Công tác quản lý nhà nước về văn hóa

Đăng ngày: 28/06/2018 – 4:35:29 PM | Lượt xem: 62239 |

Đăng ngày: 28/06/2018 – 4:35:29 PM |Lượt xem: 62239 | VHVN

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa

1. Quản lý Nhà nước về văn hóa

Quản lý nhà nước về văn hóa là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích của Nhà nước bằng hệ thống pháp luật và bộ máy của mình, nhằm phát triển văn hóa, điều chỉnh hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa và liên quan, với mục đích giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Quản lý nhà nước về văn hóa có các đặc điểm sau:

Một là, chủ thể quản lý nhà nước về văn hóa là Nhà nước. Nhà nước Việt Nam được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, quyền quản lý được phân cấp: Cấp trung ương, cấp tỉnh (tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương), cấp huyện (huyện thuộc tỉnh, quận thuộc thành phố), cấp xã (xã thuộc huyện, phường thuộc quận). Quản lý nhà nước về văn hóa ở cấp nào thì cơ quan nhà nước cấp ấy là chủ thể quản lý. Quản lý nhà nước về văn hóa ở cấp xã thì ủy ban nhân dân xã là chủ thể quản lý nhà nước. Công chức làm công tác văn hóa – xã hội ở cấp xã có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn cấp xã.

Hai là, khách thể quản lý nhà nước về văn hóa là văn hóa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hoặc có liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Văn hóa với tư cách là khách thể quản lý được hiểu theo nghĩa cụ thể là: Các hoạt động văn hóa (trong đó có các dịch vụ văn hóa, hoạt động sáng tạo…) và các giá trị văn hóa (cụ thể là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể). Mặt khác, theo sự phân công trong hệ thống các cơ quan nhà nước các cấp, không phải toàn bộ hoạt động văn hóa hiểu theo nghĩa rộng đều do ngành văn hóa quản lý. Văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ… do cơ quan giáo dục, khoa học công nghệ quản lý.

Ba là, mục đích quản lý nhà nước về văn hóa là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa truyền thống của Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý nhà nước văn hóa ở từng cấp, từng địa phương, từng hoạt động thì mục đích quản lý nhà nước về văn hóa phải được xác định cụ thể sát với yêu cầu nhiệm vụ và hoàn cảnh của địa phương. Ví dụ quản lý nhà nước về Chương trình mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thì cấp trung ương mục đích là gì; cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là gì, phải được xác định một cách cụ thể. Có như vậy hoạt động quản lý mới hiệu quả.

Bốn là, cơ sở pháp lý của quản lý nhà nước về văn hóa là Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về văn hóa nói riêng có công cụ là hệ thống luật và các văn bản có tính pháp quy. Quản lý bằng pháp luật chứ không phải bằng ý chí của nhà quản lý.

Năm là, cách thức quản lý là “sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích” chứ không phải là việc làm có tính thời vụ, cũng không phải là sự thụ động của nhà quản lý, càng không phải là hoạt động đơn lẻ, tùy tiện của nhà quản lý.

Đối với người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa phải luôn tự đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi: Ai là người quản lý? Quản lý ai và quản lý cái gì? Quản lý vì cái gì? Trong tay mình đang có công cụ nào để quản lý? Ngoài 4 câu hỏi cơ bản trên, người quản lý có kinh nghiệm còn biết đặt một số câu hỏi có tính nghiệp vụ khác: Mình đã nắm chắc các công cụ đó chưa? (luật và các văn bản quy phạm pháp luật). Hoạt động quản lý đang diễn ra trong điều kiện, hoàn cảnh nào? Trách nhiệm và quyền hạn quản lý nhà nước của cấp mình đến đâu?… Người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa dù ở cấp nào cũng cần trả lời các câu hỏi trên một cách thuần thục mới có thể thực thi nhiệm vụ quản lý có hiệu quả.

2.Quản lý văn hóa trong giai đoạn hiện nay

Quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường là một trong những lĩnh vực có rất nhiều vấn đề đặt ra. Việc xác định vấn đề nào là trọng tâm trong quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả quản lý. Cần quan tâm một số vấn đề sau trong quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay:

– Trong thực tiễn hoạt động nhiều năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, một vấn đề lớn đặt ra là: Phát triển văn hóa chưa đồng bộ với phát triển kinh tế dẫn đến nhiều hệ lụy về phát triển xã hội, đồng thời làm cho phát triển kinh tế thiếu bền vững. Nguyên nhân chính của vấn đề đó là: Nhận thức chưa đầy đủ về văn hóa trong hoat động thực tiễn, đặc biệt trong hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa.

