đời nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Kỹ thuật sinh học phân tử được ứng dụng tối ưu vào quá trình giám định pháp y như những vấn đề xâm hại tình dục, xác định quan hệ huyết thống hay những dấu vết sinh học… đem lại tính tiện ích cao trong đời sống của con người.

Công nghệ sinh học được ứng dụng trong nghiên cứu. tìm kiếm. sản xuất thực phẩm hỗ trợ điều trị, thực phẩm chức năng, tầm soát bệnh tật…Nhờ những thành tựu của ngành công nghệ sinh học mà đời sống sinh hoạt hàng ngày được đảm bảo an toàn, tốt hơn rất nhiều. Các sản phẩm sạch, hữu ích cho cuộc sống được sản xuất trên quy mô công nghệ, ứng dụng vào mọi mặt của đời sống hàng ngày.

Con người không phải lo lắng về vấn đề thực phẩm sạch, vấn đề bảo vệ môi trường, những nguồn năng lượng mới, các sản phẩm tẩy rửa loại bỏ hóa chất, khí thải độc hại,… nhờ vào những thành tựu được nghiên cứu của ngành công nghệ sinh học rất hiện đại này…

  1. Công nghệ vi sinh (CNVS) trong Y Dược

CNVS tiên tiến có tầm quan trọng đặc biệt trong sản xuất chế phẩm sinh học và cung ứng dịch vụ y tế bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học và CNVS mà thời gian tiếp cận cho một sản phẩm từ nghiên cứu đến triển khai sản xuất hoặc từ chuyển giao bản quyền đến thử nghiệm và ra sản phẩm thương mại được rút ngắn đáng kể (nhiều sản phẩm được tạo ra chỉ sau vài tháng hoặc trên dưới một năm).

Các ứng dụng của CNVS trong y tế ở Việt Nam (ngoài ngành dược sản xuất kháng sinh) được tập hợp trong các nhóm ngành cơ bản sau:

3.1. Nhóm chất hoạt tính sinh học: bao gồm các sản phẩm được tạo ra bằng công nghệ tái tổ hợp vi khuẩn và nấm men, đây là công nghệ nổi bật được ứng dụng từ những năm đầu thế kỷ XXI. Các sản phẩm có hoạt chất sinh học chủ yếu là insulin, hormone sinh trưởng, chất kích thích miễn dịch cytokine (IL2, IL6), chất kháng virus như interferon. Vi sinh vật (VSV) chủ yếu được sử dụng để thực hiện quá trình tạo giống tái tổ hợp là vi khuẩn (phần lớn là E. coli) và nấm men. Việt Nam đã làm chủ được một số quá trình tạo giống của một số sản phẩm; các doanh nghiệp có cổ phần ngoại hoặc liên doanh hầu hết nhập trọn gói hệ thống công nghệ, giống, dây chuyền và bao gói sản phẩm. Mức độ yêu cầu về công nghệ ở phân ngành sản xuất thực phẩm chức năng trong hỗ trợ điều trị, vitamin ở cấp độ 3; ở phân ngành sản xuất hormone, insulin, chế phẩm miễn dịch, chế phẩm chuyển hoá ở cấp độ 4 và đang được hoàn thiện để đạt mức cao hơn.

3.2. Nhóm các chế phẩm chẩn đoán: chủ yếu là sản xuất kháng thể đơn dòng và tạo kit chẩn đoán nhanh (ICT). Ở Việt Nam, trong y tế có rất nhiều kit chẩn đoán dựa vào kháng thể đơn dòng như kit phát hiện có thai, kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm… Chẩn đoán miễn dịch học bằng kháng thể, kháng nguyên tái tổ hợp (ELISA) có tham gia của CNVS đang được áp dụng rộng rãi trong hỗ trợ dịch vụ y tế. Chẩn đoán sinh học phân tử, đặc biệt là chẩn đoán gen gây bệnh bằng các loại sinh phẩm và kit khác nhau (PCR, LAMP) đang được phổ cập, đặc biệt đối với các bệnh hiểm nghèo, ung thư, bệnh mới phát sinh (do coronavirus và virus hiếm gặp gây ra). Năng lực sản xuất chế phẩm chẩn đoán các loại ở Việt Nam đạt mức trung bình đối với các bệnh thường gặp (viêm gan A và B, lao, sốt rét, ký sinh trùng…), nhưng đối với các bệnh mới chủ yếu phải nhập khẩu kit và sinh phẩm chẩn đoán rồi mới tiếp cận quy trình sản xuất qua nghiên cứu hoặc chuyển giao. Các cơ sở tiêu biểu trong nghiên cứu, sản xuất vật liệu và kit chẩn đoán chủ yếu là các viện nghiên cứu, trường đại học và bệnh viện tuyến trung ương.

