Đặc điểm đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng

  •  
  • Nghiên cứu triết học
  • Triết học Văn hóa

Đặc điểm đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng

Đời sống tinh thần được hiểu là một phương diện của đời sống xã hội, bao gồm toàn bộ những giá trị sáng tạo của con người, những hiện tượng nảy sinh, những quá trình, những quan hệ, những hoạt động tinh thần, như đạo đức, lối sống, tâm lý, văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo,… được hình thành, tồn tại và phát triển trong những giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội loài người. Đời sống tinh thần không phải là cái chung thuần túy, mà được thể hiện trong một hệ thống: “Con người – hoạt động – giao tiếp – xã hội – lịch sử – ngôn ngữ – văn hóa”(1). Đó là sản phẩm trực tiếp của quá trình lịch sử và giao tiếp, ứng xử xã hội. Đó “không phải là một cơ cấu tĩnh tại, đóng kín mà là một tổng thể đang vận động của các giá trị tinh thần, được thực hiện thông qua hoạt động của con người trên các lĩnh vực khác nhau của sự sáng tạo và hưởng thụ các giá trị tinh thần”(2). Các lĩnh vực của đời sống tinh thần rất rộng lớn, phong phú và đa dạng, từ đời sống tâm linh, đời sống tâm lý, đời sống chính trị, đạo đức, lối sống đến đời sống văn hóa nghệ thuật,… Bài viết này tập trung phân tích đặc điểm đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng với những nét riêng biệt, không lặp lại ở bất cứ vùng văn hóa nào khác.

1. Về đời sống tâm linh(2)

Do đặc thù của điều kiện địa lý – tự nhiên, đặc điểm của hoạt động sản xuất nông nghiệp và cơ cấu tổ chức xã hội, đồng bằng sông Hồng là khu vực phát triển mạnh mẽ nhiều loại hình tín ngưỡng, trong đó nổi bật nhất là tín ngưỡng thờ nhiên thần, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng thờ Thành hoàng.

Là nơi có khí hậu, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên thích hợp cho sản xuất nông nghiệp nên cư dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp trồng lúa nước. Để thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất, người dân nơi đây buộc phải thích nghi với môi trường tự nhiên mà họ đang sống. ở thời kỳ sơ khai, chưa có khoa học kỹ thuật, họ phải dựa dẫm nhiều vào giới tự nhiên. Các hiện tượng tự nhiên được họ sùng bái và tôn thờ thành các vị thần linh có khả năng che chở, phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Do đó, tín ngưỡng thờ nhiên thần như thần sông, thần núi, thần gió, thần đất, thần nước, thần mặt trời… được hình thành như một sự gửi gắm ước vọng của con người về một cuộc sống sung túc, bình an. Tín ngưỡng này đến nay vẫn rất phổ biến, mang đậm sắc thái của nền văn minh lúa nước và là một nhân tố đặc sắc trong văn hóa tâm linh của người dân vùng đồng bằng sông Hồng. Nó thể hiện sự gắn bó bền chặt và lâu dài giữa cư dân nông nghiệp lúa nước với tự nhiên.

Bên cạnh tín ngưỡng thờ nhiên thần, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được coi là một trong những tín ngưỡng đặc trưng của người dân vùng đồng bằng sông Hồng. Trong nền sản xuất nông nghiệp, vai trò của người phụ nữ được đề cao, do đó yếu tố âm, yếu tố nữ rất được coi trọng. ảnh hưởng của lối tư duy trọng phụ nữ, tín ngưỡng thờ Mẫu được hình thành rộng rãi trong các cộng đồng dân cư châu thổ sông Hồng. Tín ngưỡng này gồm nhiều tầng lớp, như tín ngưỡng thờ nữ thần, tín ngưỡng thờ Mẫu thần, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – Tứ phủ,…

