Cổng Thông tin điện tử Bảo tàng tỉnh Quảng Nam > Chi tiết tin

Bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh ở phía Tây, Thu Bồn là một trong những con sông có lưu vực lớn ở miền Trung Việt Nam và là con sông chủ đạo chi phối các hoạt động của cư dân Quảng Nam. Được hình thành bởi ba nhánh sông chính là sông Tranh, sông Khang, sông Trường, ở thượng nguồn sông chảy qua địa phận các huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nông Sơn trước khi hợp lưu với dòng Vu Gia ở Giao Thủy rồi xuôi dòng về Cửa Đại.

sôn

Sông Thu Bồn đoạn chảy qua Hòn Kẽm – Đá Dừng

Từ thời cổ đại, con sông này đóng vai trò quan trọng không chỉ về mặt địa lý mà cả lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa. Ngay buổi đầu chiếm lĩnh các vùng đất, cư dân cổ thường chọn nơi định cư là khu vực gần các dòng sông, nơi có sẵn nguồn nước ngọt, đất đai màu mỡ, giao thông thuận tiện. Kết quả khai quật các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam cho thấy không gian phân bố các di tích từ đồng bằng cho đến miền núi đều gần các dòng sông. Tại lưu vực sông Thu Bồn, dọc theo nhánh sông chính và các chi lưu đã phát hiện trên 40 địa điểm có dấu tích văn hóa Sa Huỳnh. Đặc biệt những năm gần đây, số lượng các di tích ở khu vực thượng nguồn sông được phát hiện ngày càng nhiều.

Tại huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn tuy chưa có điều kiện khảo sát thực địa, nhưng qua thông tin người dân địa phương ở các huyện lân cận cung cấp cho thấy tại địa bàn này cũng phát hiện các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh như Trà Tân, Trà Dương (Bắc Trà My), Trà La (Phước Sơn).

Tại huyện Tiên Phước, các di tích văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở ven bờ sông Tranh, sông Tiên (thuộc nhánh sông Khang), gồm các di tích Tiên Hà (gò Miếu và gò Quảng), Tiên Mỹ, Tiên Lãnh. Các di tích Sa Huỳnh ở huyện Tiên Phước được phát hiện từ khá sớm và sau ngày giải phóng đất nước đã bắt đầu có những đợt nghiên cứu khai quật khảo cổ học. Trên địa bàn này, các di tích ngoài tính chất là khu mộ táng, còn phát hiện cả di tích cư trú kết hợp mộ táng của người cổ Sa Huỳnh.

Khu di tích Tiên Hà gồm khu mộ táng gò Quảng và khu di tích cư trú kết hợp mộ táng gò Miếu. Ở gò Miếu khu mộ táng có mật độ khá thưa, niên đại tương đương với địa điểm gò Quảng trong khi đó khu cư trú hiện diện những di vật gợi đến một niên đại sớm hơm, có thể tương đương giai đoạn tiền Sa Huỳnh. Ở gò Quảng, chum mai táng là loại chum hình trụ, nắp hình nón cụt. Đồ tùy táng ngoài đồ gốm như nồi, đĩa còn có thuổng, rựa, dao sắt và các hạt chuỗi đá, mã não, thủy tinh. Dù hiện vật khu di tích Tiên Hà không phong phú nhưng sự phân bố của di tích phần nào chứng minh không gian văn hóa Sa Huỳnh khá đa dạng, và phản ánh tình hình kinh tế miền núi khá rõ nét.