– Đổi mới kinh tế đi trước một bước. Đó là sự sáng tạo trong hoàn cảnh cụ thể ở nước ta chỉ có thể đạt hiệu quả với điều kiện phải nhận thức đúng là: Kinh tế đi trước một bước để tiếp tục đổi mới văn hóa – xã hội đồng bộ cùng với phát triển kinh tế. “Đi trước một bước” không có nghĩa là đổi mới kinh tế xong mới đổi mới văn hóa, “hy sinh văn hóa” để phát triển kinh tế. Trên thực tế, nhiều nơi, nhiều lúc yếu tố văn hóa đã bị coi nhẹ vì phát triển kinh tế. Nhìn tổng thể, đổi mới văn hóa chưa theo kịp đổi mới kinh tế.

– Vai trò quản lý nhà nước về văn hóa chưa được nhận thức đúng đắn. Trong xã hội có người cho rằng văn hóa là nhu cầu của con người, nó phát sinh, phát triển theo nhu cầu tự nhiên, hãy để nó phát triển theo quy luật vốn có của nó. Những người có quan niệm như vậy không nhiều, nhưng quan niệm ấy lại là cái cớ để tồn tại những lệch lạc trong nhìn nhận quản lý nhà nước về văn hóa: Quản lý hay không quản lý thì văn hóa cũng cứ phát triển theo đường đi của nó.

– Đổi mới nhận thức về quản lý nhà nước bất cập so với phát triển văn hóa. Các hoạt động văn hóa ngày càng đa dạng, các dịch vụ văn hóa cũng phát triển khá mạnh, một mặt đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội, mặt khác cũng gây nhiều hệ lụy với những đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, gây tâm trạng bất an trong xã hội. Quản lý nhà nước không theo kịp sự phát triển, thêm vào đó tồn tại cách hiểu sai “quản lý đến đâu, phát triển đến đó” dẫn đến nhận thức lệch lạc, quy quản lý nhà nước vào một việc cho và không cho (sinh ra tệ xin – cho với bao hệ lụy đi kèm), dẫn đến cách quản lý hạn chế sự phát triển “không quản lý được thì cấm”!

Nói tóm lại, vấn đề nhận thức cho đúng quản lý nhà nước về văn hóa là gì, mục đích, ý nghĩa và cách thức quản lý ra sao, vẫn là những câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi, thảo luận làm sáng tỏ.

3. Đặc điểm về văn hóa khu vực trung du, miền núi, vùng dân tộc thiểu số

Ở khu vực trung du, miền núi, vùng cao, các dân tộc cư trú tương đối tập trung. Song nhìn chung các dân tộc sống xen kẽ nhau, không có lãnh thổ riêng biệt như một số nước trên thế giới. Địa bàn cư trú của người Kinh chủ yếu ở đồng bằng, ven biển và trung du; còn các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở các vùng trung du, miền núi và vùng cao, một số dân tộc như Khơme, Hoa, một số ít người Chăm sống ở đồng bằng. Các dân tộc thiểu số có sự tập trung ở một số vùng, nhưng không cư trú thành những khu vực riêng biệt mà sống xen kẽ với các dân tộc khác. Cách đây khoảng nửa thế kỷ, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, hầu hết cư dân vẫn là người tại chỗ, mỗi dân tộc đều có khu vực cư trú riêng, ranh giới giữa các tộc người, giữa các bản làng còn rõ ràng thì nay tình hình đã khác xa và xu hướng này còn tiếp tục gia tăng. Hiện nay, dân tộc Kinh cư trú ở Đắk Lắk chiếm tỷ lệ khá lớn. Cùng với người Kinh, các dân tộc thiểu số ở miền Bắc gần đây cũng di chuyển vào khu vực này (kể cả di chuyển theo kế hoạch và không theo kế hoạch) với số lượng khá lớn. Hiện nay, ở miền núi hầu như không có tỉnh, huyện nào chỉ có một dân tộc cư trú. Nhiểu tỉnh có tới trên 20 dân tộc cư trú như: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lâm Đồng… Phần lớn các huyện có từ 5 dân tộc trở lên cư trú. Nhiều xã, bản, buôn có tới 3-4 dân tộc cùng sinh sống.

Tình trạng cư trú xen kẽ giữa các dân tộc ở nước ta, một mặt có điều kiện để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hoà hợp và xích lại gần nhau; mặt khác cần đề phòng trường hợp do chưa thật hiểu nhau, khác nhau về phong tục tập quán nên xuất hiện mâu thuẫn, tranh chấp về lợi ích nhất là lợi ích kinh tế, dẫn đến va chạm giữa những người thuộc các dân tộc cùng sống trên một địa bàn. Ngày nay, tình trạng cư trú xen kẽ của các dân tộc chủ yếu dẫn tới sự giao lưu kinh tế – văn hóa giữa các dân tộc cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Do sống gần nhau, việc kết hôn giữa thanh niên nam, nữ thuộc các dân tộc khác nhau ngày càng phổ biến, càng có thêm điều kiện đoàn kết và hoà hợp giữa các dân tộc anh em.