Một tín ngưỡng nữa, khá phổ biến trong cộng đồng người Việt nói chung và trong cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Quan hệ gia đình, làng xóm, gia tộc vốn giữ vị trí quan trọng đối với người dân Việt Nam. Đồng bằng sông Hồng với nghề chủ đạo là sản xuất nông nghiệp, đặc trưng bởi sự tự cung, tự cấp, khép kín, tập trung, nơi tụ cư là xóm làng nên tính cố kết cộng đồng rất bền chặt. Điều này tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trong mỗi gia đình vùng đồng bằng sông Hồng đều có bàn thờ gia tiên, được đặt ở nơi cao ráo, trang trọng nhất trong nhà. Nghi lễ thắp hương ông bà, tổ tiên được người dân thực hiện đều đặn trong các ngày rằm và mồng một âm lịch hàng tháng. ở cấp độ dòng tộc, mỗi dòng tộc đều có tộc trưởng và bàn thờ gia tộc. ở cấp quốc gia, người dân đồng bằng sông Hồng thực hiện nghi lễ thờ cúng Hùng Vương vào ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm với ý nghĩa là sự ngưỡng vọng, tưởng nhớ công ơn đối với vị vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của cộng đồng người Việt.

Đặc biệt, do đặc trưng cơ cấu tổ chức xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng là văn hóa làng nên đây là khu vực phát triển các loại hình tín ngưỡng làng xã. Trong không gian văn hóa làng, đình được coi là trung tâm văn hóa, tôn giáo. Đây là không gian thiêng, thờ cúng vị Thành hoàng làng – người có công sáng lập ra làng hay thờ các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Lý Thường Kiệt,… Từ lâu, trong tâm thức của người dân vùng đồng bằng sông Hồng, Thành hoàng được coi là phúc thần, có quyền uy siêu việt và khả năng ban phúc cho dân làng. Thành hoàng cũng là biểu tượng của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ, là sợi dây vô hình gắn kết làng xã, xóm giềng thành một tổ chức thống nhất, đoàn kết. Giống như việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình, thờ cúng Thành hoàng trong phạm vi làng cũng được thực hiện đều đặn trong những ngày húy và những ngày tuần, tiết của năm. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng được hình thành một cách tự nhiên trong cộng đồng người Việt ở đồng bằng sông Hồng, song có sức sống bền vững, thể hiện tâm thức hướng về nguồn cội, tri ân những người có công lớn với đất nước và với làng xã.

Nguồn: Internet

2. Về đời sống tâm lý  

Cư dân vùng đồng bằng sông Hồng là cư dân sống với nghề trồng lúa nước, làm nông nghiệp một cách thuần túy. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của phương thức sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phi tập trung, manh mún, người dân nơi đây thường có tâm lý tiểu nông với các biểu hiện cụ thể như vụn vặt, tùy tiện, an phận, “ăn xổi, ở thì”, kinh nghiệm chủ nghĩa, cục bộ, khép kín,… Đây được coi là đặc trưng tâm lý nổi bật, ăn sâu bám rễ một cách dai dẳng trong mỗi người dân vùng đồng bằng sông Hồng.

Sống quần tụ trong xóm làng với lũy tre, mảnh ruộng, “con trâu đi trước, cái cày đi sau” nên người nông dân ngại đi xa để làm ăn mở mang tầm nhìn mà chỉ muốn “an cư lạc nghiệp”. Từ đó xuất hiện tâm lý cầu an, sống an phận, thủ thường trong lũy tre làng. Họ tự sản xuất trên mảnh ruộng của mình, tự cung tự cấp cho nhu cầu hàng ngày của mình và cảm thấy bằng lòng với cuộc sống thanh đạm, bình dị, tĩnh lặng, ngại sự thay đổi… chỉ lo tính trước mắt chứ không lo tính được lâu dài, chỉ vun vén cho cá nhân mà không lo cho lợi ích của tập thể. Tâm lý cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh cũng theo đó mà phát triển.

Lối sống tiểu nông cũng dẫn tới sự dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, cá nhân ít tự chịu trách nhiệm, ít tính sáng tạo. Thêm vào đó là sự nảy sinh tâm lý cào bằng “xấu đều hơn tốt lỏi”, “trung bình chủ nghĩa”.