3.3. Nhóm vắc xin tái tổ hợp cho người: đây là nhóm mà ứng dụng CNVS có tính quyết định nhất, bao gồm CNVS tái tổ hợp sản xuất vắc xin DNA, sản xuất kháng nguyên vắc xin, vắc xin chứa virus không có hệ gen (VLP)… hay các loại vắc xin tái tổ hợp có vector truyền là virus hoặc vi khuẩn. Ở nhóm này, CNVS quyết định tất cả các công đoạn thành phần, từ tạo giống, bảo quản, lên men sản xuất đến thu hồi và tạo sản phẩm. Việt Nam đã làm chủ một số loại vắc xin và đang tiến tới tiếp nhận công nghệ tiên tiến để sản xuất một số vắc xin thay thế nhập khẩu (vắc xin dại, vắc xin cúm). Mức độ yêu cầu về công nghệ của nhóm vắc xin là rất cao, trong đó các vắc xin vi khuẩn, đơn hoặc thấp giá (2, 3 giá) đòi hỏi mức độ công nghệ cấp 3, còn vắc xin virus tái tổ hợp và đa giá đòi hỏi mức độ công nghệ cấp 4 và tất cả đều phải đảm bảo theo tiêu chuẩn “Thực hành sản xuất tốt” (GMP).

3.4. Nhóm probiotic cho người: đây cũng là nhóm mà ứng dụng CNVS có tính quyết định, bởi đối tượng sản phẩm chính là VSV lợi khuẩn. Các CNVS cho sản xuất probiotic lợi khuẩn như Lactobacillus và gần đây là Bifidobacterium được ứng dụng từ lâu ở quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, tại các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm dược quy mô nhỏ, các phân xưởng đi kèm ở các doanh nghiệp dược chủ yếu vẫn là công nghệ nuôi cấy giống và lên men sản xuất. Mức độ yêu cầu về công nghệ của nhóm probiotic cho người mang yêu cầu thường quy – công nghệ lên men chỉ ở cấp độ 3 là đủ. Tuy vậy do nhu cầu sử dụng, tạo sản phẩm probiotic cần đa dạng hơn (dạng bột, sản phẩm đông khô, dịch hoặc dạng bào tử…) nên đòi hỏi phải nâng dần cấp độ 2, 3 lên 4.

  1. Định hướng nghiên cứu CNSH tại Đại học Huế trong lĩnh vực Y Dược của nhóm nghiên cứu và một số đề xuất:

4.1. Một số hướng nghiên cứu và giải pháp chủ yếu:

Nghiên cứu và phát triển CNSH của tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế hiện nay vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với một số địa phương trong nước cũng như trong khu vực và nhiều nước lên thế giới, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường và nâng cao mức sống của nhân dân, chưa tạo ra được các sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế quốc dân.

Về lĩnh vực Y Dược, để nâng cao hiệu quả ứng dụng các thành tựu CNSH trong công tác y tế dự phòng, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh, đồng thời hướng đến đầu tư nghiên cứu, phát triển CNSH trong lĩnh vực Y Dược, nhóm nghiên cứu đã xác định được một số hướng nghiên cứu và giải pháp trọng tâm cần thực hiện đó là:

Một là, nghiên cứu tính kháng thuốc của các vi sinh vật gây bệnh; ứng dụng CNSH trong chẩn đoán các đột biến kháng thuốc của các vi sinh vật gây bệnh, nghiên cứu các vi sinh vật đối kháng để xác định khả năng ứng dụng trong hỗ trợ điều trị các vi sinh vật gây bệnh kháng thuốc.

Hai là, ứng dụng CNSH trong việc xác định các vi sinh vật gây bệnh hỗ trợ cho công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm và phòng chống dịch bệnh. Bao gồm các nghiên cứu về nuôi cấy, phân lập, định danh, xác định các yếu tố gây bệnh của vi sinh vật (enzyme, độc tố, cấu trúc…).

Ba là, liên kết nghiên cứu sâu về tương tác giữa cơ thể với các vi sinh vật gây bệnh để đánh giá nguy cơ gây bệnh/dịch bệnh để có định hướng dự báo. Bao gồm các nghiên cứu về HLA, các yếu tố gây bệnh của vi sinh vật (enzyme, độc tố, cấu trúc…).

Bốn là, tập trung nghiên cứu phát hiện tác nhân mới gây bệnh ở Việt Nam, định hướng cho phòng và điều trị bệnh: nuôi cấy virus trên nuôi cấy tế bào vero; kỹ thuật miễn dịch tế bào, sinh học phân tử hiện đại; công nghệ giải mã gen những vi sinh mới phát hiện. Ứng dụng CNSH trong chẩn đoán các đột biến trên gen hỗ trợ cho công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh ung thư, các bệnh lý về di truyền học.