hhhhh

Khai quật địa điểm Hố Bà Đằng – Phước Gia (Hiệp Đức) năm 2016

Nằm trên triền đồi bên bờ hữu ngạn sông Tranh, di tích Tiên Lãnh là một trong những di tích có vị trí quan trọng trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam. Tại Tiên Lãnh, ngoài mộ chum còn phát hiện loại hình mộ đất, đặc biệt có mộ đất chôn theo cặp âu đồng lồng nhau và được đặt úp. Chum mai táng ở di tích này gồm chum hình trụ và hình cầu. Đồ tùy táng mang những đặc điểm chung của văn hóa Sa Huỳnh với đồ gốm như đĩa, bát bồng, nồi,.. được làm bằng tay; đồ sắt như kiếm, đục, dao, giáo,..; đồ trang sức gồm khuyên tai, hạt chuỗi chất liệu đá, thủy tinh, mã não và cả công cụ đá, rìu đồng. Tư liệu khai quật di tích Tiên Lãnh tuy chưa đầy đủ do di tích bị phá hoại nhiều nhưng những phát hiện về táng thức và một số di vật như đồ đồng cung cấp tư liệu mới trong việc tìm hiểu táng thức của cư dân Sa Huỳnh cũng như mối quan hệ văn hóa của cộng đồng cư dân ở đây với bên ngoài.

Tại huyện Hiệp Đức, qua điều tra đến nay phát hiện được 11 địa điểm có dấu tích văn hóa Sa Huỳnh phân bố dọc đôi bờ sông Tranh. Đó là các địa điểm Phước Gia (xã Phước Gia), khe Lành Anh (sông Trà), La Cú, gò Búp (Tân An), Cù Lao, Bình An (Quế Bình), dốc Bạc Lở, bến Đình, gò Xoài, An Toàn (Hiệp Thuận), Bình Kiều (Hiệp Hòa). Trong số các địa điểm này mới chỉ có địa điểm Phước Gia (khu vực hố Bà Đằng) đã được khai quật nghiên cứu khảo cổ học, các địa điểm còn lại chỉ mới điều tra thu thập thông tin.

Kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học cho thấy địa điểm Phước Gia có diện tích phân bố khoảng 1km dọc bờ tả ngạn sông Tranh, kéo dài từ khu vực hố Bà Đằng đến Cồn Bàu. Đây là khu mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh với hai loại hình mộ chum và mộ đất, niên đại khoảng thế kỷ III-II TCN đến đầu CN. Loại hình đồ tùy táng trong mộ chum và mộ đất giống nhau, tuy kết quả khai quật cho thấy đồ tùy táng ở mộ đất không phong phú như mộ chum. Đồ gốm có màu xám đỏ, đỏ nhạt là chủ yếu với chất liệu gốm thô, loại hình chủ yếu là chum hình trụ không vai, nắp hình nón cụt, các loại nồi, bát, chậu, bình,… Hoa văn trang trí trên đồ gốm gồm văn thừng, văn khắc vạch kết hợp văn thừng, đặc biệt hoa văn khắc vạch trang trí thành từng băng hình tam giác hoặc hình nón cụt, bên trong là hai đường khắc vạch dạng vòng cung ngắn song song được xem là chưa tìm thấy trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh khác. Đồ sắt chủ yếu là các loại đục, rựa, rìu, giáo,… mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh và phù hợp với kinh tế nương rẫy ở vùng núi. Đồ trang sức gồm các loại khuyên tai có mấu, khuyên tai vành khăn bằng đá nephit, hạt chuỗi đá mã não, agate, nephrit, amethyst, cườm tấm thủy tinh. Một số đồ đá như rìu, bàn mài vẫn được cư dân ở đây tiếp tục sử dụng. Địa điểm này qua khảo sát cũng ghi nhận sự có mặt của đồ đồng, tuy nhiên chưa xác định được loại hình do các di vật đồng này đã bị người dân làm hư hại chỉ còn lại các mảnh vỡ.

hhhhhhhhh

Đồ trang sức ở địa điểm Bình An (Hiệp Đức)