Ngày nay, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, tâm lý tiểu nông của người dân vùng đồng bằng sông Hồng đã dần được khắc phục. Vùng đồng bằng sông Hồng đang vươn lên, trở thành vùng có trình độ dân trí cao, đời sống kinh tế khá phát triển. Tuy nhiên, chính mặt trái của kinh tế thị trường cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý của người dân. Kinh tế thị trường đề cao lợi nhuận, tuyệt đối hóa các giá trị vật chất, kinh tế dẫn tới việc xuất hiện tâm lý bất chấp luân thường đạo lý để chạy theo đồng tiền, những giá trị đạo đức có nguy cơ bị băng hoại do những tính toán vị kỷ. Kinh tế thị trường đã làm nảy sinh ở không ít người lối tư duy thực dụng, vụ lợi, tôn sùng vật chất, phô trương, chạy theo danh lợi, lấy đồng tiền làm thước đo giá trị duy nhất của con người. Điều này cũng dẫn tới việc “thương mại hóa” tất cả mọi phương diện của đời sống xã hội, kể cả phương diện đời sống tinh thần.

Những thay đổi mang tính tiêu cực trong đời sống tâm lý của người dân vùng đồng bằng sông Hồng được phản ánh khá cụ thể và rõ nét trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của họ những năm gần đây. Với mức sống khá hơn nhiều so với thời bao cấp, nhiều tổ chức và cá nhân đã tiến hành các nghi lễ cúng bái phô trương, tốn kém. Họ lãng phí không ít thời gian và tiền của vào các cuộc hành hương, rước lễ. Họ đến đền chùa lễ bái không phải với tâm thức về chốn thiền môn thanh tịnh, nơi con người có thể tìm thấy sự an bình, thanh thản, thoát khỏi mọi lo toan, ràng buộc của cuộc sống mà với tâm lý thực dụng hơn, cầu xin có nhiều công danh, tiền tài, lợi lộc,… Hiện tượng mê tín dị đoan gia tăng nhanh, sách báo, băng hình tôn giáo bày bán tràn lan tại các khu di tích tôn giáo. “Thương mại hóa” hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng dẫn tới việc nhiều cơ sở thờ tự, nhất là các điện thờ tư gia lợi dụng lòng tin của các tín đồ, biến nơi tâm linh thành chỗ trục lợi, kiếm tiền bất chính,…

Đó là còn chưa kể đến vào những mùa lễ hội, lợi dụng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh ngày càng lớn của người dân, nhiều địa phương đã tổ chức lễ hội một cách tràn lan để khai thác nguồn thu lớn từ lễ hội. Phần văn hóa tâm linh bị xem nhẹ so với giá trị kinh tế. Tình trạng “lạm phát” hòm công đức, quyên góp diễn ra khá phổ biến. Cảnh tượng xô bồ của trần thế bên ngoài các cơ sở thờ tự từ cờ bạc, bói toán, ăn xin đến xô đẩy, tranh cướp lễ vật đã làm mất đi nét đẹp văn hóa vốn có trong sinh hoạt lễ hội(3).

3. Về đời sống chính trị

Sự song song tồn tại giữa một bên là thể chế chính trị quan phương, tức Nhà nước với một bên là thể chế phi quan phương, tức thể chế chung của thôn, làng (luật tục, hương ước, quy ước) cũng như thể chế của các dòng họ… trong thực hiện tự quản của cộng đồng làng xã là nét nổi bật trong cơ cấu tổ chức làng Việt của người dân vùng đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh bộ máy quản lý hành chính nhà nước, bộ máy quản lý của làng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong thiết chế chính trị – xã hội nông thôn. Bộ máy quản lý của làng có tài sản riêng; có luật tục, hương ước, “pháp đình” riêng để xét xử những vụ kiện tụng của dân làng; có lực lượng tuần phòng riêng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh. Bộ máy quản lý của làng đã góp phần điều chỉnh hành vi của mọi thành viên, chi phối các quan hệ của người trong làng với dân làng, với làng khác và với nhà nước(4).