Năm là, nghiên cứu dược liệu và chiết tách các thành phần có hoạt tính sinh học, sản xuất, bào chế dạng thành phẩm sử dụng được trong chăm sóc sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật cho cộng đồng. Hướng truyền thống là xác định cụ thể bệnh và tìm nguyên liệu để chữa. Thứ hai là hướng phát triển trên cơ sở các bài thuốc bản địa, những dược liệu có giá trị sẵn, gắn với nhu cầu thực tiễn, từ đó sử dụng công nghệ để chiết xuất, xác định và phân tích hoạt tính các thành phần của dược liệu, chuẩn hóa các thành phần quý.

4.2. Một số đề xuất chung cho chính sách phát triển CNSH của nhà nước, tỉnh và Đại học Huế:

Để hiện thực hoá các hướng nghiên cứu lớn, có tiễm năng nói chung và những nghiên cứu trong lĩnh vực Y Dược nói riêng, chúng tôi có một số đề xuất chung cho chính sách phát triển CNSH của nhà nước, tỉnh và Đại học Huế là:

4.2.1. Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới phòng thí nghiệm CNSH, cung cấp thêm trang thiết bị nghiên cứu nhằm tăng cường năng lực các phòng thí nghiệm. Đào tạo và tăng cường an toàn sinh học các phòng thí nghiệm sinh học phân tử để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và bảo đảm an toàn sinh học.

4.2.2. Tập trung nguồn lực đầu tư trọng điểm cùng với tạo cơ chế liên kết trong việc chia sẻ, khai thác các thiết bị nghiên cứu chuyên sâu giữa các phòng nghiên cứu nhằm khai thác tối đa hiệu quả các thiết bị và nguồn nhân lực chuyên sâu, đặc biệt là phối hợp phát triển công nghệ sinh học và công nghệ nano.

4.2.3. Đối với lĩnh vực Y-Dược, đề xuất ưu tiên phê duyệt đầu tư cho các đề tài, các dự án nghiên cứu là các chuỗi các công trình nghiên cứu đồng bộ từ đầu đến sản phẩm cuối cùng phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tập trung nguồn lực cho các hướng nghiên cứu chẩn đoán các bệnh bằng sinh học phân tử, vi sinh vật kháng thuốc, nuôi cấy và định danh vi sinh vật, các hoạt chất kháng vi sinh vật, vi sinh vật trong xử lý chất thải, probiotic…

4.2.4. Hỗ trợ và cho phép liên kết nghiên cứu để huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác đầu tư cho các phòng thí nghiệm chuyên sâu khi thực hiện các nghiên cứu.

4.2.5. Mạnh dạn đầu tư mạo hiểm đối với các nhóm nghiên cứu, các cá nhân có ý tưởng nghiên cứu tiềm năng. Đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính, giải ngân, cấp vốn, thanh quyết toán và nghiệm thu sản phẩm nghiên cứu.

Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên ba lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Công nghệ Sinh học Y dược đã làm thay đổi nền y học thế giới là việc giải mã thành công hệ gene người vào năm 2003; mở đầu cho thời kỳ khai thác cơ sở dữ liệu hệ gen, tạo ra các sản phẩm có giá trị ứng dụng cao trong lĩnh vực y dược. Đặc biệt, trước tình hình đại dịch toàn cầu hiện nay, nhiều tổ chức Công nghệ Sinh học trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tạo ra một loại vacxin dựa trên đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2 bằng công nghệ sinh học…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Ngô Quang (2020). KH&CN y – dược Việt Nam: Thành tựu và định hướng phát triển. Phó Cục trưởng Cục KH&CN và Đào tạo, Bộ Y tế.

2. Chỉ thị số 50 CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

3. Lê Thanh Hòa, Ngô Đình Bính, Nguyễn Đức Hoàng, Lê Trọng Tài, Tạ Việt Dũng (2019). Ứng dụng công nghệ vi sinh trong y tế và một số khuyến nghị. Viện Công nghệ sinh học, VAST, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN

4. Lê Huyền Ái Thúy và cộng sự (2016), Giáo trình Công nghệ Gen, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

5. Phan Kim Ngọc, Phạm Văn Phúc (2007) Công nghệ sinh học trên người và động vật. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

6. Đại học Huế (2016). Kế hoạch phát triển Đại học Huế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030.

7. Harvey Lodish và cộng sự (2014). Sinh học Phân tử của tế bào; tập 2: Di truyền học và Sinh học Phân tử. NXB Trẻ

8. NCBI: www.ncbi.nlm.nih.gov/

9. EMBL: www.embl.de/

Xổ số miền Bắc