Tháng 7.2018, trong đợt điều tra khảo sát các di tích văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn huyện Hiệp Đức, tại Bình An (xã Quế Bình), trước đây trong quá trình đào đất làm vườn, người dân phát hiện mộ chum, bên trong có chôn theo các đồ tùy táng bằng gốm, đồ trang sức. Đồ trang sức mà người dân còn giữ lại gồm khuyên tai có mấu, khuyên tai vành khăn bằng đá nephrit, hạt chuỗi mã não màu đỏ cam hình thoi, hình cầu, hạt chuỗi nephrit hình ống, các hạt chuỗi agate, thạch anh trắng, amethyst, kim loại vàng, hạt mã não khắc axit. Các hạt chuỗi kim loại vàng và hạt chuỗi mã não khắc axit là những di vật nhập khẩu từ Ấn Độ, Địa Trung Hải có số lượng khá hạn chế trong các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh, và không phải địa điểm nào cũng phát hiện hạt chuỗi loại này. Tại Quảng Nam hạt chuỗi mã não khắc axit mới chỉ phát hiện ở hạ lưu sông Thu Bồn như Lai Nghi, Hậu Xá, An Bang; hạt chuỗi kim loại vàng mới phát hiện ở gò Mả Vôi, Lai Nghi, gò Mùn, An Bang. Số lượng và chất liệu các đồ trang sức đặc biệt các hạt chuỗi kim loại vàng, mã não khắc axit cho thấy chủ nhân có đời sống vật chất khá giàu có và địa điểm này có niên đại muộn của văn hóa Sa Huỳnh.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hiệp Đức trước đây từng phát hiện trống đồng tại địa điểm khe Lành Anh (nay thuộc xã sông Trà, trước đây thuộc thôn 1B, xã Phước Trà nên thường gọi là trống đồng Phước Trà). Mặt trống có đường kính 82,5cm, hoa văn đúc nổi gồm hình mặt trời có 12 tia ở giữa, 17 vành hoa văn xung quanh gồm hoa văn hình răng cưa kép, hình răng lược, các vòng tròn nhỏ nối nhau, các đường chỉ nổi đồng tâm, chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ, 4 tượng cóc đối xứng. Thân trống có 2 đôi quai kép, trang trí hoa văn hình bông lúa. Tang và chân trống có các dải hoa văn vạch chéo song song, răng lược, vòng tròn nhỏ nối nhau. Căn cứ hoa văn trên mặt trống và phần còn lại thân trống, ông Hồ Xuân Tịnh cho rằng: trống thuộc loại II Heger, niên đại những năm đầu Công nguyên(1). Khảo sát lại địa điểm này, chúng tôi còn được người dân sống tại nơi từng phát hiện trống đồng cho biết, trong trống đồng còn có các đồ trang sức thuộc văn hóa Sa Huỳnh như hạt chuỗi mã não, khuyên tai vành khăn, khuyên tai ba mấu. Tại Bình Kiều (khu vực Thổ Chùa) người dân cung cấp thông tin rằng, trước đây trong lúc đào phá các chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh cũng tìm thấy trống đồng, trong trống đồng có chôn theo di cốt, đồ trang sức mã não… Khả năng những chiếc trống đồng phát hiện ở vùng này có liên quan đến mộ táng của người có địa vị, quyền lực trong xã hội lúc bấy giờ.

Xuôi theo dòng Thu Bồn về huyện Nông Sơn, các di tích văn hóa Sa Huỳnh phân bố thành từng cụm với diện phân bố rộng. Đến nay đã phát hiện được các khu di tích Thạch Bích, gò Chùa (Quế Lâm), Bình Yên (Phước Ninh), Quế Lộc (Quế Trung), Vườn Đình (Quế Lộc), Phú Gia (Quế Phước). Các di tích ở đây hầu hết đã được khai quật nghiên cứu khảo cổ học, trừ địa điểm Phú Gia mới tiến hành điều tra khảo sát.

Khu di tích Quế Lộc (trước đây thuộc xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn) là khu mộ táng thuộc giai đoạn cuối văn hóa Sa Huỳnh với loại chum hình trụ kích thước lớn, không có vai, phân bố theo từng cụm 4-5 chiếc. Đồ tùy táng gồm có đồ gốm với nồi nhỏ, đồ sắt gồm kiếm, rìu, thuổng, dao…; đồ trang sức gồm các loại khuyên tai ba mấu, khuyên tai vành khăn, khuyên tai hình vuông, khuyên tai hai đầu thú, hạt chuỗi mã não. Đây là di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh đầu tiên được tìm thấy ở sâu trong vùng núi, góp phần củng cố nhận thức về không gian phân bố cũng như yếu tố bản địa của văn hóa Sa Huỳnh.