Hoạt động tự quản trong thiết chế làng được thực hiện trong nhiều mối quan hệ phức hợp, đan xen như quan hệ của cá nhân với các nhóm xã hội, quan hệ giữa các dòng họ với nhau, quan hệ giữa cộng đồng dân cư với dòng họ, quan hệ giữa cộng đồng với các cá nhân trong cộng đồng, quan hệ giữa cộng đồng với từng hộ gia đình,… Đây là một cấu trúc xã hội đa dạng nhưng gắn kết nhau, sự trì trệ hay phát triển của cộng đồng dân cư này đều phụ thuộc vào hoạt động tự quản của làng xã. Điều này, một mặt, khẳng định vai trò to lớn của thiết chế chính trị làng xã; mặt khác, cho thấy tính chất tự trị, tự quản, tự giải quyết công việc của làng xã vùng đồng bằng sông Hồng.

Mỗi làng đều thực hiện quyền tự quản của mình thông qua lệ làng, tức là các luật lệ, thiết chế riêng của làng, do làng tạo ra và có giá trị trong từng làng. Lệ làng được đặt ra và bổ sung theo thời gian cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng làng, và thường trọng tình hơn trọng lý. ở một phương diện nhất định, lệ làng đôi khi còn cao hơn phép nước như dân ta vẫn thường có câu “đất lề, quê thói”, “phép vua thua lệ làng”. Trong cộng đồng tự quản của mỗi làng có ban quản lý làng. Người đứng đầu – trưởng làng, có vị trí đặc biệt quan trọng, được các thành viên cử ra dựa trên nguyên tắc trọng xỉ (trọng lão) nhằm điều hành hoạt động của làng phù hợp với yêu cầu của chính quyền nhà nước cũng như những mục tiêu mà cộng đồng dân cư trong làng đề ra.

Nhằm đảm bảo tính ràng buộc, áp chế đối với đời sống làng xã, lệ làng dần được văn bản hóa thành các hương ước, khoán ước có tính quy chế như một dạng “tập quán pháp” trong khuôn khổ làng. Hương ước là văn bản quy phạm xã hội chứa đựng những quy ước, quy tắc xử sự chung có tính bắt buộc đòi hỏi các thành viên trong cộng đồng phải tuân thủ một cách nghiêm túc, tuyệt đối nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội vốn phức tạp và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp trên địa bàn làng xóm.

Như vậy, sự song song tồn tại giữa một bên là “quyền lực cứng” của Nhà nước và một bên là “quyền lực mềm” của cộng đồng tự quản làng xã đã tạo nên mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa cái gọi là phép nước với lệ làng, giữa pháp luật với hương ước, giữa những quy định bắt buộc với những quy định ràng buộc dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa con người với nhau. Đây cũng chính là đặc điểm nổi bật trong đời sống chính trị của cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng.

4. Về đạo đức, lối sống

Xuất phát từ điều kiện và phương thức sống theo kiểu khép kín, tập trung, quần tụ để sản xuất nông nghiệp tự cấp, tự túc, người dân vùng đồng bằng sông Hồng có lối sống gắn bó, đoàn kết; hăng say, cần cù trong lao động; trọng tình nghĩa xóm giềng, trọng đạo đức, trọng người cao tuổi và trọng danh dự. Tuy nhiên, cũng chính do điều kiện và phương thức sống này, con người ở đây thường khá bảo thủ, khép kín, đầu óc địa phương cục bộ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao.

Xuất phát từ nhu cầu xử lý công việc chung của làng như việc đắp đập, ngăn đê, chống lũ lụt, chống sâu bệnh phá hoại mùa màng; trao đổi kinh nghiệm trồng trọt; tham gia vào các công việc chính trị của đất nước… các gia đình đã đoàn kết thống nhất thành một khối. ý thức tập thể, ý thức cộng đồng, quan hệ nhà – làng – nước, lối sống tương trợ, đùm bọc, giúp đỡ nhau, “lá lành đùm lá rách” nhờ đó được phát huy và củng cố, giúp họ vượt qua mọi khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất.

Bên cạnh ý thức cố kết cộng đồng, người dân vùng đồng bằng sông Hồng còn hết sức cần cù, yêu lao động, bởi họ ý thức sâu sắc rằng với nền sản xuất nông nghiệp truyền thống, thủ công, năng suất lao động thấp, thêm vào đó là bão lũ, dịch bệnh gây mất mùa, nếu họ không chăm chỉ, gắng sức, lười biếng thì sẽ không thể đảm bảo được cuộc sống hàng ngày của chính họ và gia đình. Vì vậy, họ luôn cần mẫn, hăng say, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “năng nhặt chặt bị”, có ý chí vươn lên vượt qua khó khăn trong lao động sản xuất.