Phần lớn các dân tộc thiểu số ở nước ta cư trú ở vùng trung du, miền núi và vùng cao, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn mà trước hết là tiềm lực về tài nguyên rừng và đất rừng. Không những thế, trung du, miền núi còn có vai trò đặc biệt quan trọng về môi trường sinh thái đối với cả nước như điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước, bảo vệ lớp đất màu trong mùa mưa lũ.

Vị trí chiến lược quan trọng của khu vực trung du, miền núi đã được thực tế lịch sử khẳng định. Từ xưa đến nay, các thế lực thù địch bên ngoài đều sử dụng địa bàn miền núi để xâm lược, xâm nhập, phá hoại sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Rừng núi đã từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ. Trong giai đoạn hiện nay, miền núi – biên giới là thành lũy vững chắc của Tổ quốc, là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, chống âm mưu xâm nhập, gây bạo loạn, lật đổ bảo vệ sự nghiệp hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội

Ở vùng biên giới, một số dân tộc có quan hệ đồng tộc với dân tộc của các nước láng giềng nên khách quan có nhu cầu thăm thân, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc ở hai bên biên giới. Bởi vậy, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta không chỉ vì lợi ích của các dân tộc thiểu số mà còn vì lợi ích của cả nước, không chỉ là đối nội mà còn là đối ngoại, không chỉ về kinh tế – xã hội, mà cả về chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Do những nguyên nhân lịch sử, xã hội và hoàn cảnh tự nhiên nên các dân tộc ở Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế – xã hội không đều nhau. Các dân tộc sống ở vùng thấp có trình độ phát triển kinh tế – xã hội cao hơn các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Có những dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế – xã hội còn thấp kém. Nhiều dân tộc cư trú trên địa bàn có điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn, khắc nghiệt. Điều kiện canh tác nương rẫy không ổn định nên đời sống của đồng bào thường bấp bênh. Cuộc sống du canh, du cư thường dẫn tới đói nghèo, bệnh tật.

Khu vực trung du, miền núi vùng dân tộc thiểu số là khu vực địa – văn hóa, địa – kinh tế, địa – chính trị… có đặc điểm riêng, khác với khu vực đồng bằng, ven biển, hải đảo. Trong quá trình sinh sống tại các khu vực địa lý khác nhau từ Bắc vào Nam, từ các khu vực rẻo cao, rẻo giữa, cao nguyên hay thung lũng, chân núi, đồng bằng, ven biển, châu thổ…, đồng bào các dân tộc đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc mang đậm dấu ấn gắn với các điều kiện tự nhiên, vùng địa lý. Đó là những giá trị văn hóa do các cộng đồng dân tộc sáng tạo trong quá trình sinh tồn và phát triển giàu bản sắc riêng, tạo nên tính đa dạng trong tính thống nhất của văn hóa Việt Nam.

Cùng với nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa mang bản sắc riêng từ lâu đời, phản ánh truyền thống, lịch sử và niềm tự hào dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần, bao gồm tiếng nói, chữ viết, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, y phục, tâm lý, tình cảm, phong tục, tập quán, tín ngưỡng… được sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử. Sự phát triển rực rỡ bản sắc văn hóa mỗi dân tộc càng làm phong phú nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thống nhất trong đa dạng là nét riêng, độc đáo của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới phải hướng vào việc củng cố và tăng cường sự thống nhất, nhân lên sức mạnh tinh thần chung của toàn dân tộc. Đồng thời phải khai thác và phát triển mọi sắc thái và giá trị văn hóa của các dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao và nhu cầu phát triển từng dân tộc.

Vấn đề đặt ra trong quản lý và tổ chức các họat động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trên địa bàn xã khu vực trung du, miền núi vùng dân tộc đối với công chức làm công tác văn hóa – xã hội cấp xã là rất lớn, phức tạp và khó khăn đòi hỏi người cán bộ không chỉ có trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý mà còn phải có tình yêu quê hương, hiểu biết sâu sắc về quê hương bản quán, phong tục tập quán, bản sắc dân tộc và những xu thế biến đổi của thế giới, đất nước, địa phương đặc biệt là trên địa bàn xã trong phạm vi quản lý để kịp thời điều chỉnh những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cho phù hợp và ngày càng phát triển, đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn xã.

 

Nguồn: Kỹ năng nghiệp vụ công tác văn hóa-xã hội ở xã, phường, thị trấn, TS. Vũ Đăng Minh- ThS. Nguyễn Thế Vịnh, NXB CTQG – ST, Hà Nội, 2016

(Phòng VHVN sưu tầm)

 

 

Xổ số miền Bắc