Khu di tích Bình Yên là di tích có vị trí khá quan trọng trong văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam. Di tích Bình Yên phát triển qua hai giai đoạn nối tiếp nhau, giai đoạn Phú Hòa có niên đại 3000-2500BP và giai đoạn Đại Lãnh niên đại 2500-2000BP. Tại đây các chum chôn cạnh nhau thành từng cụm nhưng không cắt phá nhau; ngoài mộ chum còn phát hiện mộ nồi. Đặc biệt ở di tích này còn phát hiện mộ song táng và có mộ chôn theo di cốt người thuộc loại hình hỗn chủng Indonesien và Nam Á. Các chum có hình trụ, nắp hình nón cụt, hình lồng bàn. Đồ gốm tùy táng có nồi, bát, đĩa, bình, cả loại nồi minh khí. Đồ sắt có rựa, thuổng, dao găm, lao có ngạnh, dao có chuôi hình vành khăn,… Đồ trang sức với khuyên tai vành khăn, khuyên tai ba mấu và các loại hạt chuỗi đá, thủy tinh. Bộ đồ đồng ở Bình Yên gồm giáo, rìu đồng, đặc biệt phát hiện chiếc gương đồng có chữ Hán “kiến nhật chi quang, thiên hạ đại minh” (có nghĩa: thấy ánh sáng mặt trời, thiên hạ rực sáng)(2). Từ tư liệu khai quật di tích Bình Yên không chỉ giúp hiểu rõ hơn về niên đại, tính chất, đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh mà còn góp phần nhận thức một số vấn đề về cơ cấu và quan hệ xã hội, hoạt động sản xuất, trao đổi kinh tế, văn hóa nội vùng, liên vùng của cư dân Sa Huỳnh ở miền núi suốt từ giai đoạn sớm đến giai đoạn kết thúc của nền văn hóa này.

Ngoài di tích Quế Lộc, Bình Yên, các di tích gò Chùa, Thạch Bích, vườn Đình cũng là những khu mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở các doi, gò đất cao ven sông. Các di tích này mang những đặc trưng chung của văn hóa Sa Huỳnh giai đoạn muộn với sự phổ biến loại hình chum mai táng hình trụ, đồ trang sức mã não,…

Cho đến nay, mặc dù các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở thượng nguồn sông Thu Bồn chưa được khai quật, nghiên cứu khảo cổ nhiều nhưng qua số lượng các di tích đã phát hiện cho thấy mật độ phân bố di tích ở vùng này khá đậm đặc. Nếu lấy sông Thu Bồn làm trục quy chiếu, không gian phân bố một số di tích có phạm vi khá rộng dọc theo hai bờ sông và đây có thể là những cụm dân cư tập trung gồm nhiều làng của cư dân Sa Huỳnh, chẳng hạn như khu vực Tiên Lãnh – Phước Gia, Bình Yên – Phú Gia, Bình An – gò Xoài – An Toàn,… Các di tích Sa Huỳnh ở vùng thượng nguồn này đa phần đều thuộc giai đoạn phát triển đến giai đoạn kết thúc của văn hóa Sa Huỳnh, với sự phổ biến loại hình chum lớn hình trụ, đồ sắt phát triển và khá nhiều đồ trang sức đá mã não, cả những di vật có nguồn gốc Trung Hoa như gương đồng, âu đồng,… Về mặt táng thức, vào giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh, ở thượng nguồn sông Thu Bồn các di tích bên cạnh loại hình mộ chum còn phát hiện cả mộ đất, bên cạnh chôn đơn táng còn có cả song táng. Số lượng và loại hình các di vật gốm, sắt và đồ thủy tinh phát hiện được minh chứng một nền kinh tế có sức phát triển mạnh. Bên cạnh kinh tế nông nghiệp mà kinh tế nương rẫy, khai thác các nguồn lợi lâm sản từ rừng có phần nổi trội được thể hiện qua các loại hình công cụ sắt đặc trưng như rựa, rìu,… thì các ngành nghề thủ công cũng đạt đến trình độ chuyên môn hóa và xuất hiện những yếu tố riêng biệt như hoa văn trang trí trên đồ gốm ở Phước Gia. Đồ tùy táng chôn theo các mộ táng như trường hợp mộ chôn theo đồ đồng Trung Hoa ở Tiên Lãnh, Bình Yên hay các đồ trang sức quý như hạt chuỗi kim loại vàng, mã não khắc axit ở Bình An không chỉ thể hiện địa vị của người được chôn mà phần nào cho thấy sự phân tầng trong xã hội bước đầu đã diễn ra, một tầng lớp cao hơn giữ vai trò thủ lĩnh địa phương hay đặc biệt giàu có có lẽ đã hình thành.