Đặc biệt, từ thế hệ này sang thế hệ khác, dân cư vùng đồng bằng sông Hồng thường có lối sống quý trọng con người, trọng tình làng nghĩa xóm. Đây là điều dễ hiểu, bởi trong suốt cuộc đời, trong mọi hoạt động sống, từ lao động, sản xuất đến sinh hoạt văn hóa, người dân vùng đồng bằng sông Hồng chủ yếu gắn bó với làng, với xóm; các mối quan hệ cũng thường bó hẹp trong khuôn khổ làng, xã. Điều này lý giải vì sao người dân trong cộng đồng sẵn sàng “bán anh em xa, mua láng giềng gần” và giải quyết mâu thuẫn theo phương châm “chín bỏ làm mười”, “một điều nhịn là chín điều lành”. Làng trở thành khái niệm hết sức gần gũi, thân thiết, tựa như gia đình mở rộng của mỗi người. Những lúc khó khăn, hoạn nạn hay nhà có việc, người dân trong làng thường nhờ cậy đến sự giúp đỡ của nhau. Trong giao tiếp và ứng xử hàng ngày, họ coi cái tình cao hơn cái lý và thường lấy chữ “hòa” làm đầu, tránh những cãi vã, xô xát làm ảnh hưởng tới tình hàng xóm láng giềng. Trong hoạt động sống, tục, lệ thường cao hơn luật.

Nguồn: Internet

Người dân sống trong cộng đồng làng xã luôn coi trọng đạo đức, luôn hướng suy nghĩ và hành động theo cái thiện. Họ thường dạy con cháu mình rằng, “giấy rách phải giữ lấy lề”; “đói cho sạch, rách cho thơm”; “đói miếng hơn tiếng để đời”… Điều này cũng được phản ánh rõ nét trong các bản hương ước cổ của các làng xã, trong đó có rất nhiều quy định về việc giữ gìn đạo đức cá nhân, giữ gìn nền nếp, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của làng xã và dân tộc.

Sống gắn bó trong gia đình, dòng tộc, làng quê, người dân vùng đồng bằng sông Hồng rất coi trọng thang bậc xã hội, trọng người hiền tài; đồng thời họ coi trọng tôn ti trật tự, coi trọng người già. Mặt khác, trong văn hóa làng, do sự ràng buộc gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng khá mật thiết nên mỗi cá nhân sống nhiều theo dư luận cộng đồng và điều chỉnh hành vi của mình theo dư luận ấy. Với họ, dư luận tốt thì không sao, song dư luận xấu sẽ để lại tai tiếng, điều tiếng. Chính vì thế, họ thường có lối sống trọng danh dự, trọng sĩ diện, thể diện của bản thân trước cộng đồng.

Bên cạnh đó, có thể thấy, phương thức ứng xử nông nghiệp hầu như vẫn chi phối khá nặng nề đến nếp nghĩ và hành động của dân cư khu vực này. Lối sống tiểu nông khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa trên tri thức truyền thống, tập quán, thói quen, kinh nghiệm của từng làng, xóm, hộ gia đình mà thiếu đi sự đổi mới, sáng tạo, chủ động, đầu óc tính toán kỹ lưỡng. Tính chất biệt lập, khép kín, cục bộ địa phương, phường hội, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật cũng biểu hiện khá rõ nét.

Sống trong cộng đồng làng xã nhỏ hẹp, “tâm lý bám làng để an cư lạc nghiệp”(5) ăn sâu vào mỗi người dân. Họ sản xuất theo lối nhỏ lẻ, manh mún, vụn vặt, cách nghĩ và cách làm hạn hẹp, khép kín, không có tầm nhìn xa trông rộng. Họ sống yên phận, thủ thường theo tập quán canh tác cổ truyền trong lũy tre làng và không có nhu cầu tự đổi mới, tìm tòi, sáng tạo. Từ đó họ trở nên lạc hậu, bảo thủ, ngại tiếp cận cái mới, tư duy ít được mở mang.

Ngoài ra, chính cuộc sống co cụm trong làng quê nhỏ hẹp với kinh tế hộ gia đình làm chủ đạo, năng suất lao động thấp, sản phẩm làm ra chỉ đủ cung cấp cho bản thân, gia đình cũng là nguyên nhân sâu xa của thói ích kỷ và đầu óc tư hữu: Ruộng ai người ấy đắp bờ; bè ai người ấy chống; ai có thân người ấy lo,… Đây cũng là cơ sở nuôi dưỡng lối sống hẹp hòi, vị kỷ, cục bộ địa phương, chỉ chăm lo cho lợi ích trước mắt, lợi ích của cá nhân và gia đình mà quên đi lợi ích lâu dài, lợi ích của toàn thể cộng đồng, dẫn tới tình trạng trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ; trâu ta ăn cỏ đồng ta,…

Cách thức sản xuất nông nghiệp tự phát, tự cung, tự cấp, sản xuất cho mình và vì mình, không phải tuân theo những quy luật của thị trường của người nông dân vùng đồng bằng sông Hồng cũng dễ dẫn đến hệ quả là lối làm ăn tùy tiện, thiếu kỷ luật, kỷ cương. Hơn nữa, ý thức tuân thủ pháp luật trong người dân cũng chưa cao, chưa hình thành được thói quen tôn trọng và chấp hành pháp luật bởi họ sống nhiều theo “lệ làng”, sợ “lệ làng” và dư luận hơn sợ “luật”.(5)

5. Về đời sống văn hóa, nghệ thuật

Đồng bằng sông Hồng là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi tập hợp dày đặc các di tích văn hóa và danh lam thắng cảnh, cùng với đó là hàng trăm loại hình lễ hội khác nhau. Đây cũng là không gian bảo tồn nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, như nghệ thuật múa rối nước, ca trù, hát chầu văn, hát quan họ, hát xoan,…

Với bề dày lịch sử văn hóa, đồng bằng sông Hồng cũng là khu vực tập trung nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có giá trị cả về lịch sử xã hội cũng như nghệ thuật điêu khắc. Tiêu biểu nhất là cụm di tích đền, đình, chùa đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, như đền Bà Chúa Kho, đền Đô, chùa Dâu, chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh; tháp Bình Thiên, đền Tranh ở Vĩnh Phúc; khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc ở Hải Dương; đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng;… Hệ thống đình, đền, chùa ở đây thường được xây dựng hòa hợp với môi trường tự nhiên, cảnh quan sơn thủy hữu tình, là nơi diễn ra các sinh hoạt lễ hội của người dân địa phương.

Đồng bằng sông Hồng còn là mảnh đất của hội hè với nhiều lễ hội lớn diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương. Có những lễ hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp – nghề chính của dân cư sông Hồng như lễ hội té nước, lễ hội cầu mưa, lễ hội cầu nắng, lễ hội đua thuyền, lễ hội mừng được mùa, lễ hội chọi trâu… Có những lễ hội mang giá trị lịch sử, tưởng nhớ các danh nhân như hội Gióng (Hà Nội), lễ hội Đền Trần (Nam Định), lễ hội Hai Bà Trưng (Hà Nội),… Có những lễ hội mang tính chất tâm linh gắn với sinh hoạt văn hóa làng của người dân, như hội Lim, hội ó ở Bắc Ninh; lễ hội Phủ Dày ở Nam Định; lễ hội chùa Thầy, lễ hội chùa Hương ở Hà Nội; lễ hội chùa Keo ở Thái Bình;…

Về các loại hình nghệ thuật dân gian, đồng bằng sông Hồng là nơi nổi tiếng với các loại hình nghệ thuật gắn với nền văn minh lúa nước và đời sống sinh hoạt hội hè của người dân như nghệ thuật múa rối nước, nghệ thuật hát chèo và múa dân gian. Tất cả đều là những sáng tạo độc đáo, đặc sắc của cư dân trồng lúa nước vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, phản ánh đời sống sinh hoạt và lao động của người nông dân trên đồng ruộng với bao lo toan vất vả trước thiên tai, địch họa nhưng vẫn lạc quan, yêu đời. Những loại hình nghệ thuật này được lưu truyền từ đời này sang đời khác, dần dần trở thành thú vui tao nhã của người dân trong các dịp lễ lớn, hội làng, hội đền hay hội xuân.