Xuất phát từ nhu cầu nội tại, ngay từ thời tiền sơ sử việc trao đổi giữa các cộng đồng dân cư đã diễn ra. Trong xã hội Sa Huỳnh ở thượng nguồn sông Thu Bồn, việc trao đổi nội vùng và liên vùng đã diễn ra mạnh mẽ. Miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng với địa hình hẹp, dốc, chia cắt bởi núi đồi thì các dòng sông trở thành phương tiện liên kết các vùng, hình thành hệ thống trao đổi giữa miền ngược và miền xuôi. Sông không chỉ là trục liên kết dọc giữa vùng cao và vùng thấp, miền ngược và miền xuôi mà còn là trục liên kết ngang giữa bờ bên này và bờ bên kia. Những chiếc dao nhọn phát hiện ở Tiên Hà và Phước Gia, đục ở Phước Gia và Tiên Lãnh khá giống nhau, hay loại hình bát đáy bằng ở Phước Gia và Bình Yên cũng có kiểu dáng tương tự biểu hiện mối liên hệ nội vùng giữa các cư dân. Trong khi đó những hiện vật như rìu đồng, trống đồng, gương đồng, âu đồng từ văn hóa Đông Sơn, văn hóa Hán hay hạt chuỗi mã não, agate, mã não khắc axit… từ Ấn Độ cho thấy mối liên hệ liên vùng khá rộng rãi. Trên trục Thu Bồn từ thượng nguồn đến hạ lưu, việc buôn bán, trao đổi giữa các cộng đồng cư dân luôn giữ vai trò quan trọng và có thể được tiến hành trực tiếp giữa các cộng đồng hoặc thông qua trung gian. Sự giàu có của một số khu mộ ở vùng thượng nguồn cho thấy tầm vóc và quy mô của một cộng đồng giữ vai trò trung gian trong việc trao đổi buôn bán(3). Trong mối quan hệ này, cư dân Sa Huỳnh vùng thượng nguồn sông Thu Bồn có thể đã tiến hành khai thác, cung cấp nguyên liệu, lâm sản quý tham gia vào mạng lưới trao đổi ven sông sôi động thời bấy giờ.

Có thể nói, các di tích Sa Huỳnh ở thượng nguồn sông Thu Bồn là phần không thể thiếu trong nghiên cứu các di tích Sa Huỳnh cũng như văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam. Dù khối lượng tư liệu nghiên cứu các di tích ở đây còn ít ỏi nhưng với những phát hiện và nghiên cứu trong thời gian gần đây, một phần bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân Sa Huỳnh vùng núi Quảng Nam thời sơ sử đã được định hình và còn tiếp tục trong thời gian đến.

Chú thích:

(1) Hồ Xuân Tịnh (2007), “Những chiếc trống đồng đã được phát hiện ở Quảng Nam”, 10 năm Bảo tàng Quảng Nam, trang 58.

(2) Dẫn theo Bùi Chí Hoàng, Mariko Yamagata (2004), “Khu di tích Bình Yên và văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam”, Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, trang 99.

(3) Dẫn theo Lâm Thị Mỹ Dung (2017), Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Champa thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ V sau Công nguyên (Một số vấn đề khảo cổ học), Nxb. Thế giới, trang 208.

Xổ số miền Bắc