Bên cạnh đó, đồng bằng sông Hồng còn là nơi lưu truyền những loại hình diễn xướng đặc sắc như ca trù, hát chầu văn, hát ví, hát xoan, hát ả đào, hát trống quân, hát quan họ,… Đây là những làn điệu mang đậm bản sắc, hồn cốt của văn hóa Việt. Một số hình thức diễn xướng này đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại cần phải được bảo tồn. 

Kết luận chung:

Đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng là toàn bộ các hoạt động tinh thần nảy sinh trên cơ sở hoạt động thực tiễn của người dân, thể hiện ra qua trong đời sống tâm linh, đời sống tâm lý, đời sống chính trị, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa nghệ thuật,… Đây là sản phẩm trực tiếp của phương thức sản xuất, của quá trình sinh hoạt, của cơ cấu tổ chức xã hội gắn với hoạt động khai hoang, lập nghiệp của dân cư khu vực này. Nó được hình thành trên mảnh đất châu thổ sông Hồng với những điều kiện địa lý tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa đặc thù của vùng miền; do đó, nó mang những đặc trưng riêng thể hiện qua tâm lý, tính cách, lối sống, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa nghệ thuật của cộng đồng dân cư nơi đây. Nghiên cứu những đặc điểm đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng giúp chúng ta có được cái nhìn khái quát về con người ở khu vực này với tất cả các chiều cạnh của nó, từ đó có được nhận thức đúng mức trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong lối sống, văn hóa, chính trị vùng đồng bằng sông Hồng trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. 

 

                 

(*) Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

(1) Dẫn theo: Đào Duy Thanh. Bản chất và quy luật của đời sống tinh thần, http://tamnhin.net.

(2) Học viện Chính trị – Hành chính khu vực II. Những biến đổi về đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc ít người ở miền Đông Nam Bộ hiện nay. Đề tài khoa học cấp Bộ, Phạm Đinh Đạt chủ nhiệm, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013.

(3) Xem: Thương mại hóa lễ hội, www.nld.com.vn.

(4) Xem: Học viện Chính trị khu vực I. Quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng ở nông thôn đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn hiện nay. Đề tài khoa học cấp Bộ, Nguyễn Thị Minh Tâm chủ nhiệm, Hà Nội, 2014.

(5) Cao Thị Sinh. Sự biến đổi của lối sống tiểu nông ở Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, http://www.vanhoahoc.vn/.

Tác giả:
Phạm Thanh Hằng (*)

Nguồn:
Tạp chí Triết học, số 5 (300), tháng 5 – 2016

Các tin khác:

  • Tư tưởng nhân học triết học Kito giáo – Cơ sở cho lối sống của tín đồ Kito giáo trong bối cảnh hiện nay

    (15/04/2022)

  • Về đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng

    (28/03/2022)

  • Xung đột văn hoá

    (25/11/2021)

  • Thời hiện đại còn lại những gì? Triết học và văn hoá trong tiến trình tới kỷ nguyên toàn cầu. (Phần một)

    (25/11/2021)

  • Vấn đề lợi ích kinh tế của người nông dân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay

    (28/10/2021)

  • Vấn đề nâng cao “sức mạnh mềm” văn hóa ở Việt Nam hiện nay

    (18/10/2021)

  • Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng và những hệ quả của nó

    (08/09/2021)

  • Tìm hiểu hoạt động kinh doanh và văn hoá kinh doanh cổ truyền của người Việt Nam

    (24/08/2021)

  • Đặc sắc tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến

    (17/08/2021)

  • Quan niệm về hạnh phúc dưới dạng lý tưởng của nó trong tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam

    (22/07/2021)

Xem tin phát hành ngày:

Xổ số miền Bắc